Việt Nam Thời Báo

Việt Nam: Trở thành tỷ phú nhờ mua được ‘chính sách?’

Người Việt

Sự kiện hệ thống truyền thông Việt Nam chủ động xoay mũi dùi mà thủ tướng Việt Nam chĩa vào Vingroup sang… hướng khác dường như là giọt nước làm tràn ly phẫn nộ đối với tập đoàn này.

Phối cảnh Vinhomes Liễu Giai. Một trong hai “điểm nhấn đô thi” tại “nội đô lịch sử” cùng thuộc Vingroup. (Hình: vinhomes29lieugiai.org)
Hôm 29 Tháng Mười Hai, tại cuộc họp giữa lãnh đạo chính phủ Việt Nam với giới lãnh đạo chính quyền các tỉnh, thành phố, ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng Việt Nam đã chỉ trích gay gắt quy hoạch đô thị ở Hà Nội. Theo đó, sở dĩ môi trường, giao thông,… ở Hà Nội trở thành thảm trạng khiến hệ thống công quyền loay hoay tìm hoài không ra lối thoát là vì chính quyền thành phố này phóng tay cấp giấy phép cho xây dựng hàng loạt cao ốc khiến hạ tầng quá tải.

Ông Phúc dẫn trường hợp cho xây dựng cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ làm ví dụ và nêu câu hỏi: Ai cho phép xây cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ? Không có lý thuyết nào về quy hoạch lại chấp nhận chuyện cho xây dựng tại một nơi như Giảng Võ cao ốc 50 tầng, với hàng ngàn căn hộ cao cấp. Nếu mỗi gia đình có hai xe hơi thì ra vào, qua lại thế nào? Nếu khoảng đất trống nào cũng cấp giấy phép xây dựng cao ốc hết thì Hà Nội sẽ ra sao?

Cũng theo lời của thủ tướng Việt Nam thì ông ta từng yêu cầu chính quyền thành phố Hà Nội kiểm tra và báo cáo về trường hợp cấp giấy phép xây dựng cao ốc 50 tầng tại Hà Nội trước ngày 15 nhưng tới 29 Tháng Mười Hai vẫn chưa nhận được báo cáo.

Cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ là một tổ hợp bao gồm văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp, dự trù mang tên Vinhomes Giảng Võ, mới khởi công hồi hạ tuần Tháng Mười trên nền của trung tâm triển lãm Giảng Võ, diện tích 6.8 héc ta, nằm giữa lòng Hà Nội.

Chủ đầu tư Vinhomes Giảng Võ là ba tập đoàn tư nhân: Tập đoàn Vingroup, tập đoàn T&T, và tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Trong ba tập đoàn này, Vingroup là cái tên mà gần như không người Việt nào không biết. Chủ tịch Vingroup là ông Phạm Nhật Vượng, 48 tuổi.

Ông Vượng là người được gửi sang Nga du học năm 1987. Tại Nga, ông Vượng trở thành một trong những “soái” (cách cộng đồng người Việt ở Nga và Đông Âu gọi những ông trùm đứng phía sau tất cả những hoạt động kinh doanh cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp) nổi tiếng nhất. Giống như nhiều “soái” khác, sau khi Việt Nam “đổi mới,” ông Vượng quay trở về Việt Nam đầu tư và trở thành “soái” thành công nhất.

Vincom rồi Vingroup của ông Vượng liên tục được cấp giấy phép đầu tư các dự án bất động sản trên những khu đất được ví là “vàng” trên khắp Việt Nam, kể cả những khu đất thuộc Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An. Những dự án bất động sản đó góp phần đưa ông Vượng vào danh sách các tỷ phú trên thế giới do Forbes công bố hàng năm. Tên ông Vượng xuất hiện trong danh sách này vào năm 2013 (xếp thứ 974 với tổng giá trị tài sản là $1.5 tỷ). Sau ba năm, mới đây, theo xếp hạng của Forbes, ông Vượng xếp thứ 916 trong danh sách các tỷ phú trên thế giới với tổng giá trị tài sản là $2.2 tỷ (trong ba năm tổng giá trị tài sản tăng thêm $700 triệu).

Có một điểm đặc biệt là dù các dự án bất động sản của ông Vượng có rất nhiều điểm bất thường và gây ra đủ thứ xáo trộn về mọi mặt nhưng ông Vượng chưa bao giờ bị hệ thống truyền thông Việt Nam chỉ trích. Những thông tin bất lợi cho Vingroup rất hiếm.

Chỉ trích của ông Phúc, thủ tướng Việt Nam đối với cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ cũng thuộc loại hiếm vì rất nhiều người biết chủ đầu tư là ông Vượng.

Tuy nhiên ngay cả thủ tướng Việt Nam cũng không thể tạo ra ngoại lệ. Lúc đầu, rất nhiều bài tường thuật cuộc họp của chính phủ Việt Nam hôm 29 Tháng Mười Hai, đưa chi tiết cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ vào tựa vì báo giới ở đâu cũng biết độc giả của họ quan tâm đến điều gì. Tuy nhiên ngay sau đó hệ thống truyền thông Việt Nam đồng loạt sửa tựa, bỏ chi tiết cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ.

Chẳng hạn, Zing đổi tựa: “Thủ tướng: Ai cấp phép xây cao ốc 50 tầng ở Giảng Võ” thành “Hà Nội, TP.HCM cần rà soát lại qui hoạch đô thị.” Đài Phát Thanh Quốc Gia (VOV) thì đổi tựa: “Thủ tướng nói về việc xây chung cư cao tầng ở khu đất Giảng Võ” thành “Cám ơn thủ tướng…”

Trong khi cả hệ thống công quyền lẫn hệ thống truyền thông Việt Nam cùng “ngậm tăm” trước sự kiện vừa kể thì một facebooker là Nguyễn Anh Tuấn viết status: “Vingroup thật đáng xấu hổ khi làm giàu bằng tham nhũng chính sách.”

Nguyễn Anh Tuấn đã lục tìm, sắp đặt chuỗi sự kiện có liên quan đến Vingroup và khu triển lãm Giảng Võ để chứng minh giữa Vingroup và chính quyền Hà Nội có một thương vụ mua bán chính sách.

Theo đó, cuối năm 2014, Vingroup được ông Nguyễn Tấn Dũng, khi ấy là thủ tướng Việt Nam, chọn làm “nhà đầu tư chiến lược” (sở hữu 80% cổ phiếu) của công ty triển lãm Giảng Võ (sở hữu khu triển lãm Giảng Võ). Lý do Vingroup được chọn vì tập đoàn này hứa sẽ đầu tư vào khu Triển lãm Giảng Võ để biến nơi này thành một trung tâm triển lãm hiện đại hơn.

Tháng Ba năm 2015, công ty triển lãm Giảng Võ tổ chức bán đấu giá 9.8% trong số 20% cổ phiếu còn lại nhưng giới đầu tư không mặn mà và Vingroup tiếp tục là nơi bỏ tiền mua gần như toàn bộ số cổ phiếu được rao bán này. Nhờ vậy, Vingroup nắm gần 90% cổ phiếu của Công ty Triển lãm Giảng Võ.

Theo facebooker Nguyễn Anh Tuấn, sở dĩ giới đầu tư không mặn mà với cổ phiếu mà công ty triển lãm Giảng Võ rao bán hồi Tháng Ba năm 2015 vì: 1- Quy hoạch về xây dựng của Hà Nội xác định khu triển lãm Giảng Võ nằm trong khu vực gọi là “nội đô lịch sử” bị hạn chế về chiều cao của công trình. 2-Tình hình tài chính của công ty triển lãm Giảng Võ không sáng sủa (lợi nhuận sau thuế chỉ từ 3 đến 6 tỷ đồng), Vingroup đổ tiền vào công ty triển lãm Giảng Võ thì cũng chỉ là đầu tư xây dựng trung tâm triển lãm hiện đại hơn, nên viễn cảnh cổ phiếu sinh lợi mờ mịt.

Đùng một cái, Tháng Tư năm 2016, chính quyền thành phố Hà Nội ban hành “Quy hoạch công trình cao tầng nội đô.” Theo quy hoạch này, trong khu vực “nội đô lịch sử” chỉ có hai nơi được phép xây quá 39 tầng để làm “điểm nhấn đô thị” là: Khu triển lãm Giảng Võ “được phép xây dựng 50 tầng” và lô đất số 29 Liễu Gia “được phép xây dựng 45 tầng.”

Facebooker Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, cả hai (khu triển lãm Giảng Võ và lô đất số 29 Liễu Giai) đều của Vingroup! Nguyễn Anh Tuấn nêu thắc mắc, tại sao cả hai “điểm nhấn đô thị” đều rơi đúng vào hai lô đất của Vingroup? Không lẽ “chính quyền thành phố Hà Nội ‘làm chính sách’ cho Vingroup?”

Facebooker Nguyễn Anh Tuấn nhận định, chuyện vừa kể là “tham nhũng chính sách,” là một ví dụ minh họa về những “nhóm lợi ích” xem hệ thống công quyền như “công cụ của riêng chúng để đưa ra những chính sách làm lợi cho chúng, gây thiệt hại cho cộng đồng, quốc gia.”

Facebooker Nguyễn Anh Tuấn lưu ý, nếu thông báo khu triển lãm Giảng Võ được xây cao ốc 50 tầng và tổ chức đấu giá công khai thì tổng số tiền thu về cho ngân sách chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều so với con số 21.5 triệu/m2 đang thu từ Vingroup sao. Vingroup chỉ bỏ ra 1,500 tỷ để mua gần 90% cổ phần của công ty triển lãm Giảng Võ, trong khi giá đất ở khu vực này hiện khoảng từ 200 triệu đến 300 triệu/m2.

Facebooker Nguyễn Anh Tuấn nhắn hỏi Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng: Làm giàu bằng tham nhũng chính sách, đạp lên lợi ích của quốc gia như thế thì có gì đáng tự hào?

Đến giờ cũng chỉ có người sử dụng Internet tại Việt Nam chia sẻ với nhau những thông tin và thắc mắc này. Hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông tiếp tục lặng thinh.


Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo