Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bản chất cuộc phản đối chợ Ninh Hiệp không phải chuyện của học trò

Giang Nam (VNTB) Gia Lâm gần sát quê tôi nên tôi biết rõ. Đó là cửa ngõ bờ bắc sông Hồng, đáp ứng nhu cầu xuất nhập hàng hóa hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc qua các loại chợ đầu mối quan trọng đi vào Hà Nội.

Bản chất nhìn thấy rõ ràng là: cuộc đối đầu giữa lợi ích dân địa phương và nhóm lợi ích có sự bảo hộ của chính quyền Hà Nội.

Nhóm lợi ích được ưu ái của chính quyền thành phố, bỏ qua nhiều thủ tục và cứ hăm hở xúc tiến nhằm xác định chủ quyền đất đai. Ế ẩm họ cũng chẳng sợ, vì mục đích là chỉ cần chiếm được đất, sau sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng, chẳng phải lo gì!

Một số tờ báo đã phản ánh tình hình cụ thể như Dân trí, Lao động, vnexpress, phunutoday, Tin tức…

Báo Thanh Niên, sau đó Tuổi Trẻ, đưa tin: Ông Hoàng Anh Tú, Chánh văn phòng UBND H.Gia Lâm cho biết: “Có nhận được thông tin mỗi học sinh tham gia tập trung phản đối xây trung tâm thương mại được các đối tượng lôi kéo xúi giục cho 50.000 đồng/buổi, 100.000 đồng/ngày, cá biệt có khi là 200.000 – 300.000 đồng/ngày”.

Đó là tiểu xảo tuyên truyền nhằm đánh lạc hướng bản chất vụ việc.
 

Bài viết hồ đồ và lười biếng của Thanh Niên lập tức gây bức xúc và phản ứng lớn trong dư luận.

Báo Tuổi Trẻ khách quan hơn một chút, sau khi dẫn lời quan chức Hoàng Anh Tú, bổ sung “Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi trẻ, một số phụ huynh có con nghỉ học thì khẳng định không có việc đó, họ không cho con đi học để phản đối việc chính quyền xây trung tâm thương mại”.

Thực tế đơn gian rằng, các em học sinh nghe lời phụ huynh bảo nghỉ học để phản đối, đương nhiên các em nghe lời cha mẹ. Tóm lại, đó chính là hình thức biểu tình cuả phụ huynh. Cần chi phải cho công an “vào cuộc” nhằm qui kết “có nhóm người cho tiền học trò” (!).

Ông Trần Xuân Hà phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội lại bao biện rằng việc xây Trung tâm thương mại xã Ninh Hiệp được thực hiện “theo đúng quy định của pháp luật, được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm phát triển kinh tế xã hội địa phương”. Nên nhớ rằng Ban tuyên giáo Hà Nội có truyền thống phát ngôn “làm việc không cần hỏi ý kiến dân”. Bây giờ trước vụ Ninh Hiệp, chính quyền ắt phải hỏi đến Dân thôi.

Nhìn sâu vào bản chất của cuộc đối đầu này chính là sự mâu thuẫn kinh tế tiểu thương và kinh tế “kế hoạch có bàn tay nhà nước”.

Cái mâu thuẫn này nó ám ảnh những cán bộ Đảng học qua các trường chính trị. Nó thể hiện sự lúng túng giữa “kinh tế thị trường đầy đủ” và “KTTT định hướng XHCN”. Nó cố làm ra để bảo đảm cho cái sĩ diện của Đảng rằng trung tâm thương mại phải ra đời do một quyết định nhà nước. Đặng khi tổng kết thành tích còn có cái mà liệt kê rằng thành phố và quận “đã tích cực phát triển kinh tế xã hội và xây dựng “nông thôn mới”.vân vân và vân vân.

Ninh Hiệp là một ca nghiên cứu (case study) cho các Khoa kinh tế chính trị học trong các loại Trường Đảng từ tỉnh, thành phố tới trung ương, các GSTS. hãy lập đề cương và lấy kinh phí đi nghiên cứu thực địa. Kết quả sẽ rất thú vị cho nền kinh tế TT “định hướng XHCN”. Bài giảng của các vị sẽ thêm sinh động và mở rộng tầm mắt cho các nhà kinh tế học mác- lê.

Thực tế chứng minh rằng kinh tế tiểu thương của xã Ninh Hiệp đang phồn thịnh, mấy cái Trung tâmTM xây ra “theo qui hoạch, đúng qui trình” đã ế ẩm, bỏ không thì bụi thời gian hủy hoại, mà lại xấu hổ, cho dân mượn không mà vẫn ế. Thật vô cùng phi lý khi lại định xây TTTM mới nữa, đương nhiên chèn ép khu chợ cũ của tiểu thương.

Theo quan sát của phóng viên Đất Việt, “trên địa bàn xã Ninh Hiệp hiện đang có 4 chợ và TTTM trong đó có 3 TTTM là Sơn Long, Phú Điền, Ba Giai đều trong tình trạng ế ẩm không có người thuê”.

Đề nghị thanh tra chính phủ vào cuộc đánh giá bên B có thực hiện đúng qui định pháp luật chưa, đối chiếu vụ nhà 8B Lê Trực là rõ.

Chính quyền Hà Nội, Gia Lâm trước sức ép của bà con Ninh Hiệp và báo chí vào cuộc, đã chọn phương án “hoãn binh chi kế” với lời hứa sĩ diện rằng“để qua Tết sẽ giải tỏa bãi xe khỏi ảnh hưởng buôn bán của bà con”.

Chẳng lẽ chỉ vì món “hỗ trợ” của hai cty Vĩnh Phát và Tuấn Dung (10 tỷ và 60,5 tỷ) mà chính quyền mờ mắt, bất chấp đời sống nhân dân ?

Chúng ta hãy chờ xem.

Tin bài liên quan:

VNTB- Bàn về chữ “đảng” và “bí thư”

Phan Thanh Hung

VNTB – Nghiên cứu lịch sử: “Quốc tế cộng sản” ngày ấy…bây giờ

Phan Thanh Hung

VNTB – Quan hệ báo chí và tuyên giáo: Một động thái cựa mình của báo chí để được là chính mình

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo