Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã gửi công hàm để phản đối tuyên bố chủ quyền sai trái và những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters
Trong công hàm số 344/HC-2015 đề ngày 29/12/2015, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc nêu rõ rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Liên Hợp Quốc và luật Biển 1982.
Công hàm nhắc lại rằng Việt Nam cương quyết bác bỏ những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Đông, cũng như lập luận của Trung Quốc rằng chủ quyền và những quyền liên quan của Trung Quốc ở Biển Đông đã hình thành từ rất lâu trong lịch sử. Việt Nam phản đối những hoạt động tôn tạo, xây dựng mà Bắc Kinh đang thực hiện đối với các đảo trong Biển Đông.
“Những lời tuyên bố và khẳng định của Trung Quốc không hề có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tế”, công hàm nhấn mạnh.
Nội dung công hàm cũng khẳng định rằng Việt Nam, với tư cách là một quốc gia ven biển và tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, bảo lưu mọi quyền và lợi ích hợp pháp ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Công hàm của Việt Nam được gửi lên Liên Hợp Quốc là để đáp trả công hàm trước đó của Trung Quốc về tình hình biển Đông số CML/79/2015 gửi ngày 11/12/2015.
Bộ Ngoại giao Việt Nam từng nhiều lần phản đối những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Hôm 8/5/2015, ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói: “Những hoạt động tôn tạo, mở rộng đảo, đá mà Trung Quốc đang tiến hành đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế, bao gồm ASEAN”.
Sau khi Trung Quốc thông báo họ sắp hoàn tất quá trình bồi lấp các đảo, bãi đá ở Biển Đông, ngày 25/6/2015, ông Lê Hải Bình nêu rõ: “Những hoạt động xây dựng, mở rộng đảo, đá quy mô lớn của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp; không thay đổi được thực tế là Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa; nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có những hành động làm phức tạp tình hình, thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.”
Năm 2014, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chiến dịch bồi đắp quy mô lớn ở ba bãi đá, bãi cát chính thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam – gồm Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi. Bắc Kinh cho cải tạo một khu vực có diện tích 8 km2 – tương đương 90 sân bóng – trong chưa đầy hai năm.
Hồi tháng 9/2015, trong chuyến thăm Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa các đảo ở Biển Đông. Song nhiều ảnh từ vệ tinh cho thấy họ đang xây ba đường băng có khả năng phục vụ cả phi cơ ném bom trên những đảo nhân tạo bồi lấp trái phép. Quy mô và tốc độ bồi đắp đảo của Trung Quốc ở Trường Sa khiến những nước có lợi ích ở Biển Đông lo lắng.
Bắc Kinh từng thông báo hồi tháng 6/2015 rằng quá trình tạo đảo (bằng cách đưa trầm tích từ đáy biển lên bãi đá) sẽ sớm kết thúc. Từ đó tới nay, Trung Quốc tập trung vào xây dựng các công trình. Họ đã xây cảng, các tòa nhà quân sự, sân bay trên vài đảo. Một số ảnh gần đây cho thấy Bắc Kinh đang xây thêm hai đường băng, New York Times nhận định.
Dù các đảo nhân tạo không đủ lớn để các đơn vị quân đội lớn có thể đồn trú, chúng sẽ vẫn cho phép Trung Quốc tuần tra trên biển và trên không ở Biển Đông. Giới chức Mỹ từng thông báo họ phát hiện Trung Quốc đưa các cỗ pháo cơ động tới những đảo này. Nhóm đảo nhân tạo cũng cho phép Trung Quốc tăng mức độ kiểm soát đối với hoạt động khai thác hải sản ở Biển Đông.
Các phương tiện của Trung Quốc phá nhiều bãi đá để làm nền cho những đảo mới. Quá trình phá các bãi đá gây thiệt hại lớn đối với hệ sinh thái biển quanh nhóm đảo. Frank Muller-Karger, giáo sư bộ môn Sinh học hải dương của Đại học South Florida ở Mỹ, giải thích rằng trầm tích có thể lắng trở lại đáy biển, tạo nên những cột bụi có khả năng gây nên tác động xấu đối với sinh vật biển. Trầm tích cũng có thể mang theo kim loại nặng, dầu và các loại hóa chất khác từ các tàu và những công trình mà Bắc Kinh xây trên đảo. Những cột trầm tích dưới biển đe dọa những bãi đá có mức độ đa dạng sinh học cao thuộc quần đảo Trường Sa.
Theo Zing