Trong một diễn biến khác, Ấn Độ và Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác an ninh chiến lược, thediplomat cho biết.
Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã có một chuyến thăm ba ngày trong tuần này đến Ấn Độ. Chuyến thăm nhằm củng cố quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam, trong thời điểm căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, nơi xảy ra tranh chấp chủ quyền đảo với Trung Quốc.
Ấn Độ và Việt Nam tăng cường mở rộng hợp tác quốc phòng, an ninh trên biển. |
Tướng Thanh đã giới thiệu tóm tắt cho Thủ tướng Modi về sự phát triển quốc phòng và an ninh trong mối quan hệ song phương Ấn Độ-Việt Nam. Thủ tướng Modi bày tỏ hài lòng trước những tiến triển đó, kể từ chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Và cam kết sẽ hỗ trợ đầy đủ trong “mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia. ”
Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã đưa đến “Tuyên bố tầm nhìn chung”, cho thấy sự hợp tác quốc phòng song phương giữa hai nước đến năm 2020. Cả hai nước cũng ký kết bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng và ký kết một biên bản ghi nhớ về hợp tác, giám sát, bảo vệ bờ biển ở New Delhi .
Mối quan hệ giữa Ấn Độ với Việt Nam đã phát triển sâu hơn về mặt an ninh. Trong chuyến thăm của ông Dũng vào năm ngoái, New Delhi đã đồng ý cung cấp bốn tàu tuần tra cho Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà chuyến đi đến Ấn Độ của ông Phùng Quang Thanh diễn ra chỉ hơn một năm sau khi quan hệ hai nước Việt Nam – Trung Quốc rơi vào khủng hoảng, khi Trung Quốc di chuyển một giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ngoài Ấn Độ, Việt Nam đã và đang theo đuổi quan hệ quốc phòng chặt chẽ với các đối tác khác. Ví dụ, Hoa Kỳ.
Biển Đông trở thành vấn đề nổi bật trong các hoạt động ngoại giao giữa Ấn Độ và Việt Nam. Từ năm ngoái, New Delhi bắt đầu lên tiếng về quan điểm của mình trong Tuyên bố chung với Việt Nam. Vào tháng 9/2014, trước chuyến thăm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Ấn Độ, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đã đến thăm Việt Nam, và ra tuyên bố nhấn mạnh quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, cũng như đòi hỏi các nước có liên quan phải tuân thủ luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Mối quan hệ ngày càng tăng của Ấn Độ với Việt Nam là một phần của một chiến lược hướng Đông, Đông Nam Á của nước này. Khi Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam gặp gỡ với các quan chức Ấn Độ hôm thứ hai, bốn tàu chiến Ấn Độ đã được triển khai đến Biển Đông để tham gia vào một cuộc tập trận trên biển kéo dài bốn ngày với Hải quân Singapore.