Hoài Ngọc
(VNTB) – Điều kiện tiên quyết: môn Sử phải tránh được nạn chính trị hóa khắc nghiệt.
Mấy năm nay các diễn đàn khoa học xã hội nhân văn nước ta bỗng nhiên sôi động tranh cãi về môn Sử, sôi nổi trên báo chí, thậm chí vào tận diễn đàn quốc hội. Xưa nay trong KHXH-NV, công luận thường chỉ sôi sục về văn chương và chính trị thôi. Tự bao giờ họ nhầm tưởng môn chính trị tức là môn sử (hai trong một).
Tình trạng học sinh thi môn Sử phổ thông đạt điểm kém, thí sinh không chọn môn sử nếu được tự chọn, thí sinh không chọn ngành sử đại học… Có thể coi đó là cuộc “biểu tình” phản đối môn sử của học sinh phổ thông Việt Nam. Các nhà quản lý bấy giờ mới giật mình.
Nhiều người giật mình vì bây giờ mới cảm thấy tầm quan trọng của môn Sử.
Bởi vì trong nửa thế kỷ qua, môn Chính trị hầu như thay thế môn Sử rồi.
Môn Sử bị coi rẻ trong xã hội, ngay cả ngành Giáo dục cũng coi rẻ thì ôi thôi còn trông cậy vào ai nữa?
Dẫu sao việc soạn sách sử vẫn là điều kiện tiên quyết (điều kiện cần), kế đó chọn phương pháp dạy học (điều kiện đủ). Giả sử có sách tốt mà thiếu một phương pháp dạy-học hiện đại thì cũng chưa đạt yêu cầu môn học.
Điều kiện tiên quyết: môn Sử phải tránh được nạn chính trị hóa khắc nghiệt.
Khoa sử có một số phạm trù cơ bản như sự kiện lịch sử, giai đoạn lịch sử, cột mốc lịch sử và nhân vật lịch sử (phần cứng). Bên cạnh đó là các thao tác bình luận cơ bản như giải thích, đánh giá và rút ra bài học lịch sử (phần mềm).
Nhân dịp 30/4 năm nay, chúng ta thử làm hai câu trắc nghiệm sử học.
Giai đoạn lịch sử
Câu 1: Tên nào đúng nhất trong a, b, c, d:
Chiến tranh Việt Nam 1954-1975 là:
- Cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược
- Cộng sản Bắc Việt xâm lăng miền Nam (VNCH)
- Cuộc chiến ý thức hệ (chiến tranh ủy nhiệm*[1] giữa hai hệ thống Cộng sản và Dân chủ)
- Nội chiến Việt Nam
Nhà sử học chân chính và học sinh giỏi nên chọn đáp án c.
Yêu cầu sử học là gọi đúng tên nhân vật, sự kiện, cột mốc và giai đoạn trong sử học.
Khi dạy học, cho dẫu GV nhắm sẵn một đáp án nào đó, thầy cô vẫn phải cho h/s thảo luận tranh luận thoải mái với các giải thích khác nhau. Chẳng hạn: sự kiện cuộc tấn công Mậu Thân 1968 gây tổn thất như thế nào? Ai thắng ai thua ? Tìm nguồn trên internet làm chứng.
Người Mỹ khi bàn về tên gọi cuộc chiến cũng trải qua nhiều tranh luận sôi nổi, họ đã tạm chọn đáp án: The Vietnam War.
Cột mốc lịch sử
Đừng nhìn vào khẩu hiệu biểu ngữ giăng giăng trên đường, đi qua đi lại, nhìn riết cũng thuộc lòng.
Bài ca và thơ phú rổn rảng trên đài, nhảy múa xanh đỏ trên sân khấu chỉ là cảm xúc bồng bột của nhạc sĩ, ca sĩ (dù họ viết trung thực. Con gái của Tố Hữu hiện định cư bên CHLB Đức cũng từng trả lời nhà báo ANTG rằng hồi xưa cha tôi làm thơ, dù thế nào, cũng trung thực với lòng mình !).
Nhà sử học cần suy ngẫm nghiêm túc, đừng viết sử hùa theo nhà thơ, nhạc sĩ và ca sĩ.
Câu 2: Hãy chọn câu trả lời đúng nhất trong a,b,c,d
Ngày 30 tháng 4 được gọi là:
a. Ngày giải phóng miền Nam
b. Ngày chấm dứt chiến tranh
c. Ngày thống nhất đất nước
d. Ngày giải phóng miền Bắc
Dùng biện pháp loại trừ dần dần, sẽ có đáp án tối ưu.
Chọn câu nào đúng nhất và thuyết minh ngắn gọn.
Dự kiến kết quả trắc nghiệm:
Học sinh kém, dưới trung bình và trung bình sẽ chọn ngay câu a, dễ ăn nhất, bởi đài báo nhà nước, sach vở và thầy cô nói ra rả, sẽ đạt điểm trung bình trở lên là chắc ăn.
Học sinh trên trung bình tới khá sẽ chọn câu b và c. Câu bvà ccó vẻ đúng về bề ngoài, bề mặt.
Nhà sử học chân chính, GV giỏi và HS giỏi sẽ chọn câu d.
Đáp án: Câu d giải phóng miền Bắc là đúng nhất, vì nó chỉ đúng bản chất lịch sử, tiến trình lịch sử, dẫn đến hiện trạng ngày nay.
Câu trắc nghiệm này quả là khó nhất. Nhìn tổng thể, sau 1975 kéo thêm 10 năm khủng hoảng, Việt Nam đã chọn con đường mà miền Nam đã đi từ trước. Miền Bắc đã âm thầm lặng lẽ từ bỏ con đường XHCN. Nói cách khác, sau 1975 cả nước đã đi con đường kinh tế thị trường và dân chủ hóa mà miền Nam đã đi trước nhiều năm. Nghĩa là, miền Nam đã “giải phóng”, thay thế hệ ý thức miền Bắc, giải phóng bên trong bản chất, mặc dù bề ngoài là “miền Bắc giải phóng miền Nam”.
Kết
Về nhân vật lịch sử
Tùy thuộc vào quan điểm về các yếu tố ở trên (giai đọan, cột mốc, tên gọi…), người ta sẽ gọi đúng tên nhân vật lịch sử cho thích hợp.
Tuy nhiên, với tinh thần trung dung và khách quan khoa học, xin cứ gọi nhân vật lịch sử là ông, bà kèm chức vụ cũ. Đề nghị các nhà sử học, GV sử tránh gọi theo cảm tính, quán tính, tức là áp đặt quan điểm chính trị cho H/s, mớm lời cho H/s, khiến họ lười biếng và trở nên vô dụng.
Một số đề tài, đề bài gợi ý
Sử Việt Nam diễn ra trong mối quan hệ với môn Lịch sử thế giới. Nhà sử học không thể tách rời khi nghiên cứu và giảng dạy.
Sau khi đã giải quyết các vấn đề cơ bản trên, nhà giáo dạy sử có thể nêu ra nhiều bài trắc nghiệm khác nhằm xây dựng và phát triển tư duy sử học:
– Sau chấm dứt cuộc chiến 1975, Việt Nam có cần phải mang ơn Liên Xô, Trung Quốc đã “chi viện giúp đỡ” mình không? Thực ra, ai phải mang ơn ai (tiền tuyến hay hậu phương)?
– Tìm hiểu con số tổn hại tính mạng cả hai bên.
– Miêu tả sự tổn thất tinh thần của người Việt Nam.
– Phân tích ca từ “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ nhà thơ Văn Cao.
– Ai có quyền quyết định bước đi của lịch sử dân tộc trong quá khứ ? (cá nhân / một tập đoàn/ một đảng phái hay toàn dân ?)
– Câu hỏi giả định: nếu không có cuộc chiến 1954-75 thì vị trí Việt Nam có thể sánh với ai hiện nay (Bắc Triều Tiên, Hàn quốc, Singapore, Đài Loan … ) ? Từ đó rút ra bài học lịch sử.
Chưa kể “diễn đàn sử học” tự phát trong những cuộc trà dư tửu hậu, rải rác trên mạng xã hội mà mấy năm gần đây bắt đầu cuốn hút những người có tâm với vận mệnh đất nước.
*[1]. “Chiến tranh ủy nhiệm”: Miền Bắc nhận là đội xung kích của hệ thống cộng sản, đứng đầu là Liên Xô (Vui gì hơn làm người lính đi đầu/ trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa– thơ Tố Hữu). Miền Nam tự nhận là tiên phong bảo vệ thế giới tự do dân chủ, đứng đầu là Mỹ. Bắc Việt Nam được hệ thống XHCN ủy nhiệm cho tiến hành chiến tranh trực tiếp, là “tiền tuyến”, còn hệ thống XHCN đứng sau lưng với vai trò “hậu phương”.