Nguyễn Cao
(VNTB) – Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nói chắc chắn có buôn lậu và kinh tế ngầm khi đại biểu quốc hội “truy” vấn về chênh lệch số liệu xuất – nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc lên tới 15 tỉ USD.
Số liệu về xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc từ nguồn Tổng cục Thống kê Trung Quốc, cho biết năm vừa qua, nước này xuất khẩu vào Việt Nam 63,7 tỉ USD, cao hơn đến 45% so với con số của thống kê. Có nghĩa là năm 2014, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc là 43,8 tỉ USD, cao hơn rất nhiều so với con số 28,9 tỉ USD mà Việt Nam công bố, một khoảng chênh lệch gần 15 tỉ USD.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng việc chênh lệch số liệu thống kê XNK giữa các nước là một thực tế tồn tại đang diễn ra không chỉ giữa Việt Nam-Trung Quốc, mà kể cả giữa các nước khác với nhau cũng vậy.
Nông sản vẫn quá bấp bênh
Trong buôn bán tiểu ngạch, xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Trung Quốc thời gian vừa qua, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều phiên khốn đốn. Gần đây nhất là sự việc hàng nghìn xe tải chở dưa hấu, thanh long bị ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) do phía Trung Quốc không chấp nhận thông qua. Dưa hấu bị ùn ứ, hư hỏng tại ngay cửa khẩu, giá dưa bị đẩy xuống chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg, tại nhiều tỉnh thành phía Nam nơi trồng nhiều dưa hấu phải đổ bỏ cho trâu bò ăn.
Bên cạnh đó là hàng loạt những mặt hàng nông sản khác như xoài, ớt, cau… cũng được Trung Quốc từng thu mua với giá cao khiến nông dân ồ ạt trồng song đến mùa thu hoạch, phía thương lái Trung Quốc ngừng thu mua, khiến hàng tồn đọng lớn, giá bán giảm sâu không đủ để trả công thu hoạch, người nông dân chịu trăm bề thiệt hại.
Tuy nhiên trong chuyện ách tắc nông sản ở cửa khẩu với Trung Quốc, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định nguyên nhân ách tắc do cơ sở hạ tầng, kho bãi ở khu vực cửa khẩu không đáp ứng yêu cầu; khả năng thông quan không đáp ứng nhu cầu. Để giải quyết thì Bộ và tỉnh Lạng Sơn đang tiến hành chuẩn bị xây dựng một khu trung chuyển ở cách cửa khẩu Tân Thanh hơn 10 km có sức chứa hơn 1.000 xe.
Một công bố của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – Trường Đại học Quốc gia (VEPR) cho biết, nếu quy mô thương mại hai chiều giữa hai nước được chia thành 3 phần thì Trung Quốc nhận được hai phần ba, còn Việt Nam một phần ba. Bên cạnh đó, nghiên cứu của VEPR cũng cho thấy, một nửa hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc là hàng thô, sơ chế, trong khi nhập khẩu lại là hàng tinh chế (chiếm 85%). Đồng thời, các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam cũng đang sử dụng phần lớn công nghệ, nguyên liệu của Trung Quốc để phục vụ sản xuất, lên tới 80%.
Một chiêu trò mà thương lái Trung Quốc đã tiến hành tại Việt Nam nhiều năm là việc ồ ạt thu mua những nông sản lạ không rõ mục đích với giá cao. Họ gom từ đỉa, lá dừa khô, rễ cây đến lá khoai lang… với giá cao bất thường, khiến người dân đổ xô đi bán nhưng một thời gian sau lại mất tích. Các chuyên gia phân tích, đằng sau những chiêu trò này, Trung Quốc đang âm mưu phá hoại nền kinh tế Việt Nam.
Chênh lệch 15 tỉ USD là quá lớn
Chuyên gia về kinh tế thống kê, ông Bùi Trinh nhìn nhận số liệu về xuất nhập khẩu giữa 2 quốc gia, bất kỳ là quốc gia nào cũng luôn luôn có sự vênh nhau. Số liệu xuất nhập khẩu giữa Trung quốc và Hoa Kỳ có những năm chênh lệch còn lớn hơn nhiều, nhưng theo xu hướng ngược lại (báo cáo: của Trung Quốc nói thấp, phía Hoa kỳ nói cao hơn nhiều đến 75 tỷ USD). Ngay cả số liệu GDP của Trung Quốc cũng luôn luôn có 2 con số là GDPe (GDP tính theo phương pháp chi tiêu) và GDPp (GDP tính theo phương pháp sản xuất). Như vậy nếu coi con số của phía Trung Quốc là hoàn toàn chính xác cũng không hẳn đúng.
“Sự chênh lệch này chủ yếu là do số liệu từ Trung Quốc công bố cao hơn của Việt Nam. Cao nhất là 2 năm 2010 (6 tỷ USD) và 2011 (4,7 tỷ USD). Nhưng năm 2014 chênh lệch giữa báo cáo của Trung Quốc và Việt Nam lên đến gần 15 tỷ USD là một hiện tượng “đột biến” cần được lý giải”. Ông Bùi Trinh, nhấn mạnh.
Sự chênh lệch “đột biến” này theo chuyên gia Bùi Trinh, không hoàn toàn do xuất nhập lậu mà còn do nguyên tắc xác định C/O (xuất xứ hàng hóa) của mỗi nước không hoàn toàn giống nhau. Nhưng nguyên nhân lớn hơn cả là do sự áp giá của mỗi nước khác nhau.
“Chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu giữa 2 nước cần có một nhóm công tác giữa 2 nước để xem xét kỹ vì từ những số liệu này có thể dẫn đến những đánh giá sai lệch về nền kinh tế thực sự của mỗi nước. Chẳng hạn, nếu năm 2014 Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc thêm 15 tỷ, thì năm đó Việt Nam không thể có xuất siêu và cũng không thể có tăng trưởng và như vậy bức tranh về kinh tế vĩ mô hoàn toàn khác” – chuyên gia Bùi Trinh nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, nhìn nhận giá trị hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phía Trung Quốc tính thấp đi, ngược lại giá trị xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam lại được tính cao lên, do tính theo nguyên tắc xuất xứ hàng hoá (C/O).
“Không phải xuất là xuất, nhập là nhập. Xuất xứ và thống kê hàng hoá hiện đang rất phức tạp. Đúng là có số liệu chênh lệch giữa thống kê giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chênh lệch số liệu là do ngành hải quan quản lý chưa tốt về ngăn chặn gian lận thương mại”. Ông Vinh, xác nhận.