VNTB – Bạo lực học đường là trách nhiệm của giáo dục hay công an?

VNTB – Bạo lực học đường là trách nhiệm của giáo dục hay công an?

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Bộ Công an tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự xã hội khu vực xung quanh trường học; phối hợp phòng, chống và xử lý các vi phạm pháp luật xuất phát từ bạo lực học đường.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 1-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường.

Chỉ thị được viết với giọng văn thể chính luận, hơn là những mệnh lệnh yêu cầu của vấn đề pháp lý trong hành chính quản trị (trích):

“Văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức – trí – thể – mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân.

Trong những năm qua, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, văn hóa, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, nhà trường và xã hội quan tâm. Công tác xây dựng văn hóa học đường đã có nhiều chuyển biến tích cực; tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên, nhà giáo biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống văn hóa, hành vi ứng xử trên bình diện xã hội và môi trường học đường.

Ở một số địa phương, công tác xây dựng văn hóa học đường chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, thường xuyên; việc thực hiện còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội và các tổ chức đoàn thể trong trường học thiếu chặt chẽ; nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa học đường ở một số nơi còn bất cập, thiếu hấp dẫn” (dừng trích).

Một trong những nội dung được cho là quan trọng mà chỉ thị đề cập, đó là vấn đề phòng, chống bạo lực học đường.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục hướng dẫn tập huấn, trao đổi thông tin, tuyên truyền phòng, chống tội phạm và phòng ngừa tệ nạn xã hội trong trường học.

Đồng thời, tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự xã hội khu vực xung quanh trường học, phối hợp với ngành giáo dục trong phòng, chống và xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật xuất phát từ bạo lực học đường và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến học sinh, sinh viên.

Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án về vị trí việc làm đối với công tác giáo dục chính trị cho học sinh, sinh viên theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.

Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác chỉ đạo và quản lý nhà nước đối với các cơ quan báo chí, triển khai hiệu quả các biện pháp tuyên truyền về xây dựng văn hóa học đường; tổ chức xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về các nội dung của công tác giáo dục văn hóa học đường; tăng cường lan tỏa tấm gương người tốt, việc tốt trong học sinh, sinh viên; lan tỏa các giá trị tốt đẹp, đồng thời phê phán những hành vi lệch chuẩn về đạo đức, lối sống.

Kiểm soát chặt chẽ các ấn phẩm văn hóa dành cho học sinh, sinh viên có yếu tố bạo lực, mang định kiến về giới, dân tộc, người khuyết tật, trái với truyền thống văn hóa, thuần phong, mỹ tục của dân tộc; kịp thời có biện pháp ngăn chặn thông tin xấu độc trên không gian mạng ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường văn hóa học đường của học sinh, sinh viên…

Một nhà báo từng là thầy giáo đã chia sẻ với trang Việt Nam Thời Báo rằng đọc Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 1-6-2022, cảm giác ngài Vũ Đức Đam chọn “công an trị” với học trò, thay vì chú trọng phải giáo dục, giáo dục phải lấy “đức trị” chứ không phải “pháp trị”. Chính “đức trị” chứ không phải “pháp trị” là đặc điểm khác biệt của nhà trường.

Bởi nếu nhà trường chỉ chăm chăm vào nội quy, pháp luật, chỉ chờ học sinh vi phạm là trừng trị, trừng phạt, đó là trại giam chứ không phải trường học.

Nhà trường phải là nơi giáo dục cho học sinh thấy hành vi sai để không vi phạm, tự giác thực hiện nội quy, quy định của pháp luật. Khi hiểu pháp luật, biết pháp luật lại càng tự giác tuân thủ.

Thế nhưng trên thực tế thì đã có những vụ giáo viên bắt học sinh thay nhau tát bạn nhưng không trò nào dám phản đối. Đã có những vụ thầy giáo có biểu hiện dâm ô với học trò…

Sau nhà trường và gia đình là vai trò của nhà nước. Vai trò của nhà nước thể hiện ở việc ban hành các chính sách và quy định của pháp luật liên quan đến việc phát triển giáo dục và chăm sóc trẻ em thật phù hợp, thật nhân văn, chứ không phải dùng đến sự chuyên chính cách mạng của đường lối “công an trị” để trấn áp bạo lực học đường.

Xin lưu ý với ngài Vũ Đức Đam, chúng ta dạy cho học sinh cách thương lượng chứ không phải dùng vũ lực để giải quyết. Cần nhớ rằng, khi học sinh vi phạm kỷ luật, dù nhà trường đưa ra hình phạt nào thì mục đích cuối cùng cũng là để cảm hóa học sinh chứ không phải tạo sự tủi nhục, bất bình. Đó mới đúng nghĩa trường học là nơi để dạy dỗ, khai phóng.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar

    Từ mầm non đến tiểu học rất cần giáo dục đạo đức cho trẻ,chính thời gian nầy trẻ phải nhận được những điều tốt đẹp nhất,để đến khi lên lớp cao hơn(trung học,đại học hoặc vào đời) trẻ có được nhận thức đầy đủ và sẽ ứng sử tử tế với mọi người trong xã hội.Cho nên rất cần sự quan tâm,uốn năng về đạo đức mà nhà trường là trọng tâm.Để có lớp trẻ tương lai cho đất nước được giá dục đàng hoàn,tử tế,nhà trường phải có những người truyền đạt kiến thức, có trình độ sư phạm tốt,đạo đức tốt và một chút về tâm lý về giới trẻ.Nếu như ở cấp độ nầy được những tiến sĩ,thạc sĩ đảm trách sẽ tốt hơn,vì ho có trình độ cao,họ nắm bắt tâm lý trẻ dễ và có cách uốn năn phù hợp.