Khánh An dịch
(VNTB) – Các công ty này đã không công bố kết quả các thử nghiệm giai đoạn cuối trong khi dữ liệu từ các hãng thuốc phương Tây cho thấy ba ứng cử viên có triển vọng cao
Chao Deng & Jon Emont
TAIPEI — Áp lực đang đè nặng lên các hãng dược Trung Quốc phải đưa ra bằng chứng lâm sàng rằng vắc xin Covid-19 hàng đầu của họ có tác dụng, sau khi dữ liệu ban đầu về ba vắc xin do phương Tây phát triển cho thấy hiệu quả đầy hứa hẹn đối với căn bệnh này.
Đầu tuần này, AstraZeneca PLC và Đại học Oxford cho biết vắc xin của họ có hiệu quả từ 62% đến 90%, cùng với hai vắc xin phương Tây khác đã cung cấp dữ liệu. Kết quả có thể cho phép Hoa Kỳ và các quốc gia khác cấp phép và chuẩn bị tiêm chủng rộng rãi.
Các nhà sản xuất vắc xin Trung Quốc đã bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối vào tháng 7, cùng thời điểm với các nhà phát triển vắc xin phương Tây của Pfizer và Moderna. Các chuyên gia y tế công cộng cho biết, lý do khiến Trung Quốc phải chờ đợi kết quả lâu hơn đó là các quốc gia mà các nhà nghiên cứu Trung Quốc tìm tình nguyện viên như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Brazil lại không lây lan Covid-19 nhanh như ở Mỹ, đây vốn là nền tảng thử nghiệm quan trọng cho các nhà sản xuất vắc xin hàng đầu ở phương Tây.
Các thử nghiệm cần có số ca lây nhiễm nhất định trước khi các nhà nghiên cứu có thể chứng minh hiệu quả của vắc xin.
Peter Maybarduk, giám đốc nhóm vận động người tiêu dùng phi lợi nhuận Public Citizen ở Washington, D.C cho biết: “Trung Quốc đã nói rằng họ sẽ biến vắc-xin của họ thành sản phẩm công toàn cầu nhưng chúng tôi cần chi tiết và trách nhiệm giải trình.”
Các nhà chức trách Trung Quốc đã không chờ đợi kết quả lâm sàng ở giai đoạn cuối trước khi bắt đầu tiêm chủng ngoài các bước thử nghiệm. Họ đã tiêm vắc-xin của công ty nhà nước Sinopharm cho gần một triệu người Trung Quốc trước khi có bằng chứng chắc chắn về hiệu quả của vắc-xin, khiến các chuyên gia y tế cộng đồng quốc tế lo ngại.
Vào tháng 9, U.A.E. đã tiêm vắc-xin Trung Quốc trước cho các nhân viên y tế.
Nhưng ít nhất một chính phủ đang từ chối phê duyệt vắc xin của Trung Quốc vì thiếu bằng chứng lâm sàng. Penny Lukito, người đứng đầu cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Indonesia, nói với các nhà lập pháp trong một phiên họp vào tuần trước rằng cơ quan của bà sẽ trì hoãn việc cấp phép sử dụng khẩn cấp cho loại vắc-xin của Sinovac Biotech Ltd đến cuối tháng Giêng, và hi vọng sẽ có được dữ liệu thử nghiệm tại Indonesia.
Các nhà chức trách Indonesia đang xem xét phê duyệt vắc xin của Trung Quốc để sử dụng khẩn cấp như U.A.E. Tháng trước, chính phủ Indonesia cho biết họ có kế hoạch mua hơn 100 triệu liều vắc xin của Sinovac, cũng như hàng chục triệu liều nữa từ hai nhà sản xuất vắc xin khác của Trung Quốc hiện cũng chưa công bố kết quả lâm sàng giai đoạn cuối. Theo phát ngôn viên của Sinovac, quốc gia này đã nhận được 120.000 liều vắc xin.
Các thử nghiệm giai đoạn cuối của Sinovac cũng đang được tiến hành ở Brazil. Các nhà nghiên cứu giúp tiến hành thử nghiệm cho biết họ hiện có 74 trường hợp Covid-19 được xác nhận trong số những người tham gia, đủ để thực hiện một phân tích tạm thời và có khả năng họ sẽ công bố kết quả sớm vào tháng 12. Một phát ngôn viên của Sinovac cho biết thời gian công bố thông tin phụ thuộc vào nhóm nghiên cứu của Brazil và “quy trình khoa học”, chứ không phải “ý muốn của con người”.
Bà Lukito cho biết cơ quan của bà không thể lấy dữ liệu lâm sàng từ Brazil. Thử nghiệm lâm sàng của Sinovac ở Indonesia bắt đầu vào tháng 8, muộn hơn so với thử nghiệm ở Brazil và kết quả tạm thời từ thử nghiệm ở Indonesia dự kiến sẽ có vào khoảng tháng 1.
Các nhà sản xuất vắc xin Trung Quốc đã phải ra nước ngoài để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng vì Covid-19 hầu như nằm trong tầm kiểm soát của Trung Quốc trong nhiều tháng. Các đối thủ phương Tây của họ cũng đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng ở nước ngoài, mặc dù họ đã tuyển dụng hàng chục nghìn tình nguyện viên ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, nơi rất nhiều người nhiễm Covid-19. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã bị cấm không được nghiên cứu ở những nơi này trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và phương Tây.
Pierre A. Morgon, phó chủ tịch cấp cao phụ trách kinh doanh quốc tế của CanSino Biologics Inc., công ty đang hợp tác với quân đội Trung Quốc về vắc xin, cho biết các công ty như AstraZeneca và Pfizer có lợi thế hơn các nhà phát triển vắc xin Trung Quốc trong việc tiến hành các thử nghiệm lâm sàng quốc tế, bởi vì họ có nhiều nhân viên lành nghề hơn cũng như liên kết với các cơ quan quản lý nước ngoài. Ông Morgon cho biết CanSino dự kiến sẽ có kết quả tạm thời vào đầu năm tới và từ chối bình luận thêm.
Ngay từ tháng 5, Tập Cận Bình đã đưa ra kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ cố gắng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp thế giới vượt qua đại dịch bằng cách chia sẻ bất kỳ loại vắc xin nào mà nước này phát triển. Một số chuyên gia y tế công cộng cho biết việc thiếu dữ liệu chắc chắn cho đến nay có thể cản trở tham vọng trở thành nhà cung cấp vắc xin cho thế giới đang phát triển của Bắc Kinh.
J. Stephen Morrison, một chuyên gia về chính sách y tế toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: “Nếu Trung Quốc muốn xuất khẩu vắc-xin của mình như một công cụ ngoại giao nhằm vào các quốc gia có thu nhập thấp, thì họ vẫn phải tiếp tục chứng tỏ hiệu quả của vắc-xin. Điều đó có nghĩa là tiếp tục tiến hành các thử nghiệm lâm sàng để có thể cung cấp dữ liệu ở một mức độ minh bạch nhất định, ông nói.
Một số yếu tố vẫn có lợi cho Trung Quốc. Một chương trình phân phối vắc xin toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tổ chức có thể sẽ không cung cấp được vắc xin cho các nước đang phát triển đến tận cuối năm sau. Khu vực này mở ra cơ hội cho Bắc Kinh vì họ không thể cạnh tranh với Hoa Kỳ và các quốc gia phát triển khác trong việc bảo đảm mua được vắc xin từ các nhà sản xuất vắc xin phương Tây.
Một cân nhắc khác của các chính phủ — và một lợi thế tiềm năng cho Bắc Kinh — là các vắc xin hàng đầu của Trung Quốc có thể được bảo quản ở nhiệt độ của tủ lạnh thông thường, không giống như vắc xin BioNTech SE, Đức cùng với Pfizer và của Moderna, cần được bảo quản ở nhiệt độ thấp hơn nhiều.
Giống như các vắc xin Trung Quốc, vắc xin của AstraZeneca chỉ cần nhiệt độ làm lạnh truyền thống. Gavi, tổ chức giúp mua vắc xin cho chương trình phân phối toàn cầu, bày tỏ tin tưởng rằng họ có thể nhận được hàng trăm triệu liều vắc xin của AstraZeneca sau khi công ty này công bố dữ liệu hiệu quả đầy hứa hẹn.
Indonesia, Mexico và Brazil là một số trong những quốc gia đã tham gia mua vắc xin AstraZeneca. Khi người đứng đầu PT Bio Farma, một nhà sản xuất vắc xin thuộc sở hữu nhà nước của Indonesia, được hỏi trong một cuộc phỏng vấn truyền hình gần đây tại sao Indonesia không xem xét vắc xin của Pfizer và Moderna, ông nói rằng nhiệt độ rất thấp cần thiết để bảo quản vắc xin sẽ gây khó khăn cho việc phân phối.
Honesti Basyir, giám đốc điều hành của Bio Farma, cho biết: “Nếu chúng tôi phải sử dụng Pfizer, hoặc Moderna, chúng tôi phải mua sắm thêm cho các hệ thống lưu trữ ở nhiệt độ rất thấp.
Dicky Budiman, một nhà dịch tễ học người Indonesia tại Đại học Griffith ở Úc, cho biết ngay cả khi phải mất nhiều thời gian để có được kết quả từ Sinovac, vắc-xin này cuối cùng vẫn rất hữu ích cho Indonesia, vì có thể rẻ và không cần phải bảo quản ở nhiệt độ cực thấp.
“Thách thức lớn nhất của chúng tôi hiện nay là trong khi chờ đợi, chúng tôi phải đối phó với đại dịch này,” ông Budiman nói.