Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Xem ra cần truy cứu trách nhiệm của các tổng biên tập báo
Trên cơ sở tổng hợp nguồn tin từ các cơ quan báo chí chính thống, vào lúc 15:36 ngày 26/4/2020, bản tin “Bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức y tế thế giới chấp thuận” đã được đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ KH&CN (www.most.gov.vn)…
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã đính chính thông tin “kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á được WHO chấp thuận” với lý giải “do các cơ quan báo chí chính thống” đưa tin, nguyên văn như sau:
“Trong khoảng thời gian từ ngày 25-26/4/2020, một số cơ quan báo chí chính thống đã đăng tải bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức y tế thế giới chấp thuận. Trên cơ sở tổng hợp nguồn tin từ các cơ quan báo chí chính thống, vào lúc 15:36 ngày 26/4/2020, bản tin “Bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức y tế thế giới chấp thuận” đã được đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ KH&CN (www.most.gov.vn) và bản tin này đã được gửi tới một số phóng viên theo dõi lĩnh vực KH&CN tham khảo như thông lệ khi ngành KH&CN có sự kiện hoặc thành tựu nổi bật. Sau khi phát hiện có sai sót, để có thời gian xem xét, đánh giá lại toàn bộ quá trình, bản tin đã được tạm gỡ trên Cổng thông tin của Bộ KH&CN.
Các đơn vị chức năng có liên quan đã kiểm tra lại và nhận thấy có sự sai sót trong quá trình tổng hợp, biên tập, kiểm chứng thông tin và cung cấp thông tin để đăng trên Cổng thông tin của Bộ KH&CN.
Nội dung thông tin xin được đính chính như sau: “Ngày 24/4/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận yêu cầu xin đánh giá sử dụng khẩn cấp (EUL) cho bộ kit “LightPower iVA SAR-CoV-2 1st RT-rPCR Kit” của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á”. (Kết thúc bản tin)
Trước đó, sau khi thông tin về việc này được gỡ bỏ trên Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN, ông Trịnh Thanh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các khối ngành Kinh tế – Kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ, thừa nhận đây là sơ suất của Bộ.
“Bộ chưa xem xét kỹ lưỡng thông tin phản hồi của WHO về bộ kit test của Công ty Việt Á. Thực chất WHO mới chỉ “chấp thuận đưa kit test này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng” không phải chấp thuận sử dụng”, theo lời ông Hùng.
Bộ trưởng Bộ KH&CN hiện nay là ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.
Với thông tin mang tính nhạy cảm chính trị nói trên, về nguyên tắc, trước khi được đưa lên Cổng thông tin của Bộ KH&CN, phải cần được sự phê duyệt của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt; và trên cương vị là một Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, ông Đạt hiểu vấn đề này còn liên quan đến uy tín của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở thời gian ông Trọng đồng thời là Chủ tịch nước, người ký trao huân chương lao động cho Công ty Việt Á từ chuyện kit test này.
Như vậy, xem ra ở đây cần truy cứu trách nhiệm của các tổng biên tập được nhắc đến qua câu: “một số cơ quan báo chí chính thống đã đăng tải bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức y tế thế giới chấp thuận” mà Bộ KH&CN nói đến.
Cụ thể, theo Nghị định 119/2020/NĐ-CP của chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Trong đó nếu thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng, cơ quan báo chí bị phạt 5-10 triệu đồng. Nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng, mức phạt là 50-70 triệu đồng. Nếu gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, mức phạt lên tới 70-100 triệu đồng.
Trong cả 3 trường hợp trên, cơ quan báo chí đều buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật đã đăng tải. Trường hợp đăng thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, tờ báo còn có thể bị đình chỉ hoạt động 1-12 tháng.
Do đó nếu thời gian tới đây không có “cơ quan báo chí chính thống” nào bị xử phạt theo nội dung mang tính ‘tố cáo’ của Bộ KH&CN, cho thấy rất có thể là sự bao che từ Thủ tướng Phạm Minh Chính. Và dĩ nhiên ở chiều ngược lại, nếu lỗi ở đây không từ báo chí, thì cần thiết chuyển toàn bộ vụ việc qua cơ quan an ninh điều tra cấp cao nhất, vì dấu hiệu sai phạm ở tầm “Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII”.