Nguyễn Huỳnh
(VNTB) – Hãy xem người đối diện với mình như là một F0
“Hiện nay mầm bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng, người dân cần tuân thủ các quy định khi thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế các tiếp xúc không cần thiết. Hãy xem người đối diện với mình như là một F0” – Trích khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC).
Ca nhiễm vẫn đều đặn tăng
Tin tức cập nhật cho biết như sau, tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 18/6, Thành phố ghi nhận thêm 89 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố. Đa số các trường hợp này là các tiếp xúc do được điều tra, truy vết đã được cách ly hoặc nằm trong khu phong tỏa.
Như vậy tính từ 18 giờ ngày 17/6 đến 18 giờ ngày 18/6, Thành phố ghi nhận 149 trường hợp nhiễm mới, bao gồm: 11 trường hợp liên quan đến điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đã được cách ly từ trước; 24 trường hợp được phát hiện tại công ty Trung Sơn – Khu công nghiệp Tân Tạo; 101 là các trường hợp tiếp xúc với các bệnh nhân đã được cách ly hoặc nằm trong khu vực phong tỏa; 13 trường hợp phát hiện qua sàng lọc đang điều tra dịch tễ.
101 trường hợp tiếp xúc với các bệnh nhân đã được cách ly hoặc ở trong khu phong tỏa bao gồm: chuỗi chung cư Ehome 3 (34); chuỗi nhà trọ trên đường Tô Ngọc Vân (04); chuỗi liên quan công ty Kim Minh Quận 5 (13); chung cư Phú Thọ Quận 11 – BN9094 (04); chuỗi cơ khí ở Hóc Môn (06), công ty Minh Thông ở Hóc Môn (01), liên quan chuỗi bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (01); chuỗi tại ấp Tân Thới 3, Hóc Môn (03); chuỗi liên quan vựa ve chai Đề Thám Quận 1 (10); chuỗi liên quan bệnh viện Tân Phú (02); liên quan BN11178 (02); liên quan BN8448 (01); liên quan BN9827 (02); liên quan BN10710 (05); liên quan BN11618 (05); liên quan BN11766 (04); liên quan BN12337 (04).
Vắc xin đã về kho
Trong chiều ngày 18/6/2021, HCDC tiếp nhận 300.000 liều vắc xin Astrazeneca phòng COVID-19 từ Viện Pasteur TP.HCM.
Số vắc xin trên được Viện Pasteur TP.HCM giao cho HCDC theo đúng quy trình, được HCDC bảo quản trong kho lạnh đạt chuẩn GSP, có hệ thống theo dõi nhiệt độ bảo quản liên tục 24/24, đảm bảo nhiệt độ từ 2 – 8 độ C.
Được biết, lô vắc xin này được nhập từ nhà sản xuất Daiichi Sankyo Biotech (được hỗ trợ từ chính phủ Nhật Bản) với 966.320 liều, trong đó HCDC tiếp nhận 786.000.
Vắc xin được vận chuyển về kho lạnh của trung tâm trong 3 đợt; đợt 1 đã vận chuyển về kho lạnh của HCDC 300.000 liều, dự kiến đợt 2 là 300.000 liều và đợt 3 là 286.000 liều.
Lô vắc xin trên đạt yêu cầu về một số thử nghiệm kiểm định theo tiêu chuẩn đăng ký của nhà sản xuất và bảo quản dây chuyền lạnh trong quá trình nhập khẩu, được cấp giấy chứng nhận xuất xưởng của Viện kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế của Việt Nam.
Hệ thống bệnh viện cũng sẵn sàng
Dưới đây là các bệnh viện dã chiến (trưng dụng các cơ sở không thuộc hệ thống y tế để cách ly điều trị người mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ) và các bệnh viện được tạm thời chuyển đổi công năng để chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn Thành phố:
(1) Bệnh viện dã chiến Củ Chi, quy mô 300 giường chịu trách nhiệm tiếp nhận điều trị các trường hợp COVID-19 nhẹ, có 10 giường cấp cứu.
(2) Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi, quy mô 500 giường (bệnh viện huyện Củ Chi chuyển đổi công năng) chịu trách nhiệm tiếp nhận điều trị các trường hợp COVID-19 cả nhẹ và nặng, và các trường hợp COVID-19 có bệnh lý kèm theo cần chạy thận nhân tạo, cần can thiệp phẫu thuật cấp cứu, cấp cứu sản phụ khoa, nhi khoa,… Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi có khoa Hồi sức với 20 giường.
(3) Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ, quy mô 600 giường (trước đây là bệnh viện huyện Cần Giờ, nay là Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, do sáp nhập bệnh viện và trung tâm y tế), chịu trách nhiệm tiếp nhận điều trị các trường hợp COVID-19 nhẹ và các trường hợp COVID-19 có bệnh thận mạn cần chạy thận nhân tạo. Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ có đơn vị Hồi sức với 20 giường.
(4) Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương, quy mô 1.000 giường với 100 giường hồi sức (bệnh viện Trưng Vương chuyển đổi công năng), chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 có các bệnh lý đi kèm cần được can thiệp các kỹ thuật điều trị chuyên khoa sâu.
Nếu cần can thiệp các kỹ thuật chuyên khoa sâu nhưng chưa có tại bệnh viện Trưng Vương thì các bệnh viện chuyên khoa của Thành phố sẽ cử ê-kíp chuyên khoa đến can thiệp ngay tại bệnh viện Trưng Vương, riêng Nhi khoa sẽ do bệnh viện Nhi Đồng 1 đảm trách.
(5) Bệnh viện điều trị COVID-19 Phạm Ngọc Thạch, quy mô 500 giường với khoa Hồi sức 60 giường (bệnh viện Phạm Ngọc Thạch chuyển đổi theo mô hình “Tách đôi bệnh viện” với một nửa bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị các trường hợp COVID-19) chịu trách nhiệm tiếp nhận điều trị các trường hợp COVID-19 nặng có suy hô hấp.
(6) Đơn vị điều trị COVID-19 trẻ em tại bệnh viện Nhi Đồng Thành phố và bệnh viện Nhi Đồng 2, quy mô tổng cộng 140 giường thuộc khoa Nhiễm nằm trong khối nhà riêng biệt (80 giường của bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, 60 giường của bệnh viện Nhi Đồng 2) chuyên tiếp nhận điều trị các trường hợp COVID-19 ở trẻ em bao gồm cả các trường hợp có diễn biến nặng, cần can thiệp hồi sức hô hấp, tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO),… với 30 giường hồi sức (20 giường ở bệnh viện Nhi Đồng Thành phố và 10 giường ở bệnh viện Nhi Đồng 2).
(7) Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, quy mô 400 giường, chuyên tiếp nhận điều trị các trường hợp COVID-19 có diễn biến nặng, cần can thiệp hồi sức hô hấp, tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO),… có khoa Hồi sức với 40 giường. Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới là bệnh viện tuyến cuối chịu trách nhiệm đào tạo, tư vấn, hội chẩn từ xa về bệnh COVID-19.
Ngoài ra, bệnh viện Chợ Rẫy cũng sẵn sàng bố trí 100 giường hồi sức để tiếp nhận điều trị các trường hợp bệnh COVID-19 nặng.
Sài Gòn sẽ có thể ‘lockdown’?
Từ chiều 18/6, trên mạng xã hội lan truyền thông tin từ ngày 19/6 TP.HCM sẽ áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn địa bàn thành phố.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức – phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố – cho biết đây là thông tin sai sự thật. Hiện nay Thành phố vẫn đang thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong điều kiện hiện nay.
“Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 Thành phố đề nghị người dân cần tỉnh táo trước những thông tin sai sự thật và bình tĩnh thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch theo hướng dẫn từ các cơ quan chức năng” – ông Dương Anh Đức kêu gọi.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong cho biết trong tuần tới đây, tùy tình hình dịch bệnh mà Thành phố có thể áp dụng chỉ thị 16 hoặc chỉ thị 19 ở một số nơi – điều đó có nghĩa ‘lockdown’ vẫn là nỗi ám ảnh của cơm-gạo-áo-tiền. Bởi từ những vùng quê nghèo nhiều, nhiều người mang theo hoài bão đến Sài Gòn để kiếm kế sinh nhai, bắt đầu cuộc đời công nhân. Lương không cao, nhưng chắt bóp từng đồng cũng đủ để họ tự lo được bản thân, gửi về quê cho cha mẹ hoặc nuôi con ăn học….
Giờ nếu Sài Gòn lâm cảnh ‘lockdown’…