Việt Nam Thời Báo

VNTB – An dân

Nguyễn  Thu Quỳnh

 

(VNTB) – Tình hình đang cấp bách hiện nay đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt để cứu đói, an dân

 

Ngày thường em nhận 100 tờ vé số bán, từ dịch bắt đầu bùng lên em chỉ nhận 50 tờ bán lấy 50 nghìn tiền lời để ăn mỗi ngày. Rủi cái đen, trước giãn cách em còn làm mất 50 tờ vé số, lậm vào vốn 500 ngàn.

Rồi nghỉ miết từ lúc giãn cách, ăn cầm chừng, trong nhà còn gạo, cháo gói em ăn, rồi được hỗ trợ túi gạo, chục hột gà, được cho cơm thì em ăn tiết kiệm. Hết tiền trọ em gọi điện xin (vòng quanh rồi tới được mạng lưới công tác xã hội miền Nam – PV) được cho 1 triệu tiền trọ tháng này. Em không còn dầu gội đầu, băng vệ sinh chi hết…

Em chắc sẽ không được nhận cứu trợ trong gói nào đâu vì em sinh ra đã mù, cha mẹ bỏ rơi, không hộ khẩu, không giấy khai sinh, chỉ có duy nhất thẻ hội viên hội người mù”

Chuyện 2: “Con em đứa đầu 2 tuổi, đứa sau mới sinh được hơn tháng, chồng đi mua thức ăn gặp trúng F0 đi trại cách ly tập trung mấy ngày nay rồi. Một chắc (mình) em không trông được hai đứa nên em gửi đứa đầu sang o (cô) em ở gần đây.

Em làm công nhân, chồng làm thợ hồ đều nghỉ việc hai tháng nay, mà rau đắt quá chị ơi, những 40 nghìn một trái bí nhỏ nên nhiều bữa em ăn cơm trắng với mắm, ăn mì xót ruột táo bón quá”.

Cô nói với tôi và quay video trực tiếp căn phòng trọ tuềnh toàng, em bé sơ sinh đang nằm ngủ.

Hai ngày nay tôi phỏng vấn liên tiếp những người lao động ở TP HCM và Đồng Nai, trên đây chỉ là hai đoạn tôi lược ghi và xin phép đăng giấu tên. Đây đều là những cảnh sống cùng cực quá sức tưởng tượng của nhiều người trong chúng ta và thực ra với đa số người lao động nghèo hầu như không có khái niệm giãn cách vì nhà trọ ẩm thấp chật chội, sống san sát nhau…

Những câu chuyện trên không phải hiếm hoi ở các khu người lao động bị mất việc, vì ước tính số liệu thống kê trong điều kiện bình thường năm 2017 thì trung bình hộ nghèo chỉ có 7 triệu tiết kiệm, cầm cự được 2 tháng. Nhưng dịch dã từ năm ngoái tới giờ người mất việc, giảm việc quá nhiều – Bộ Lao động đã đưa ra con số hàng chục triệu người; mặt khác những công nhân nghèo, phụ hồ, hót rác, người bán vé số… thu vài chục ngàn, trăm ngàn một ngày thì không thể có tiết kiệm để tích cốc phòng cơ.

Chính phủ, chính quyền TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ đã rất cố gắng để người dân không bị đói, nhưng chỉ một hai gói cứu trợ, với mức 1,5 triệu mỗi người sẽ là không đủ.

Trong tình thế giãn cách căng thẳng, phần lớn người lao động vẫn phải ở lại TP HCM và các tỉnh lân cận vì toàn bộ xe khách đã nghỉ, nhất thiết phải tiếp tục hỗ trợ:

+ Bằng các gói cứu trợ tiền mặt: các nhà kinh tế phải tính tiếp nên sử dụng bao nhiêu nghìn tỉ cho gói tiếp theo nhưng chắc một gói cứu trợ hoặc cho vay không lãi suất tương đương 62 nghìn tỉ không phải là không khả thi.

Nhìn sang Thái Lan, chỉ tính riêng gói cứu trợ thứ ba vào ngày 1-4 đã cho 3 triệu người lao động phi chính thức, mỗi người 5000 baht, và nếu khoản này không đủ thì mỗi người sẽ được vay tiếp 10.000 baht với lãi suất 0.1%/ tháng. Nhà nước còn dùng 2 tỉ baht để cho vay thông qua các trạm cầm đồ do nhà nước quản lý, lãi suất không quá 0.125%.

Khi đọc tin này trên tờ Bangkokpost tôi chắc chắn là chính phủ Thái Lan được các nhà xã hội học tư vấn rất tốt, vì họ nhìn ngay ra vấn đề là người dân nghèo sẽ trở thành miếng mồi cho các quỹ tín dụng đen mồi chài vay nặng lãi nếu không có chính sách cho vay lãi suất thấp. Trong số những người tôi phỏng vấn, cũng có em cho xem tờ giấy cầm cố xe máy, có em cho biết những người cho vay nặng lãi thấy kêu cứu trong nhóm “giúp nhau mùa dịch” đã inbox mời cho vay.

+ Cấp phát lương thực, thực phẩm: Hiện nay các tỉnh ĐBSCL là vựa lương thực, không thể để một nơi ế đổ bỏ một nơi nhịn đói. Cần lưu thông các luồng xanh, sử dụng ngân sách thu mua và cấp phát cho người dân nghèo. Nếu nhà nước chỉ có ngân sách, không đủ người để thực hiện thì hoàn toàn có thể kêu gọi các nhóm công tác xã hội, doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo tham gia cùng.

+ Miễn tiền điện tiền với các hóa đơn dưới 100 nghìn, giảm cho hóa đơn 200 nghìn: tuy số tiền này không lớn nhưng lại là gánh nặng với các hộ gia đình nghèo. Mặt khác, muốn biết đâu là hộ nghèo thì nhìn vào hóa đơn tiền điện.

CÁCH LÀM

+ Với đề xuất tung gói cứu trợ, TP HCM và các tỉnh đã có kinh nghiệm phát mấy gói trước rồi, cứ dựa vào tổ dân phố lập danh sách, trợ cấp mà không cần có hộ khẩu, tạm trú, chỉ cần CMND và ký cam kết. Những trường hợp không có CMND thì chỉ cần cam kết là được, vào phòng trọ là biết nghèo thật chứ không dối. Tuy nhiên để tránh sót người thì vẫn cần gọi điện, xuống khảo sát ngẫu nhiên ngõ hẻm sâu.

+ Cách kết nối thông tin:

Cần đưa NHIỀU HOTLINE cứu trợ khẩn cấp: Tổng đài 1022 đã quá tải, Vietnamnet đăng nhánh số 2 có khoảng 60.000 cuộc gọi mỗi ngày. Chính quyền cần đưa thêm đầu số mới, đồng thời đăng tải thêm các các đầu số của các tổ chức làm công tác xã hội, từ thiện, doanh nghiệp hảo tâm…

Đang có rất nhiều tổ chức âm thầm làm từ thiện, nhưng chính họ cũng không biết hết người cần giúp đỡ, cần công bố các số này để kết nối với người dân.

Toàn bộ các số này cần được nhắn tin vào số điện thoại của mọi người dân đang sinh sống (qua các nhà mạng, qua zalo, các hội nhóm facebook).

Sử dụng công nghệ thông tin: Hiện nay đã có các trang như SOSmap đưa bản đồ cần cứu trợ, Inhandao của Hệ tri thức Việt số hóa, nên tận dụng để đăng tải nhu cầu cần cứu trợ của người dân, thậm chí có thể xác lập “vùng đỏ” những nơi đang cần cứu trợ khẩn cấp trên các trang này.

+ Thí điểm TRẠM CỨU TẾ cộng đồng ở tổ dân phố để cứu trợ lương thực và thuốc cơ bản (tới đây F0, F1 sẽ được ở nhà và còn nhiều người ở nhà cần các loại thuốc cơ bản khác). Trong thông cáo báo chí của TP HCM đã có các siêu thị 0 đồng nhưng không thể đủ được, cần các trạm cứu tế theo từng tổ dân phố thì mới đủ cứu tế và đảm bảo người dân không di chuyển.

Trạm cứu tế cần 1 – 2 người của tổ COVID cộng đồng và 1 – 2 nhân viên, tình nguyện viên công tác xã hội để nhận hàng, phân phối, vận chuyển. Nhân viên công tác xã hội có kinh nghiệm sẽ cùng làm các phiếu giao nhận để hậu kiểm.

Các tình nguyện viên cần được tiêm vaccine và tập huấn quy trình giao nhận đảm bảo nguyên tắc dịch tễ học.

Tổ COVID cộng đồng sẽ rà soát, thu thập thông tin cần cứu trợ, lên danh sách cần cứu trợ hàng tuần và gửi thông tin trực tiếp đến cho các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tôn giáo (để kêu gọi hỗ trợ), Mặt trận tổ quốc (để mặt trận nắm tình hình và trợ cấp).

+ Đối với những người cần về quê: tổ chức các chuyến xe, mở các tuyến xe khách đưa họ về (đằng nào các TP cũng yêu cầu có giấy xét nghiệm âm tính rồi về tỉnh vẫn cách ly), tránh để người dân đi xe máy, xe đạp, đi bộ quá khổ và cực kỳ nguy hiểm. Các tỉnh đã có những chuyến tàu, máy bay sơ tán dân nhưng mới chỉ sơ tán được rất ít.

Tình hình đang cấp bách hiện nay đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt để cứu đói, an dân. Nếu không thì tiềm ẩn rất nhiều vấn đề xã hội vì giữ yên cả mấy trăm nghìn con người đang đói là không đơn giản (giả định theo con số 230 ngàn lao động tự do mà Sở lao động TP HCM thống kê, chưa tính số ở các tỉnh lân cận, chưa tính số công nhân mất việc).

Tôi đang viết bài tiếp, cũng đã viết nhiều lần rồi nhưng gỡ băng và thấy sốt ruột quá đành gõ nhanh ra đây trong buổi sáng hôm nay để các bạn, đồng nghiệp cùng đọc.

Những người tôi phỏng vấn chụp ảnh gửi nhưng tôi không nỡ dùng. Dù có che mặt, giấu danh tính đi tôi vẫn xót xa.

Lấy ảnh của Tuổi trẻ – công an tặng đồ cho người đi xe máy từ miền Nam tới Hà Tĩnh cho đỡ xót ruột. Dù sao sau một chặng đường mệt nhoài xơ xác, phía trước họ cũng là quê hương.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Mua đứt – bán đoạn: thực tế ở làng vé số miền Nam

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Sài Gòn ăn Tết mùa Covid-19

Phan Thanh Hung

VNTB – Quản trị doanh nghiệp bằng nghị quyết Đảng?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo