Anh Văn
(VNTB) Theo Báo cáo Thịnh vượng 2017 (Wealth Report) vừa được Knight Frank công bố, Việt Nam có 200 người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên) trong năm 2016, tăng 30 người so với năm trước đó. Việt Nam cũng được dự báo là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 170%, lên 540 người trong 10 năm tới, vượt qua Ấn Độ (150%) và Trung Quốc (140%). Số tỷ phú USD cũng sẽ tăng 3 vào năm 2026.
Lý giải điều này, WB cho biết, Việt Nam đã có những cải cách kinh tế – chính trị đáng chú ý trong 25 năm qua, với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6% mỗi năm, cho đến năm 2020.
Giàu vì bất động sản?
Trung bình – người cực kỳ giàu ở Việt Nam đầu tư 24% vào bất động sản, và sẽ đầu tư bất động sản bên ngoài trong hai năm tiếp theo.
Nhóm người siêu giàu nêu trên nổi bật vẫn là nhóm người về bất động sản. Chủ tịch FLC, một nhà đầu tư bất động sản, được biết đến với các chuỗi dự án khu du lịch quy mô lớn và sân golf ở nhiều tỉnh, thành phố Việt Nam, bao gồm cả FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn và FLC Hạ Long. Ông Bùi Thành Nhơn, người đang ở vị trí thứ tư trong danh sách các tỷ phú giàu nhất chứng khoán Việt lại là chủ tịch của Novaland (công ty về bất động sản); bà Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ sở hữu của hãng hàng không tư nhân Vietjet Air, có khả năng để trở thành nữ tỷ phú đầu tiên sau khi ra mắt IPO có tài sản liên quan đến Dragon City, nguồn bất động sản 65 ha tại thành phố Hồ Chí Minh, ba khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam – Furama Resort Đà Nẵng, Evason Ana Mandara và Villa An Lâm Ninh Vân Bay – Nha Trang. Trong khi các tỷ phú kế tiếp là vẫn nằm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản – khách sạn – sân golf như Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch BRG, SeABank và loạt khách sạn Hilton, Thăng Lợi, Sông Nhuệ, Intimex.
Một số ít thuộc về dịch vụ – sản xuất như ông Trần Bá Dương, chủ sở hữu Trường Hải Thaco (trị giá 2 tỉ USD); Vũ Văn Tiến, Chủ tịch Geleximco, và Nguyễn Văn Trương, người đã khởi động dự án Công viên Quốc gia Hồ Núi Cốc vào đầu năm 2016.
Đại diện cho nhóm tỷ phú, triệu phú nổi trong gần 2 thập niên qua là ông Phạm Nhật Vượng đã cho thấy xu hướng gia tăng triệu/ tỉ phú trong những năm tới thuộc về lĩnh vực nào. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg, ông cho biết, kế hoạch của ông là xây dựng các dự án chung cư cao và trung cấp để bán. Lý do vì, người Việt đang ngồi trên đống vàng và họ sẽ rút vàng đầu tư, tạo ra sự bùng nổ cho thị trường bất động sản.
“Nếu bạn cho tôi 10 tỷ USD, tôi sẽ dành nó để kinh doanh [bất động sản]”, ông Vương khẳng định.
Trong báo cáo Thịnh vượng Việt Nam đến năm 2035 của WB, cho thấy, tăng trưởng nhanh và toàn diện ở Việt Nam những năm vừa qua đến tài chính và bất động sản.
Có thay đổi về mục tiêu bất động sản?
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu (Wealth Report 2017) đã “hy vọng” Việt Nam thúc đẩy số lượng triệu phú trong ngành y tế, sản xuất, tài chính – dịch vụ. Điều này phản ánh thực trạng kinh doanh tài nguyên của những doanh nghiệp bản địa. Khi trong một thông tin cho thấy, nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam chiếm 64%, nhưng có 7% là dồn vào bất động sản, còn lại là rơi vào dịch vụ – sản xuất như bán lẻ và chứng khoán.
Tuy nhiên, điều này khó, vì bản thân việc mở rộng ngành nghề kinh doanh của các tỷ phú hiện nay là cộng hưởng chủ yếu dựa vào nguồn lực tài nguyên quốc gia và việc ưu đãi về mặt chính sách. Ví như Vingroup, ngoài Times City (khu dân cư và thương mại sầm uất tại Hà Nội), Tập đoàn này còn mở bệnh viện đầu tiên của Việt Nam, trước đó là trường học mang thương hiệu doanh nghiệp này – cả hai đều được hưởng chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, vì liên quan đến lĩnh vực y tế – giáo dục trên cơ sở Thông tư 78/2014/TT-BTC.
Đối với việc mở rộng số lượng tỷ phú, triệu phú trong dịch vụ – sản xuất, do thiếu sự đầu tư từ đầu, nên hiện nay, các dịch vụ ra đời thất thế trước nguồn đầu tư FDI, khi Chính phủ vẫn tìm cách mở rộng nguồn này nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Ví như chuỗi cửa hàng 24h của Vingroup sẽ khó làm chủ được phân khúc người dùng, bởi sự đón đầu và chuẩn bị chủ yếu từ các ông lớn buôn bán lẻ Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc, trong đó cả cả ông lớn 7-Eleven đang gia nhập ở đầu phía Nam.
Nhưng trụ cột của ngành nghề làm nảy sinh ra lợi nhuận vẫn là bất động sản.
Tại cuộc họp cổ đông vào năm 2016, ông Vượng cũng thừa nhận, dù nông nghiệp là một trong những lĩnh vực kinh doanh để duy trì tăng trưởng, thì doanh thu từ lĩnh vực bất động sản trong 5-10 năm vẫn sẽ ở mức ngưỡng gần 50%.
Giàu không bền vững
Sở dĩ Wealth Report 2017 “hy vọng” Việt Nam thúc đẩy số lượng triệu phú trong ngành y tế, sản xuất, tài chính – dịch vụ vì đây là những chủ chốt tạo nên nền kinh tế bền vững. Thử nhìn qua con số người siêu giàu ở châu Á, ta có thể thấy, ở Hồng Kong; Ấn Độ giàu nhờ dịch vụ; Thái Lan nhờ vào thế mạnh thực phẩm, công nghiệp; Trung Quốc ngoài bất động sản còn có mảng thực phẩm. Riêng Việt Nam, số người siêu giàu phụ thuộc vào tài nguyên đất đai là chính.
Năm 2014, PGS,TS. Lê Bộ Lĩnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã bày tỏ rằng, chỉ khi nào trong danh sách nhà siêu giàu Việt Nam xuất hiện nhờ phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, đầu tư khoa học công nghệ, nhờ vào đổi mới quản trị, sáng tạo thì khi đó “chúng ta mới có thể đánh giá sự giàu có đó là bền vững, nó phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa.”
Trong một quan điểm được cho là đồng tình, GS. TSKH. Võ Đại Lược – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng thừa nhận, Việt Nam chủ yếu phát triển chủ đạo qua bất động sản, và điều này không tạo ra được nhiều giá trị thặng dư cao.
Điều này cho thấy, mô hình phát triển kinh tế Việt Nam vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu, tư tưởng dựa vào nguồn tài nguyên để làm giàu vẫn là cốt lõi trong giới kinh doanh – lập nghiệp. Trong khi đó, thị trường dịch vụ – sản xuất đang dần bị chi phối bởi các yếu tố nước ngoài. Vô hình chung dẫn đến, người Việt tự đánh mất cơ hội kinh doanh ngay trên mảnh đất với tiềm lực 90 triệu dân.
Trong một thông tin liên quan, 12% GDP của Việt Nam bị chi phối bởi 200 người giàu!
——