Phú Nhuận
(VNTB) – Chiều 7-9, UBND TP.HCM có văn bản cho phép mở cửa dần dần một số hoạt động mưu sinh hàng quán.
Theo văn bản thông báo về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình ký, TP.HCM cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; đội ngũ giao nhận hàng hóa (shipper) trong phạm vi 1 quận, huyện, TP.Thủ Đức; cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6 giờ đến 21 giờ hằng ngày để đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân.
Điều kiện kèm theo là người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc xin phòng, chống Covid-19, và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19 mật độ 2 ngày/lần theo mẫu đơn, hoặc mẫu gộp 3 người theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, đã phát biểu trong buổi trực tuyến hôm tối 6-9, rằng, “Chính phủ đề ra đến ngày 15-9, thành phố phải kiểm soát được dịch bệnh và chúng tôi đang tập trung thực hiện mục tiêu này.
Và nếu đến 15-9 dịch được kiểm soát thì sau 15-9, thành phố sẽ có lộ trình để nới lỏng giãn cách. Thành phố đang quyết liệt thực hiện các hoạt động để kiểm soát dịch. Đồng thời đánh giá lại tình hình, chuẩn bị các phương án nếu đạt mục tiêu sẽ tiến hành.
Từ đây đến 15-9, chính quyền thành phố về cơ bản vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp như từ ngày 23-8 đến nay. Tuy nhiên có 2 điểm điều chỉnh là tín hiệu tốt so với ban đầu, đó là hệ thống siêu thị, các chuỗi cung ứng sẽ mở đến xã, phường, thị trấn.
Ở những vùng đỏ, shipper sẽ đi chợ thay cho các hộ dân, ở vùng xanh, người dân có thể đi chợ 1 lần/tuần. Khuyến khích những người trong gia đình, những người tiêm vắc xin rồi nên là những người đi chợ, bởi khả năng họ nhiễm thấp hơn.
Thành phố cũng chưa mở chợ lại, nhưng sẽ hình thành hai điểm trung chuyển hàng hóa, chủ yếu là lương thực, thực phẩm ở hai chợ đầu mối là Bình Điền và Hóc Môn. Đây sẽ là nơi trung chuyển hàng hóa lương thực thực phẩm từ các tỉnh về thành phố. Từ đó, hệ thống vận chuyển an toàn để đưa đến các điểm siêu thị trong thành phố, phục vụ việc cung ứng hàng hóa.
Mặt khác, ở những vùng xanh, thành phố sẽ thí điểm, mở lại một số dịch vụ bán thức ăn mang về. Sau 15-9, tình hình nếu chuyển biến tốt, giả định chúng ta kiểm soát được dịch sẽ mở khá nhiều hoạt động. Địa bàn an toàn sẽ được mở nhiều hoạt động. Những ngành nghề an toàn, tức người tham gia vào ngành nghề đó an toàn sẽ được mở. Thời điểm nào được mở sẽ tùy thuộc vào kết quả của diễn biến dịch, địa bàn an toàn, ngành nghề an toàn sẽ được mở nhiều”. (dừng trích).
Các nội dung mà ông Phan Văn Mãi công khai nói trên, và sau đó là văn bản ban hành vào chiều ngày 7-9 về việc mở cửa dần một số hàng quán, tất cả được căn cứ từ kết luận số 160-KL/TU ngày 7-9 của Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM tại Hội nghị mở rộng trực tuyến, sơ kết 15 ngày tăng cường một số biện pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tại hội nghị Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM mở rộng chiều 6-9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết tín hiệu đáng mừng là từ ngày 31-8 đến nay, số ca tử vong giảm. Nhiều ổ dịch và chuỗi lây nhiễm tiếp tục được kiểm soát, nhiều khu phong tỏa được gỡ bỏ.
Ông Nên nêu ra 5 thực tế mà các cơ quan tư vấn đã đặt ra trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Đó là tuy không thể “sống chung” với các đợt dịch bùng phát, lây nhiễm sâu rộng; song cũng không thể đạt được zero (số 0) Covid-19; trong năm 2021, vắc xin vẫn tiếp tục khan hiếm; nhưng không thể phong tỏa nghiêm ngặt và trên diện rộng lâu dài; dịch bệnh ở khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn còn nghiêm trọng.
Và với những nhận định trên, từ nay tới ngày 15-9, Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở phải chuẩn bị tâm thế cho người dân, chuẩn bị thói quen, tạo lập lối sống chậm trong điều kiện bình thường mới – sống trong môi trường có dịch Covid-19.
Việc cho “bán mang về” thông qua dịch vụ shipper là một khởi đầu đó của chính quyền TP.HCM.