VNTB – Ba chiến lược mà Đảng CS dùng để đàn áp tự do tôn giáo của Giáo Hội VN

VNTB – Ba chiến lược mà Đảng CS dùng để đàn áp tự do tôn giáo của Giáo Hội VN

Linh mục Trần Xuân Tâm

Tiếp theo kỳ 1

(VNTB) – Đảng Cộng Sản Việt Nam tác động để đưa những giáo chức phục tùng họ vào hàng lãnh đạo Giáo hội Công giáo Việt Nam.

II- Những chiến lược mà ĐCSVN dùng để đàn áp tự do tôn giáo của Giáo Hội với mục đích là tước đoạt sự độc lập và tự trị của Giáo Hội, chủ yếu là có được sự phục tùng và cộng tác của hàng giáo sĩ, và nhờ vậy mà giản lược Giáo Hội thành một phương tiện phục vụ sự toàn trị của Đảng.

Để đạt được mục đích nói trên, bên cạnh sự đàn áp kiểu Stalin, ĐCSVN cần phải bày ra và sử dụng những chiến lược đàn áp khác. Những chiến lược này có thể công khai hay bí mật, bạo lực về mặt thể lý hay lừa đảo về mặt tâm lý, phù hợp hay không phù hợp với chính luật pháp mà chính Đảng làm ra. Chúng có thể được chia ra thành ba loại sau.

A.- Chiến lược thứ nhất

ĐCSVN cố gắng làm cho hàng giáo sĩ Công Giáo ở VN phục tùng sự thống trị của họ bằng những hạn chế và cấm đoán ít nhiều chính thức của đảng đối với những hoạt động thông thường của Giáo Hội như bổ nhiệm giám mục và giám quản giáo phận, phong chức linh mục, bổ nhiệm và thuyên chuyển linh mục, hội họp của các giám mục và linh mục, và chiêu mộ chủng sinh, v.v.

Những hạn chế này đã từng được mô tả nhiều rồi. Tuy nhiên theo chỗ tôi biết những bản tường trình và những chứng từ ngoại quốc về việc Đảng đàn áp tự do tôn giáo của Giáo Hội đã thiếu sót không giải thích bản tính chiến lược của việc Dùng sử dụng những hạn chế này. Có nghĩa là, Đảng không áp dụng những hạn chế này một cách đồng đều không thiên vị nhưng một cách phân biệt hay chọn lọc nhằm những mục tiêu sau:

(1) Để loại trừ khỏi những vị trí lãnh đạo, khỏi những tác vụ tôn giáo, hay thậm chí khỏi hàng giáo sĩ bất kỳ người nào có khuynh hướng đối lập lại sự đàn áp của ĐCSVN để bảo vệ sự độc lập và tự trị của Giáo Hội trong các hoạt động tôn giáo của mình.[6]

Trong số nhiều giáo sĩ nổi tiếng của nhóm thứ nhất này có cố Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền của Huế, Linh mục Chân Tín, dòng Chúa Cứu Thế, ở Sài Gòn, Linh mục Nguyễn Văn Lý cùng thuộc Huế, và Giám mục Huỳnh Văn Nghi của Phan Thiết. Những thái độ và hành động của ba vị giáo sĩ nói trước từng quá nổi tiếng đến nỗi tôi không cần đề cập đến ở đây. Thay vào đó, cần có đôi điều nói đến trường hợp của Đức cha Nghi. Khi được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám quản Tông tòa của Sài Gòn vào ngày 10 tháng Tám năm 1993, Đức cha Nghi đã cố giới hạn quyền hành của Linh mục Huỳnh Công Minh, Tổng Đại diện, người mà Đảng ủng hộ mạnh mẽ. [7]

Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền

Vì nỗ lực trên đây của Đức cha, ĐCSVN đã không thừa nhận việc bổ nhiệm và ngăn cản ngài thi hành tác vụ này cho đến khi Tòa Thánh bổ nhiệm Tổng Giám mục hiện hành Phạm Minh Mẫn vào năm 1998.

Một số giáo sĩ khác trong nhóm thứ nhất này mà cá nhân tôi từng biết đến là một vị linh mục chánh xứ ở một giáo phận nọ [8] và Linh mục Phan Văn Lợi.

Vị linh mục chánh xứ vừa nói đã nhiều lần làm cho ĐCSVN bực tức vì những bình luận khôn ngoan của ngài mà nhờ đó ngài đã có thể vừa phê bình Đảng về việc Đảng đàn áp tự do tôn giáo của Giáo Hội và cùng lúc vừa bài bác được những lời buộc tội khả dĩ của Đảng chống lại ngài. Hậu quả là, năm 1989 khi vị linh mục kể trên được Giám mục sở tại bổ nhiệm làm Tổng Đại diện của giáo phận, thì Đảng đã ngăn cản ngài thi hành chức năng này bằng cách từ chối cho phép ngài đổi về tòa giám mục. Đảng cũng cố gắng tạo một thứ áp lực về mặt tâm lý ở trên ngài bằng cách đổ lỗi rằng chính vì ngài có thái độ “xấu” đối với Đảng, mà Đảng giữ lại một số đại chủng sinh trong giáo xứ của ngài không cho chịu chức linh mục. Ngay cả nhiều năm sau, khi vị linh mục này rời bỏ giáo phận vào khoảng năm 1993 mà nhập một giáo phận khác, Đảng vẫn chưa bỏ qua “những tội” của ngài.

Đảng không cho phép vị giám mục của giáo phận mới bổ nhiệm ngài về ngay cả một giáo xứ nhỏ bé. Khi một giáo sĩ ở trong sổ “đen” rồi, thì ĐCSVN sẽ thù ghét người đó tới chết, trừ khi người đó thực sự chuộc “lỗi lầm” bằng cái mà Đảng có thể chấp nhận.

Về Cha Lợi thì ngài bị cấm không cho thi hành tác vụ linh mục, không những vì ngài được Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận [9] truyền chức linh mục cách bí mật vào ngày 21 tháng 5 năm 1981, mà còn vì ngài đã điều khiển một vở kịch tựa đề” là “Dâng con cho Mẹ” tại giáo xứ chính tòa Phủ Cam vào ngày 21 tháng 9 năm 1981. Vở kịch phê bình việc ĐCSVN cấm cản một nhóm tín hữu Công Giáo hành hương đến Đền thánh Đức Mẹ La Vang.

Vì hai “tội” này mà Đảng đã giam cầm ngài trong trại cải tạo 7 năm, từ năm 1981 đến 1988. Đặc biệt, từ cuối năm 2000 đến nay Cha Lợi là một người lên tiếng công khai mạnh mẽ và trung thành ủng hộ cuộc tranh đấu cho tự do tôn giáo của Cha Lý. Cũng vì thế mà cha đang bị công an giám sát 24 giờ trên 24 giờ không cho ra khỏi nhà, cho dù không có bất kỳ bản án hình thức nào.

(2) – đe dọa và cảnh cáo trước những người nào mà ĐCSVN vẫn chưa có thể xác định được thái độ đối với Đảng [10] rằng họ nên tỏ ra ngoan ngoãn và phục tùng đối với Đảng nếu muốn ở trong tình trạng “tốt”. (Cũng dễ thấy là nhóm thứ hai này là nhóm đông nhất trong ba nhóm).

Sự kiện sau đây chỉ là một trong muôn vàn ví dụ cho sự đe dọa và cảnh cáo như thế. Khi Đại chủng viện Huế được Đảng cho phép mở cửa lại vào năm 1994, những ứng sinh ở Đà Nẵng được triệu hồi đến Sở Công an nhiều lần. Công an của Đảng nói thẳng thừng với một số ứng sinh, “Các anh phải biết rằng đất nước của các anh là Việt Nam, không phải là Vatican; vậy các anh phải biết ai là người các anh phải trung thành”. Còn đối với các ứng sinh khác thì họ sỉ nhục chính xác tín Công Giáo về bản chất thánh thiêng và nhưng không của ơn gọi linh mục khi ngạo mạn tuyên bố: “Không phải là Chúa mà là chính chúng tôi chọn các anh vào chủng viện và làm cho các anh thành linh mục ” (sic).

(3) – Để nâng đỡ và thưởng công với ít hạn chế hơn hay ngay cả không có hạn chế nào những người Công Giáo tỏ ra lụy phục đứng trước việc ĐCSVN đàn áp sự độc lập và tự trị của Giáo Hội hay ít nữa chứng tỏ không cả ước muốn đối lập lại sự đàn áp này. [11]

Hệ quả là, Đảng dùng những linh mục và giám mục thuộc nhóm thứ ba này như là những “trung gian” được ưa chuộng, mà sự giúp đỡ của họ Đảng mong muốn Giáo Hội phải tìm kiếm, nếu Giáo Hội muốn xin Đảng nới lỏng một vài hạn chế cụ thể.

ĐCSVN đã thường chính thức ban vai trò trung gian này cho các linh mục thuộc nhóm thứ ba khi mà họ gia nhập ủy ban Đoàn kết Công Giáo Yêu Nước. [12] Ủy ban này là một bộ phận của Mặt trận Tổ Quốc việt Nam và trong bản chất là một tổ chức do ĐCSVN điều khiển.

Một trong những bổn phận của nó đối với Đảng là hoạt động như một thứ phát ngôn viên bán chính thức của Đảng đối với giới Công Giáo ở Việt Nam bằng cách xuất bản tờ tuần báo gọi là Công Giáo và Dân Tộc. [13].

Cố Tổng Giám mục Sài Gòn, Đức cha Nguyễn Văn Bình, phải thừa nhận rằng: “Chúng tôi dựa vào UBĐKCGYN để giải quyết một số vấn đề. Chẳng hạn, nếu tôi muốn triệu tập tín hữu mà xin phép Nhà nước, Nhà nước sẽ không cho. Nhưng nếu tôi nhân danh UBĐKCGYN để triệu tập tín hữu thì Nhà nước sẽ cho phép dễ dàng”. [14]

Cũng đáng lưu ý rằng, như nhiều bằng chứng cho thấy, ĐCSVN cố làm cho nhiều giáo sĩ Công Giáo tham gia vào UBĐKCGYN và vào một vài tổ chức chính trị khác như Quốc Hội và Hội đồng Nhân dân ở các cấp khác nhau, để mà dụ dỗ họ không vâng phục Giáo Hội, để dùng nhiều thứ hội họp và công việc chính trị mà ngăn cản họ khỏi chu toàn bổn phận linh mục của mình đối với Đức Kitô và Giáo Hội, [15] và cuối cùng để dễ dàng gài bẫy họ vào những sai phạm luân lý để Đảng nắm được khuyết điểm mà khai thác, [16] là điều sẽ bảo đảm được sự phục tùng và cộng tác trung thành của họ.

– Cũng để can thiệp sao cho những giáo sĩ Công Giáo thuộc nhóm thứ ba có thể đạt được những vị trí quan trọng trong hàng lãnh đạo Giáo Hội. Lúc đó qua họ, ĐCSVN có thể bí mật xâm nhập vào chính cơ cấu của Giáo Hội và phát triển ở trong đó những nhân tố năng động phục vụ cho mục đích của Đảng cách hợp pháp.

Trường hợp khét tiếng nhất có lẽ là Linh mục Huỳnh Công Minh, một thành viên rất tích cực của UBĐKCGYN. Được bầu làm đại biểu Quốc hội, Linh mục Minh đã tuyên bố trong bài phát biểu tại một phiên họp của Quốc hội vào năm 1976 rằng “con người mới, xã hội mới mà mọi người đều mơ ước mà mọi người tin vào Chúa Kitô Giê su mãi mơ ước, con người mới đó, xã hội mới đó” không thể có được, không bao giờ có được, nếu không có Đảng Lao Động Việt Nam, [17] đội tiền phong của giai cấp công nhân, lãnh đạo và tổ chức (sic). [18] Linh mục Minh cũng đã từng là tổng biên tập của tờ Công Giáo và Dân Tộc, một tờ báo của Đảng như đã chỉ ra ở trên.

Linh mục Huỳnh Công Minh, Tổng Đại Diện Tổng Giáo phận Sài Gòn

Cái bản chất nguy hiểm của mối quan hệ của ông với Đảng được đánh giá thích đáng hơn từ khi nó bị tiết lộ trong một lá thư riêng mà Linh mục Vương Đình Bích, chủ tịch của UBĐKCGYN Thành phố HCM vào lúc đó, viết cho một số cơ quan của Đảng vào ngày 25 tháng Mười Hai năm 1997 để giải thích cho những cơ quan này việc xung đột mang tính chia rẽ giữa các thành viên của UBĐKCGYN về một số vấn đề tài chính. [19]

Với biết bao phẩm chất “tốt” và thành tựu theo tiêu chuẩn của Đảng, ĐCSVN rõ ràng đã xem Linh mục Minh như là ứng viên tốt nhất của chức vụ Tổng Giám mục Sài Gòn. Nhưng sau khi chắc chắn thấy rằng linh mục này rõ ràng là một nhân vật thất sủng (persona non grata) trong mắt Toà Thánh cho bất kỳ vị trí giám mục nào. Đảng bảo vệ quyền hành của ông bằng cách khác. Đảng dứt khoát đòi hỏi sau đây phải được thoả mãn như là một trong những điều kiện để Đảng chấp nhận bất cử ứng viên nào khác hơn là Linh mục Minh cho chức vụ Tổng Giám mục Sài Gòn. Đó là bất kỳ tân Tổng Giám mục nào cũng không được loại ông ra khỏi vị trí tổng đại điện hay cắt giảm quyền hành của ông, quyền hành mà ông hưởng dưới thời cố Tổng Giám mục Bình. Điều đó muốn nói là trong thực tế quyền hành của Linh mục Minh nhiều hơn xa quyền hành của một vị tổng đại diện bình thường theo Giáo luật Hơn nên, dưới thời Tổng Giám mục Bình, Đảng đã can thiệp bằng cách khác nhau để Linh mục Minh và những người Công Giáo khác thuộc nhóm thứ ba có thể thống trị Ban Cố vấn của Tổng Giáo phận Sài Gòn. “Ban này, ngoài hai Đức cha, gồm sáu ủy viên, mà bốn ủy viên là những người chóp bu của UBĐKCGYN (Nguyễn Huy Lịch (linh mục), Phan Khắc Từ (linh mục), Huỳnh Công Minh (linh mục), Nguyễn Đình Đầu (giáo dân). Còn lại là Cha Mai Xuân Hậu và Chân Tín [20].

Một trường hợp khác ít được biết đến hơn nhưng không kém nghiêm trọng đó là Linh mục Nguyễn Bình Tĩnh của Đà Nẵng (nay là Giám mục), người đã ủng hộ những hoạt động và chính sách của ĐCSVN công khai và hăng say đến nỗi gây “scandal” (chú thích của Ban Biên Tập: xì căng đan) cho nhiều người Công giáo trong giáo phận. Ví dụ, trong những bài giảng phụng vụ, ông trích dẫn các văn kiện của Đảng như một thứ hướng dẫn luân lý cho tín hữu Công Giáo. [21]

Đức Giám Mục Nguyễn Bình Tĩnh

Nhiều người Công Giáo ở Đà Nẵng cũng đã tường thuật rằng vào một ngày Chúa Nhật năm 1991, Linh mục Tĩnh đã cho phép một viên chức của Đảng nói chuyện ở trong nhà thờ giáo xứ An Hải của ông mà kêu gọi giáo dân tham gia chương trình công trái của Đảng. Và như thể điều này chưa đủ, vào tháng Ba năm 1993, lại cũng trong một thánh lễ Chúa Nhật, Linh mục Tĩnh đích thân phân phát cho giáo dân những tập giấy của Đảng quảng bá ngừa thai nhân tạo và phá thai (lưu ý rằng Đảng không những cho phép mà còn khuyến khích phá thai không hạn chế). Có sẵn một linh mục tốt như thế, Đảng đòi hỏi rằng ông phải được đặt làm Giám Đốc Đại Chủng viện Huế như là một trong những điều kiện để chủng viện được mở cửa lại vào năm 1994. Không chỉ có vậy, Đảng còn thành công trong nỗ lực kiên trì và có tổ chức của mình để ép Giáo Hội vào góc tường khiến Giáo Hội khó có thể tránh bổ nhiệm Linh mục Tĩnh làm Giám mục phó có quyền kế vị của Đà Nẵng vào tháng Sáu năm 2000 (và bây giờ là Giám mục chính tòa). [22]

Từ lúc đó, đúng y như Đảng sắp đặt và dự định sẽ xảy ra, nhờ vào quyền hành giám mục, sự phục tùng và cộng tác của ông đối với Đảng càng có nhiều hiệu quả hơn. Hai câu chuyện sau đây có thể xem như là những ví dụ. Vào cuối năm ngoái, khi Đảng từ chối bồi thường cho giáo xứ Thanh Đức về khoảng 2,000 mét vuông mà Đảng lấy từ đất của giáo xứ để mở rộng đường, thì cha chánh xứ, Linh mục Đặng Đình Canh, và hầu hết các thành viên của giáo xứ đồng lòng quyết định dùng luật pháp mà tranh đấu đòi bồi thường. Giám mục Tĩnh đến thăm giáo xứ để điều tra sự việc Sau khi tận tai nghe quyết định của giáo xứ, lúc ra về, ông nói riêng với Cha Canh: “Tôi không muốn (giáo xứ) làm ồn ào chuyện này”. Hiểu được vị giám mục muốn nói gì, vị linh mục chọn lựa vâng theo và khuyên các thành viên của giáo xứ bỏ đi quyết định vốn có của họ, và để cho Đảng lấy đất không tốn một xu. Gần đây hơn, trong một cuộc phỏng vấn của báo Công Giáo và Dân Tộc vào tháng Năm năm nay, Giám mục Tĩnh đã công khai bảo vệ việc giáo sĩ Công Giáo tham gia vào các tổ chức chính trị của Đảng, cụ thể là việc Linh mục Nguyễn Tấn Khóa, một trong những linh mục của ông, được giới thiệu ra ứng cử vào Quốc hội. ông nói: “Giáo Hội khuyến cáo các linh mục không nên tham gia vào các đảng phái chính trị và làm chính quyền vì sợ bị chi phối mục vụ và mất đoàn kết. Tuy nhiên mỗi nước có những thể chế chính trị riêng. Trong bối cảnh việt Nam chúng ta, công quyền ít có sự hiện diện của Giáo Hội, nên tôi thấy các linh mục tham gia vào Quốc hội là chuyện bình thường và cần thiết vì Quốc hội là tập hợp của khối đại đoàn kết gồm đại diện nhiều thành phần khác nhau. Do đó, ở giáo phận tôi, nếu linh mục nào được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, tôi thấy không có trở ngại nào (sic)”. [23]

(Còn tiếp)

________________

Chú thích:

[6] Từ đây trở đi, những người Công Giáo có thái độ này đối với ĐCSVN sẽ được đề cập đến như là những người Công Giáo thuộc nhóm thứ nhất.

[7] Tôi sẽ nói nhiều đến linh mục này sau.

[8] Vì lý do an toàn của ngài tránh trường hợp Đảng gây rắc rối cho ngài, tôi xin phép không nói rõ những chi tiết về tên tuổi và nơi chốn.

[9] Tổng Giám mục Thuận, người lúc đó đang bị quản thúc tại gia ở Giang Xá, Sơn Tây, bây giờ là Hồng y (đã qua đời) và là Chủ tịch của Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình.

[10] Từ đây về sau, những người Công Giáo như thế sẽ được phân loại như là nhóm thứ hai.

[11] Từ đây về sau, những người Công Giáo này sẽ được phân loại như nhóm thứ ba.

[12] Từ đây về sau, UBĐKCGYN.

[13] Trả lời cho một câu hỏi “Đức cha nghĩ sao về ủy ban Đoàn kết Công Giáo Yêu nước? (Que pensez-vous du Comité d’union des catholiques patriotes)” của báo Eglises d’ Asie trong cuộc phỏng vấn vào ngày 12 tháng Mười Hai năm 1990, Giám mục Nguyễn Minh Nhật của Giáo phận Xuân Lộc nói: “Ủy ban giữ tờ báo Công Giáo độc nhất tại miền Nam Việt Nam: tờ “Công Giáo và Dân Tộc”. Nhưng cả ủy ban lẫn tờ báo nên được coi như là những cơ quan của nhà nước thì hơn. Những bài viết của tờ báo luôn luôn bênh vực chính sách của chính phủ và rất thường phê bình đối với Giáo Hội. Chúng không cho (người đọc) một ý tưởng đúng đắn về Giáo Hội tại Việt Nam (Le Comité détient l”unique jouma/ catholique du Sud Viet-nam: “Le Catholicisme ẹt la Nation” Cependent, l’un com me l”autre doivent être considérés plutôt comme des organes de l’état. Les articles du joumal sont toujours en faveur de la politique gouvernementale et très souvent critiques vis-à-vis de l’ Église. Ils ne donnent pas nhe idée juste de l’Église du Viet-nam)”

[14] Trả lời phỏng vấn của báo Il Regno Attualità ngày 15 tháng Tư năm 1990.

[15 ] “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ” (Matthêô 6, 24).

[16] Xem chiến lược thứ hai.

[17] Tên của ĐCSVN vào lúc đó.

[18] Bản tin ngày 7 tháng Bảy năm 1976 của Thông Tân Xã Việt Nam, tức cơ quan thông tin của Đảng, đã đăng lời phát biểu này.

[19] Lá thư viết: “Tôi, (LM. Bích) đã thành khẩn nói với hai anh Từ (Lm. Phan Khắc Từ) và Cần (Lm. Trương Bá Cần), là vấn đề thật của Tổ chức chúng ta, không phải là Nhóm nghiên cứu, mà là Nhóm 4 anh em chúng tôi, Minh (Lm. Huỳnh Công Minh)-Cần-Từ-Bích đã được lãnh đạo …

[20] Thư Linh mục Chân tín gửi Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình

[21] Khi còn là một chú giúp lễ ở giáo xứ Thanh Đức, Đà Nẵng, vào những năm 80, chính tôi đã chứng kiến một trường hợp như vậy vào một dịp cử hành Tam Nhật Thánh mà Linh mục Tĩnh chủ sự vì cha chánh xứ của tôi tạm thời mất tiếng sau một cuộc giải phẫu ở cổ.

[22] Ngay từ những năm 95, 96, nhiều linh mục và giáo dân của Giáo phận Đà Nẵng đã biết đến một văn thư được Công an Đà Nẵng gửi đến cho Linh mục Tĩnh, trong đó họ đã thẳng thừng gọi ông là “Giám mục”. Một sự kiện khác cũng đáng biết. Trong giáo phận có một vài linh mục ít nhiều xứng đáng là những ứng viên giám mục nhưng các vị đã bị bổ nhiệm dạy trong ban giáo sư của Đại Chủng viện Huế vì chủng viện thật sự cần sự giúp đỡ của các ngài. Đảng đòi hỏi rằng vì những linh mục này bây giờ sống và dạy tại chủng viện như là thành viên của ban giáo sư, các ngài phải huỷ bỏ thường trú của mình ở Đà Nẵng mà đăng ký thường trú ở Huế. Hệ quả là, các ngài mất thường trú ở Đà Nẵng. Đòi hỏi này hóa ra là một bước trong âm mưu được Đảng chuẩn bị từ lâu, âm mưu này sau đó đã sử dụng tình trạng thường trú ở nơi khác như là một lý do hợp pháp để từ chối việc đề cử những linh mục đang nói vào chức vụ Giám mục Đà Nẵng và nhờ vậy mà để dành cơ hội cho một mình Linh mục Tĩnh. Thật vậy, nếu cùng một logic ở trên mà đã được áp dụng, thì Đảng đáng lẽ phải đòi hỏi việc hủy bỏ thường trú của Linh mục Tĩnh ở Đà Nẵng còn nhiều hơn là Đảng đã làm vậy đối với những linh mục vừa nói trên, bởi vì ông là Giám đốc Đại Chủng viện Huế. Nhưng trái lại, Đảng đã không làm vậy, mà lại một mực đòi rằng ông phải duy trì thường trú ở Đà Nẵng. Cuối cùng, một nguồn riêng cho biết rằng dầu Giám mục cũ, Đức cha Nguyễn Quang Sách, sức khoẻ rất yếu kém và hết sức cần người thay thế hay tối thiểu là một vị phó có quyền kế vị, nhưng ngài vẫn không muốn Linh mục Tĩnh vào vị Giám Mục cũng như đã không đề cử ông, có lẽ vì ngài sợ những nguy hại lớn lao cho Giáo Hội trong tương lai.

[23] Xem toàn bộ bài phỏng vấn trong số ra từ ngày 24 đến ngày 30 tháng Năm năm 2002 của Công Giáo và Dân Tộc: trang 14 và trang 40.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 2 years

    Linh mục Huỳnh Công Minh, theo gs Tương Lai, là cố vấn về tôn giáo của Thủ Tướng Sáu Dân trong lòng dân Võ Văn Kiệt .