VNTB – Bỏ hình phạt tử hình ở Việt Nam, trừ án tham nhũng

VNTB – Bỏ hình phạt tử hình ở Việt Nam, trừ án tham nhũng

Hà Nguyên

(VNTB) – Án tham nhũng vẫn cần mức án tử hình để có thể mặc cả số tiền “thiệt hại”.

Trên thật tế thì chưa có quan chức tham nhũng nào ở Việt Nam bị tuyên án đến mức tử hình ở phiên tòa phúc thẩm.

Bộ luật Hình sự 2015 đã bỏ tử hình với 7 tội danh, bao gồm các tội: Cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.

Một tham luận liên quan chuyện cần mở rộng các tội danh cần bỏ mức án tử hình, ghi nhận ở Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), mặc dù hình phạt tử hình được quy định áp dụng đối với 22 điều luật nhưng trên thực tế, tòa án chủ yếu áp dụng đối với một số trường hợp phạm tội giết người (giết người nhằm chiếm đoạt tài sản; giết nhiều người, giết phụ nữ mà biết là có thai, giết trẻ em, giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác…) và một số tội phạm về ma túy (tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy…).

Với tỷ lệ trên 8% các điều luật trong Bộ luật hình sự có quy định hình phạt tử hình, được đánh giá là vẫn cao. Lẽ đó nên thu hẹp dần phạm vi quy định hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự là cần thiết.

Nhằm thúc đẩy việc loại bỏ hình phạt tử hình ở các quốc gia, Liên Hiệp Quốc đã ban hành nhiều văn kiện quan trọng, trong đó, có thể kể đến như: Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 và Nghị định thư tùy chọn thứ hai về bãi bỏ hình phạt tử hình theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1989 (Nghị định thư năm 1989).

Theo đó, các văn kiện này khẳng định tầm quan trọng của quyền sống đối với mỗi con người.

Ở những nước mà hình phạt tử hình chưa được xóa bỏ thì chỉ được phép áp dụng án tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất, căn cứ vào luật pháp hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện và không được trái với những quy định của Nghị định thư năm 1989 và Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng.

Hình phạt tử hình chỉ được thi hành trên cơ sở bản án đã có hiệu lực pháp luật, do một toà án có thẩm quyền phán quyết. Dù không buộc các quốc gia phải xóa bỏ ngay hình phạt tử hình song Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh, không một quy định nào của Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 có thể được viện dẫn để trì hoãn hoặc ngăn cản việc xóa bỏ hình phạt tử hình tại bất kỳ quốc gia thành viên nào của Công ước.

Điều 1 Nghị định thư năm 1989 quy định trách nhiệm của các quốc gia trong việc bãi bỏ hình phạt tử hình. Theo đó, mỗi quốc gia thành viên Nghị định thư sẽ tiến hành tất cả những biện pháp cần thiết để bãi bỏ hình phạt tử hình trong phạm vi quyền tài phán của mình.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của Liên Hiệp Quốc, theo thống kê của Tổ chức Ân xá quốc tế, tính đến năm 2019, trên thế giới đã có 106 quốc gia xóa bỏ hình phạt tử hình với mọi loại tội phạm.

Tính đến hiện tại, ở Việt Nam có số các tội còn áp dụng hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự năm 2015 giảm xuống 18, chiếm 5,7% tổng số điều luật trong bộ luật.

Số hình phạt tử hình giảm mạnh từ 44 tội xuống 18 tội vào năm 2015 (giảm 26 tội tương đương với 59% tổng số hình phạt tử hình). Bên cạnh yếu tố nhân đạo, và quyền sống của mỗi con người trong thực tế các án oan khuất ở Việt Nam vẫn còn nhiều bàn cãi, cần thiết tu chỉnh pháp luật hình sự theo hướng tiến tới loại bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình ra khỏi pháp luật hình sự.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)