Việt Nam là một trong những quốc gia vi phạm quyền tự do Internet trầm trọng nhất, đó là kết luận của tổ chức nhân quyền của Mỹ Freedom House trong bản báo cáo thường niên 2014 về tự do trên Internet, vừa được công bố ngày 05/12/2014.
Blog Quan Làm Báo một thời cũng đã từng gây sóng gió. Ảnh chụp ngày 09/10/2012.Reuters/Stringer |
Trong số 65 quốc gia được Freedom House khảo sát và được xếp hạng từ 0 ( tốt nhất ) đến 100 ( tồi tệ nhất ), Việt Nam sụt từ hạng 75 năm 2013 xuống 76 năm 2014, tức hiện là quốc gia vi phạm tự do Internet trầm trọng hàng thứ bảy thế giới. Trong bản báo cáo này, Freedom House nhận định Việt Nam “ đã không có sự cải thiện nào trong thời gian khảo sát ( từ 05/2013 đến 05/2014 ), ngay cả sau khi Việt Nam đã tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 12/2013 ”.
Báo cáo của Freedom House cũng cho biết là trong vòng 3 năm, con số các công dân mạng bị bắt giam ở Việt Nam đã tăng gấp đôi và trong năm 2014, Hà Nội đã cầm tù số blogger nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác, ngoài Trung Quốc.
Tình hình tự do Internet ở Việt Nam kể từ tháng Năm đến nay cũng chẳng có sự cải thiện nào, mà có vẻ trầm trọng hơn, với việc chỉ trong vòng một tuần, đã có hai blogger bị bắt giữ vì những bài viết bị xem là có nội dung “chống Nhà nước”.
Theo báo chí trong nước, ngày 06/12 vừa qua, nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ trang blog Quê Choa, đã bị “tạm giữ hình sự”. Điều đáng chú ý là thông tin chính thức không cho biết blogger Nguyễn Quang Lập bị bắt vì tội gì, mà chỉ nói là Cơ quan An ninh điều tra công an Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục “điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật” của ông để “xử lý theo quy định của pháp luật”. Nhưng theo bà Hồ Thị Hồng, vợ nhà văn Nguyễn Quang Lập, trả lời RFI ngày 06/12, công an đã bắt giữ và khám xét chồng bà chiếu theo điều 258 bộ Luật Hình sự Việt Nam, về tội “ lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước”.
Vụ bắt giữ blogger Nguyễn Quang Lập gây rúng động dư luận không chỉ vì ông là một nhà văn nổi tiếng, mà còn ở chỗ là tình trạng sức khỏe của ông hiện rất kém ( ông bị liệt nửa người và đang uống thuốc điều trị ).
Trước nhà văn Nguyễn Quang Lập, một blogger khác là giáo sư Hồng Lê Thọ, 65 tuổi, Việt kiều Nhật về nước sinh sống, chủ trang blog “Người Lót Gạch”, cũng đã bị “tạm giữ hình sự” vào ngày 29/11 chiếu theo điều 258 bộ Luật Hình sự. Về trường hợp ông Hồng Lê Thọ, Cơ quan an ninh điều tra nói rõ là ông đã đăng tải trên mạng những bài viết “có nội dung xấu, thông tin sai lệch làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân với cơ quan Nhà nước”.
Tổ chức Phóng viên Không biên giới, trụ sở tại Paris, ngày 02/12 đã phản đối vụ bắt giữ blogger này, qua một thông cáo tựa đề “ Làn sóng bắt bớ vì ‘’lạm dụng quyền tự do dân chủ” tiếp diễn’’ “.
Vụ bắt giữ hai blogger nói trên cho thấy là chính quyền Hà Nội vẫn duy trì chính sách đàn áp tự do thông tin trên mạng. Tháng 10 vừa qua, họ đã trả tự do cho blogger nổi tiếng Nguyễn Văn Hải, tức Điếu Cày, nhưng đó là do áp lực rất mạnh của Hoa Kỳ và blogger này chỉ được thả ra với điều kiện ông phải chấp nhận sống lưu vong tại Mỹ, chứ không được ở lại Việt Nam.
Một blogger nổi tiếng khác cũng tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận trong nước cũng như quốc tế, đó là ông Nguyễn Hữu Vinh, tức Ba Sàm, bị bắt “khẩn cấp” vào đầu tháng 5 năm nay, cũng với tội danh “ lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Vào tháng 11, bà Lê Thị Minh Hà, vợ của blogger Ba Sàm đã gởi kiến nghị lên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để yêu cầu đình chỉ vụ án này, vì theo bà, lệnh bắt khẩn cấp chồng bà đã vi phạm Bộ luật Tố tụng Hình sự, do lệnh này dựa trên chứng cứ được thu thập “một cách bất hợp pháp”.
Tự do thông tin trên mạng ở Việt Nam hiện nay càng bị kiểm soát chặt chẽ hơn trong bối cảnh mà đấu đá trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam càng gay gắt và không loại trừ khả năng là một số blogger đã là nạn nhân của những đấu đá đó. Trang web truongtansang.net khi loan tin về vụ bắt giữ nhà văn Nguyễn Quang Lập ngày 06/12, không hiểu căn cứ vào đâu, đã viết rằng blogger này bị bắt vì đã viết và đăng tải lên mạng rất nhiều bài “gây chia rẽ nội bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, như xúc phạm, bôi nhọ uy tín của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng lại đề cao vai trò của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang…”
Thanh Phương
(RFI)