Việt Nam Thời Báo

VNTB – Các chuyên gia nói gì về kế sách ‘sống chung với Covid’?

Khánh Hội (ghi)

 

(VNTB) – Thành phố không thể không mở cửa lúc này

 

“Đến lúc thành phố phải tính đến mức độ giãn cách đảm bảo độ an toàn. Thành phố không thể không mở cửa lúc này” – Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định như vậy sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia kinh tế, y tế sáng 17-9-2021.

Theo Bí thư Nên, dù có nhiều góc nhìn, cơ sở lý luận khác nhau nhưng các chuyên gia đã có quan điểm là sức chịu đựng của xã hội đã đến giới hạn, nền kinh tế bị tổn thương rất nhiều, cần được phục hồi sớm.

Với những xác định này, cũng đã đến lúc phải có sự chuẩn bị về tâm thế, thói quen, tinh thần và cả những điều kiện cần thiết để ứng phó với môi trường sống mới có chủng virus Delta.

Góc nhìn từ các chuyên gia kinh tế, y tế đã đưa ra những ‘lời khó nghe’ nào đối với các lãnh đạo cấp Trung ương?

Cần sòng phẳng với y tế tư nhân

Bác sĩ chuyên khoa ngoại thần kinh Võ Xuân Sơn, cho rằng muốn sống chung với virus Covid mà không phải là sống trong địa ngục, thì việc đầu tiên mà nhà nước này, chính quyền này phải làm, là bằng mọi cách duy trì sự tồn tại và khả năng hoạt động của hệ thống y tế. Mấy tháng qua, các diễn biến của dịch đã cho thấy tầm quan trọng của hệ thống y tế.

Các quyết định liên quan đến dịch bệnh phải thực sự xuất phát từ y tế. Mà đó phải là y tế đúng nghĩa, chứ không phải loại y tế vâng dạ, lúc nào cũng chỉ biết phục vụ lợi ích cho nhóm của mình mà bất chấp lợi ích của dân, của nước.

Nếu vì bất cứ lý do gì mà bất cứ ai, kể cả lãnh đạo cấp cao nhất, cho rằng mình có đủ khả năng đứng trên y tế để ra các quyết định liên quan đến dịch bệnh, đều sẽ chỉ mang lại thảm họa cho dân, cho nước mà thôi.

Song song đó, việc rà soát lại năng lực cán bộ quản lý y tế từ trung ương đến địa phương. Hãy mạnh dạn loại bớt những cán bộ y tế chỉ biết làm theo lệnh một cách thụ động, không đủ khả năng tham mưu cho chính quyền ra quyết định đúng đắn.

Nhà nước này, chính quyền này cần mạnh dạn giảm nhẹ tiêu chuẩn trung thành với lý tưởng cộng sản, các tiêu chuẩn về chính trị, mà đề cao khả năng chuyên môn trong công tác nhân sự quản lý y tế.

Nhà nước Việt Nam cần nhìn nhận, hiện nay y tế tư nhân đã là một lực lượng có sự ảnh hưởng không nhỏ trong xã hội. Tất cả cán bộ nhà nước, từ lãnh đạo cấp cao nhất, đến cán bộ quản lý ngành y ở cấp độ thấp nhất, cần phải có được tư duy, để cho y tế tư nhân lo được phần nào là tốt cho xã hội phần đó.

Hãy để quy luật thị trường hỗ trợ nhà nước trong việc chăm lo sức khỏe cho người dân. Nhà nước hãy chăm lo phần nào mà thị trường không chăm lo được. Và, nhà nước, chính quyền cần phải sòng phẳng với y tế tư nhân, và với nhân viên y tế nói chung.

Việc sống chung như thế nào với virus Covid trong thời gian tới có thể sẽ ảnh hưởng cả đến sự tồn vong của chế độ này, chứ không chỉ đơn thuần là địa ngục cho người dân hay không. Thiết nghĩ, chính quyền cần ý thức được điều quan trọng đó.

Không thể không mở cửa

Ông Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright nhận định, đợt phong tỏa kéo dài vừa qua đã để lại hệ lụy nghiêm trọng đối với GDP của TP.HCM không chỉ năm nay mà còn những năm tới.

Các doanh nghiệp bây giờ đều trong tình trạng kiệt quệ, nếu không cứu doanh nghiệp ngay, thì sau này cứu cũng không kịp. Tương tự, người dân cũng đã khánh kiệt sau 3,5 tháng phong tỏa liên tục. Trong khi đó, cả ngân sách TP.HCM và ngân sách trung ương đều đang gặp khó khăn.

“Ngành y tế chỉ có thể hồi phục cho bệnh nhân đang nguy kịch, còn nếu đã tử vong thì không thể cứu được nữa, vấn đề tương tự cũng xảy ra với ngành kinh tế”, ông Tự Anh so sánh và khẳng định nếu không kịp cứu những doanh nghiệp đang “ngắc ngoải”, TP.HCM sẽ mất số lượng lớn doanh nghiệp nhiều năm mới xây dựng được.

Ông Vũ Thành Tự Anh nhận định rằng, hiện không thể nói mở hay không mở cửa, mà phải nói rằng không thể không mở cửa.

“Về chiến lược mở cửa, đối với hoạt động kinh tế, kinh doanh, việc mở theo từng nấc phải có phương án dự phòng, phải có phương án rủi ro và thích nghi với điều kiện mới. Tuy nhiên, cần phải có những phương án dự phòng rủi ro và cần phải thay đổi các quy định của Bộ Y tế để mở cửa”, ông Vũ Thành Tự Anh đặt vấn đề; và cho rằng “Zero Covid là biểu hiện rõ ràng của sự sợ hãi. Do đó, phải thay đổi tư duy”, ông nói và cho rằng lãnh đạo TP.HCM cần chống dịch bằng sự hiểu biết – tức là thông tin, dữ liệu, bằng chứng khoa học.

Về ngân sách, ông Vũ Thành Tự Anh dẫn lại lời của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc mới đây đánh giá nguồn dự phòng ngân sách Trung ương đã sử dụng gần hết, và đang đề xuất chuyển 14.600 tỷ từ tiết kiệm chi cho chống dịch. Trong khi đó, TP.HCM từng đề nghị Trung ương hỗ trợ 28.000 tỷ.

Như vậy, con số 14.600 tỷ nêu trên cũng chỉ tương đương một nửa nhu cầu của TP.HCM. Chưa kể mới đây, TP.HCM còn đề xuất Trung ương hỗ trợ thêm 8.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy sự khó khăn trong cân đối ngân sách của TP.HCM và Trung ương hiện nay.

Bên cạnh đó, TP.HCM hiện cũng còn rất nhiều bệnh nhân mang các bệnh lý khác, không chỉ Covid-19. Ngoài ra, người dân đang chịu khủng hoảng về tinh thần, tâm lý…

Không nên tiếp tục xét nghiệm diện rộng

Ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế Công cộng Trường Đại học Y Dược TP.HCM, đề nghị ngành y tế không nên tiếp tục xét nghiệm diện rộng, tiếp tục truy vết vì rất tốn kém, mà phải chuyển thành xét nghiệm những đối tượng nguy cơ cao, có triệu chứng.

Đồng quan điểm, ông Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược TP.HCM, đề nghị cần thống nhất quan điểm không cần thiết phải xét nghiệm trên diện rộng, chỉ xét nghiệm đối với những trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19. Nguồn lực lúc này cần được tập trung vào bao phủ vaccine tới người dân, nhất là đối với người có nguy cơ cao, người trên 65 tuổi.

Trong xét nghiệm, ông Trần Diệp Tuấn nêu ra vấn đề: sau khi xét nghiệm “thần tốc” trên diện rộng để tìm ra F0 thì biện pháp tiếp theo sẽ làm gì, xử lý thế nào đối với F0 được tìm ra? Câu hỏi này cần được trả lời, nhất là khi TP.HCM đã chuyển giai đoạn, không còn theo mục tiêu ‘không Covid-19’.

Theo ông Trần Diệp Tuấn, nếu xét nghiệm để bóc tách, chuyển F0 đi nơi khác để giữ khu dân cư xanh; nhưng nếu giữ vùng xanh bằng cách này thì cứ phải làm xét nghiệm với tần suất 3 ngày/lần, vì kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị trong 3 ngày, nghĩa là cứ phải làm hoài.

Dự báo khi TP.HCM nới lỏng giãn cách thì chắc chắn F0 sẽ tăng. Ông Trần Diệp Tuấn đề nghị TP.HCM ngay từ bây giờ cần chuẩn bị, tăng cường hệ thống y tế để chăm sóc F0 tại cộng đồng, can thiệp sớm, hỗ trợ kịp thời cho F0 khi có yêu cầu chăm sóc y tế.

Ông Nguyễn Thế Dũng, cựu Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng cần xác định những mục tiêu cơ bản là giảm số người chết, giảm số người bệnh nặng, giảm di chứng và giảm thiệt hại kinh tế – xã hội. Về chiến lược dập dịch Covid-19, phương châm không nên làm thừa, nếu không sẽ lãng phí tiền của, thời gian, tạo áp lực, căng thẳng… dẫn đến kiệt quệ.

Đến lúc thành phố phải tính đến mức độ giãn cách đảm bảo độ an toàn. Thành phố không thể không mở cửa lúc này” – Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định như vậy sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia kinh tế, y tế tại buổi gặp gỡ sáng 17-9-2021.

“Chính sách là huy động hết nguồn lực y tế, ai có điều kiện thì tham gia phòng chống, điều trị, quản lý, tư vấn… Tất cả phải tính toán trong chiến lược y tế để hình thành mạng lưới đủ sức lo cho dân, chứ không cậy nhờ vào lực lượng tăng cường. Đây là vấn đề thành phố đang chuẩn bị”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói về chính sách thời gian tới.


Tin bài liên quan:

VNTB – ‘Tự do tôn giáo’: Chùa Liên Trì ở Sài Gòn bị công an phong tỏa toàn diện!

Phan Thanh Hung

VNTB – Hồ Mẫu Ngoạt có là ‘cú đổ domino’ khiến ông Tổng bí thư rời chính trường?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Niềm tin

Phan Thanh Hung

1 comment

Minh Vo 18.09.2021 1:43 at 13:43

Tui cũng không biết phải nói như thế nào cho đúng như các chuyên gia,nhưng có một điều tui thấy phương án chống dịch của nước mình hiệu quả không như mong muốn sau nhiều lần giản cách.Theo như tui nghĩ chống giặc,chống dịch phải có phương án khác nhau,chống giặc thì tổng lực, còn chống dịch thì du kích.nhân dịp nầy tui có vài ý nhỏ góp phần chống dịch,có thể ý tứ chưa đầy đủ nhưng là sự chân thành của tui,nếu có sài sót xin mọi người bỏ qua cho.Theo như tổ chức chính quyền thì PHƯỜNG,XÃ là nơi gần dân nhất,mỗi phường,xã đều có trạm y tế,y tế dự phòng,chính quyền thì đầy đủ CÔNG AN,DÂN PHÒNG,QUÂN SỰ,đầy đủ điều điều kiện chống dịch.với điều kiện nầy ,chính phủ nên giao trách nhiệm trực tiếp cho chính quyền địa phương tổ chức chống dịch, còn các cấp chinh quyền phía trên hỗ trợ khi cần. Cụ thể:chia nhỏ ra từng tổ,y tế xã sẽ xét nghiệm từng tổ một theo hình thức cuốn chiếu,hết tổ nầy đến tổ khác(nếu lực lượng y tế phường, xã không đủ người thì quận,huyện,tỉnh thành hỗ trợ bỗ xung thêm)nếu như xét nghiệm có FO thì xử lý ngay,nhẹ hướng dẫn cách ly tại nhà,khi nào có chuyển biến nặng thì liên hệ y tế hoặc chính quyền địa phương kịp thời hỗ trợ(đây là điều bắt buộc phải làm nếu tắc trách sẽ bị xem xét trách nhiệm)đồng thời khẩn trương phủ vaccine,hỗ trợ,ổn định đời sống cho toàn bộ dân trong phường,xã mà mình quản lý.Nếu xử lý tốt,suông sẽ thì khoảng trong vòng hai tuần sẽ kết thúc,và FO sẽ được khống chế,không tốn nhiều tiền như xét nghiệm đại trà,giảm áp lực cho nguồn y tế tuyến trên,tạo thuận lợi cho tuyến trên có thời gian và thu hồi nguồn nhân lực chăm sóc FO nguy cấp được tốt hơn, hạn chế tử vong.Để đạt được thành quả tốt,chính phủ nên thường xuyên kiểm tra,đôn đốc,khen thưởng những người xứng đáng,xem xét trách nhiệm nơi nào làm chưa tốt thiếu trách nhiệm.chính phủ cũng luôn tư thế sẵn sàng, hỗ trỡ kịp thời những nhu cầu cần thiết, cho địa phương để thuận lợi, trong công tác phòng chống dịch,chúc thành công.

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo