Xuân Mai (VNTB) Ngày 16 tháng 1 năm 2016, cư dân Đài Loan sẽ bắt đầu bước vào cuộc bầu cử chức vụ tổng thống ở đất nước Đài Loan đếm ngược chỉ còn từng ngày. Nhìn về bề ngoài, kết quả của cuộc bầu cử này sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến an ninh và hòa bình của thế giới. Cả phương Tây lẫn Trung Quốc đều làm như không theo sát cuộc bầu cử này. Thế nhưng, càng gần thời điểm người dân Đài Loan bỏ lá phiếu vào thùng, những dấu hiệu cho thấy các cực của thế giới, từ lên tiếng đến can thiệp, đều tỏ ý đồ muốn kéo Đài Loan vào cuộc chơi chung của mình.
Cơn mất ngủ của Trung Quốc
Bà Thái Anh Văn là một đại diện ưu tú của cư dân Đài Loan bản địa. Lập trường của chính trị của bà dứt khoát, đó là ủng hộ việc Đài Loan giữ vững chủ quyền và cư xử có văn hóa trong những tranh chấp về biển đảo. Đó là một quan điểm đơn giản nhưng không tầm thường. Đảng Dân Tiến của bà cũng chỉ cần có thế để nêu cao ngọn cờ chính nghĩa để kêu gọi dân Đài Loan.
Quan điểm đó lại là cái gai trong mắt “phái diều hâu” của quân đội Giải Phóng Quân Trung Quốc- và do đó nữ ứng cử viên này cũng là nằm trong danh sách những nhân vật cần phải triệt hạ của sào huyệt chính trị Trung Nam Hải. Không thể bôi nhọ được bà Thái Anh Văn cùng lý tưởng đúng đắn của bà, Trung Quốc chuyển sang chiêu bài ngăn không cho bình dân Đài Loan tiếp cận thông tin về bà Thái Anh Văn.
Các cơ quan báo chí và Đảng Tiến bộ dân chủ (DPP, quen gọi là đảng Dân Tiến) đang là mục tiêu của tin tặc cấp nhà nước Trung Hoa. Đầu tiên, các nhóm tin tặc bằng thủ đoạn liệt kê càng nhiều càng có lợi danh sách những máy tính cá nhân thường xuyên đọc thông tin của Đảng Dân Tiến. Tiếp theo, tin tặc Bắc Kinh gửi mã độc đến các máy tính đó. Chẳng hạn, khi màn hình máy tính của một người dân được một bức thư với đường dẫn A. Vì đường dẫn đó đến từ người quen hoặc những trang web thương mại nên người dân đó không chút nghi ngờ nhấp chuột vào đường dẫn A đó. Nhưng đường dẫn A đó lại là vỏ ngoài của một đường dẫn B có mã độc. Bằng cách này, không biết bao nhiêu máy tính đã bị nhiễm virus hoặc bị ngăn cản tiếp cận thông tin chính thống về bà Thái Anh Văn. Điều này đã được xác nhận bởi công ty an ninh mạng FireEye có trụ sở ở California. FireEye xác định được một nhóm tin tặc gọi là APT16 đứng đằng sau một vụ tấn công mạng như vậy. Nhóm tin tặc APT 16 này được sự ủng hộ của chính phủ Bắc Kinh. Nhiều máy chủ ở Trung Quốc, và một số máy ở Đài Loan, không thể truy cập các thông tin của báo chí tự do.
Ngay sau khi thông tin này được tiết lộ, không ít người dân Đài Loan còn đặt ra giả thuyết về sự dính líu của bộ máy an ninh mạng mà chính phủ Mã Anh Cửu cài cắm. Uy tín của Mã Anh Cửu, một người không tranh cử, mà thực chất là uy tín của Quốc Dân Đảng giảm mạnh trong lòng công chúng Đài Loan. Một điều chắc chắn rằng, thế lực muốn đánh vào bà Thái Anh Văn đã vô tình làm cho cư dân nước này càng tín nhiệm bà nhiều hơn.
Trung Quốc ngày 28/10/2015 tuyên bố sẽ không can thiệp vào các cuộc bầu cử sắp tới của Đài Loan . Nhưng chẳng một ai tin điều đó. Đảng đối lập ở Đài Loan thể hiện quyết tâm ủng hộ nền độc lập cho “quốc đảo” này. Do đó, chỉ cần một người Đài Loan có ý thức về lá phiếu thôi cũng đủ để biết sự hiện diện mờ ám của tình báo Hoa Nam, cũng như kinh nghiệm đã xảy ra trong cuộc biểu tình của giới sinh viên tại Hồng Kông.
Các cuộc trưng cầu dân ý gần đây cho thấy thất bại của tình báo Hoa Nam trong việc càn quấy tự do chính trị ở Đài Loan. Hiệp hội chính sách eo biển Đài Loan (Cross-Strait Policy Association) thống kê được con số ủng hộ bà Thái Anh Văn tăng từ 45,2% ở giữa tháng 10 năm ngoái lên con số 48,6% ở đầu tháng 1 năm nay. Như một quy luật, kết quả của các cuộc bầu cử ở Đài Loan tự do không khác kết quả thăm dò là mấy.
Sự quan tâm của Mỹ
Thế giới tự do đã mất đi Việt Nam Cộng Hòa vào tay của thế giới độc đảng, đó là một tổn thất mà các nhà bình luận chính trị cho rằng không có một lý luận nào cho thấy lãnh đạo khối tự do đã lường trước được hậu quả trước khi thỏa hiệp với chính phủ Bắc Kinh.
Phương Tây vẫn còn hai con át chủ bài ở châu Á. Một là Hàn Quốc hay còn gọi là Nam Triều Tiên, hai là Đài Loan. Chính phủ ở Hàn Quốc về cơ bản làm cho quốc tế an tâm khi đất nước này thượng tôn pháp luật, dân trí cao và quân sự mạnh. Nhưng hòn đảo Đài Loan thực sự khiến phương Tây không thể an tâm. Sự tự do quá mức ở nước này đi kèm những dấu hiệu cho thấy bị Trung Quốc khai thác và lợi dụng.
Đảng Dân Tiến là đảng duy nhất nhận thức được vai trò phải tham gia vào “ cuộc chơi” của thế giới tự do. Biểu hiện của tinh thần đó là những chuyến ngoại giao sang Hoa Kỳ. Tiêu biểu là chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng 6 năm ngoái. Chủ tịch đảng Dân Tiến, bà Thái Anh Văn đã có thời gian làm việc với cựu ngoại trưởng Mỹ – cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice, và sau đó là cuộc trao đổi với thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken. Các trang tin của Đảng Dân Tiến hết sức lạc quan về kết quả của chuyến công du đó, vì bà Thái Anh Văn không bao giờ làm việc theo kiểu vô thưởng vô phạt. Chủ tịch đảng Dân Tiến luôn luôn thể hiện là một nhân vật hành động, mà khi đã hành động thì chắc chắn có hiệu quả.
Trước đây, chính giới Mỹ kỳ vọng vào Quốc Dân Đảng với niềm tin rằng đảng này sẽ là một đối trọng làm thành hệ thống đối trọng buộc chính phủ Bắc Kinh bớt hung hăng. Nhưng chính phủ trong vòng kiểm soát của Quốc Dân Đảng càng ngày càng tỏ ra bạc nhược trước sự hung hăng của Hoa Lục. Nội bộ đảng này thường xuyên có tranh chấp theo kiểu ba ông sư trẻ ở với nhau thì sẽ không có nước uống. Từ thế ngoại giao dàn trải với tất cả các đảng ở Đài Loan, bây giờ phương Tây chuyển sang ngoại giao có trọng điểm với một đảng duy nhất là đảng Dân Tiến.
Đài Loan sẽ tham chiến về kinh tế ở châu Á?
Trong danh sách những nước ngỏ ý muốn tham gia hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP, hai nước có ảnh hưởng lớn nhất với kinh tế Việt Nam nhưng chưa đạt được đồng thuận là Thái Lan và Đài Loan. Xin được nêu ra một so sánh để bạn đọc tiện tham khảo. Thái Lan từng là thuộc địa của Anh, đất nước sử dụng luật Anh- Mỹ nên các nhà tư bản Thái Lan về cơ bản tôn trọng luật pháp. Trong lịch sử, thời kỳ một nước phương Tây cai trị Đài Loan chỉ có 16 năm, từ năm 1626 đến năm 1642 trong tay người Tây Ban Nha. Vì vậy, tư bản ở Đài Loan phần lớn là tư bản trẻ. Bê bối về dầu ăn nhiễm độc hay bóc lột sức lao động vẫn xảy ra ở nước nay với một mật độ không phải là hiếm. Các nước khác có mặt tập đoàn tư bản ở Đài Loan đối mặt tình trạng bán phá giá trên thị trường.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu tư bản trẻ Đài Loan sống được ở Việt Nam thì tư bản Trung Quốc càng có nền tảng để vơ vét trên đất nước này. Có thể vì thế mà Đài Loan ngỏ ý muốn gia nhập TPP nhưng Mỹ chưa muốn điều đó cho đến khi họ trông thấy một sự cải cách chính trị tích cực.
Ngược lại, nếu chính phủ Đài Loan mà một chính phủ minh bạch có khả năng kiểm soát các tập đoàn tư bản, thì chính những tập đoàn này sẽ là đối thủ một mất một còn với các tập đoàn đến từ Trung Quốc đại lục.
Do đó, nếu bà Thái Anh Văn thắng cử, một chính phủ minh bạch sẽ được vận hành. Đài Loan coi như tham chiến về kinh tế ở châu Á. TPP là một hiệp ước mà Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều đến bất ngờ, đó là lợi từ việc phương Tây muốn dùng TPP để bao vây Trung Quốc về kinh tế, nhanh tay trước khi Trung Quốc giết cả thế giới bằng hàng hóa độc hại và vi phạm bản quyền.
Vì vậy, có thể nói rằng cuộc bầu cử tổng thống ở Đài Loan là cơn mất ngủ của Trung Quốc, cũng là mối quan tâm lớn nhất của phương Tây mà đại diện là Mỹ trong tháng giêng dương lịch năm nay.