GS Nguyễn Văn Tuấn
(VNTB) – Bàn luận là một cách học hỏi lẫn nhau, còn tranh luận thường kết thúc bằng những điều vô duyên. Bàn luận là một sự trao đổi về kiến thức, còn tranh cãi là một sự trao đổi dốt nát.
Thời còn trẻ, có lẽ như nhiều bạn khác, tôi hay tranh luận. Tranh luận rất hăng, và lúc nào cũng muốn phần thắng về mình. Nhưng ngày nay, ở tuổi mùa thu của cuộc đời, tôi nhớ lời nói của sếp cũ và nghiệm ra rằng không ai thắng trong một cuộc tranh luận.
Chuyện thứ nhứt: khi tôi mới về đây (UTS) chúng tôi trong ban giám đốc bàn về chương trình seminar, và có than phiền là một số giáo sư không dự seminar thường xuyên để làm gương cho đàn em. Một giáo sư kia (chắc là gốc Anh — có thể đoán qua giọng nói) thẳng thừng bác bỏ lời phàn nàn của ban giám đốc vì anh ta nói là mấy vị đó không giảng dạy nên không biết rằng giáo sư có trách nhiệm giảng dạy như anh ấy rất bận, không thể dự seminar thường xuyên được. Thấy thái độ vừa ngông nghênh vừa không hề có thiện chí của anh ấy, tôi cũng bực mình và lạnh lùng nói đại khái rằng ‘nếu anh không thể làm gương cho đàn em bằng cách tham dự seminar thì anh nên tự xem là mình có lí do để tham gia trung tâm này không.’ Cả phòng im lặng. Sau này, anh ấy quả thật bỏ trung tâm, và khi gặp tôi trong các cuộc họp khác, anh ấy cảm thấy ngượng nghịu khi chào hỏi. (Bây giờ, nếu cho lại cơ hội, tôi nghĩ mình sẽ nói khác đi). Tôi nghĩ mình đã chạm đến niềm kiêu hãnh của anh ấy.
Chuyện thứ hai: cách đây chừng 3 năm, có một cuộc tranh cãi nảy lửa trước ống kính đài truyền hình giữa hai giáo sư ở Hà Nội về sách giáo khoa hiện đại. Giáo sư S gay gắt phê phán giáo sư Đ là một nhà tâm lí và toán học rằng: “Anh không hiểu môn văn và môn tiếng Việt. Anh vừa nói tôi dạy văn là nghệ thuật, còn anh dạy tiếng Việt là khoa học. Nhầm. Môn tiếng Việt không phải là một môn khoa học […] Ý niệm của anh […] là sai bét. Không một nhà khoa học nào chấp nhận được cách dạy như thế.” Giáo sư Đ phản đối một luận điểm khác của giáo sư S, thì giáo sư S có vẻ nóng tính và bằng ngôn ngữ cơ thể khá căng thẳng phê phán giáo sư Đ là thiếu đạo đức. Giáo sư S nói:
“… như mọi người thấy … một nhà gíao trước hết phải có đạo đức rồi mới nói chuyện khác được. Trước hết thì hãy có đạo đức đã, nếu mà nói giọng như thế là thiếu đạo đức và tôi có thể không nói chuyện với anh. Anh không có quyền khinh bỉ người khác. Anh khinh bỉ người khác thì người khác cũng khinh bỉ anh.”
Tôi đoán rằng hai vị giáo sư sau đó chắc khó ngồi xuống nói chuyện một cách bình thường sau này.
Khi đối xử với một con người, nên nhớ rằng bạn không đối xử với một người có tính logic. Trong thực tế, bạn đang đối xử với một người đấy xúc cảm, đầy định kiến, và được thúc đẩy bởi niềm kiêu hãnh cùng sự phù phiếm. Nhà tâm lí học B. Skinner bỏ ra rất nhiều thời gian để nghiên cứu về hành vi của con người, và ông đi đến kết luận rằng con người khi bị chỉ trích sẽ ít khi nào thay đổi hành vi của họ mà còn khơi dậy sự phẫn nộ ở họ. Họ phẫn nộ vì chỉ trích làm niềm kiêu hãnh của họ bị xúc phạm. Quả đúng như nhận định của Skinner: vị giáo sư kia cho biết rằng ông sẽ không thay đổi một chữ nào trong bộ sách ông biên soạn.
Thành ra, chỉ trích hay phê phán là một hành vi nguy hiểm. Tại sao? Tại vì chỉ trích là một sự tấn công vào một cá nhân, làm cho người đó ở vào thế phòng thủ và họ sẽ tìm cách biện minh cho hành động của họ. Chánh khách và khoa học gia Benjamin Franklin từng nói rằng “Nếu bạn tranh luận, gây hấn, và tạo mâu thuẫn, bạn thỉnh thoảng có thể thắng, nhưng đó là một chiến thắng rỗng tuếch vì bạn sẽ không bao giờ chinh phục được lòng tốt của đối thủ.” Dale Carnegie thì đi xa hơn Franklin và viết trong một chương sách rằng, “Cách chắc chắn nhứt để biến một ai đó thành kẻ thù là cho rằng rằng họ sai … nếu bạn nói với ai đó rằng họ sai, liệu bạn làm cho họ đồng ý với bạn? Không bao giờ! Vì bạn đã tấn công trực tiếp vào sự thông minh, khả năng phán xét, lòng tự hào và tự trọng của họ … Những gì bạn công kích sẽ không bao giờ làm cho họ muốn thay đổi ý kiến.”
Trong cuốn sách “How to Win Friends and Influence People” (mà học giả Nguyễn Hiến Lê dịch là “Đắc Nhân Tâm”) [1], tác giả Dale Carnegie dành hẳn một chương lí giải tại sao bạn không bao giờ thắng trong một cuộc tranh luận. Ông viết rằng cứ 10 cuộc tranh luận thì 9 được kết thúc với mỗi người tham gia cuộc tranh luận có thêm niềm tin rằng họ đúng.
Bạn không thể thắng trong một cuộc tranh luận. Bạn không thể thắng bởi vì nếu bạn thua thì bạn thua, nhưng nếu bạn thắng thì bạn vẫn là kẻ thua cuộc.
Tại sao kì vậy? Thử tưởng tượng bạn thắng bằng cách đánh bại lập luận của họ, chỉ ra các lỗ hổng về logic và dữ liệu, tức là bạn chứng minh rằng họ là người kém trí lực. Rồi sau đó thì sao? Có lẽ bạn sẽ tự cảm thấy mình giỏi. Nhưng còn họ thì sao? Bạn đã làm họ cảm thấy thấp kém, bạn đã làm tổn thương lòng tự trọng của họ. Họ sẽ phản đối cái thắng của bạn bằng cách này hay cách khác.
Trong tác phẩm “Đắc Nhân Tâm”, Dale Carnegie viết: “Tôi đã đi đến kết luận rằng dưới vòm trời này chỉ có một cách duy nhứt để thắng trong một cuộc tranh luận — và đó là tránh tranh luận. Hãy tránh tranh luận như bạn tránh rắn độc và động đất.”
Vậy thì không nên tranh luận? Có lẽ vậy. Thay vì tranh luận, chúng ta nên bàn luận. Tranh luận ở đây hiểu theo nghĩ ‘Argument’, còn bàn luận là ‘Discussion’. Bàn luận là một cách học hỏi lẫn nhau, còn tranh luận thường kết thúc bằng những điều vô duyên. Bàn luận là một sự trao đổi về kiến thức, còn tranh cãi là một sự trao đổi dốt nát.
Thử tưởng tượng một tình huống: bạn ủng hộ việc gia tăng học phí, và tôi không ủng hộ. Nếu bạn hét to, “Phải tăng,” và tôi hét, “Không được tăng,” thì bạn thấy tôi ích kỉ, và tôi thấy bạn kém suy nghĩ. Cả hai chúng ta đều không học được điều gì, vì chúng ta không hiểu và không tôn trọng lẫn nhau, và chúng ta không có cơ sở để thỏa thuận hoặc hợp tác với nhau. Ngược lại, hãy tưởng tượng bạn đưa ra một lập luận hợp lí, như ‘đại học hiện nay đang ở trong tình thế khó khăn do Nhà nước giảm tài trợ nên họ phải tăng học phí để trả lương cho giảng viên và duy trì các phòng labo’. Sau đó, tôi đưa ra một lập luận hợp lí khác, như ‘Nếu tăng học phí sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến những gia đình nghèo khó, họ không thể theo học đại học, và từ đó gây ra sự bất bình đẳng cơ hội giữa người nghèo và người giàu.’ Bây giờ thì chúng ta có thể hiểu quan điểm của nhau và nhận thấy những giá trị chung giữa chúng ta, vì chúng ta cùng quan tâm đến những người lao động cần sự giúp đỡ. Chỉ có cách bàn luận như thế thì ai cũng ‘thắng’.
Dale Carnegie kết thúc chương sách bằng một lời khuyên: “Không phê phán, lên án hay phàn nàn” (Don’t criticize, condemn or complain).
____
[1] Cuốn “Đắc Nhân Tâm” (How to Win Friends and Influence People) là một trong những cuốn sách ‘học làm người’ hay nhứt trong lịch sử. Kể từ ngày được xuất bản vào năm 1936, cuốn sách đã bán hơn 15 triệu bản. Cuốn sách là một kim chỉ nam cho giới doanh nhân, khoa học, và công chúng nói chung.