Việt Nam Thời Báo

Video CSGT vào công trường kiểm tra: Có đúng luật không?

Hiện nay cộng đồng mạng đang lan truyền với tốc độ chóng mặt về video clip CSGT vào công trường kiểm tra. Clip này gây tranh cãi về việc CSGT có được quyền vào công trường kiểm tra không.


Theo xác minh của báo Dân Việt, video clip này ghi lại cuộc làm việc của CSGT- Công an huyện Thanh Ba (Phú Thọ) tại xã Đỗ Sơn.

Trước câu hỏi CSGT có quyền vào công trường kiểm tra không, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VP Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội).

CSGT vào công trường kiểm tra (ảnh từ Videoclip)

Luật sư Đặng Văn Cường khẳng định: “Điều 87, Luật Giao thông đường bộ quy định: Cảnh sát giao thông đường bộ thực hiện tuần tra, kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ…; phối hợp với các cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ”.

Theo luật sư, tại Điều 4, Điều 5, Thông tư 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 của Bộ công an đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ thì Cảnh sát giao thông đường bộ thực hiện tuần tra, kiểm soát có trách nhiệm bảo vệ trật tự an toàn giao thông và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ; thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát để phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp kịp thời các hành vi xâm phạm an ninh, trật tự; nhằm bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn và góp phần giữ gìn an ninh, trật tự.

“Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành thì nhiệm vụ, thẩm quyền của Cảnh sát giao thông rất rộng, bao trùm cả nhiệm vụ xử lý các vi phạm luật giao thông đường bộ đối với người và các phương tiện tham gia giao thông đường bộ; đấu tranh với hành vi xâm phạm an ninh, trật tự an toàn xã hội… Trong đó, không loại trừ trường hợp kiểm tra, xử lý vi phạm với hành vi vi phạm của người và phương tiện thi công công trình (xe máy chuyên dùng), không hạn chế khu vực đang thi công thì không được kiểm tra, thực hiện nhiệm vụ”- Luật sư Cường khẳng định.

“Đối với hành vi vi phạm quy định về thi công, bảo trì công trình trong phạm vi đất giành cho đường bộ sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính Phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng có hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ thì cũng có thể bị CSGT xử lý theo quy định tại Điều 22, Nghị định 171/2013/NĐ-CP”.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: “Như vậy, đối với tình huống và các quy định pháp luật nêu trên, CSGT hoàn toàn có căn cứ pháp lý để kiểm tra, phát hiện và xử lý những vi phạm (nếu có). Cũng cần nói thêm, theo clip trên thì các chiến sĩ cảnh sát giao thông chưa nắm rõ các quy định pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ nên khi bị người dân chất vấn đã không giải thích rõ ràng, khi làm việc với người dân sử dụng những từ như xưng “em”, “vâng, ạ”… là chưa phù hợp”.

“Ngược lại, thái độ ứng xử của người bị kiểm tra với người thi hành công vụ như vậy cũng là chưa đúng chuẩn mực, thể hiện sự thiếu tôn trọng người thực hiện nhiệm vụ, có biểu hiện của hành vi không chấp hành, cản trở việc thi hành công vụ. Hành vi như vậy cũng cần phải rút kinh nghiệm, hành vi này rất dễ dẫn đến hành vi chống người thi hành công vụ nếu một trong hai bên mất bình tĩnh và có nguy cơ bị xử lý theo pháp luật”- Luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, clip trên cũng là một bài học về chuyên môn, ứng xử cho các chiến sĩ CSGT khi thực hiện nhiệm vụ và cũng cần rút kinh nghiệm với thái độ ứng xử chưa phù hợp của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (phương tiện giao thông đường bộ và xe máy chuyên dùng) khi bị CSGT kiểm tra, xử lý.

Hồng Chuyên
(Theo Infonet)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.