Anh Khoa dịch
(VNTB) – Một hội đồng gồm các luật sư, học giả và nhà hoạt động cho biết Bắc Kinh theo đuổi “chính sách có chủ ý, có hệ thống và phối hợp” nhằm giảm dân số của người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác
Chú thích ảnh: Luật sư nhân quyền quốc tế Geoffrey Nice, chủ tịch Tòa án Duy Ngô Nhĩ, đã đưa ra phán quyết của ban hội thẩm tại London vào thứ Năm.
Tác giả: Sha Hua
HONG KONG — Một hội đồng độc lập đã kết thúc cuộc điều tra kéo dài một năm về việc Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương. Hội đồng kết luận rằng các chính sách của Trung Quốc trong khu vực này là một hình thức diệt chủng.
Tòa án Duy Ngô Nhĩ, một hội đồng luật sư, học giả và nhà hoạt động có trụ sở tại Vương quốc Anh, hôm thứ Năm cho biết họ phát hiện ra rằng chính phủ Trung Quốc, thông qua các chính sách bao gồm những gì họ mô tả là cưỡng bức kiểm soát sinh sản và triệt sản, có ý định tiêu diệt một phần cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ chủ yếu là người Hồi giáo và lối sống của họ; và rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao khác phải chịu “trách nhiệm chính về các hành vi ở Tân Cương”.
Các nhà hoạt động nhân quyền và một số học giả nói rằng chính quyền Trung Quốc đã nhốt ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác trong các trại giam cho chiến dịch đồng hóa sắc tộc sâu rộng.
Bắc Kinh không tham gia vào quá trình tố tụng, và gọi đây là hành động khiêu khích của các lực lượng chống Trung Quốc. Hôm thứ Năm, một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết phát hiện của ban hội thẩm là “một trò hề chính trị được dàn dựng bởi một số ít những cá nhân đáng khinh”. Chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ, nói rằng họ đang chống lại chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa ly khai và rằng các trại này được sử dụng để “dạy nghề”.
Hội đồng do Geoffrey Nice, một luật sư nhân quyền quốc tế làm chủ tọa, đã được đưa ra vào tháng 9 năm ngoái theo sự thúc giục của các nhà hoạt động Duy Ngô Nhĩ và đưa ra phán quyết dựa trên các báo cáo, bài báo và lời khai của hàng chục nạn nhân và chuyên gia trong hai phiên điều trần vào tháng 6 và tháng 9.
Chín thành viên của hội đồng – ba học giả, hai luật sư, hai bác sĩ, một doanh nhân và một nhà ngoại giao – cũng cho biết họ nhận thấy “rõ ràng” là chính phủ Trung Quốc đã phạm tội ác chống lại loài người đối với dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ, viện dẫn các lời khai về tội hiếp dâm, tra tấn và cưỡng bức phá thai cũng như bằng chứng về việc giam giữ hàng loạt và chia cắt gia đình.
Kết luận của họ cũng dựa trên các tài liệu bị rò rỉ của chính phủ Trung Quốc làm sáng tỏ thêm vai trò của Tập Cận Bình trong việc chỉ đạo chiến dịch của Đảng uỷ Tân Cương.
Các tài liệu cho thấy Tập Cận Bình cảnh báo về sự nguy hiểm của ảnh hưởng tôn giáo và tình trạng thất nghiệp ở các nhóm thiểu số, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của “tỷ lệ dân số”, hay sự cân bằng giữa số dân thuộc các sắc tộc thiểu số và người Hán, đối với việc duy trì quyền kiểm soát trong khu vực.
Ông Nice nói rằng ban hội thẩm đã nhiều lần viết thư cho chính phủ Trung Quốc để mời tham gia vào các phiên điều trần. Ông cho biết cuộc điều tra đã công nhận các nền văn hóa chính trị khác nhau giữa Trung Quốc và các nền dân chủ phương Tây, chỉ tập trung vào “những vi phạm rõ ràng nhất đối với các tiêu chuẩn và luật pháp quốc tế mà [Trung Quốc] đã cam kết tuân thủ, hành động một cách rất thận trọng khi đưa ra các quyết định của mình”.
Diệt chủng, theo định nghĩa của Công ước về Diệt chủng của Liên Hợp Quốc, bao gồm “ý định tiêu diệt, toàn bộ hoặc một phần, một nhóm thuộc một quốc gia, dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo.” Sử dụng thuật ngữ này để mô tả các chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương, nơi sinh sống của khoảng 14 triệu người Duy Ngô Nhĩ nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và các dân tộc thiểu số khác, chủ yếu là người Hồi giáo, đã trở thành tiêu điểm trong các cuộc tranh luận pháp lý và các cuộc tranh luận công khai khác.
Björn Alpermann, giáo sư nghiên cứu tiếng Trung tại Đại học Würzburg ở Đức, cho biết: “Từ diệt chủng có một giá trị gây sốc nhất định bởi vì hầu hết mọi người có xu hướng liên kết từ này với những vụ giết người hàng loạt trong vụ diệt chủng người Do Thái (Holocaust).” Ông cho rằng mô tả các hành vi của Bắc Kinh là “diệt chủng văn hóa” và “tội ác chống lại loài người,” thì có lẽ hợp lý hơn.
Ông Nice thừa nhận rằng việc gọi các chính sách của Bắc Kinh ở Tân Cương là diệt chủng có thể làm giảm giá trị của thuật ngữ này khi không có bằng chứng về các vụ giết người hàng loạt và việc so sánh với Holocaust, gợi lên hình ảnh những người bị đưa lên tàu hỏa đến các trại hành quyết, là “vô ích”.
Ông Alpermann cho biết một giá trị trong quá trình làm việc của ban hội thẩm là họ đã giải thích công khai và minh bạch cách họ đi đến phán quyết của mình. Ngược lại, ông nói, khi chính quyền Trump trong những ngày cuối cùng nắm quyền vào tháng Giêng vừa qua cũng mô tả các chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương là tội ác diệt chủng, họ đã không đưa ra được giải thích đầy đủ về việc làm thế nào họ đi đến kết luận đó, ông nói.
Các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Tân Cương cũng dẫn đến các lệnh trừng phạt từ Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác.
Hôm thứ Tư, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ, cấm nhập khẩu từ Tân Cương do lo ngại về việc sử dụng lao động cưỡng bức trong quá trình sản xuất.
Hôm thứ Hai, chính quyền Biden đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh; Úc và Canada ngay sau đó đã có những tuyên bố tương tự.
Nguồn: WSJ