Dân Trần
(VNTB) – Nhà nước tập trung xây tượng đài để ngắm thay vì xây trường học cho trẻ em
Tại thành phố Vinh (Nghệ An) hiện chỉ có ba trường công lập là Trường THPT Hà Huy Tập, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và Trường THPT Lê Viết Thuật. Trường cấp 3 Lê Viết Thuật là ngôi trường công lập gần nhất được xây dựng tại Vinh, từ năm 1976, đến nay đã 48 năm.
Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, số học sinh lớp 9 ở TP Vinh lên tới 6.218 em, cao hơn năm trước 796 em. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu lớp 10 của ba trường công lập là chưa đến 2.500 học sinh. Như vậy, sẽ có hơn 3.700 học sinh buộc phải vào các trường tư với mức học phí sẽ cao hơn nhiều so với trường công. (1)
Thế nhưng thay vì xây trường, nhà cầm quyền tại đây lại xây thêm tượng đài. Mới nhất, ngày 16/4, Nghệ An vừa tổ chức lễ khánh thành tượng đài Lenin. Được biết, bức tượng này có trọng lượng 4,5 tấn, bằng đồng nguyên chất, được tỉnh Ulyanovsk đúc tại Nga và chuyển tặng Nghệ An vào cuối năm 2023. Tuy không tốn tiền đúc tượng, nhưng một số thông tin cho thấy chi phí xây dựng toàn bộ công trình này vẫn lên tới 8 tỷ đồng.
Ngoài ra tại Vinh còn có nhiều công trình tượng đài trị giá hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng khác như tượng đài Công nông Xô Viết Trường Thi – Bến Thuỷ khánh thành năm 2010, kinh phí 45 tỷ.
Cách tượng Lenin khoảng 4 km là tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh với kinh phí xây dựng lên tới 93 tỷ đồng. Công trình này khánh thành năm 2010, nhưng năm 2016 báo chí Nhà nước đã phát hiện nhiều hạng mục hư hỏng, xuống cấp, hay hoang phế.
Và nhất là công trình cách tượng Lenin khoảng 1 km: khu quảng trường và tượng đài Hồ Chí Minh khánh thành năm 2003. Tượng đài làm bằng đá hoa cương 18 m kể cả phần bệ, nặng 150 tấn. Tượng nằm trên quảng trường có tổng diện tích trên 11 ha, trong đó gồm cả một ngọn núi giả rộng 4 ha phía sau tượng. Tuy không công bố kinh phí, nhưng con số sẽ không dưới 1000 tỷ đồng theo thời giá hiện tại. Vì năm 2015 tỉnh Sơn La cũng muốn xây dựng một công trình tượng đài Hồ Chí Minh tương tự với tổng mức đầu tư được công bố là 1.400 tỷ đồng.
Như vậy, trong 48 năm thành phố Vinh không xây thêm trường cấp 3 công lập nào, nhưng chỉ trong vòng khoảng 20 năm nay thành phố này đã cho xây ít nhất 4 khu tượng đài, với tổng kinh phí không dưới 1500 tỷ. Đó là chưa tính chi phí duy tu, bảo trì, sửa chữa hàng năm cũng phải tiêu tốn không ít tiền ngân sách.
Xài sang là vậy, nhưng Nghệ An lại tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh nghèo nhất Việt Nam. Nhiều năm liên tục tỉnh phải xin gạo cứu đói để phát cho người dân. Đầu năm 2024, tỉnh này được cấp hơn 1.080 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để giải quyết nạn đói cho dân nghèo. Năm 2023, con số này là gần 1.326 tấn gạo. Tính tới đầu năm 2020, số lượng hộ nghèo của tỉnh Nghệ An là 41.041 gia đình, hộ cận nghèo là 75.389 gia đình.
Dư tượng, thiếu trường, không việc làm người dân đói khổ triền miên, phải tha phương cầu thực. Theo số liệu năm 2023, Nghệ An là một trong những địa phương có số lao động hiện làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhiều nhất cả nước với hơn 75.000 người. Bình quân hàng năm, số ngoại tệ mà người Nghệ An xuất khẩu lao động gửi về nước cho người thân khoảng 500-550 triệu USD.
Có thể thấy một vòng lẩn quẩn là Nhà nước xài phung phí tiền thuế của dân vào tượng đài, nhưng lo an sinh xã hội, giáo dục, dẫn tới dốt và nghèo. Vì dốt và nghèo, người dân phải bỏ xứ ra đi tha phương cầu thực để gửi tiền về nhà. Rồi Nhà nước lại thu thuế, xài phung phí, xây thêm tượng, mà không xây trường, rồi cứ vậy mà cái vòng lẩn quẩn lại tiếp diễn…
Có lẽ đó là chính sách ngu dân để làm giàu cho những kẻ cai trị, và chỉ khi nào người dân làm chủ được đất nước, thì khi đó vòng lẩn quẩn này mới dừng lại và thay đổi.
_____________
Tham khảo:
(1) https://tuoitre.vn/vi-sao-48-nam-tp-vinh-khong-mo-them-truong-thpt-cong-lap-20240413133114237.htm
1 comment
Hổng sao đâu . Cái khó ló cái khôn . Nghệ An có tinh thần hiếu học, chắc chắn người Nghệ sẽ vượt wa cái khó khăn nho nhỏ này