Huỳnh Liên
(VNTB) – Báo chí Nhà nước khen rằng phòng làm việc của Tổng bí thư đơn giản, chỉ có sách vở…
Trong bài “Lần đầu thấy phòng làm việc giản dị của Tổng bí thư” đăng trên tờ VietnamNet hôm 12-3-2022, tác giả ký tên Nguyễn Đăng Tấn có đoạn viết: “Điều đặc biệt ở căn phòng ấy chính là sách, rất nhiều sách. Sách trên kệ, sách trên bàn làm việc, trên tường có một bức ảnh Bác Hồ. Đúng là một căn phòng bình dị”.
Không rõ đây có phải là nhà thơ Nguyễn Đăng Tấn hay không, bởi vì một lãnh đạo chính trị mà trên bàn chỉ có sách vở hàn lâm, thay vì báo chí thì đó sẽ là một nguyên thủ thích đóng khung trong tháp ngà của lý thuyết khô cứng.
“Mọi lý thuyết đều là màu xám/ Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi” – Đó là những lời thơ trong tác phẩm “Faust” của đại thi hào Johann Wolfgang (von) Goethe (1749-1832). Nó như muốn nhắc nhở con người, cần phải biết cảnh giác với mọi hiểu biết, cũng như áp dụng lý thuyết, thậm chí kể cả với những điều được coi là chân lý. Và ở đây xem ra cũng không loại trừ những gì mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng coi là khuôn vàng thước ngọc trong những tập sách dày cộm chất đầy bàn làm việc của ông.
Bàn luận tiếp về chuyện lý thuyết sách vở chất đống trên bàn làm việc của Tổng bí thư.
Nếu ông Nguyễn Phú Trọng thích tháp ngà kiến thức hàn lâm của một người đeo đuổi lý luận chủ nghĩa cộng sản, thì xin được trao đổi cùng ông rằng với những tiếng nói phản biện phải vướng vòng lao lý bởi những điều luật hình sự số 117, số 331, thì thử hỏi có khi nào ông nhớ lại câu nói của nhà toán học nổi tiếng George Polya (1887-1985): “Thật ngu xuẩn nếu chỉ khư khư ôm lấy giả thuyết của mình”?.
Người viết bài này nghĩ rằng có thể vì nhiều lý do khác nhau, khiến việc từ bỏ định kiến của con người, không thể dễ dàng, nhất là với một đảng viên ngưỡng tuổi 80 như ông Tổng bí thư hiện tại. Cũng bởi định kiến nên biết bao kẻ bị nhồi nhét bởi những lý thuyết lỗi thời, hay giáo điều, vẫn cứ ôm lấy những lý thuyết đó, như một thứ chân lý tuyệt đối, thậm chí còn bảo vệ điên cuồng bằng bạo lực với những ai chống lại nó.
N gười ta chỉ nghe thấy điều họ muốn nghe
Người viết bài này tin rằng với nền giáo dục của miền Bắc thời kỳ bao cấp, đặc biệt là giai đoạn “Nam tiến” thập niên 50, 60 thế kỷ trước thì nhiều thế hệ khó thể thoát được lối mòn của một nền giáo dục định hướng của ý thức hệ, rất ít, thậm chí không có tinh thần “khai phóng”, và điều đó sẽ tạo ra những lớp người học chỉ tin vào những thứ họ được học – được dạy.
Do thiếu được giáo dục tư duy phản biện, họ dễ trở nên cuồng tín theo những quan niệm của các ông thầy dạy, mà không cần biết rằng, chính cái chỗ dựa được họ coi là nền tảng ấy, cũng chẳng có gì đảm bảo là đúng đắn, khách quan cả. Đã thế họ còn mang thái độ ghẻ lạnh với những quan điểm khác biệt, và nguy hại hơn nữa khi họ máy móc áp dụng lý thuyết giáo điều hạn hẹp của mình vào thực tiễn đời sống xã hội.
Dẫu lý thuyết có sâu – rộng đến mấy, sách vở hàn lâm có chất đầy bàn làm việc đến đâu đi nữa thì cũng luôn có nguy cơ bị lạc hậu trước thực tiễn cuộc sống. Chính vì thế, mà từ lịch sử của loài người cho thấy, biết bao lý thuyết đã phải lần lượt ra đi, nhường chỗ cho những nhận thức mới.
Nói theo cách của tháp ngà hàn lâm, thì mặc dù “từ bỏ thành kiến không bao giờ quá muộn” như Henry David Thoreau (1817-1862) – nhà văn, nhà thơ, nhà tự nhiên học, nhà sử học, nhà triết học, nhà địa hình học mẫu mực người Mỹ, đã khuyến cáo, nhưng tiếc thay “người ta chỉ nghe thấy điều mình hiểu” – cái mà Goethe đã cảnh báo.
Như cách lập luận của nhà toán học Dương Quốc Việt, con người thường bị dẫn dắt bởi những tham vọng bất kham, tạm gọi là cái khuyết tật vốn có của loài người, mà tạo hóa đã ký gửi. Vì thế mà thời đại nào cũng có thể xuất hiện những thế lực muốn thống trị và dẫn dắt xã hội, dựa trên những học thuyết lỗi thời, xa rời bản chất tự nhiên.
Vậy thì “cây đời” ở đâu trong đống sách vở đó trên bàn làm việc của Tổng bí thư? Một thư viện riêng cho Tổng bí thư, sẽ giúp trên bàn làm việc của ông có thể rộng rãi hơn cho việc đặt một bộ máy vi tính giúp ông hiểu dân tình hơn qua những lời bình luận, những ý kiến đa chiều trong các bài báo thuộc Nhà nước, lẫn báo “lề trái” mà ông từng định kiến rằng đó là “thế lực thù địch”, là “diễn biến hòa bình”…