Hiền Vương
(VNTB) – Những ngày qua, nhiều thanh niên mặc đồng phục đã giăng băng rôn biểu tình, yêu cầu cấp sổ hồng tại TP.HCM.
Cuộc biểu tình diễn ra bên kia đường, đối diện toà soạn Báo Thanh Niên. Báo Thanh Niên không liên quan gì đến nội dung biểu tình mà đây chỉ là cách nhằm thu hút giới truyền thông khi mà cho đến tận hôm nay chuyện biểu tình vẫn là hành vi dễ bị quy chụp là chống… chế độ (!?).
Nếu nội dung của biểu tình được giải quyết, xem ra làn sóng biểu tình sẽ lan rộng khắp thành phố này, vì đây là một chuyện liên quan đến quyền sở hữu nhà ở.
Theo thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, hiện trên địa bàn thành phố còn khoảng 81.000 căn nhà chưa được cấp sổ hồng. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã phân nhóm các dự án để tiến hành cấp sổ hồng cho người mua nhà.
Trong đó, 8.372 căn đã có thông báo thuế, chờ chủ sở hữu nộp thuế; 19.958 căn đang thực hiện thủ tục cấp sổ hồng nhưng phải tạm dừng để hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung; 10.277 căn thuộc 18 dự án phải tạm dừng thủ tục cấp sổ hồng do đang thanh tra, điều tra; 8.918 căn chưa cấp sổ hồng do vướng các quy định về loại hình bất động sản mới; 4.657 căn chưa cấp sổ hồng vì các vướng mắc như đang xác định lại diện tích đất sử dụng chung của chung cư, truy thu tiền, rà soát lại đối tượng mua nhà.
Ngoài ra, có 28.907 căn chưa cấp sổ hồng do chủ đầu tư, người mua nhà chưa nộp hồ sơ.
Trở lại với chuyện biểu tình trong cách lý giải trên từ các con số viện dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM.
Ở vụ biểu tình hổm rày phía bên kia đường đối diện tòa soạn báo Thanh Niên, theo ghi nhận từ nhóm biểu tình, từ năm 2018 các khách hàng đã ký hợp đồng với chủ đầu tư là Công ty TNHH Phát triển Nhà Thế Giới. Thời điểm đó, đa số khách hàng đã thanh toán đến 95% giá trị bất động sản.
Đến năm 2019, dự án đã được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM xác nhận đủ điều kiện cấp sổ hồng cho từng căn nhà. Khi đó, khách hàng đã nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký cấp sổ hồng và đã được Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM tiếp nhận.
Tuy nhiên, đến nay đã gần bốn năm kể từ thời điểm nộp hồ sơ, khách hàng vẫn không được sổ hồng với lý do chờ ý kiến phản hồi của cơ quan thanh tra về việc được giải quyết cấp sổ hồng cho người mua nhà.
Thêm nữa, việc cấp sổ hồng cho người mua nhà tại dự án này bị đình trệ nhiều năm bởi cơ quan chức năng đang rà soát việc dự án có phải đóng tiền sử dụng đất bổ sung hay không.
Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nhà Thế Giới, cho biết tháng 3-2018 UBND TP.HCM đã có Quyết định số 932 về chấp thuận đầu tư dự án do Công ty Nhà Thế Giới làm chủ đầu tư và yêu cầu công ty liên hệ Cục Thuế TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính để được hướng dẫn và thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung theo quy định.
Đến tháng 4-2018, công ty đã gửi văn bản đến Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM xin hướng dẫn và giải quyết thủ tục thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) đối với dự án. Ngay sau đó, dự án cũng đã xây dựng hoàn thiện và bàn giao nhà cho khách hàng trong năm 2018.
Ngày 14-11-2019, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã kiểm tra, đồng ý cấp sổ hồng cho dự án, và ngày 5-12-2019 Công ty Nhà Thế Giới đã hoàn tất việc nộp hồ sơ xin cấp sổ hồng cho khách hàng vào Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM.
Tuy nhiên, sau nhiều lần công ty gửi văn bản đến Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM để hỏi lý do chậm giải quyết hồ sơ cấp sổ hồng cho người mua nhà tại dự án nhưng chỉ nhận được câu trả lời “đang chờ ý kiến phản hồi của cơ quan thanh tra kiểm tra, rà soát pháp lý”.
Đến nay đã bốn năm trôi qua, dự án vẫn chưa được cấp sổ hồng cho người mua nhà, và các người dân nơi đây cho rằng họ đã bị Công ty Nhà Thế Giới lừa đảo.
Các chung cư chưa được cấp giấy hồng bị mất giá trị đáng kể so với các chung cư đã được cấp giấy. Khách mua đầu tư hay ở đều muốn mua nhà có giấy hồng để dễ giao dịch, thủ tục đơn giản, không tốn phí cho chủ đầu tư (có khi lên đến 2% giá trị căn hộ) mỗi lần giao dịch. Khi thương lượng mua bán, căn hộ chưa có giấy hồng cũng hay bị người mua ép giá.
Sòng phẳng nhìn nhận, trong thực tế, có chuyện cơ quan nhà nước làm sai quy định, bỏ qua quy trình, không kiểm soát dự án ngay từ đầu mới dẫn đến những vướng mắc khó tháo gỡ hiện nay ở một số dự án.