Phương Thảo (Hà Lan) dịch
(VNTB) – Tại sao Đông Nam Á lại chiếm vị trí quan trọng trong nghị trình làm việc của Giáo Hội Công Giáo Roma?
Trong cuộc phỏng vấn ngày 30 tháng 12, phát ngôn viên của Vatican Federico Lombardi phát biểu trên Đài Phát thanh Vatican rằng Đức Giáo Hoàng Francis chú tâm nhiều đến châu Á, cho thấy đây là một trong những vùng cần để mắt đến tuyệt vời nhất của Giáo hội Công Giáo.
Về chuyến đi của Đức Giáo Hoàng Francis tới Hàn Quốc vừa qua và những chuyến tiếp theo tới Sri Lanka và Philippines, Lombardi cho biết: “Châu Á là một vùng rất quan trọng… Các chuyến đi của Đức Giáo Hoàng cho thấy sự quan tâm của Giáo hội đến vùng đất với số dân lớn hiện nay và cả trong tương lai,”
Những phát biểu của ông ta xác nhận sự chú trọng của Đức Giáo Hoàng đến vùng đất Châu Á – một châu lục mà những người tiền nhiệm của Ngài chưa bao giờ đặt chân đến – như một phần của nỗ lực lớn hơn để tiến gần đến các quốc gia đang phát triển nơi Công giáo đang lớn mạnh lên và cũng nhằm để biểu lộ sự đoàn kết với với các giáo khu nhỏ hơn đang va phải nhiều khó khăn. Vùng Đông Nam Á nằm trong một phần của nghị trình làm việc năm 2015.
Cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đến Philippines, nước có số lượng giáo dân lớn thứ ba trên thế giới, từ ngày 15 đến ngày 19 tháng Giêng sẽ chú trọng đến mục tiêu trước đây. Ở đó Ngài sẽ được chứng kiến cái mà Lombardi gọi là “sự hiện hữu đáng ngạc nhiên của nhân loại” ở châu Á vì hơn 80% người dân Philippines là tín đồ Công giáo – tức vào khoảng 75 triệu người – so với 3% tín đồ Công giáo ở các quốc gia châu Á khác.
Philippines đã chuẩn bị chu đáo cho chuyến công du của Đức Giáo Hoàng tới nước này trong hàng tuần. Đường sá được chặn lại, ngày nghỉ lễ được thông qua và an ninh được thắt chặt trong suốt cuộc viếng thăm của Ngài ở đảo quốc này.
“Và như thế số lượng giáo dân Cơ đốc giáo có thể sẽ lớn mạnh lên và Philippines sẽ là một điểm khởi đầu đầy hứa hẹn.”, vị phát ngôn viên phó của Vatican đã tuyên bố như vậy trong cuộc phỏng vấn của hãng tin Rappler Philippines vào tháng 9 năm 2014.
Các dữ kiện cho thấy trong thế kỷ 20 vừa qua, lượng giáo dân của Giáo hội Công giáo ở Âu châu từ 65% đã giảm xuống còn có 24%; và trong khoảng thời gian đó, số lượng giáo dân sút giảm ở Âu châu lại được bù đắp rất bằng số lượng giáo dân tăng tốc nhanh chóng ở vùng hạ Sahara Phi châu, Nam Mỹ – Caribe, và vùng châu Á Thái Bình Dương, tỷ lệ giáo dân trong các vùng này đã tăng lên hơn gấp hai lần từ 5% (tức 14 triệu giáo dân) lên 12 % (131 triệu giáo dân).
Đức Giáo Hoàng Francis cũng để tâm nhiều hơn đến các quốc gia Đông Nam Á, nơi các con chiên đang vẫn còn là thiểu số và đang phải đối mặt với sự đàn áp tôn giáo đồng thời cũng quan tâm đến điều mà Lombardi gọi là “tình trạng chính trị, xã hội và chính trị rất đa dạng” ở Á châu đã làm cho việc phụng sự Thiên Chúa gặp “ rất nhiều khó khăn.”
Việc bổ nhiệm Hồng y mới đây là một điều chứng thực cho chính sách này của Vatican. Trong số 20 Hồng y được sắc phong lần này trên khắp thế giới và ngày 4 tháng 1 năm 2015 thì có đến ba vị ở vùng Đông Nam Á – Miến Điện, Việt Nam và Thái Lan. Đối với Miến điện, một đất nước Phật giáo chỉ có 500 ngàn giáo dân thì đây là một sự kiện lịch sử bởi đây là vị Hồng y đầu tiên được sắc phong ở quốc gia này.
Việc sắc phong Hồng Y cho Miến Điện xuất hiện vào một thời điểm đầy thú vị, khi mà Miến Điện đang chuẩn bị cho các cuộc bầu cử cuối năm này, việc chuẩn bị bầu cử ấy lại được mở màn một cách ngoạn mục làm gia tăng các phát biểu bài xích và bạo động chống lại các sắc dân thiểu số hay tôn giáo khác ở Miến Điện, chủ yếu là người Hồi giáo Rohingya và cả các con chiên Cơ đốc giáo Kachins.
Giáo hội Công giáo Roma đã rất quan tâm đến cuộc cách mạng ở Miến Điện. Giáo Hội cuối cùng đã có cuộc ăn mừng đánh dấu 500 năm Giáo hội Công Giáo hiện diện ở Miến Điện sau khi quốc gia này trở nên tự do hơn vào năm 2013-2014. Giáo Hội cũng đã kéo các bên đối lập lại với nhau để cùng mở rộng phát triển và thực thi dân chủ ở Miến Điện thông qua cuộc hội kiến của Đức Giáo Hoàng Francis với bà Aung San Suu Kyi ở Vatican vào tháng 10 năm 2013.
Nhân viên Vatican cho hay việc Đức Giáo Hoàng chú trọng đến Miến Điện là nhằm biểu lộ sự quan tâm của Ngài đối với Á Châu và sự yêu mến của ngài đến các giáo khu nhỏ đang phải đối đầu với các thách thức. Những thách thức ấy rất rõ nét ở Miến Điện, vì vậy việc tấn phong Hồng y Charles Maung Bo không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Giám mục Charles Maung Bo là một trong những nhà tiên phong trong nỗ lực tìm kiếm cách khuất phục các thách thức vốn có.
Trong một bài viết trên tờ The Washington Post vào tháng 6, Giám mục Bo nhấn mạnh rằng “nếu Miến Điện thật sự có tự do, hòa bình và phồn thịnh, thì quyền lợi của các sắc dân và niềm tin tôn giáo thiểu số phải được bảo vệ.” Benedict Rogers – người thuộc tổ chức Đoàn kết Công Giáo quốc tế tại Anh mô tả cha Bo như “một trong những nhà lãnh đạo tôn giáo dám lên tiếng về quyền con người, tự do tôn giáo… và các vấn đề bất công khác. ”
Việc tấn phong Hồng y cho Việt Nam không phải nằm ngoài thông lệ như Miến Điện. Giám mục Pierre Nguyễn Văn Nhơn là vị Hồng Y thứ ba ở Việt nam được tấn phong kể từ sau cuộc chiến Việt Nam kết thúc và ông là người kế vị Đức Hồng Y John Baptist Phạm Minh Mẫn, người đã nghỉ hưu hồi năm ngoái.
Nhưng ngay trong quốc gia có số con chiên đang lớn mạnh dần này (6 triệu giáo dân, chiếm 7% dân số Việt Nam) cũng đang có những giới hạn về tôn giáo. Trong báo cáo năm 2014, Ủy ban Tự do Tôn Giáo Quốc tế ở Mỹ cho biết mặc dù đã có sự giảm nhẹ các giới hạn về tôn giáo, chính quyền Việt Nam vẫn có những hành động đàn áp Công giáo như “phân biệt đối xử, bạo hành và ép buộc từ bỏ tôn giáo.”
Một số người nhận định việc vinh danh Đức Giám mục Nguyễn Văn Nhơn có thể sẽ thắt chặt hơn mối quan hệ Hà Nội – Vatican, một mối quan hệ ngoại giao mới được bình thường hóa vài năm gần đây kể từ sau cuộc chiến Việt Nam. Đức Giáo Hoàng đã gởi thông điệp cho thấy thiện ý của Ngài tới các quốc gia Châu Á mà Vatican chưa từng có thiết lập quan hệ ngoại giao.
Dẫu rằng Đức Giáo Hoàng có hướng về phía Châu Á, tờ Wall Street Journal vẫn bình luận rằng thậm chí ngay khi các Đức Hồng Y mới đã được vinh danh thì số lượng Hồng Y ở châu Á tham gia cơ mật viện vẫn không thể tương xứng số lượng con chiên trên toàn thế giới, trong khi ở Châu Âu số lượng Hồng y cử tri vẫn cao hơn gấp hai lần. Sự khác biệt đó cho thấy rằng mục tiêu mở rộng của Giáo Hội Công Giáo ở các nước đang phát triển còn cần phải có một thời gian nỗ lực rất dài.