Anh Khoa dịch
(VNTB) – Thế giới giàu có bị ảnh hưởng tương đối nặng nề, nhưng hầu hết người chết ở những quốc gia khác
Ngày 15 tháng 5 năm 2021
Số liệu khai báo thấp hơn thực tế
Các số liệu chính thức cho biết đã có 55.000 ca tử vong do COVID-19 ở Nam Phi kể từ ngày 27 tháng 3 năm ngoái. Con số này khiến tỷ lệ tử vong của quốc gia này là 92,7 trên 100.000 người, cao nhất ở châu Phi cận Sahara. Đây cũng là một đánh giá thấp hơn đáng kể so với thực tế — như, có thể suy đoán một cách khá chắc chắn, tình trạng của các quốc gia Châu Phi khác về căn bệnh này.
Trong một năm qua tính đến ngày 8 tháng 5, Nam Phi ghi nhận 158.499 ca tử vong vượt mức bình thường — tức là số ca tử vong cao hơn con số dự kiến theo xu hướng trong quá khứ, với những thay đổi về nhân khẩu học. Ví dụ, tại Mỹ, mỗi tuần có khoảng 55 ngàn người chết nhưng vào tháng Tư năm 2020, vào cao điểm của Đại dịch, có đến 79 ngàn người chết mỗi tuần; như vậy, số ca tử vong vượt mức bình thường, có thể liên quan đến COVID-19, là khoảng 24 ngàn người (Chú thích của người dịch). Các quan chức y tế công cộng cho rằng khoảng 85-95% số ca tử vong đó là do vi-rút SARS-COV-2, loại vi-rút gây bệnh COVID-19, gần gấp ba lần con số của các báo cáo chính thức. Sự khác biệt giữa hai con số là kết quả của thực tế rằng, để một ca tử vong được ghi nhận là do COVID-19 gây ra, người chết cần phải được xét nghiệm COVID-19 và được ghi nhận là đã chết vì căn bệnh này. Mặc dù Nam Phi thực hiện rất nhiều xét nghiệm so với các nước láng giềng, nhưng tỷ lệ chung của chung vẫn còn thấp. Và nguyên nhân tử vong được ghi nhận không đồng đều đối với những người chết tại nhà.
Nam Phi không đặc biệt bất thường về mức độ xét nghiệm hoặc những ca tử vong không được hệ thống y tế ghi nhận. Số tử vong vượt mức bình thường đã vượt xa số tử vong được báo cáo chính thức là do COVID-19, ít nhất là tại một số thời điểm trong cơn đại dịch, ở hầu hết nếu không phải tất cả các nơi trên thế giới. Theo dữ liệu gần đây nhất, số ca tử vong vượt mức bình thường của Mỹ cao hơn 7,1% so với số ca tử vong theo báo cáo chính thức được ghi nhận là do COVID-19 của nước này trong khoảng thời gian từ đầu tháng 3 năm 2020 đến giữa tháng 4 năm 2021.
Các nghiên cứu về tình trạng chênh lệch như vậy đã làm rõ được nhiều điều ở một số quốc gia. Ví dụ, nước Anh chứng kiến tỷ lệ tử vong cao hơn tỷ lệ tử vong theo báo cáo chính thức do COVID-19 trong đợt đầu tiên của họ, nhưng thấp hơn tỷ lệ tử vong theo báo cáo chính thức do COVID trong đợt thứ hai – một kết quả cho thấy rằng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 đã cứu sống nhiều người mà có lẽ sẽ mất vì các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh cúm theo mùa. Điều tương tự cũng xảy ra ở Pháp.
Nhưng phương pháp tử vong quá mức bình thường đã không cung cấp được các số liệu hữu ích hoặc chắc chắn trên toàn cầu vì lý do đơn giản là hầu hết các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia nghèo, không cung cấp số liệu thống kê tử vong vượt mức kịp thời. Các ước tính toàn cầu đã sử dụng các con số theo báo cáo chính thức, mặc dù biết rằng con số này – hiện tại là 3,3 triệu – chắc chắn thấp hơn nhiều so với con số thực.
Nhằm đưa ra một ước lượng xem con số trên thấp hơn bao nhiêu so với thực tế – và do đó về hậu quả thực lớn đến mức nào – Tờ The Economist đã cố gắng mô hình hóa mức độ tử vong vượt mức bình thường trong Đại dịch ở những quốc gia không báo cáo con số này. Nghiên cứu này cho thấy có xác suất 95% là số người chết cho đến nay nằm đâu đó từ 7,1 triệu đến 12,7 triệu, nhiều khả năng là 10,2 triệu. Các con số chính thức, cùng lắm, chỉ bằng một nửa con số thực, và trong trường hợp tệ nhất, chỉ khoảng một phần tư của con số này.
Ngoài việc cung cấp một ước tính mới về quy mô tổng thể, mô hình này cũng làm sáng tỏ sự phân bố các tác động và về diễn biến tổng thể của Đại dịch.
Không có gì đáng ngạc nhiên, hầu hết các trường hợp tử vong do COVID-19 không được cho là do covid gây ra đều xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Số liệu của chúng tôi đưa ra tỷ lệ tử vong ở các quốc gia giàu có thuộc OECD (nhóm một số nước giàu nhất Thế giới) gấp 1,17 lần con số chính thức. Tỷ lệ tử vong ước tính ở châu Phi cận Sahara cao gấp 14 lần con số chính thức. Và cấu trúc làn sóng thứ nhất và thứ hai được thấy ở Châu Âu và Hoa Kỳ ít được nhìn thấy hơn trong các số liệu của mô hình này cho toàn thế giới nói chung. Nhìn chung, Đại dịch ngày càng tập trung ở các nền kinh tế đang phát triển và tiếp tục gia tăng tác động đến các nước này.
Để tạo ra những ước tính toàn cầu về tổng số người chết vượt quá mức bình thường trong Đại dịch, chúng tôi đã dựa trên một loạt dữ liệu. Số liệu chính thức các trường hợp tử vong do COVID-19, dù chúng có thể không hoàn hảo, có sẵn cho hầu hết các quốc gia; chúng được hiển thị trong bản đồ trên cùng của trang này. Dữ liệu về số trường hợp COVID và tỷ lệ các xét nghiệm COVID dương tính cũng thường có sẵn. Nói chung, nếu rất nhiều xét nghiệm cho kết quả dương tính, thì sẽ có nhiều trường hợp bị nhiễm trùng đang bị bỏ sót hơn bởi một chế độ xét nghiệm chỉ được thực hiện cho những người đang muốn được điều trị và những người đã ở gần họ.
Xác định mối quan hệ giữa con số tử vong chính thức và thực tế
Ở một số nơi, các cuộc điều tra tình trạng nhiễm COVID-19 trong huyết thanh đã được tiến hành để xác định số người có kháng thể SARS-COV-2 ở mức có thể phát hiện được, một dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng trước đó. Các yếu tố khác mà chúng tôi nghĩ có thể quan trọng bao gồm các biện pháp mà chính phủ đã thực hiện để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh — chẳng hạn như đóng cửa trường học — và mức độ di chuyển của con người.
Các số liệu nhân khẩu học cũng quan trọng: tỷ lệ người trẻ bị nhiễm trong tổng số người nhiễm cao hơn thường có nghĩa là tỷ lệ tử vong thấp hơn. Tương tự, chúng tôi cũng suy ra tác động của các yếu tố ít rõ ràng hơn như các các hệ thống của chính phủ và mức độ tự do truyền thông. Ví dụ, số ca tử vong vượt mức bình thường ở Nga lớn hơn 5,1 lần so với số ca tử vong theo báo cáo chính thức.
Tổng cộng, chúng tôi đã thu thập dữ liệu về 121 chỉ số của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tiếp theo, chúng tôi đã huấn luyện một mô hình trí tuệ nhân tạo. Mô hình này dùng một quy trình được gọi là “gradient boosting” để tìm mối quan hệ giữa các chỉ số này và dữ liệu về số ca tử vong vượt mức bình thường ở những nơi có số liệu. Mô hình hoàn chỉnh sử dụng các mối quan hệ đó để ước tính số ca tử vong vượt mức bình thường ở những thời điểm và nơi không có sẵn dữ liệu. Thông tin về phương pháp luận của chúng tôi và cách chúng tôi đã thử nghiệm nó, cũng như các đường dẫn đến các lệnh kiểm chứng lại và dữ liệu ở đây.
Chúng tôi ước tính rằng, đến ngày 10 tháng 5, với xác suất 95%, đại dịch đã gây ra từ 2,4 triệu đến 7,1 triệu ca tử vong vượt quá mức bình thường ở châu Á (số ca tử vong theo báo cáo chính thức do COVID-19: 0,6 triệu), số tử vong từ 1,5 triệu đến 1,8 triệu ở châu Mỹ Latinh và Caribê (so với số chính thức là 0,6 triệu), 0-2,1 triệu người chết ở Châu Phi (0,1 tr), 1,5tr-1,6tr tử vong ở Châu Âu (1,0tr) và 0,6tr-0,7tr tử vong ở Mỹ và Canada (0,6tr). Ở Châu Đại Dương, chỉ có 1.218 ca tử vong theo báo cáo chính thức, mô hình của chúng tôi dự đoán khoảng từ âm 12.000 đến 13.000, số âm phản ánh khả năng các biện pháp phòng ngừa chống lại COVID-19 đã giảm số tử vong do các nguyên nhân khác.
Khoảng biến thiên giao độ (range) của Châu Phi và Châu Á rất rộng. Vì có lẽ chúng phải vậy. Dữ liệu để đưa ra những dự đoán chính xác không có đầy đủ; Thậm chí, ở một số nơi có dữ liệu. Tuy nhiên, dù phạm vi biến thiên của các con số ước lượng rộng, chúng cung cấp một bức tranh đáng tin cậy hơn so với các số liệu chính thức. Ở độ tin cậy của dự đoán là 50%, con số ước lượng được thu hẹp đáng kể: 3,3tr-5,2 tr cho châu Á, 0,8 tr -1,6 tr cho châu Phi, 8,2 tr -10,5 tr cho thế giới.
Tỷ lệ người trẻ ít tử vong hơn
Trong năm 2020, số ca tử vong mỗi ngày tăng trong 33 trong tổng số 52 tuần. Sau một thời gian tạm lắng ngắn ngủi vào đầu năm 2021, số ca tử vong đã tăng lên mức cao mới, phần lớn là do thảm kịch đang diễn ra ở Ấn Độ. Mô hình của chúng tôi cho thấy nước này đang có khoảng 6.000 đến 31.000 ca tử vong mỗi ngày, vượt xa con số theo báo cáo chính thức, khoảng 4.000. Con số này phù hợp với các ước tính dịch tễ học độc lập là từ 8.000 đến 32.000 một ngày. Theo mô hình này, có lẽ khoảng 1 triệu người có thể đã chết vì COVID-19 ở Ấn Độ từ đầu năm 2021 đến nay. Một lần nữa, con số này có vẻ không chênh nhiều so với các ước tính khác.
Thảm họa ở Ấn Độ cuối cùng sẽ giảm bớt, cũng như những nơi khác đã trải qua những cơn bùng phát nhưng nhẹ hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là bức tranh toàn cầu sẽ được cải thiện. Mặc dù căn bệnh này tăng và giảm theo từng đợt ở mọi nơi – bị tử vong trong làn sóng đầu tiên là một số người dễ bị tổn thương nhất và dẫn đến các biện pháp giảm bớt khả năng lây lan, làn sóng thứ hai sẽ hình thành khi những biện pháp đó bị nới lỏng – các làn sóng ở các nơi khác nhau không đồng bộ với nhau. Đó là lý do tại sao, cho đến nay, số người chết hàng ngày trên toàn thế giới đã tăng lên trong 10 tháng trong số 15 tháng, bao gồm một số trường hợp, chẳng hạn như tháng 6 và tháng 7 năm ngoái, khi phần lớn thế giới giàu có đang trong những cơn bùng phát.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là mặc dù Đại dịch tác động vào các khu vực nghèo hơn trên thế giới nặng hơn so với dữ liệu về số ca tử vong liên quan đến COVID cho thấy, về tỷ lệ, COVID-19 thực sự còn tồi tệ hơn ở các nước giàu hơn. Đối với châu Á và châu Phi, số người chết ước tính trung bình trên một triệu người bằng khoảng một nửa so với châu Âu (bao gồm cả Nga). Ấn Độ bị nặng cỡ Anh, ít nhất là đến lúc này.
Điều này nghe có vẻ đáng ngạc nhiên đối với người châu Âu, đã bị phong tỏa trong hơn một năm. Làm thế nào mà người dân ở những quốc gia hầu hết là nghèo này lại ít có tử vong hơn mặc dù thường xuyên thiếu các biện pháp can thiệp để hạn chế sự lây lan của vi rút và ít được chăm sóc y tế hơn? Có vẻ như phần lớn câu trả lời phụ thuộc vào độ tuổi. Nếu hai quần thể có cùng mức độ chăm sóc sức khỏe thì quần thể nào có nhiều người cao tuổi hơn sẽ có nhiều ca tử vong hơn. Nếu nhân khẩu học là sự khác biệt duy nhất, các ước tính về nguy cơ tử vong do nhiễm trùng COVID-19 thay đổi theo độ tuổi cho thấy căn bệnh này sẽ gây tử vong ở Nhật Bản (độ tuổi trung bình là 48) gấp 13 lần so với Uganda (độ tuổi trung bình là 17). Dữ liệu tử vong vượt mức bình thường đáng tin cậy có xu hướng đến từ các quốc gia có dân số già hơn, dễ bị tổn thương hơn (xem biểu đồ).
Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở nhóm dân số trẻ nghèo cao hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong của nhóm dân số giàu có với độ tuổi tương tự. Và đối với người cao tuổi ở các nước nghèo, nguy cơ là rất cao. Nam Phi đã chứng kiến 120.000 ca tử vong vượt mức bình thường trong số những người trên 60 tuổi.
Thực tế là tỷ lệ tử vong tương đối ở các nước đang phát triển dường như là do tuổi tác, chứ không phải do bất cứ điều gì khác, có nhiều hệ quả khác nhau. Một là virus đang lây lan dễ dàng ở những người trẻ tuổi — một phát hiện được hỗ trợ bởi các khảo sát các mẫu huyết thanh, cho thấy tỷ lệ nhiễm ở Afghanistan, Ấn Độ và những nơi khác cao hơn nhiều so với ở Châu Âu hoặc Châu Mỹ. Điều này cho thấy rất nhiều trường hợp mắc bệnh không gây tử vong. Do đó, vấn đề “chứng COVID mãn tính” sẽ tồi tệ hơn ở những quốc gia này. Điều đó cũng có nghĩa là virus đang có rất nhiều cơ hội đột biến.
Có một ngoại lệ trong câu chuyện này. Ở một số nước Đông Nam Á, tỷ lệ tử vong có vẻ thấp đáng kể, ít nhất là cho đến nay. Đây là một ngoại lệ đối với mô hình của chúng tôi: số liệu tử vong vượt quá mức bình thường ở Malaysia và Thái Lan hầu như không tăng. Có thể những người ở đó được hưởng lợi từ hiện tượng “miễn dịch chéo” —mức độ bảo vệ chống lại SARS-COV-2 do lây nhiễm trước đây bởi các vi rút khác đã lưu hành trong khu vực. Tuy nhiên, thật không may, có những dấu hiệu cho thấy các số liệu hiện đang tăng lên (xem phần Châu Á).
Theo như chúng tôi biết, ước tính số người chết vượt mức trên toàn cầu của tờ The Economist là ước tính đầu tiên thuộc loại này. Đây không phải là cách duy nhất để suy ra tổng số người chết do COVID-19. Vào ngày 6 tháng 5, Viện Đo lường và Đánh giá Y tế (IHME) tại Đại học Washington đã công bố kết quả của một mô hình đơn giản hơn, áp dụng các hệ số cố định, chủ yếu dựa trên tỷ lệ dương tính khi xét nghiệm, cho các số ca tử vong theo báo cáo chính thức ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Phương pháp này thường cung cấp những con số không khớp với những trường hợp tử vong vượt mức được báo cáo. Ví dụ: IHME ước tính rằng đã có 100.000 ca tử vong do COVID-19 ở Nhật Bản, nhiều hơn nhiều so với những gì đã được báo cáo, nhưng con số tử vong vượt mức trong năm nay tính đến tháng 3 năm 2021 là âm 11.000.
Ariel Karlinsky, một nhà thống kê tại Diễn đàn Kinh tế Kohelet, một tổ chức tư vấn của Israel, lãnh đạo dự án Tập Dữ liệu về Tử vong của cả Thế giới, mà mô hình của The Economist dựa vào lưu ý rằng các số ước lượng không thể thay thế cho dữ liệu. Chỉ bằng cách theo dõi tốt hơn tỷ lệ tử vong ở các nước nghèo mới có thể cải thiện được các ước tính về tỷ lệ tử vong. Các nguồn lực nên được tập trung vào các biện pháp như vậy không chỉ để tỏ sự tôn trọng người chết và sự thật, mà còn bởi vì, nếu không có những con số cơ bản như vậy, các ước tính về các tác động khác — kinh tế, giáo dục, văn hoá hoặc sức khoẻ của những người sống sót — khó hiểu, hoặc khó đối chiếu.
Nguồn: The Economist