BÀI 5. “Khí Chất Của Người Anh Hùng …”
Bình Thuận Minh Bạch
Bài 1: Từ truyền thông lề phải
Bài 2: Đến sự thật của lịch sử
BÀI 3. Truyền Thống Gia Đình: Ông Nội
Bài 4. Truyền thống gia đình: Cha, Mẹ
(VNTB) – Tìm hiểu về một Anh Hùng Lao Động – Đại Biểu Quốc Hội là trách nhiệm của không riêng ai. Sự minh bạch thông tin là cần thiết để làm bài học, tấm gương cho các thế hệ trẻ nối tiếp. Chúng tôi đưa các bài viết ca ngợi “Ông chủ doanh nghiệp tư nhân trở thành Anh hùng”, bài học làm người của tấm gương anh hùng.
I. Di cư
Dòng người di cư vào phương nam kiếm sống từ vùng quê Mộ Đức những năm bao cấp sau giải phóng tựu trung vào những nguyên nhân sau:
– Chế độ công điểm hợp tác xã quá khổ, tìm cách vào nam tìm vùng đất mới khai khẩn làm ăn thông thoáng hơn.
– Thanh niên tìm cách trốn khỏi địa phương để tránh sự chết chóc, tàn phế của cuộc chiến khốc liệt Campuchia. Số này chấp nhận gian khổ, liều lĩnh để làm giàu, đến nay đa số đều có kinh tế khá so với cộng đồng ở nơi họ đến định cư.
– Một số khác buộc phải ra đi bởi vì sự kỳ thị lý lịch nghiệt ngã của những người bần cố nông, vô học nhưng có công với cách mạng lên nắm chính quyền cấp cơ sở và quản lý các hợp tác xã. Nhiều thanh niên sinh ra thời cộng hòa, lớn lên thời cộng sản, chẳng có tội gì, nhưng làm lý lịch xin việc, đi thi đọc lời chứng của xã mà ngao ngán(5.1).
Theo những người dân địa phương thì gia đình Nguyễn Văn Đông không phải quá khổ như những gia đình khác. Bà Cầu còn tích trữ được số vàng giai đoạn kinh doanh trước giải phóng; có vốn buôn bán nhỏ sản phẩm nông thôn như buôn heo, đường (thời đó kỳ thị là con phe, buôn lậu), … nên gia đình không đến nỗi khổ, các con vẫn có điều kiện đi học trường huyện cách xa khoảng 9-10 km.
Hồi đó không ai dám khoe khoang sự giàu có, dễ bị quy chụp, nếu lý lịch không tốt thì cũng dễ bị vận động đóng góp hoặc bị tạo ra lý do trên trời nào đó để tịch thu. Riêng gia đình ông Trung – bà Cầu còn một lý do nữa là: những nạn nhân của ông Trung xúm nhau đòi nợ cũ trước giải phóng (xem Bài 4), đến nợ mới sau này. Thậm chí đã diễn ra cảnh ông Trung bị chặn lại xiết nợ ngoài đường, gây náo động vùng quê yên ả.
Trong hoàn cảnh như vậy, khi Nguyễn Văn Đông vừa học xong phổ thông là bà Cầu cùng các con vào Nam. Còn ông Trung ra tù (xem Bài 4.IV) vẫn ở quê thôn Phước Đức, xã Đức Phú.
Nói thêm, sau giải phóng ông Trung lừa đảo, đi tù; trong tù vẫn lừa đảo, biệt giam; ra tù vẫn tiếp tục đi lừa. Có thể nói, lừa được người khác là thú tiêu khiển của ông Trung. Trước đây người ta sợ ông Trung lừa, sau này có người cứ để … bị lừa; đơn giản là có con trai là đại gia Nguyễn Văn Đông trả nợ. Sau khi làm nhà thờ họ và xây mồ mã ở quê xong, ông Trung ít ở Quảng Ngãi, nghe đâu anh Đông đưa vào ở luôn trong Bình Thuận và cho người quản lý cha để không đi lừa nữa.
Chuyện của Nguyễn Văn Đông rời quê hương vào Nam khởi nghiệp là như vậy, hiện nay gia đình anh Đông vẫn còn, cứ việc đính chính để chúng tôi cập nhật. Nhiều nhân chứng vẫn còn, kể cả người đã chứng kiến vụ thảm sát đạo Cao Đài 1945; chúng tôi kết nối với bối cảnh lịch sử, xã hội để người đọc có cái nhìn tổng thể. Vì lịch sử xuyên suốt, có tính kế thừa và để lại nhiều di chứng cho đến ngày nay, nên chúng tôi phải viết ra hơi dài một chút.
Quan điểm của chúng tôi là cố gắng mọi việc nên rõ ràng, minh bạch; ai làm nấy chịu, chuyện gì ra chuyện đó.
II. Khí chất của người Anh Hùng …
Theo chúng tôi, chuyện AHLĐ Nguyễn Văn Đông vào phương Nam lập nghiệp thời điểm đó, nói ngắn gọn là: Nguyễn Văn Đông trốn nghĩa vụ quân sự; còn gia đình trốn nợ, trốn những đàm tiếu, định kiến của dư luận.
Nhưng báo Đảng lại ca ngợi “Khí chất của người Anh Hùng …”(Bài 1.II).
Chúng tôi đi tìm “khí chất của người Anh Hùng …”; cũng như cố tìm cho được vài ba học trò được thầy Nguyễn Tất Thành dạy lòng yêu nước ở trường Dục Thanh – Phan Thiết, hay tìm cho được “anh Lê” bạn của “anh Ba” lúc đi tìm đường cứu nước(5.2): nhưng tìm chưa ra !
Quá trình Nguyễn Văn Đông khởi nghiệp, học hành cho đến khi thành Tập đoàn kinh tế lớn nhất tỉnh Bình Thuận như thế nào, chúng tôi sẽ viết ở giai đoạn sau. Bài này chúng tôi phân tích việc Đông trở thành Anh hùng lao động.
III. Mục đích trở thành Anh hùng
Nguyễn Văn Đông rời quê hương, khởi nghiệp trong giai đoạn đất nước từ nền kinh tế kế hoạch tập trung, quan liêu, bao cấp bị phá sản chuyển dần sang nền kinh tế thị trường hoang dã, sau đó gắn thêm cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cùng với thể chế chính trị Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội nhưng không lại chịu trách nhiệm; kết hợp với đất đai do nhà nước đại diện chủ sở hữu và giá đất phi thị trường, làm cho bộ máy như một con quái vật dị dạng. Con quái vật này tính khí thất thường theo từng nhiệm kỳ, đè lên luật và cắn xé chính con đẻ của mình.
Cái áo chật hẹp sinh ra từ não trạng cộng sản không theo kịp tư duy sáng tạo tư bản; hệ thống luật pháp bị rách, vá không đủ khả năng chế tài những nhóm tài phiệt bắt tay nhau lũng đoạn chính sách thâu tóm tài nguyên đất nước thành của riêng.
Con quái vật thể chế trái tính nết và sự đánh nhau của các nhóm tài phiệt làm cho các đại gia không cảm thấy an toàn ở trong nước, nhiều người đã tìm cách chuyển tài sản, người thân trong gia đình ra nước ngoài để phòng rủi ro.
Tất cả doanh nghiệp ở Việt Nam đều phải biết hối lộ và trốn thuế nếu muốn tồn tại và phát triển được. Nhỏ như bỏ phong bì cho các đoàn thanh tra, kiểm tra; vừa vừa thì thỏa thuận tỷ lệ nộp phạt với cán bộ quyết toán thuế; lớn nữa chạy các dự án đầu tư có sử dụng đất; siêu lớn là tác động chính sách, điều chỉnh quy hoạch. Để có tiền hối lộ và các chi phí khác thì buộc doanh nghiệp phải trốn thuế.
Các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam đi lên từ đất đai đều có sai phạm từ quy hoạch, xây dựng, đầu tư đến thu hồi đất, … Biết đường xử lý thì sai phạm từ có đến không, không thuận đường thì từ nhẹ đến nặng. Ông chủ Tập đoàn Rạng Đông đã trải qua và biết rõ điều đó. Vụ án EPCO – Minh Phụng từ năm 1997 đến năm 2003 thi hành án tử hình Tăng Minh Phụng(5.3); trước đó là kỳ án Trịnh Vĩnh Bình(5.4) năm 1999 chấn động dư luận trong, ngoài nước làm cho nhiều đại gia lo lắng, ông chủ Rạng Đông cũng không ngoại lệ. Sống với con quái vật cộng sản cùng với lý lịch đối kháng, ông dễ dàng trở thành miếng mồi béo của thể chế.
Là một nhà đầu tư chuyên nghiệp, Nguyễn Văn Đông biết điều gì cũng có thể xảy ra, làm sao giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất, ít ra không phải chịu mức án tử như Tăng Minh Phụng. Chỉ có thể là thành anh hùng.
Thời cơ đến khi có “phong trào” phong Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; có người tư vấn đường đi nước bước và thế lực đỡ đầu bảo đảm. Đó chỉ mới là điều kiện cần.
Điều kiện đủ là tiền theo đúng triết lý của tỷ phú Nga Roman Abramovich đã sống trong chế độ cộng sản và cùng thế hệ 6X (thế kỷ 20) với Đông “cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua bằng rất nhiều tiền !”. Mà lúc này Đông đã là một đại gia.
Điều kiện cần và đủ của mệnh đề logic đáp ứng, vậy là Đông trở thành anh hùng !
IV. Trở thành Anh hùng
Như các bạn đã biết, lý lịch là yếu tố quan trọng để chọn người trong chế độ cộng sản. Người muốn vào Đảng phải trải qua một quá trình phấn đấu và xác minh lý lịch nghiêm ngặt. Lý lịch Đảng phải ghi 3 đời: ông, cha mẹ, bản thân + con cái, 3 họ: họ cha, họ mẹ, họ vợ cũng 3 đời. Bản thân kê khai phải trung thực, Đảng cử người đi tận nơi xác minh, nếu có nghi vấn hay khiếu nại thì phải thẩm tra.
Hàng triệu đảng viên đều phải thực hiện đúng quy trình như vậy.
Còn Anh hùng có mấy chục người, thì thẩm định lý lịch phải ngặt nghèo hơn nữa; địa phương thẩm định, chuyển ra trung ương thẩm định độc lập một lần nữa. Ngoài ra còn có bộ phận xác minh những khiếu nại tố cáo.
Lọt qua các khe cửa hẹp này là những câu chuyện ly kỳ như mơ, trong sách viết ra chi tiết rất dài; còn phạm vi bài báo chỉ đưa ra các yếu tố tác động chính.
1. Chuyện ông nội và bác ruột bị Việt Minh xử tử
Trong Bài 3, chúng tôi đi sâu vào thảm sát đạo Cao Đài ở Quảng Ngãi và vai trò ông Phạm Văn Đồng trong cuộc tổng khởi nghĩa năm 1945 ở Quảng Ngãi; sau đó Ông đại diện cho Trung ương Đảng ở Liên khu V, đầu não cơ quan kháng chiến đóng huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.
Mặc dù Trung ương đã chỉ đạo dừng thảm sát, nhưng những bần cố nông bảo vệ chính quyền cách mạng với nhiệm vụ trừ gian diệt ác hiếu sát, vẫn còn xảy ra những vụ giết người tập thể khoảng năm, ba người một lúc.
Theo những người trực tiếp bảo vệ, chăm sóc ông Phạm Văn Đồng lúc đó: Sau một thời gian dài suốt 5 tháng vượt Trường Sơn vào thăm chồng, thể trạng của bà Phạm Thị Cúc cũng suy nhược. Vào Nghĩa Hành bà ở chung nhà, cũng là phòng làm việc của ông Đồng, thời gian đầu bà cũng nói chuyện với mọi người, làm các công việc lặt vặt trong nhà và phục vụ cho ông Đồng làm việc. Vài lần chứng kiến, nghe báo cáo về các vụ thảm sát tập thể bị sốc, chấn động tâm lý. Bà như người vô hồn, sống lặng lẽ trong nhà như cái bóng. Sau đó ông Đồng ban hành lệnh kỷ luật nặng những ai giết người không được phép.
Mở đầu cao trào trấn áp địa chủ của giai đoạn cải cách ruộng đất, giảm tô ở Quảng Ngãi, chọn thôn Phước Toàn, xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức làm thí điểm. Bà địa chủ Giáo Bá bị đưa ra kéo trên đất ải phơi khô đến chết[]. Có người phi ngựa nước đại cấp báo ông Đồng (khoảng 15 km). Ông Đồng cho người cầm thư hỏa tốc lệnh dừng lại, thả tất cả những người bị bắt, khoảng 10 người định tối đó chặt đầu. Nếu không có lệnh dừng lại thì hôm sau sẽ thực hiện trấn áp địa chủ ở Đức Tân, họ Phạm của ông Đồng ở đó cũng là dòng họ địa chủ.
Riêng huyện Mộ Đức, danh sách địa chủ đã được lập hơn 200 người.
May mắn cho ông Đồng là không trở thành tội đồ của dòng họ Phạm, của quê hương Mộ Đức. Bà Phạm Thị Cúc bị bệnh nặng thêm và sau này không thể cứu chữa được.
Vụ bò cày kéo ngược bà Giáo Bá trên đất ải đến chết gây chấn động trong vùng, có người là nhân chứng hiện nay còn sống.
Từ lúc đó ông Phạm Văn Đồng đã thấy tội ác và sai lầm. Tuy nhiên, bản chất cộng sản: thấy sai, sửa sai, nhưng không nhận sai công khai trước lịch sử. Trong cái sửa sai có việc chăm lo con cái nạn nhân, sau này chủ trương đưa con của họ được tập kết ra thiên đường miền Bắc. Chính vì vậy mà ông Nguyễn Giao (bác ruột Nguyễn Văn Đông), tuy có cha bị Việt Minh xử tử nhưng vẫn có trong danh sách con em miền Nam ra Bắc, sau đó vẫn được kết nạp Đảng.
Những năm cuối đời, ông Phạm Văn Đồng hay gặp những cán bộ cấp cao, cán bộ lão thành cách mạng quê Quảng Ngãi giai đoạn Việt Minh; Ông cũng trăn trở nhiều, mong muốn không khơi gợi lại vết thương đau buồn của lịch sử, Ông cũng nhắc nhở họ đừng gây khó khăn cho con cháu nạn nhân nữa.
Vì vậy, chi tiết trong lý lịch của Nguyễn Văn Đông: “ông nội và bác ruột bị Việt Minh xử tử tháng 7/1945” được nhìn nhận là nạn nhân của lịch sử, cũng như nạn nhân cải cách ruộng đất, cách mạng không xin lỗi nhưng được tha thứ bỏ qua.
Tuy nhiên trong lịch sử của đảng vẫn còn ghi về giai đoạn tổng khởi nghĩa cướp chính quyền năm 1945: dưới sự lãnh đạo của mặt trận Việt Minh, nhân dân đã trừng trị đích đáng những thành phần đội lốt tôn giáo chống phá chính quyền non trẻ.
2. Chuyện cha bị cách mạng bắt giam
Sau ngày giải phóng, đảng Cộng sản làm “cách mạng” đến mức phá vỡ cấu trúc đơn vị hành chính đã hình thành, phát triển và ổn định từ khi mở mang bờ cõi đến thời Việt Nam cộng hòa. Đó là nhập các tỉnh lại với nhau; chẳng hạn: tỉnh Thuận Hải nhập từ ba tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy; tỉnh Nghĩa Bình nhập từ Quảng Ngãi, Bình Định; …
Lúc nhập tỉnh “nhân dân ủng hộ” sự lãnh đạo sáng tạo tài tình sáng suốt của Đảng và tư tưởng của Bác, trưng khẩu hiệu tuyên truyền: đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – thành công, đại thành công.
Sau một thời gian, chính sách nhập tỉnh, lập pháo đài kinh tế cấp huyện thất bại thảm hại. Nghiêm trọng nhất là tình trạng phe phái theo địa phương dẫn đến tình trạng cát cứ theo từng ngành và đối đầu trong điều hành. Có cuộc họp hai phe ngồi hai phía đấu nhau, cuối cùng không giải quyết được vấn đề gì. Những cán bộ ở giai đoạn này nay nghỉ hưu biết nhiều, cũng đã kể.
Trung ương quyết định tách các tỉnh ra lại, lúc tách ra cũng được nhân dân vui mừng ủng hộ sự lãnh đạo sáng tạo tài tình sáng suốt của Đảng. Ví dụ, ở Nha Trang ngày đưa cán bộ về Phú Yên còn treo khẩu hiệu: “Nhân dân Nha Trang quyết tâm làm sạch, đẹp thành phố thân yêu”.
Tỉnh Nghĩa Bình cũng vậy, cán bộ Quảng Ngãi từ thành phố Quy Nhơn về lại thị xã Quảng Ngãi như cảnh cô gái lấy chồng, ly hôn buộc phải về lại nhà cha mẹ đẻ. Khi đi đưa đón, khi về đơn côi. Người đi, mang theo tài sản cá nhân, còn đa số hồ sơ giấy tờ công vụ đều để lại Quy Nhơn – kế thừa toàn bộ từ Nghĩa Bình cũ. Một thời gian sau này nhiều người vẫn còn vào Quy Nhơn để xin trích sao giấy tờ.
Hồ sơ về việc ông Nguyễn Trung (cha Nguyễn Văn Đông) bị bắt, giam giữ ở Quy Nhơn và Trại giam Kim Sơn (Nghĩa Bình) lúc tách tỉnh chưa chuyển giao cho Quảng Ngãi.
Giai đoạn sau 1975, hệ thống tư pháp còn lỏng lẻo (thậm chí tòa án không có luật sư, miền Nam không có trường Đại học Luật); tính chất xã hội “công an trị” còn nghiệt ngã hơn bây giờ; quy trình tố tụng hình sự không tuân thủ theo luật. Cho nên: chưa có cơ sở ông Nguyễn Trung bị chính quyền cách mạng bắt kết án tù và giam giữ. Còn muốn rõ ràng thì phải đi xác minh nhiều chỗ và nhiều thủ tục quan liêu khác; người làm chẳng được lợi lộc gì !
3. Tình cảm của những người Quảng Ngãi
Hai yếu tố cha và ông nội là quan trọng nhất trong quá trình xác minh lý lịch để lập hồ sơ anh hùng, ngoài ra còn những chuyện nhỏ khác như cha lừa đảo, lý lịch bên vợ, chuyện học hành, con cái … chỉ là chuyện nhỏ. Từ chuyện nhỏ thành không có gì, nhờ những người đồng hương Quảng Ngãi.
Người Quảng Ngãi có đặc tính là những người tha hương tìm cách giúp đỡ nhau để gắn kết thành quan hệ đồng hương cùng phát triển, trong không gian cạnh tranh sinh tồn. Đặc tính “người Quảng Ngãi” được các quan chức vận dụng để tạo dựng ê kíp chính trị, quyền lợi trong bộ máy quản lý nhà nước.
Có chuyện vui do “người Quảng Ngãi” kể: khi nhà nước chủ trương cán bộ công chức phải có chứng chỉ A ngoại ngữ hoặc biết tiếng dân tộc thiểu số, thì cán bộ khu vực miền trung tây nguyên nói “không cần học ngoại ngữ hay tiếng dân tộc, chỉ cần học tiếng Quảng Ngãi là đủ”; hoặc ở thành phố Hồ Chí Minh có giai đoạn gọi “Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi”.
Chuyện “người Quảng Ngãi” kể về sự giúp nhau của quan chức thì nhiều lắm, điển hình là chuyện ông Phạm Văn Đồng giúp ông Trần Đức Lương lên làm Chủ tịch nước; chuyện ông Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đưa ông Nguyễn Thiên Tuế từ Hiệu trưởng trường dạy nghề của huyện Mộ Đức lên làm Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp 4 trực thuộc Bộ Công thương (5.5).
Một “người Quảng Ngãi” quyết định đưa Nguyễn Văn Đông làm anh hùng là ông Nguyễn Ánh Minh. Ông Minh quê Đức Phổ, Quảng Ngãi, là Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII, IX; làm Bí thư tỉnh Lâm Đồng, chuyển ra Hà Nội là Phó ban Tổ chức Trung ương, điều về Bình Thuận làm Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2001-2005.
Trước khi ông Nguyễn Ánh Minh về Bình Thuận, nội bộ Tỉnh mất đoàn kết nghiêm trọng. Nên Trung ương điều ông Minh làm Bí thư, là Ủy viên trung ương duy nhất với kinh nghiệm Phó ban Tổ chức trung ương nên ông dẹp loạn, ổn định nhân sự Bình Thuận dễ dàng.
Khi còn làm Phó ban Tổ chức Trung ương, ông Minh hay đi các tỉnh Nam Trung bộ về công tác tổ chức cán bộ, thường gặp những người Quảng Ngãi là quan chức, đại gia. Qua giới thiệu của những người Quảng Ngãi, đại gia Nguyễn Văn Đông cũng đã làm quen với ông Nguyễn Ánh Minh trong giai đoạn đó.
Làm Bí thư Bình Thuận, ông Nguyễn Ánh Minh như một lãnh chúa cát cứ một vùng. Lúc này Rạng Đông là một doanh nghiệp lớn trong tỉnh, Giám đốc Nguyễn Văn Đông lại là Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh. Hai người cùng quê hương Quảng Ngãi, phát huy tính cách “người Quảng Ngãi”, thân tình hơn anh em ruột. Có người chơi chữ, nói: “Ánh Minh là Rạng Đông, tuy hai mà một”.
Với quan điểm tạo điều kiện cho doanh nghiệp địa phương phát triển, nên ở Bình Thuận, tập đoàn Rạng Đông kinh doanh không có đối thủ.
Đến khi Luật Thi đua khen thưởng 2003 có hiệu lực, phong trào phong anh hùng lao động bắt đầu, vậy là ông Nguyễn Ánh Minh thực hiện đưa Nguyễn Văn Đông thành anh hùng. Nhưng điều vướng mắc là lý lịch.
Với kinh nghiệm và quan hệ của người từng làm Phó ban Tổ chức Trung ương Đảng, ông Minh nắm rõ quy trình thẩm định lý lịch: ai giải quyết công đoạn nào, cần phải làm gì ?. Ông biết cách tư vấn cho Nguyễn Văn Đông “viết và lách” để có một bộ lý lịch đẹp, hoàn hảo.
Có đơn tố cáo Nguyễn Văn Đông gian dối lý lịch gởi trong tỉnh, tùy từng đối tượng và nội dung đơn mà ông Nguyễn Ánh Minh có biện pháp làm việc với người viết đơn. Tuy nhiên, có người không khuất phục và tiếp tục gởi đơn cấp cao hơn. Những người viết đơn tố cáo đều từng là cán bộ, đảng viên; theo quy định của Đảng họ không được đưa ra bên ngoài và phải chờ kết luận theo quy định.
Các đơn tố cáo gởi lên trung ương có điểm chung là phần đầu tiên đi sâu vào lý lịch, trong đó lại nhấn mạnh đến chi tiết “ông nội và bác ruột bị cách mạng xử tử năm 1945”. Nơi giải quyết đơn cuối cùng là Văn phòng Chủ tịch nước.
Chủ tịch nước lúc đó là ông Trần Đức Lương (từ 1997 đến 2006), cũng là “người Quảng Ngãi”, quê ở xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ. Ông Lương trước khi ra Bắc tập kết là học sinh trường Lê Khiết đóng ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi(5.6). Mà huyện Nghĩa Hành cũng là nơi ông Phạm Văn Đồng làm việc đại diện Trung ương Đảng ở Liên khu V và Cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng ở đây cho đến khi mất.
Ông Trần Đức Lương hiểu rõ về giai đoạn tổng khởi nghĩa, liên quan đến chi tiết “bị cách mạng xử tử năm 1945” cho nên quan điểm chỉ đạo là chuyện lịch sử, không xem xét nữa.
V. Tạm kết bài viết
Năm 2005 Nguyễn Văn Đông được Chủ tịch nước quyết định phong tặng Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Nhưng sau đó vẫn có người tiếp tục gởi đơn yêu cầu làm rõ về lý lịch. Có thời gian, và không bị sức ép từ nhiều phía, cơ quan chức năng xác minh kỹ lại thì có nhiều nội dung trong đơn là đúng.
Làm sai thì dễ, nhưng nhận sai, sửa sai không dễ; cứ để dư luận lắng xuống là xong.
Ngay sau khi Nguyễn Văn Đông được phong “anh hùng lao động”, một số người biết rõ về Đông nói lại là “anh hùng lừa đảo”. Cha Nguyễn Trung, lừa đảo cấp tỉnh – con Nguyễn Văn Đồng, lừa đảo cấp quốc gia, quốc tế. Hai cha con lừa đảo xuyên suốt hai chế độ, hai thế kỷ.
Ông Nguyễn Trung lừa đảo như thế nào, chúng tôi đã trình bày.
Ông Nguyễn Văn Đông, lừa đảo cấp quốc gia là làm gì ?
– Gian dối lý lịch để phong anh hùng lao động, đại biểu quốc hội. Vậy trách nhiệm của cả một bộ máy nhà nước đi thẩm tra, xác minh ở đâu. Tại sao chỉ có một ông Đông phải chịu trách nhiệm.
– Lừa dối nhân dân, lũng đoạn chính quyền tỉnh Bình Thuận trong các dự án đầu tư: chúng tôi sẽ đưa thông tin một số dự án để mọi người cùng xem xét khách quan. Lừa dối chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ngãi: chúng tôi sẽ trình bày trong Bài 6, Bài 7.
Còn nói về lừa đảo quốc tế ?
Theo chúng tôi biết, đã có đơn từ nước ngoài gởi các cơ quan chức năng tố cáo Nguyễn Văn Đông lợi dụng lòng tin, huy động vốn đầu tư, nhưng sau đó tìm cách thay đổi phương thức ăn chia để chiếm đoạt của họ. Hy vọng sắp tới sẽ được công bố cho dư luận tỏ tường.
***
Chúng tôi tìm hiểu sau khi khởi nghiệp thành công, đại gia Nguyễn Văn Đông có giúp gì cho địa phương không ? Nghe nói:
– Sau khi được phong anh hùng, Đông tài trợ cho xã Đức Phú xây dựng một trường mẫu giáo với tổng kinh phí là 2,3 tỷ đồng (Hình 5.1).
(Hình 5.1. Trường Mẫu giáo xã Đức Phú do Nguyễn Văn Đông tài trợ xây dựng https://www.google.com/maps/place/%C4%90%E1%BB%A9c+Ph%C3%BA,+M%E1%BB%99+%C4%90%E1%BB%A9c,+Qu%E1%BA%A3ng+Ng%C3%A3i/@14.9405343,108.8476009,316a,35y,39.42t/data=!3m1!1e3!4m5!3m4!1s0x3168fe36c5687903:0x5c54517ce0775540!8m2!3d14.921276!4d108.8195012)
– Anh Đông đề nghị xã Đức Phú làm tuyến đường từ nối tỉnh lộ DT629 đến UBND xã và đặt tên đường là anh hùng Phạm Văn Đông (?), nhưng chính quyền và dân xã Đức Phú không đồng ý. Đến nay con đường cũng đã được xây dựng xong (Hình 5.2).
(Hình 5.2. Con đường (mũi tên) được Nguyễn Văn Đông đề nghị đầu tư và đặt tên của mình nhưng bị từ chối (?))
– Nhưng chuyện ly kỳ là Đông đầu tư xây dựng Bệnh viện Quốc tế Chợ Rẫy Quảng Ngãi quy mô 500 giường, vốn đầu tư 800 tỷ đồng đạt tiêu chuẩn Bệnh viện hạng I. Lễ khởi công ngày 26/6/2010, nhiều quan chức Trung ương về dự. Ông Nguyễn Quốc Triệu – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế cắt băng khánh thành (5.7); đến tháng 3/2011, xin chấm dứt thực hiện dự án(5.8).
Có người nói vui: làm đĩ chín phương, chừa một phương làm tiền.
Có người nói: đầu tư bệnh viện nằm trong chiến lược đầu tư để trở thành anh hùng !
(Bài 6. Nghĩa tình quê hương)
_______________________
Ghi chú
(5.1) Có những lời chứng lý lịch xin làm công nhân lâm trường, đường sắt: “gia đình thuộc thành phần tiểu tư sản, đề nghị lao động chân tay để thử thách”; “Cha là ngụy quyền, đề nghị không giao những việc quan trọng”; …
Còn chứng lý lịch đi thi đại học, những câu như: “cha là cảnh sát thuộc thành phần ác ôn”; “cha là trung đội trưởng nghĩa quân, có nợ máu với cách mạng” (phe quốc gia là có nghĩa quân hay đụng độ gây thương vong cho du kích cộng sản); “anh là sỹ quan ngụy”, …
(5.2) Hai bàn tay: https://www.dost-dongnai.gov.vn/Pages/kechuyenvebac-noidung.aspx?NewsID=651&TopicID=2&CoLookup=1
(5.3) Tra Google: EPCO – Minh Phụng
(5.4) Tra Google: Vụ án Trịnh Vĩnh Bình
(5.5) Bài viết về chuyện ông Trần Tuấn Anh đưa Nguyễn Thiên Tuế làm Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp 4 thuộc chuyên đề khác.
(5.6) Trường Lê Khiết: http://truongthptchuyenlekhiet.edu.vn/gioi-thieu/truong-thpt-chuyen-le-khiet/
(5.7) Khởi công xây dựng bệnh viện đa khoa quốc tế Chợ Rẫy- Quảng Ngãi: http://www.sggp.org.vn/khoi-cong-xay-dung-benh-vien-da-khoa-quoc-te-cho-ray-quang-ngai-117180.html
(5.8) Ngừng triển khai dự án Bệnh viện đa khoa Quốc tế Chợ Rẫy – Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2022/201103/Ngung-trien-khai-du-an-Benh-vien-da-khoa-Quoc-te-Cho-Ray-Quang-Ngai-1985007/
(còn tiếp …)