Kỳ Lâm (VNTB) Việt Nam và vùng biển Đông dễ tổn thương tiếp tục là một vấn đề gây đau đầu cho Việt Nam trong tuần vừa qua. Bởi đây là một biển tối quan trọng trong tiếp cận thương mại ven biển và chủ động tạo vùng giáp ranh an toàn cho vùng đất liền.
Tuy nhiên, những diễn biến về Biển Đông vừa qua sẽ là cơn đau đầu kế tiếp cho Việt Nam, nó có thể làm thay đổi chiến lược về hợp tác an ninh – quốc phòng?
Theo bản tin Thời báo Tài chính ngày 18/03 [1], Việt Nam đang bước lên vũ đài trận chiến với Bắc Kinh ở Biển Đông. Tác giả Michael Peel đã tiếp xúc với ông Đặng Công Ngữ – nguyên Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa. Theo đó, vị này vẫn cho biết: “Chúng tôi phải đấu tranh để thu hồi lãnh thổ quê hương”; “Tất cả người dân Việt Nam, không phân biệt dân tộc, sống ở trong hay ngoài nước, biết đó là điều phải làm.”
Biển Đông nóng lên khi Trung Quốc thiết lập tour du lịch đến quần đảo Hoàng Sa, cùng với các cơ sở quân sự và các đảo nhân tạo xung quanh khu vực vẫn tiếp tục được xây dựng. Về phía những người Cộng sản Hà Nội, họ cũng đã có những chuẩn bị quân sự riêng của mình bằng cách tăng cường quan hệ với một loạt mối quan hệ như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, tất cả nhằm kiềm chế sự mở rộng yếu tố Trung Quốc trong khu vực. Nhưng đến nay, mọi giải pháp chỉ xoay quanh sự cố hữu về “yêu sách chủ quyền” và quan điểm dùng mọi “phương tiện để giành lại chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa”.
Cũng liên quan đến động thái của Trung Quốc, hình ảnh vệ tinh mới nhất được công bố vào đầu tháng 3/2016 [2] cho thấy Trung Quốc bắt đầu tiến hành công việc cải tạo đất ở Đảo Bắc trong quần đảo Hoàng Sa.
Trong khi đó, sự hưởng lợi của Việt Nam từ chính sách xoay trục Á châu từ chính quyền Mỹ dưới thời Donald Trump đã chấm dứt khi quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố chính sách tái cân bằng ở châu Á, còn được gọi là xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama “chính thức chấm dứt” vào ngày 14/03. Và để giải đáp được sự boăn khoăn liên quan đến chính sách mới, quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton đã sử dụng cụm từ “có thể” kỳ vọng chính quyền hiện tại có chiến lược riêng dù rằng, chưa “đi vào chi tiết chiến lược mới”.
TS. Phạm Chí Dũng trong lần trả lời phỏng vấn VOA khi đánh giá về chính quyền Donald Trump, ông cho biết, sự thay đổi chính sách/ chiến lược chính quyền mới phần nhiều xuất phát từ việc ông Donald Trump là một nhà bất động sản hơn là một nhà chính trị. Vì thế, yếu tố của sự lựa chọn trong ông là đến từ lợi ích kinh tế. Và trong một thông tin có liên quan, trong tháng 3 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã chấp thuận 34 thương hiệu kinh doanh từ Tập đoàn Donald Trump.
Với Philippines, dưới thời Tổng thống Duterte lại gây thất vọng sớm đối với ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước này. Trong ngày 19/03 vừa qua, vị Tổng thống này cho biết ông không thể ngăn cản Trung Quốc xây dựng trên bãi cạn tranh chấp Scarborough ở Biển Đông, bởi nó sẽ “hủy diệt” quốc gia này. Thay vào đó, Philippines sẽ để ngỏ với Trung Quốc về một “vùng biển mở”. Điều này hoàn toàn trái ngược với một “quan hệ đối tác chiến lược song phương” mà cả hai cam kết vòa tháng 9/2016 cũng như trong cuộc gặp đa phương giữa hai Bộ trưởng ngoại giao tại Boracay vào tháng 2 vừa rồi, trong đó tái khẳng định “việc giải quyết các tranh chấp hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước năm 1982 của Liên Hợp Quốc về Luật biển; thúc đẩy việc ký kết Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.”
Như vậy, chiếc ô ngoại giao hướng biển của Mỹ và đồng minh có phần chặt chẽ với Philippines đã không còn đứng về phía Việt Nam. Trong lúc đó, Thời báo Nhật Bàn ngày 20/3 cho biết, một chuyên trang nội bộ trong quân đội Trung Quốc đã nhận định chắc chắn rằng: Trung Quốc đã đảm bảo được sự thống trị quân sự ở Biển Đông mà không nước nào trong khu vực theo kịp. Và điều này được Trung Quốc thực hiện theo cách “tận dụng lợi thế của một cuộc khủng hoảng để chống lại một cuộc tấn công từ kẻ thù, sử dụng tất cả các phương tiện cần thiết để đánh bại địch”.[3]
Dù như vậy, Việt Nam vẫn nhận được những tin sáng hơn từ Malaysia, Nhật Bản, và Pháp.
Theo Kyodo, báo cáo thường niên về hỗ trợ nước ngoài mà chính phủ Nhật Bản công bố ngày 21/3 cho biết, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ năng lực giám sát của các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm hỗ trợ các tàu tuần tra, để duy trì an ninh hàng hải của các tuyến đường hàng hải cốt yếu. Trước đó một ngày (20/03), nước này cùng với Pháp đã lên tiếng ủng hộ một trật tự hàng hải tự do và rộng mở tại châu Á – Thái Binh Dương.
Chính sách Xoay trục Á châu biến mất, cái gì sẽ thay thế nó để “điều hòa” vùng Biển Đông? |
Vào ngày 20/3 vừa qua, Malaysia lên tiếng cảnh báo các hành động của Trung Quốc có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và thay đổi động lực địa chính trị trên biển Đông, theo The Malay Mail Online. Đồng thời, phủ nhận “đường chín đoạn” phi lý ở biển Đông, vì nó không phù hợp với Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Việt Nam cũng tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước có hiềm khích với Trung Quốc. Cụ thể, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc tại Hà Nội vào thứ Hai, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tìm cách tìm kiếm hỗ trợ cho lập trường của quốc gia ở Biển Đông qua việc việc đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam cũng như Đông Nam Á về vấn đề Biển Đông cũng như các cách thức để cải thiện khả năng bảo vệ hàng hải của Hà Nội. Dù vậy, tuyên bố không đề cập đến việc Hàn Quốc ủng hộ vị thế của Việt Nam trên Biển Đông hay không.
Như vậy, những diễn biến về Biển Đông vừa qua sẽ là cơn đau đầu kế tiếp cho Việt Nam, nó có thể làm thay đổi chiến lược về hợp tác an ninh – quốc phòng?
Tham khảo
[1] https://www.ft.com/content/32abaea8-0924-11e7-97d1-5e720a26771b
[2] http://www.reuters.com/article/us-southchinasea-china-paracels-idUSKBN16L2SS
[3] http://www.japantimes.co.jp/news/2017/03/20/asia-pacific/internal-chinese-navy-magazine-says-country-secured-military-dominance-south-china-sea/#.WNBdQ2997IU