Thới Bình
(VNTB) – Ban Chấp hành Trung ương khoá XIV phải đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
Những mỹ từ tiếp tục cho kêu gọi
“Ban Chấp hành Trung ương khoá XIV phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất cao ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có tầm nhìn chiến lược; có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới” – trích phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự cho Đại hội XIV, diễn ra hôm 13-3-2024.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng tiểu ban văn kiện và tiểu ban nhân sự của Đại hội XIV của Đảng. Như vậy “đề bài” và chuyện “cơ cấu nhân sự” cho khóa mới đều thuộc quyền sinh sát trong tay Tổng bí thư đương nhiệm. “Lá phiếu bầu chọn” nếu có của các đại diện đảng viên, gần như chỉ mang tính ước lệ. Đặc biệt là “thường dân” hoàn toàn không được can dự mặc dù Đảng luôn giương cao ngọn cờ chính nghĩa của “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” như tại điều 2.2 Hiến pháp 2013.
Nếu như ở thể chế chính trị đa nguyên thì lá phiếu bầu chọn của người dân sẽ là căn cứ từ những nội dung tranh cử, với các cam kết dân sinh cụ thể của những ứng viên. Với Việt Nam thì Đảng Cộng sản là độc tôn, không chịu bất kỳ sự cạnh tranh chính trị nào so với quốc gia đa đảng. Điều đó có nghĩa “cơ cấu nhân sự” cho Đại hội XIV sẽ giúp người dân hình dung được diện mạo các lãnh đạo chính trị trong nhiệm kỳ mới tương ứng của chính phủ; tức Bộ Chính trị ra sao thì nội các chính phủ cũng như vậy, nhưng ở tầng kém hơn một bậc.
So bó đũa để chọn cột cờ?
Với việc “so bó đũa chọn cột cờ”, liệu gương mặt nào đang sáng giá cho để ngồi vào ghế quyền lực nhất Việt Nam? Câu trả lời là: Hiện không thấy có ai rõ ràng có thể kế nhiệm ông Trọng, hay ít nhất là có một người mà ông ấy hoàn toàn tin tưởng về mặt lý tưởng.
Nếu như đồn đoán là Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đang danh sách ứng viên Tổng bí thư, thì điều đó xem ra khó đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn ở Quy định số 214-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Theo đó, yêu cầu của chức danh Tổng bí thư là “Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định”.
Ngoài ra Bộ trưởng Tô Lâm bị vướng tai tiếng ở việc vào đầu tháng 11 năm 2021, một đoạn video được đăng trên tài khoản TikTok của đầu bếp nổi tiếng Nusret Gökçe, còn được biết với biệt danh “Salt Bae”. Đoạn clip này, sau đó đã bị gỡ bỏ, cho thấy Tô Lâm đang ăn uống tại nhà hàng đắt đỏ của Salt Bae ở Luân Đôn, được cho là trong chuyến công du tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021. Trong clip, ông còn được đầu bếp Gökçe tận tay đút một miếng thịt bò có dát vàng vào miệng…
Bầu bán ở nhiệm kỳ của khóa XIII ra sao?
Ở khóa XIII, việc bầu Bộ Chính trị được làm trước, bầu Ban Bí thư làm sau, theo quy trình 7 bước. Đối với chức danh Tổng bí thư, quy trình bầu có 6 bước. Khi ấy danh sách ủy viên Bộ Chính trị được công bố theo thứ tự lần lượt 4 người là ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Phạm Minh Chính và ông Vương Đình Huệ (ngoài việc bầu Tổng bí thư, Ban Chấp hành Trung ương cũng là nơi làm nhân sự đối với 3 chức danh còn lại trong “tứ trụ” để giới thiệu Quốc hội bầu: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội).
Ở “bảng” 18 ủy viên Bộ Chính trị, 2 người là trường hợp “đặc biệt” quá 65 tuổi tái cử Bộ Chính trị: Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. 6 người tái cử gồm: ông Phạm Minh Chính, ông Vương Đình Huệ, ông Võ Văn Thưởng, bà Trương Thị Mai, ông Tô Lâm, ông Phạm Bình Minh. 7 người là các ủy viên Ban Bí thư khóa XII. 3 người lần đầu tham gia Bộ Chính trị gồm: ông Trần Tuấn Anh, ông Phan Văn Giang và ông Đinh Tiến Dũng. Trong đó, ông Phan Văn Giang (61 tuổi) là trường hợp “đặc biệt” thuộc diện ủy viên Trung ương khóa XII quá 60 tuổi tái cử.
Trong khi ở “bảng” Ban Bí thư, cả 5 người đều lần đầu tham gia.
Ở Hội nghị Trung ương, việc bầu Bộ Chính trị được làm trước, bầu Ban Bí thư làm sau, theo quy trình 7 bước: Đoàn chủ tịch báo cáo về việc bầu cử; Hội nghị thảo luận và biểu quyết số lượng ủy viên; Họp tổ để ứng cử và đề cử; Tổng hợp danh sách ứng cử viên, đề xuất trường hợp được rút và không được rút, đề xuất giới thiệu ban kiểm phiếu để hội nghị biểu quyết bầu ban kiểm phiếu; Lấy phiếu xin ý kiến hội nghị đối với những người ứng cử, được đề cử tại hội nghị; Biểu quyết thông qua danh sách bầu cử; Bỏ phiếu bầu, kiểm phiếu và công bố kết quả.
Đối với chức danh Tổng bí thư, hội nghị không thảo luận và biểu quyết số lượng (vì chức danh Tổng bí thư chỉ có 1) mà tiến hành 6 bước tương tự như trên.