Khởi Minh
(VNTB) – Không khí chống và căm ghét sự bành trướng của Trung Cộng tràn ngập mọi nẻo đường khiến tôi chạnh lòng khi nghĩ đến quê hương. Giờ này, ở Việt Nam, đi biểu tình chống Trung vẫn bị chụp mũ là “ phản động”.
Sống ở Việt Nam đã lâu, quan sát một vài cuộc biểu tình từng xẩy ra ở một số thành phố lớn để chống Trung Quốc, thậm chí cả cuộc biểu tình “ quốc doanh” được chính quyền bật đèn xanh khi HD 981 án ngữ một vùng biển chủ quyền của Việt Nam, tôi vẫn luôn e ngại khi nghĩ đến việc tham gia biểu tình. Làm sao để yên tâm biểu lộ ý kiến của mình cho được khi hành vi biểu tình khi thì được tung hô là yêu nước, lúc thì bị gô cổ tống lên xe bus, chuyên chở thẳng tới đồn công an, câu lưu vài tiếng đồng hồ chỉ để hỏi xem có ai xúi giục, cho tiền đi biểu tình không. Thậm chí, nếu bây giờ tôi nói tôi đi biểu tình, ngay lập tức sẽ có vài đứa bạn ngăn tôi lại vì cho rằng đó là hành vi trái pháp luật dù hiến pháp quy định rõ rang đó là quyền của tôi.
Lần này có dịp sang Philippines, tôi may mắn được biết có một cuộc biểu tình khá quy mô được tổ chức vào ngày 24.7 do ông cựu Dân biểu của Phi Roilo Golez đứng ra tổ chức. Ngày này được chọn vì đúng 24.7.2012, chính quyền Trung Cộng tuyên bố thành lập huyện đảo Tam Sa để quản lý một khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam và Philippines.
Cuộc biểu tình được chuẩn bị từ trước đó nhiều tháng và diễn ra rất chuyên nghiệp. Ngày 16.7, đã có một cuộc họp báo tuyên bố về thời gian, quy mô và trả lời các câu hỏi của các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế tại Phi về cuộc biểu tình.
Vì đây là cuộc biểu tình đã được đăng kí với chính quyền, nên nó diễn ra theo đúng thời gian đăng kí từ 12h tới 13h trưa. Cuộc biểu tình diễn ra vào thứ Sáu là ngày làm việc, nên thời gian được lựa chọn là thời gian nghỉ giữa trưa để có nhiều người có thể tham dự.
Cảnh sát đông nhưng không dọa đẫm
Mong chờ một diễn biến gay cấn như từng thấy nhiều ở các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam, tôi chuẩn bị khá kĩ tư trang cùng vài người bạn để tham gia biểu tình. Nhưng mọi diễn biến hóa ra lại khiến tôi có chút hụt hẫng. Biểu tình ở đây trật tự và ôn hòa, nói như các bạn tôi là “ không vui và gay cấn như Việt Nam”.
Rất đông cảnh sát tham dự cuộc biểu tình nhưng không phải để đàn áp, dọa dẫm như ở Việt Nam. Họ ở đó với vai trò bảo vệ. Cảnh sát lập rào chắn xung quanh khu vực biểu tình để tạo một không gian cho người biểu tình biểu lộ và hướng dẫn mọi người đến khu vực biểu tình.
Người tham dự biểu tình khá đông và thuộc nhiều tầng lớp khác nhau. Có sinh viên, có người già, có thành viên của nhiều đảng phái, có người dân của một bộ lạc sống ở đảo gần đảo đang bị Trung Cộng xâm chiếm. Tôi có tình cờ nói chuyện với một người bảo vệ đã cất công lặn lội từ xa mang biển hiệu rất to đến đây để phản đối hành vi trái pháp luật của Trung Cộng. Thế mới thấy ý nguyện đồng lòng chống Trung của người dân nơi đây mạnh mẽ thế nào.
Trong cuộc biểu tình, mọi người khua chiêng trống, thổi kèn, hát và vỗ tay sau những bài phát biểu của đại diện mọi giai tầng. Những bài phát biểu đầy cương quyết và thuyết phục khi bằng tiếng Anh, khi bằng tiếng Phi làm đám đông nức lòng ủng hộ.
Khi tham gia biểu tình, tôi cũng rất ấn tượng với cách người Phi tổ chức giao thông tại đó. Vì biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc ở trên quốc lộ nên một phần đường được sử dụng làm khu vực cho người tham gia đứng, phần còn lại được dành ra cho các phương tiện lưu thông bình thường, dĩ nhiên là có chậm hơn do chỉ một làn xe được di chuyển, nhưng khi đi qua họ vẫn vui vẻ, cười và ra hiệu ủng hộ.
Tôi rất ấn tượng với cách người Phi thể hiện lòng yêu nước, ngay cả khi họ không thể sắp xếp thời gian tham gia trực tiếp. Khi cầm bảng hiệu đi trên vỉa hè tới khu vực biểu tình, một chiếc xe jeeply ( một loại xe bus nhỏ Phi) dừng đèn đỏ nhìn thấy tôi, vài người trên xe cười và ra hiệu . Anh tài xế còn mạnh bạo hét vọng ra “ I hate China”.
Không khí chống và căm ghét sự bành trướng của Trung Cộng tràn ngập mọi nẻo đường khiến tôi chạnh lòng khi nghĩ đến quê hương. Giờ này, ở Việt Nam, đi biểu tình chống Trung vẫn bị chụp mũ là “ phản động”. Và qua biết bao thảo luận và đùn đẩy giữa Quốc hội và các bộ ngành liên quan, Luật biểu tình của Việt Nam vẫn là một dự định. Việc trì hoãn ban hành Luật Biểu tình ở Việt Nam khiến người dân mất đi quyền biểu đạt, khiến chính quyền không có cơ hội thấu hiểu lòng dân thì lấy đâu ra sức mạnh và đoàn kết chống lại ngoại bang khi ngang nhiên bị ăn hiếp.
Tôi không dám nhìn ra ra phương Tây để bàn về quyền biểu tình, vì như thế lại bị đánh giá là so sánh khập khiễng. Nhưng nhìn gần trong Đông Nam Á này thôi, bỗng thấy thân phận công dân của mình sao mà thua kém thế.