Việt Nam Thời Báo

VNTB- Bội chi 176 ngàn tỷ đồng: Bế tắc và tăng cường vét thuế phí

Anh Văn

(VNTB) – Sức dân và sức doanh nghiệp tiếp tục là con bò để nhà nước vắt để nuôi cơ chế trong giai đoạn 4 năm tiếp theo.


11 tháng năm 2016 – Ngân sách nhà nước Việt Nam (NSNN) bội chi gần 7,6 tỷ USD. Đáng chú ý, là thu ngân sách khu vực DNNN chỉ đạt 176.600 tỷ (bằng 68,9% dự toán); đầu tư phát triển ở mức 167.700 tỷ đồng; chi trả nợ và viện trợ ở mức 136.000 tỷ đồng.

So với kế hoạch chi đề ra cả năm là 1.273.200 tỷ đồng, thì năm 2016, kế hoạch chi sẽ vượt khung (tức ở mức 8,5 tỷ USD).


Chi tiêu ngân sách: tăng liên tục

Mục tiêu ngân sách 2016-2020 là giảm dần, nhưng căn cứ vào thực tế sử dụng ngân sách 3 năm trở lại đây, thì có khả năng, mục tiêu lần này tiếp tục đi vào viết xe đổ giai đoạn 2011-2015. Cụ thể, giảm dần bội chi ở mức 4,5%, tuy nhiên, thực tế thì bội chi các năm trong giai đoạn này tăng liên tục (4,4% – 6% – 6,11%).

Năm 2014, bội chi ngân sách là 249.362 tỷ đồng, vượt mức trần Quốc hội hơn 25.000 tỷ đồng.

Năm2015 bội chi ngân sách nhà nước là 256.000 tỷ đồng.

Năm 2016 bội chi ngân sách 176.900 tỷ đồng

Số tiền 8,5 tỷ USD sẽ buộc phải vay nợ để bồi đắp cho NSNN – nhưng cơ hội để xóa nợ lại giảm, trong khi số tiền chi để trả nợ gần bằng tiền chi để đầu tư phát triển.

Tình hình bội chi căng đến mức, trong buổi họp kín trước đó vào chiều 22/11, 90% đại biểu Quốc hội tán thành dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận dù đã hoàn thành bước chuẩn bị cho dự án trong đó có cả hệ thống cấp điện và hạ tầng phục vụ thi công; đào tạo nguồn nhân lực; thỏa thuận vay vốn,… Nó không đến từ sự phản ứng xã hội đối với dự án này, mà đến từ yếu tố kinh tế – khi nợ công sẽ nhảy bậc nếu dự án này được đưa vào thi công.

Đã có những bước đi tín hiệu trong “quy hoạch” sử dụng ngân sách. Cụ thể, chiều 8/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong đó giảm dần tỉ lệ bội chi ngân sách Nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP. Thông qua việc, thoái hóa vốn ở các ngành không cần Nhà nước sở hữu; cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng.


Kiểm soát NSNN: khó toàn tập

Dù đã ra Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế. Nếu điều này được thực hiện một cách nghiêm túc thì bội chi ngân sách sẽ giảm 2/3, tuy nhiên công việc thực tế lại khó khăn hơn nhiều.

Đầu tiên, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường. Và thực hiện phá sản doanh nghiệp nhà nước. Điều này phù hợp, khi mà trong một báo cáo có liên quan, các tập đoàn nhà nước độc quyền như EVN, PVN, ACV, Vinacomin tỷ suất lợi nhuận đi xuống. Cụ thể, nếu PVN năm 2013 tỷ suất lợi nhuận ở mức trên 17% thì 2016 lại rơi xuống mức 14%;  ACV trên 32% (2013) thì nay rớt dần đều xuống dưới mức 20%. Riêng EVN, qua nửa năm 2016, đã báo lỗ trước thuế 557 tỷ đồng và lỗ ròng 930 tỷ đồng.  Vấn đề tiếp theo là làm sao để hoạch toán độc lập và kiểm soát chi tiêu tài chính của các tập đoàn này? Vốn là một câu hỏi không lời đáp trong hàng thập kỷ nay, khi tài chính và đầu tư tập đoàn trở thành vùng cấm địa do liên quan mật thiết đến đảng viên cao cấp. Ví như PetroVietnam liên quan đến ông Đinh La Thăng (nay là Ủy viên BCT); PVFI liên quan đến cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại Vũ Huy Hoàng.

Thứ hai, các tổ chức hội, đoàn thể trực thuộc cánh tay phải của Đảng mỗi năm ngốn 14.000 tỷ đồng, tượng đài và tòa nhà hành chính các tỉnh vẫn đang mọc lên. Dẫn đến yêu cầu buộc phải cân đối ngân sách trong lĩnh vực này, nhấn mạnh tự chủ tài chính hơn là ôm vào con bò ngân sách. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn phải làm nhiệm vụ tay phải của Đảng trong định hướng chính trị và xã hội; câu chuyện tượng đài tiếp tục nằm trong quy hoạch đến năm 2030.

Một vấn đề lớn nữa mà bà Phạm Chi Lan – chuyên gia kinh tế độc lập từng đưa ra là biên chế nhà nước ngày càng phồng to. Với 11 triệu người hưởng lương và mang tính chất lương (chiếm trên 10% dân số) là một thách thức lớn đối với túi tiền ngân sách, ngay cả khi so với Trung Quốc (40 triệu công chức tương đương 2,8% dân số). Việc cắt giảm 30% công chức cắp ô trở nên khó khăn vì hầu hết nó sẽ làm bùng nổ sự phản đối, do các hiện tượng cắp ô là COCC cơ cấu hoặc chạy tiền. Đây là “rào cản lớn nhất với cắt giảm chi tiêu ngân sách nhà nước hiện nay nằm chính trong nội bộ các cơ quan công quyền” [1] – thông qua bộ máy cồng kềnh và vô kỷ luật. Điều này có thể thấy rõ thông qua bổ nhiệm sai quy trình ở nhiều tỉnh thành, gần nhất là Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương đã bị tố là có 46 biên chế thì 44 người mang chức danh trưởng, phó phòng; trong khi đó TP Thanh Hóa bổ nhiệm vượt quy định 53 phó phòng. Đặc biệt, Giám đốc Sở Tài chính (Thanh Hóa) vẫn “xé rào” bổ nhiệm con gái ruột của mình. Điều này cho thấy, sự thấy nghiêm minh và giám sát trong công tác bổ nhiệm và điều chuyển cán bộ trong đảng. Hoàng hôn nhiệm kỳ vẫn là một khuôn mẫu chiếu lệ ở hầu hết địa phương, tác dụng thị uy – răn đe trong điều hành chỉ ở mức phê bình – kiểm điểm, dẫn đến những bước đi trong giảm bội chi ngân sách chỉ mang tính lý thuyết.

Cạnh đó, tình trạng chi sai quy định và tham nhũng trong đầu tư công vẫn là một mắc xích lớn, việc đội vốn ở các công trình trọng điểm quốc gia như đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông; nhà máy lọc dầu Dung Quất; nhà máy lọc dầu Nghi Sơn,… tiếp tục diễn ra dù được phản ánh trên báo chí và Quốc Hội. Xu hướng xử lý là tiếp tục rót ngân sách vào các dự án này thay vì tuyên bố “phá sản” khiến cho càng làm càng lỗ, và lỗ “vượt kế hoạch” cho phép.


Tăng thu bù chi: thuế phí đè nặng

Trong khi tình trạng bội chi NSNN vẫn chưa được giải quyết. Tinh giảm biên chế và chống thất thoát trong đầu tư công vẫn là bài toán khó giải. Đến mức nếu đụng vào thì có khả năng người đụng sẽ chết trước, theo như cách nói của ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ – khi nói công tác phòng chống tham nhũng vào tháng 3/2016. Cơ chế nảy sinh ra cơ chế, khiến bộ máy nhà nước càng ngày càng cồng kềnh, bộ máy tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển khiến toàn bộ hệ thống nhà nước không thể thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn trong “bội chi ngân sách”.

Và cách thức để giải quyết vấn đề này vẫn là dựa vào xu hướng tăng thu bù chi.

Trong thực tế là vào sáng ngày 9/11, Quốc Hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm (2016 – 2020), trong đó: tổng thu ngân sách nhà nước 5 năm khoảng 6.864 nghìn tỷ đồng; trong đó thuế, phí và lệ phí khoảng 21-22% GDP.

Như vậy, năm 2016 có thể tạm khép lại với vấn đề bội chi, và chúng ta có thể đón chờ năm 2017 với các thuế phí được tăng cường truy thu, đi từ gánh thuế phí cao nhất ASEAN trở thành gánh thuế phí cao nhất ASIAN.

Đúng hơn, sức dân và sức doanh nghiệp tiếp tục là con bò để nhà nước vắt để nuôi cơ chế trong giai đoạn 4 năm tiếp theo.

—————-

[1] http://m.tienphong.vn/kinh-te/lap-lai-ky-cuong-xoa-xin-cho-1041672.tpo

Tin bài liên quan:

VNTB – Công An Việt Nam và “tao tát vỡ mặt mày”

Phan Thanh Hung

VNTB- Không phải niềm tin, đó là sự minh bạch

Phan Thanh Hung

VNTB- BRT: bản chất là tạo bất bình đẳng giữa hai loại hình giao thông

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo