Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bộ Công an cho rằng “Pháp môn Diệu âm” là tà đạo

Ngọc Lan

(VNTB) – Bắc Kinh liệt “Pháp môn Diệu âm” vào nhóm chính trị, và Hà Nội gọi đó là “tổ chức tôn giáo phản động.”

 

Một đoàn gần 500 người từ các tỉnh ở miền Bắc Việt Nam đã theo đường bộ để sang Thái Lan tham gia khóa học tu thiền của “Pháp môn Diệu âm”.

Tôn giáo nội sinh của Việt kiều?

Khi đoàn khách này trở lại Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, tin tức từ Đồn Biên phòng ở cửa khẩu này cho biết qua kiểm tra hành lý và trong người của 492 hành khách, lực lượng chức năng phát hiện thu giữ 1.306 tài liệu, vật phẩm các loại như usb, sách, vở… có nội dung tuyên truyền “Pháp môn Diệu âm”.

Kiểm tra trên máy tính của 1 hành khách, lực lượng chức năng phát hiện danh sách 141 người tham gia tổ chức “Pháp môn Diệu âm”.

Đầu năm 2022, trong một báo cáo của Bộ Công an Việt Nam cho biết, “Pháp môn Diệu âm” đã hoạt động và có ảnh hưởng đến nhiều địa phương như: Hà Nội, Lào Cai, Bạc Liêu, Thanh Hóa, Cần Thơ, Bình Thuận, Đà Nẵng, Lai Châu, Cà Mau, Hà Giang, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Tuyên Quang, Đồng Nai… với mục đích trục lợi về kinh tế; có màu sắc chính trị; chia rẽ tôn giáo, dân tộc.

Theo Bộ Công an Việt Nam, “Pháp môn Diệu âm” là một nhánh của đạo “Thanh Hải Vô Thượng Sư”.

“Pháp môn Diệu âm” còn có tên gọi khác là Hội Thiền Định quốc tế Master Ruma, người sáng lập là ông Trần Tâm, còn có các tên gọi khác như: Saint John, Trấn Yăn Tom, Trần Út Huỳnh Long, Tom Trần, Master Ruma, sinh ngày 22/10/1972 tại Kiên Giang, là Việt Kiều Mỹ. Ông Trần Tâm tự giới thiệu là “sứ giả” của “Thanh Hải Vô Thượng Sư”.

“Thanh Hải Vô Thượng Sư” là tên hiệu của một nhà truyền giáo tên khai sinh Trịnh Đăng Huệ (sinh ngày 12 tháng 5 năm 1950) là người sáng lập Quán Âm Pháp môn (觀音法門, hay Pháp thiền Quán Âm), và Thanh Hải Vô Thượng Sư, hay còn gọi là Đạo tràng Tây Hồ, Hội thiền định Suma Ching Hai, Hội thiền định quốc tế Thanh Hải Vô Thượng Sư, Hội quốc tế Thanh Hải Vô Thượng Sư, Hội quốc tế thánh thiện Thanh Hải Vô Thượng Sư.

Hội nhập tôn giáo thời thế giới phẳng?

Hồ sơ được lan truyền trên mạng xã hội, có thể tóm tắt như sau: Bà còn có tên là Đặng Thị Trinh, sinh ngày 12 tháng 5 năm 1958, có tài liệu ghi 1948 tại Đức Phổ, Quảng Ngãi, Việt Nam. Bà có cha là người Trung Quốc và mẹ là người Việt Nam. Vào năm 19 tuổi (có tài liệu ghi 22 tuổi), bà rời Việt Nam đi qua Anh, rồi qua Pháp, Tây Đức.

Trong thời gian ở Tây Đức, bà làm nghề thông dịch viên cho hội Hồng Thập Tự và lập gia đình với một bác sĩ y khoa người Đức. Sau 2 năm, hai người ly dị.

Năm 1979, bà thọ Tam quy ngũ giới với tu sĩ Thích Như Điển, với pháp danh là Thị Nguyện, nhưng chùa của ông không nhận nữ giới. Sau đó bà qua Ấn Độ xuất gia, trước tiên là với các vị Lạt ma Tây Tạng, sau theo học với một người Ấn Độ đạo Sikh tên là Jampa Ghesbe Ngawang Dargey và người kế tiếp là Thakar Singh, một giáo sĩ thuộc dòng Surat Shabd Yoga (Sant Mat), và chính vị này đã “truyền” pháp “Thanh Sắc Quang Ảnh” (Light and Sound Meditation) cho bà.

Năm 1983, bà đến Đài Loan thọ giới Tỳ-kheo-ni tại một giới đàn ở Đài Bắc thuộc Giáo hội Phật giáo Đài Loan.

Trong thời gian trước khi thọ giới, bà được gởi đến Linh Sơn Phật Học viện tại Đài Bắc của nhà sư Thích Tịnh Hạnh để tá túc học tập và được ban cho pháp hiệu là Thanh Hải.

Năm 1989, bà lập nên Thanh Hải Vô Thượng Sư.

Bà được báo chí Tây phương gọi là “Part Buddha, Part Madonna”. Tại Hoa Kỳ, bà đặt bản doanh tại thành phố El Monte ở miền Nam California và đi thuyết giảng khắp vùng đông dân cư Việt Nam, rồi đi Boston, New York, Washington DC….

Bà cũng được cho là người đã thành lập chuỗi nhà hàng Loving Hut. Có đánh giá là nguồn thu nhập đằng sau nhiều dự án kinh doanh của bà vẫn còn là bí ẩn, và phần lớn các chương trình truyền hình của bà sản xuất chủ yếu là tự giới thiệu và quảng cáo và nhằm mục đích “xây dựng hồ sơ công chúng cho các hoạt động nhóm của giáo phái”.

Bắc Kinh kết luận là hoạt động chính trị, Hà Nội ‘nghe’ theo…

Phải đến khi bà truyền bá “Quán âm Pháp môn” tại Trung Quốc thì bà mới bị Bắc Kinh liệt vào nhóm chính trị, và theo cách gọi của Hà Nội, đó là “tổ chức tôn giáo phản động”.

Một tài liệu cho biết, năm 2002, người quản lý của Công ty Thiết bị kiểm tra điện Vũ Hán Zhongzhi đã bị chính quyền Trung Quốc cáo buộc sử dụng doanh nghiệp này như một vỏ bọc để “hỗ trợ các dị giáo” liên quan đến Pháp môn Quán Âm.

Theo đó, doanh nghiệp này hỗ trợ ba mươi học viên “giả dạng làm nhân viên và cộng sự kinh doanh”. Người quản lý bị buộc tội sử dụng các văn phòng và tòa nhà của công ty làm “nơi ẩn dật”, tổ chức “khởi xướng” và “sàng lọc” để tuyển dụng thành viên, in và phát hành bất hợp pháp hơn 6.000 kinh văn dị giáo.

Chính phủ Việt Nam hiện tại chưa công nhận Pháp môn Quán Âm theo thủ tục hành chính của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Do đó việc truyền bá tại Việt Nam của Pháp môn Quán âm có thể đối mặt với cáo buộc hình sự trong những suy diễn liên quan về vấn đề chính trị, chống phá chế độ vốn rất quen thuộc trong lập luận của Hà Nội.

Dường như đang có một hình thức về cái gọi là “tôn giáo nội sinh” trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Điều này tương tự như các tôn giáo nội sinh ở miền Nam Việt Nam thuở trước.


Tin bài liên quan:

VNTB – Khi nào Giáo Hoàng đến thăm Việt Nam?

Bùi Ngọc Dân

RFA – Ông Nay Y Blang bị tuyên bốn năm sáu tháng tù, không có luật sư bào chữa

Do Van Tien

VNTB – Ai sẽ đền bù cho người dân là ‘bị hại’ ở vụ kit-test Việt Á?

Baraju T. Ogelefecejo

1 comment

cao cầu 09.06.2023 8:28 at 08:28

Thực ra nó là Tiền âm thanh nada meditation, nhĩ căn viên thông của Quan Thế Âm Bồ Tát trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo