Tôi tỉnh dậy, không biết là ngày hay đêm, nhìn ra bên ngoài thấy trời tối; phải cố nhớ xem mình ngủ từ chiều tới đêm hay là đang thức dậy lúc trời chưa sáng… Tôi định xuống nhà ăn cơm, cầm điện thoại lên, 23h… À, nhớ ra, nằm đợi đứa bạn báo tin mà ngủ thiếp đi từ bao giờ.
Bạn tôi ở Tân Uyên (Bình Dương), 8h tối, tôi gọi nói hắn ra đường lộ nhìn xem còn ai rời thị xã nữa không. Hắn đi lâu, nóng ruột, gọi vài lần nhưng không được, rồi nằm trên ghế ngủ quên lúc nào không hay.
Từ sáng sớm bạn đã gọi nói, đoàn người đang ùn ùn kéo ra khỏi thị xã, xe máy, xe đạp, đi bộ, người già, thanh niên, trẻ con bồng bế dắt díu nhau, xiêu vẹo… Hắn hỏi một người đi bộ rằng ‘về đâu’, người đàn ông trả lời ‘về Hà Giang’. Lạnh người, Hà Giang, đi bộ từ Bình Dương về Hà Giang. Đoàn người cứ lầm lũi đi, sau lưng là ba lô, túi bóng, có cả những chiếc bì xác rắn; chân giầy, chân dép, có người chân trần cuốc bộ…
Nửa tỉnh nửa mê, tôi gọi cho hắn lần nữa. Hắn nói vừa về tới nhà. Ra đường gặp 2 người đang đi bộ về Đăk Lăk, chở họ một đoạn rồi “thông chốt” giùm vì dân phòng không cho qua. Dân phòng nói ở lại, sáng mai có xe cho quá giang nhưng những người đàn ông kia không chịu, họ phải đi, không đợi được nữa. Cũng chỉ chở được gần 20 cây số rồi phải trở về, ở nhà còn vợ và con nhỏ, đêm thì khuya, còn vài trăm ngàn trong túi móc ra cho. Trên đường đoàn người vẫn lầm lũi đi trong sương lạnh…
Bạn tôi có một cửa hàng kinh doanh, cũng đóng cửa đã 4-5 tháng nay. Cả nhà 8 người, tất cả thất nghiệp. Dù là thuộc diện hỗ trợ nhưng chưa từng nhận được một đồng. Tất cả vốn liếng phần nhiều vay mượn đều đang nằm ở “khách hàng”, mà khách hàng thì giờ chẳng biết đang ở nơi nao. Bạn hắn rủ tham gia lực lượng dân phòng chống dịch, vào sẽ được tiêm vác-xin, cũng “kiếm” được đồ ăn. Tất nhiên là hắn không vào. Hắn nói, nghe kể về những trò khốn nạn trong đó đã muốn lột da chúng ra chứ tham gia cái nỗi gì…
Giờ này đoàn người hồi hương còn đi hay đang ngủ bên những cái vỉa hè nào đó… Tôi không có “cơ hội” ở trong những vùng dịch để nhìn, để nghe, để thấy nhưng tôi có thể hình dung, chắc nó giống như giữa một chiến trường với chết chóc, đói khổ, với kinh hoàng sợ hãi, với chạy loạn phiêu tán. Bệnh tật, chỉ là bệnh tật thôi nhưng người ta đã phát động một cuộc chiến, cuộc chiến không tiếng súng, ngu dốt, tàn khốc, điêu linh, loạn lạc.
Có lẽ đây là cuộc di tản lớn nhất trong lịch sử dân tộc gần một thế kỷ nay. Cùng khốn, đau thương, ám ảnh. Có lẽ chưa bao giờ người dân Việt Nam bị bỏ rơi, bị đẩy vào bước đường cùng, phải gánh chịu nỗi khổ nhục sầu thảm như những ngày này. Thay đổi ư? Anh không thể đòi hỏi trí tuệ trong những cái đầu nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ; anh càng không thể hi vọng đạo đức trong một xã hội quan liêu.
Phải đợi dân lớn lên.
Nhưng bao giờ, bao giờ ta lớn? Có lẽ chỉ đến khi người ta biết quan tâm tới chính trị, thấy chính trị trong từng hơi thở, trong từng hạt cơm, cọng rau cho đến việc mở mồm ra. Chỉ đến khi nào người ta biết được cái điều giản dị rằng mình và mọi người là những công dân của một đất nước chứ không phải những thần dân, khi đó họ mới có thể nghĩ đến chuyện tự định đoạn cuộc đời mình, và định đoạt cuộc đời cháu con.
Mặt đất này là nơi để sống chứ không phải chỗ để chạy trốn. Chừng nào còn phó mặc cuộc đời cho kẻ khác, chừng đó “quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” mãi còn là một ảo vọng.
1 comment
Mãi mãi tuổi mười lăm, hãy giữ mãi cái thơ ngây của tuổi thơ nha các bạn .