Việt Nam Thời Báo

VNTB – Các nghiệp đoàn độc lập và những vấn đề

K. Tran

(VNTB)  -Những tổ chức này, dù mang tên “nghiệp đoàn” hay không, đều đã góp công trong việc xây dựng nền tảng cho một thể chế có khả năng thực sự bảo vệ cho người lao động Việt Nam.

Kể từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi nhà nước Việt Nam chủ trương chính sách mở cửa để cứu vãn nền kinh tế, họ đưa ra những chính sách kêu gọi đầu tư từ nước ngoài với những điều kiện hấp dẫn, đem lại lợi nhuận tối đa cho các nhà đầu tư. Trong số điều kiện đó, phải kể tới tiền lương rẻ mạt của công nhân Việt Nam.

Từ khoảng 1995 đã có những cuộc biểu tình, đình công của giới công nhân để đòi hỏi quyền lợi. Những cuộc đình công này đều mang tính tự phát, không hề có sự tổ chức hay hướng dẫn của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (TLĐLĐVN), vốn được giao nhiệm vụ đại diện cho người lao động, song là một tổ chức của nhà nước, TLĐLĐVN lại đứng về phía chủ nhân để bảo vệ cho phần đầu tư của họ.

Đứng trước tình cảnh đó, một số tổ chức độc lập đã được thành lập để giúp đỡ công nhân.

Bài này nhằm mục đích tổng hợp và hệ thống hóa những tin tức có thể tìm thấy trên internet liên quan tới các nghiệp đoàn độc lập phi chính phủ, hiển nhiên là có thể có thiếu sót và nhầm lẫn, song hy vọng có thể giúp cho người đọc một cái nhìn bao quát về các tổ chức bảo vệ và giúp đỡ tầng lớp người lao động, nhất là trong bối cảnh thực thi hiệp ước EVFTA với những điều khoản bảo vệ người lao động (1). Thêm nữa, luật Lao Động VN sửa đổi (2) cho phép chính thức có đại diện „Tổ chức người lao động tại cơ sở“ kể từ ngày 01 tháng Giêng 2021.

Bài không đề cập tới TLĐLĐVN là tổ chức ngoại vi của đảng CS, không độc lập, có nhiệm vụ thực thi chính sách nhà nước.

 

1️⃣Các Nghiệp Đoàn Độc Lập 

(Bài dùng chữ „nghiệp đoàn độc lập“ là danh từ chung, để phân biệt với „Nghiệp Đoàn Độc Lập Việt Nam“ là tên gọi riêng của một tổ chức sẽ được đề cập tới ở phần sau.)

Năm 2006 là một mốc thời gian quan trọng của sự thành lập các tổ chức được gọi là nghiệp đoàn độc lập: Ở thủ đô Varsovie/Ba Lan, người Việt Nam ở hải ngoại đã tổ chức từ ngày 27 tới ngày 30 tháng 10-2006 một hội nghị tên gọi „Cơm Áo và Quyền Lao Động“ với sự tham dự của khoảng 70 người đến từ khắp nơi trên thế giới. Hội nghị được tổ chức ngay tại Quốc Hội Ba Lan, được tài trợ của „Công Đoàn Đoàn Kết“, „Hiệp Hội Tự Do Ngôn Luận Ba Lan“. Các thân hào nhân sĩ Việt Nam và một số đại diện các tổ chức, đoàn thể được nhiền viên chức cao cấp trong chính phủ Ba Lan và Công đoàn đón tiếp (3). Nhiều cơ quan truyền thông đã đưa tin về sự kiện này. Hội nghị nhằm mục đích bàn thảo về việc giúp đỡ, bảo vệ người lao động ở Việt Nam và yểm trợ các tổ chức nghiệp đoàn 

Sau đây là liệt kê các tổ chức được xem là nghiệp đoàn độc lập, được giới thiệu theo thứ tự thời gian thành lập

📌 Công Đoàn Độc Lập Việt Nam -(CĐĐLVN) (2006)

Một tuần trước hội nghị Varsovie „Công Đoàn Độc Lập Việt Nam“ được thành lập tại Hà Nội. Trong Ban Điều Hành có nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân, ông Lê Trí Tuệ.… Bà LS Công Nhân được mời tham dự hội nghị ở Ba Lan, song bị Công An chặn lại ở phi trường Nội Bài, không thể xuất cảnh. Ngoài vai trò ở CĐĐLVN, bà Công Nhân còn là phát ngôn viên của đảng „Thăng Tiến“, là thành viên „Khối 8406.“ Sáu tháng sau khi thành lập CĐĐLVN bà bị bắt giam tới tháng 3 năm 2010, sau đó bị quản chế tới 2013. Sau này, người ta thấy LS Công Nhân chọn cách hoạt động giúp đỡ nhân đạo cho những người bị cầm tù hay những người yếu thế trong xã hội (4). LS Nguyễn Văn Đài cũng bị bắt giam cùng lúc với LS Công Nhân, bị bản án 4 năm tù và 4 năm quản chế. Ngày nay LS Đài không còn tích cực trong lãnh vực lao động, chuyển hướng hoạt động sang lãnh vực chính trị, thành lập hội „Anh Em Dân Chủ“, bị tù lần 2 trước khi được đưa sang Đức. Phó chủ tịch Lê Trí Tuệ bị bắt cóc, biệt tin từ 13 năm nay (3).

Mặc dù được ủng hộ mạnh mẽ từ hội nghị Varsovie 2006 và yểm trợ của nước ngoài trong những ngày đầu thành lập, Công Đoàn Độc Lập Việt Nam không để lại dấu ấn gì đặc biệt cho giới lao động. Trên internet hiện nay không tìm được tin tức về hoạt động của tổ chức này, ngoại trừ một mẩu tin:“hiện nay ít hoạt động“ trên website của „Lao Động Việt“(5)

📌 Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động -(UBBV)(2006)

UBBV không phải là một nghiệp đoàn song được lập ra để hỗ trợ người lao động, UBBV có quan hệ mật thiết với những nghiệp đoàn lao động, nên được liệt kê ở đây.

Ba ngày sau đại hội Varsovie một tổ chức được thành lập mang tên „Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động“(UBBV). Đại đa số người điều hành tổ chức này là trí thức Việt Nam sống tại nước ngoài. Có thể kể tới chủ tịch Trần Ngọc Thành, từ miền Bắc du học ở Ba Lan,kỹ sư, từng là đảng viên, đã từ bỏ đảng CS từ 1990 (6). Phó chủ tịch GS Nguyễn Ngọc Bích, nay đã mất, từng là Tổng Giám Đốc VN Thông Tấn Xã thời VNCH, giáo sư  tại nhiều đại học Mỹ, người vận động và là Giám đốc đầu tiên của đài Á Châu Tự Do (RFA) và nhiều vị tên tuổi trong giới hoạt động dân chủ ở khắp nơi trên thế giới như GS Nguyễn Thanh Trang ở Mỹ, ông Nguyễn Minh Cần ở Nga, nhà báo Tường An (Ca Dao) ở Pháp, BS Bùi Trọng Cường ở Úc…. 

Từ nước ngoài, UBBV kết nối với giới lao động ở Việt Nam thông qua CĐĐLVN, các nhóm lao động và các cá nhân qua các mối liên hệ riêng tư. UBBV soạn thảo, phân phát các ấn phẩm giúp người lao động được thông tin về các quyền lợi của mình. Các đại hội của UBBV hay các khóa huấn luyện về kỹ năng hoạt động nghiệp đoàn thường được tổ chức ở nước ngoài như Thái Lan, Mã Lai để cho các tham dự viên từ Việt Nam có thể bí mật đến tham dự. Ở nước ngoài UBBV vận động với các chính phủ nước ngoài, các nghiệp đoàn các nước. Một hoạt động gây ấn tượng là kể từ 2010 UBBV thành lập Tiểu Ban Mã Lai. Hàng năm Tiểu Ban Mã Lai đã sang những nơi có công nhân xuất khẩu lao động để giúp đỡ công nhân Việt Nam làm việc tại đó. Ở Mã Lai UBBV đã đạt được một số thành quả như đòi hỏi thành công của công nhân hãng Nike Malaysia, giúp công nhân hãng Nike VN lấy lại hộ chiếu, cứu được nhiều người bị tù vì không có hộ chiếu, giúp công nhân Việt Nam lập những nhóm tương trợ trong các cơ xưởng ở Mã Lai

📌 Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam -(HHĐK) (2006)

Cũng trong tháng 10.2006 một tổ chức có tên là Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam được thành lập ở Việt Nam. Sáng lập viên là ông Nguyễn Tấn Hoành (tức Đoàn Huy Chương) và bà Trần thị Lệ Hồng. Cả 2 người sáng lập viên và nhiều hội viên khác bị bắt vào giữa tháng 11.2006, vài tuần sau khi công bố thành lập Hiệp Hội. Hai tháng sau khi ra đời, người phát ngôn viên của tổ chức, LS Trần Quốc Hiền, cũng là thành viên „khối 8406“, đã bị bắt, bị kết án 5 năm tù, 2 năm quản chế. Một đại diện của Hiệp Hội, ông Cao văn Nhân phải trốn sang Kampuchia. Hiệp Hội có đại diện ở nước ngoài, ông Đỗ Thành Công, thuộc đảng Dân Chủ Nhân Dân ở hải ngoại. Hiệp Hội hầu như chưa hoạt động gì cho giới lao động ở Việt Nam vì các nhân sự chủ chốt ở Việt Nam bị bắt rất sớm.

📌 Phong Trào Lao Động Việt-(PTLĐV) (2008)

Năm 2008 “Phong Trào Lao Động Việt” được thành lập tại Việt Nam, gồm những thành viên ở trong nước do UBBV kết nối được. Theo bản tin của “Lao Động Việt” (5) PTLĐV có hơn 10 người tích cực hoạt động. Trong số những nhân sự cốt cán có thể kể tới cô Đỗ thị Minh Hạnh, các anh Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trương Minh Đức, Hoàng Đức Bình. Giữa năm 2009 các anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương tham dự một khóa huấn luyện tại Thái Lan, gặp gỡ những nhà lãnh đạo nghiệp đoàn Miến Điện. Cuối năm 2009 cô Đỗ Thị Minh Hạnh và anh Quốc Hùng tham dự đại hội lần 2 của UBBV tại Kuala Lumpur/Mã Lai. 

Tháng Giêng 2010 nổ ra cuộc đình công của hàng ngàn công nhân hãng giầy Mỹ Phong ở Trà Vinh. Cả ba người Minh Hạnh, Huy Chương và Quốc Hùng tham gia hổ trợ công nhân. Cuộc đình công đem đến thắng lợi cho công nhân, song cả ba người đều bị bắt và bị án tù nặng nề. Cô Minh Hạnh được trả tự do năm 2014, trước thời hạn. Anh Đoàn Huy Chương bị tù tới năm 2017, anh Quốc Hùng ra tù tháng 2. 2019.

Năm 2014 PTLĐV trở thành thành viên của Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do (LĐV). Ngày 5.10.2016 với cương vị là chủ tịch Phong Trào LĐV, cô Minh Hạnh tuyên bố rút ra khỏi Liên Đoàn LĐV. Đầu năm 2019 cô Minh Hạnh thông báo trên facebook là sẽ đi tu và sẽ hoạt động phước thiện, giúp đỡ trẻ mồ côi, bất hạnh…Nay có tin là cô Minh Hạnh, các anh Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng sau khi ra tù cũng đã đi tị nạn tại Thái Lan, đang chờ đi định cư ở một nước khác. Phó chủ tịch Hoàng Đức Bình bị bắt năm 2017 bị kết án 14 năm tù. Đồng phó chủ tịch Trương Minh Đức cũng đã bị bắt năm 2018, bị kết án 13 năm tù. Cố vấn của Phong trào, ông Trần Ngọc Thành hiện sinh sống tại Áo. Ai là người hiện nay đang điều hành Phong Trào LĐV? Hoạt động của Phong Trào này ngày nay ra sao? cũng là những câu hỏi mà người viết chưa có trả lời.

Đia chỉ liên lạc qua cố vấn Trần Ngọc Thành: Everest.tnhy@gmail.com

Face book: https://www.facebook.com/phongtraolaodongviet/

📌 Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do-(LĐV) (2014)

Ngày 17 tháng 1 năm 2014 tổ chức “Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do”, gọi tắt là Lao Động Việt (LĐV) được thành lập tại Bangkok/Thái Lan, cốt tạo điều kiện thuận lợi cho các nhân sự ở Việt Nam có thể tham dự. Lúc đầu Liên Đoàn này là kết hợp của 4 tổ chức nói trên: Công Đoàn Độc Lập Việt Nam, Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam và Phong Trào Lao Động Việt. Sau một thời gian ngắn, tên của Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam biến mất trong danh sách thành viên Liên Đoàn. Hơn 2 năm sau đó, ngày 5.10.2016, Phong Trào Lao Động Việt cũng chính thức tách ra khỏi Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do với lý do “Phong Trào phải chủ động và độc lập trong việc tổ chức và điều hành cũng như đường lối chiến lược hoạt động”.

Về hoạt động của Liên Đoàn LĐV từ 2008 tới 2015, người quan tâm có thể thấy thông tin trên website của Liên Đoàn LĐV(5) là Liên Đoàn mỗi năm giúp 1 hay 2 xí nghiệp.Ví dụ năm 2008 là xí nghiệp xưởng may Ching Luh, năm 2015 xưởng Clean Seafood Corporation. Ngoài ra các hoạt động khác cũng tương tự như hoạt động của UBBV như đã tường thuật ở trên. Mặt khác, trong một bài báo ông Trần Ngọc Thành (cựu chủ tịch UBBV, cố vấn PTLĐV) viết:”Tính từ năm 1995 đến nay tại Việt nam đã có trên 7000 cuộc đình công do công nhân tự tổ chức và LĐV, PTLĐV hướng dẫn” (3)(sic), mặc dù ( như đã dẫn ở trên) PTLĐV chỉ có hơn 10 người tích cực hoạt động.

Trong những năm đầu thành lập, hoạt động của Liên Đoàn LĐV ở Việt Nam, Mã Lai và trên quốc tế được xem là có thực chất. Ban chấp hành nhiệm kỳ 2016-2019, được bầu tại Mỹ ngày 16.9.2016 có chủ tịch là ông Nguyễn Đình Hùng là người có nhiều năm tích cực hoạt động nghiệp đoàn tại Úc, Phó chủ tịch Ca Dao hoạt động nghiệp đoàn lâu năm tại Pháp. Ban Giám sát có ông Nguyễn văn Tánh, đã làm việc nghiệp đoàn ở Việt Nam trước 1975. Dàn lãnh đạo của Liên Đoàn có đến gần 20 người tên tuổi, nổi tiếng từ lâu trong giới hoạt động dân chủ ở khắp nơi trên thế giới.

Chương trình làm viêc của LĐV dự kiến bao gồm việc huấn luyện các cán bộ về kỹ năng tổ chức Nghiệp đoàn, kỹ năng thương lượng tập thể, giữ vững và phát triển mối tương quan với các nghiệp đoàn quốc tế, huấn luyện về mặt truyền thông để phổ biến tin tức về người lao động.

Ngày nay dường như là Liên Đoàn LĐV đã co cụm, không còn tích cực như những năm đầu. Từ cuối 2018 tới nay không có bất cứ hoạt động nghiệp đoàn nào của Liên Đoàn LĐV được thông báo. Không rõ thành phần ban chấp hành mới của nhiệm kỳ 2020-2022 gồm những ai, ngoại trừ ông Nguyễn Đình Hùng vẫn ký tên là chủ tịch Liên Đoàn LĐV. Trang web site của Liên Đoàn LĐV không được cập nhật, vẫn giữ tin “Phong Trào LĐV là thành viên của Liên Đoàn”, mặc dù Phong Trào này đã tách ra từ năm 2016. Trên trang chủ chỉ có tin tức về lao động ở Việt Nam tới năm 2018, Tiết mục: “Tư vấn pháp lý về luật lao động”, hay tiết mục “Bình luận, hay”xuất khẩu lao động” và nhiều tiết mục khác bị bỏ trống, không có tới 1 bài viết. Nếu vào năm 2016 LĐV nghiên cứu bài bàn về các đề mục liên quan tới lao động/nghiệp đoàn trong hiệp ước TPP (9) thì năm 2019, khi hiệp định EVFTA ký kết, LĐV không hề đề cập tới những chương về lao động trong hiệp định này.

Đọc face book LĐV thì chỉ tìm thấy trang mang tên “Lao Động Việt” nhưng chỉ đăng những thông tin về tai nạn giao thông rùng rợn hay tin mang tính chất giật gân rẻ tiền.

Trang mạng của LĐV, ở thời điểm chấm dứt bài viết này, không thể truy cập được nữa.

Địa chỉ liên lạc:  ldvvietlabor@gmail.com

Web site: www.laodongviet.org        https://www.facebook.com/laodongviet/

📌 Khối nghiệp đoàn Viêm Việt (2018)

Được thành lập cuối năm 2018 tổ chức này có thêm màu sắc triết lý, văn hóa, lấy “Việt Nho” làm nền tảng cho khối nghiệp đoàn. “ Cơ cấu Việt Nho” là một lý thuyết về văn hóa Việt Nam do GS Lương Kim Định chủ xướng tại Sài Gòn trước 1975.

Khối nghiệp đoàn Viêm Việt có 7 thành viên là NĐ Sinh Viên VN, NĐ Báo Chí VN, NĐ Tin Học VN, NĐ Giáo Chức VN, NĐ Tài Xế VN, NĐ Y Tế VN. NĐ Sân Khấu VN. Không rõ khối nghiệp đoàn này có bao nhiêu đoàn viên, cơ cấu ra sao? Chủ tịch khối nghiệp đoàn, ông Ngọc Lê có địa chỉ liên lạc tại Mỹ. BS Nguyễn Đan Quế là cố vấn của NĐ Sinh ViênVN và NĐ Y tế VN

Danh xưng của tổ chức gọi là”nghiệp đoàn”, song theo lời của ông Tôn Phi, tổng thư ký của KNĐ Viêm Việt và cũng là chủ tịch lâm thời của “Trung tâm Văn Bút Việt Nam” thì tổ chức “không nhất thiết phải hoạt động theo công ước 87 của tổ chức lao động quốc tế”….”có quyền hoạt động theo bản sắc của mình, không nhất thiết phải đi theo phong trào đấu tranh chung của các công đoàn lớn trên thế giới” (15). Nghiệp đoàn Báo Chí VN, thành viên khối NĐ Viêm Việt tuyên bố: nghiệp đoàn không khuyến khích các hoạt động xuống đường biểu tình, không khuyến khích hoặc đình công hoặc bãi công số lượng lớn” (10). Ngoài ra họ cũng không ủng hộ các nhóm có khuynh hướng LBGT (nhóm đồng giới tính)

Đia chỉ liên lạc:  tonphi2021@gmail.com

📌 Nghiệp Đoàn Độc Lập Việt Nam-(VIU) (2020)

Ngày 1.7.2020 “Nghiệp Đoàn Độc Lập Việt Nam” tuyên bố thành lập tại Việt Nam. Tên viết tắt là VIU từ tên gọi tiếng Anh: Vietnamese Independent Union. Trong thông cáo báo chí có nội dung”…. chỉ những Nghiệp đoàn thật sự độc lập, không lệ thuộc bất cứ đảng phái nào, không bị doanh nghiệp nào chi phối mới dám đứng lên và tập trung vào việc đấu tranh….” và “Chúng tôi hy vọng sẽ đồng hành với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động một cách hữu hiệu…” (11). Ban điều hành VIU gồm những tên tuổi xa lạ, có lẽ chỉ là bí danh để bảo đảm an toàn. Đặc biệt VIU nêu tên bà Nguyễn Nguyên Bình làm cố vấn như là một chứng cớ cho tính độc lập của mình.

Mặc dù sinh sau đẻ muộn, nhưng VIU đã sớm nhận lãnh những đòn đánh trí mạng từ cả 2 phía: Báo “Quốc phòng thủ đô” (12) ngày 10.7.2020  gọi VIU là một “tổ chức bất hợp pháp”, là ”việc tồn tại cái gọi là “Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam”vừa  không cần thiết vừa là sự vi phạm Hiến pháp và pháp luật”, và “Đó là tổ chức đối lập với hệ thống chính trị ở nước ta, cần phải cảnh giác và loại bỏ chúng ra khỏi cuộc sống xã hội”.Sau đó trang FB của VIU bị dư luận viên liên tục tấn công.

Ngược lại, chủ tịch Liên Đoàn LĐV, ông Nguyễn Đình Hùng từ Úc Châu, ngày 4.7.2020 nêu quan điểm của Liên Đoàn LĐV như sau: ”Nghiệp Đoàn Độc Lập Việt Nam có thể là do chính bàn tay của ĐCSVN lập ra”, “Chúng tôi xin lên tiếng với quý cơ quan truyền thông nên cảnh giác về những loại nghiệp đoàn trá hình này vì chúng ta có thể mắc mưu cộng sản…”(13)

VIU đã trả lời những cáo buộc trái ngược này trong thông cáo báo chí số 2 như sau:

“Chúng tôi – Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam – không phải và sẽ không bao giờ là một tổ chức ngoại vi của bất cứ đảng phái chính trị nào và càng không phải là một tổ chức nghiệp đoàn quốc doanh trá hình.”, “Tổ chức chúng tôi không có ai là đảng viên ĐCSVN.”

Về cụm từ gây tranh cãi: “Chúng tôi hy vọng sẽ đồng hành với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…” VIU giải thích “Nếu TLĐLĐVN thực hiện đúng chức năng của một nghiệp đoàn là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động thì có cùng mục tiêu với chúng tôi. “Chúng tôi không có sự liên quan nào với TLĐLĐVN”.

Trong mục “quan điểm” trong web site của VIU một bài báo viết:”… vì mục tiêu chính trị mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… xem nhẹ mục tiêu truyền thống và phổ quát của các tổ chức công đoàn, nghiệp đoàn trên toàn thế giới là bảo vệ quyền lợi của người lao động….Bị trói buộc trong Luật Công đoàn, trong Điều lệ Công đoàn, Công đoàn Việt Nam ngày càng xa rời mục tiêu cốt lõi và phổ quát của Liên hiệp Công đoàn Thế giới và Tổ chức Lao động Quốc tế.” (12): Việc phê phán Công Đoàn nhà nước này có thể xem như là một cố gắng nhấn mạnh tính độc lập của VIU.

Về mục tiêu của VIU, trong một cuộc phỏng vấn của đài RFA, ông Bùi Thiện Tri, chủ tịch VIU nói:”chúng tôi muốn ra mắt nhằm mục đích để phổ biến các quy định của pháp luật về quyền của người lao động, cũng như hỗ trợ người lao động trong việc thành lập các tổ chức đại diện của người lao động tại các doanh nghiệp. Đấy là mục đích chính của việc thành lập Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam”. (14)

Đọc trang mạng của VIU người ta tìm thấy nhiều tin tức về công nhân, người lao động, nhiều tư vấn về các vấn đề hay quyền lợi của người lao động. Phần tiếng Anh (Viet Nam labour up date ) viết nhiều thông tin về tình hình lao động ở Việt Nam, kể cả về những cuộc đình công đây đó…

Đáng nhắc tới là trang mạng không ghi cương lĩnh của nghiệp đoàn, không nêu nội quy, không nêu rõ sách lược hoạt động, không đề cập tới các cá nhân trong ban điều hành, không nêu quan điểm của nghiệp đoàn về phương thức đấu tranh như đình công, biểu tình… 

Địa chỉ liên lạc: lienlac@nghiepdoandoclapvn.org 

Web site: https://nghiepdoandoclapvn.org/

2️⃣Các xã hội dân sự với mục tiêu hỗ trợ người lao động

Phần này giới thiệu tóm tắt vài tổ chức dân sự có hoạt động hỗ trợ giới lao động.

📌 Mạng lưới nghiệp đoàn (MLNĐ)/Unionsnetwork (2018)

Mạng lưới Nghiệp đoàn (Unions Network) là một trang thông tin phục vụ người lao động Việt Nam với tiết mục tư vấn pháp luật và các phần về văn hóa và giải trí cho người lao động.

Trong phần giới thiệu, MLNĐ “hoan nghênh việc hình thành các công đoàn độc lập và trách nhiệm, sẵn sàng đối thoại, thương lượng trên nền tảng sự thật và tri thức, để góp phần điều chỉnh quan hệ lao động, quan hệ xã hội ở Việt Nam.”MLNĐ” chuyển ngữ các kiến thức về bản chất, lịch sử và cách vận hành của các phong trào nghiệp đoàn trên thế giới; đồng thời sưu tầm các sổ tay tư vấn pháp luật cho người lao động Việt”.

Trang mạng có từ tháng 12.2018, lần cập nhật cuối cùng là tháng 6.2020. Trang mạng có ít bài, song các bài viết có trình độ cao về đề tài lao động và các đề tài khác.

Địa chỉ liên lạc: unionsnetwork@gmail.com 

Web site: http://www.unionsnetwork.org

📌 Nhóm bạn công nhân

Một trang mạng với nhiều tư vấn liên quan tới nghề nghiệp, việc làm của người lao động. Có nhiều tin tức mới, liên quan tới lao động được cập nhật tới tháng 9.2020. Phần tư liệu có giá trị về các văn kiện EVFTA, CPTPP, luật Lao Động sửa đổi, về Tổng Liên Đoàn Lao Động VN và một số bình luận về các văn kiện này

Đia chỉ liên lạc: nghiepdoan@nhombancongnhan.com /

Web site: https://www.nhombancongnhan.com

📌 Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (People´s Participation Working Group)/ PPWG (1999)

“Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân” (PPWG) thành lập năm 1999, là một mạng lưới bao gồm các tổ chức và giới chuyên môn cùng trao đổi thông tin và ý tưởng về các vấn đề liên quan đến sự tham gia của người dân, thể chế dân chủ và xã hội dân sự “
PPWG đóng vai trò là nhóm đối tác, cung cấp những thông tin đầu vào cho Diễn đàn tư vấn Việt Nam (CDG) và hiện nay là Diễn đàn đối tác phát triển (Vietnam Development Partnership Forum – VDPF)

Nhóm thực hiện videoclip “Khi doanh nghiệp đưa ra những qui định vô lý” để nêu lên một cách dễ hiểu sự cần thiết phải có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Video này được sự bảo trợ của EU.

Vào ngày 18.9.2020, tại Hà Nội, nhóm PPWG đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với đề tài “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở: để quy định pháp luật phát huy hiệu quả trong thực tế”, có sự tham gia của đại diện ILO tại Hà Nội, tổ chức OXFAM tại Việt Nam và một số tổ chức xã hội, các luật sư và chuyên gia pháp lý, các nhà báo cùng một số cá nhân quan tâm.

Đia chỉ liên lạc: ppwgvietnam@gmail.com

Web site : https://www.facebook.com/ppwgvietnam

3️⃣Những vấn đề của các nghiệp đoàn độc lập

Trong một cuộc phỏng vấn của RFA vào tháng 6-2014 LS Lê Thị Công Nhân đã bộc lộ những khó khăn của các nghiệp đoàn độc lập như sau: “thứ nhất là chúng tôi cần phải thu hút thêm nhiều đoàn viên. Vấn đề liên lạc để cùng làm việc cũng là một trở ngại rất lớn….thứ hai, về phía chính quyền chúng tôi bị họ đàn áp và gây nên những tổn thất có thể nói là rất lớn…”.

Đó là tình hình năm 2014. Năm nay 2020 những khó khăn nội tại hay khách quan không hề giảm đi mà còn trầm trọng thêm.

– Vấn đề  nhân sự::

Hầu hết các nghiệp đoàn đều không công bố con số đoàn viên, ngoại trừ Phong Trào LĐV nói là họ có trên 10 người  năng nổ tại Việt Nam. Việc thiếu thốn nhân lực cũng thể hiện ở những trang mạng không được cập nhật hóa. Việc thu nhận đoàn viên trong giới người lao động/công nhân vào một “hội kín”,”bất hợp pháp”, hẳn nhiên là rất khó khăn. Ở những nghiệp đoàn độc lập truyền thống ở các nước khác, các đoàn viên bầu ra ban chấp hành. Ngược lại, các nghiệp đoàn độc lập VN trước tiên có một ban chấp hành do một nhóm người chủ trương lập ra. Đoàn viên sẽ được chiêu mộ, tìm kiếm sau. Trong trường hợp ban chấp hành ở nước ngoài, đoàn viên ở trong nước thì việc phối hợp hành động giữa đoàn viên và ban chấp hành rất phức tạp, đã dẫn tới những đổ vỡ. Đó là trường hợp của Phong Trào Lao Động Việt tách ra khỏi Liên Đoàn Lao Động Việt vào năm 2016.

– Vấn đề năng lực tài chính 

Không  được như Công Đoàn nhà nước Việt Nam, là tổ chức mà các xí nghiệp bắt buộc phải chi trả cho Công Đoàn tương đương 2% tiền lương công nhân, bất kể xí nghiệp có Công Đoàn hay không. Các nghiệp đoàn độc lập hiện nay không có được nguồn tài chính này. Mọi chi phí đều do số đoàn viên ít ỏi tự đóng góp. Tài trợ từ bên ngoài, nếu có, không được công bố . Ngoại lệ là KNĐ Viêm Việt công khai ngân quĩ khiêm tốn của họ, quãng hơn 1000 USD. Hiện tại đã có ý kiến là một khi các nghiệp đoàn độc lập được chính thức hoạt động thì Công Đoàn nhà nước phải chia phí Công Đoàn đã thu được cho các nghiệp đoàn độc lập. 

– Vấn đề nhà nước đàn áp:

Đối với nhà nước Việt Nam, bất cứ đoàn thể nào mà không do chính họ lập ra đều đáng nghi ngờ và cần phải triệt hạ từ trong trứng nước. Các nghiệp đoàn độc lập cũng không là ngoại lệ. Lại nữa, chính phần đông các thành viên của nghiệp đoàn cũng lại là đảng viên của nhiều đảng phái đối lập ở trong và ngoài nước khiến nhà nước lại thêm lý do để truy diệt. Có thể kể ra ở đây một số đảng phái hay khối hay nhóm chính trị đối lập có người hoạt động nghiệp đoàn: đảng Thăng Tiến, đảng Vì Dân, đảng Dân Chủ Nhân Dân, khối 8406, nhóm Đàn Chim Việt, nhóm Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, Hội Anh Em Dân Chủ, Liên Minh Dân Tộc Tự Quyết… Việc đàn áp dã man của nhà nước đã làm một số nghiệp đoàn tan rã hay co cụm hay rút vào bóng tối. Nghiệp đoàn Viêm Việt, do chỉ hoạt động tương trợ, văn hóa, triết học, không cổ vũ đấu tranh, không ủng hộ biểu tình đình công nên được nhà nước để yên.

Nhìn lại đường lối của “Nghiệp Đoàn Độc Lập Việt Nam” mới thành lập, thì dường như là họ, để tránh vết xe đổ của người đi trước, cố gắng tự bảo vệ, tránh đối đầu với nhà nước bằng cách tuyên bố là “không lệ thuộc bất cứ đảng phái nào”, họ xem tổ chức Công Đoàn nhà nước như là một thực thể không thể bỏ qua, có thể “đồng hành” với điều kiện TLĐLĐVN “thực hiện đúng chức năng của một nghiệp đoàn là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động”

Hoặc như cách dẫn giải của một quan sát viên ngoại quốc, Joe Buckley trong báo China labour bulletin: chiến thuật của VIU có vẻ là một “pragmatic, sensible politics” (17), tạm dịch là một chính sách thực dụng, thận trọng. 

Vấn đề được đặt ra ở đây là liệu chính sách thực dụng này của họ có thể là “lá chắn” ngăn được đàn áp của nhà nước hay không. Trong quá khứ nhà nước cũng đã không gớm tay khi bắn giết người dân Đồng Tâm, mặc dù dân Đồng Tâm đã nhấn mạnh là họ không chống nhà nước mà chỉ muốn chống tham nhũng, hay như những dân oan có được trả lại đất đai hay đền bù thỏa đáng, tuy họ cầm cờ đỏ sao vàng, hình ảnh Hồ Chí Minh đi kêu oan? Việc face book chặn trang web của VIU trong thời gian qua có thể là một tín hiệu cho thấy “lá chắn” không mấy hiệu quả.

4️⃣Nghiệp đoàn độc lập và khả năng tham gia vào các định chế EVFTA

Nghiệp đoàn độc lập được định nghĩa như những tổ chức phi chính trị, độc lập với chính phủ, do người lao động lập ra, hoạt động bảo vệ quyền lợi của người lao động và xem quyền biểu tình, đình công là phương tiện không thể thiếu để bảo vệ quyền lao động. Nếu đánh giá tất cả” nghiệp đoàn” có tên ở Việt Nam một cách khách quan và công bằng, thì  tuy đều là những tổ chức độc lập, nhưng không có hoặc chưa có tổ chức nào có thể được gọi là nghiệp đoàn đích thực như tên gọi. Nhiều tổ chức có yếu tố chính trị, có tổ chức từ chối đấu tranh cho công nhân, ban lãnh đạo tất cả mọi tổ chức đều không phải do người lao động trong một quá trình bầu cử đưa lên. Con số đoàn viên thực thụ là một bí mật.

Tuy thế, những tổ chức này, dù mang tên “nghiệp đoàn” hay không, đều đã góp công trong việc xây dựng nền tảng cho một thể chế có khả năng thực sự bảo vệ cho người lao động Việt Nam. Nhiều người trong những tổ chức này đã và đang phải đối mặt với những đàn áp khốc liệt của nhà nước, đã hoặc đang bị tù tội, một số phải trốn chạy ra nước ngoài. Họ đều cần phải được bảo vệ và vinh danh.

Hiệp định EVFTA giữa EU và Việt Nam được xem là một hiệp ước thế hệ mới. Trong đó không những có những điều khoản về thương mãi mà còn có những qui định “phi thương mãi” bao gồm vấn đề lao động, môi trường, phát triển bền vững …. Điều 13.4 của hiệp định EVFTA khẳng định cam kết của đôi bên là sẽ tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện hiệu quả các nguyên tắc về các quyền cơ bản tại nơi làm việc, cụ thể là:tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể…

Điều 13.4 của hiệp định EVFTA cần phải được áp dụng một cách nghiêm túc để các nghiệp đoàn thực sự độc lập có thể hoạt động hợp pháp và hữu hiệu cho việc bảo vệ quyền lợi của người lao động./.

 

_____________

Nguồn:

Ở thời điểm mà bài viết này kết thúc thì trang web của “Liên đoàn Lao Động Việt tự do” (laodongviet.org) đã đóng, không còn truy cập được nữa.

(1): https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/hiep-dinh-evfta/12985/ban-tieng-viet-hiep-dinh-evfta-loi-noi-dau

(2) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/lao-dong-tien-luong/Bo-Luat-lao-dong-2019-333670.aspx

(3). https://vietnamthoibao.org/y-kien-ve-tuyen-bo-ra-mat-nghiep-doan-doc-lap-viet-nam/

(4) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44527899.

(5) https://laodongviet.org/tai-lieu-ve-ldv-%e2%80%a2%e2%80%a2-briefing-paper-on-viet-labor/

(6) https://baotiengdan.com/2018/10/27/the-nao-la-phan-boi-ai-phan-boi/

(7). http://s132878132.onlinehome.us/1-tintuc/Dec06/DanApHiepHoiDoanKetCongNongVN.htm

(8).whttps://laodongviet.org/tai-lieu-ve-ldv-%E2%80%A2%E2%80%A2-briefing-paper-on-viet-labor/

(9) https://laodongviet.org/2016/09/02/thong-bao-ve-dai-hoi-ky-ii-cua-lien-doan-lao-dong-tu-do-viet-nam-lao-dong-viet-ldv/

(10) https://nghiepdoansankhau.home.blog/2018/12/07/gia-tri-tam-nhin-su-menh-cua-nghiep-doan-bao-chi-viet-nam/

(11)https://nghiepdoandoclapvn.org

(12) http://quocphongthudo.vn/quoc-phong-an-ninh/dau-tranh-chong-dien-bien-hoa-binh/can-loai-bo-cai-goi-la-nghiep-doan-doc-lap-viet-nam-.html

(13) https://laodongviet.org/2020/07/07/thu-gui-truyen-thong-bao-chi/

(14) https://nghiepdoandoclapvn.org/binh-luan—quan-diem/-nghiep-doan-doc-lap-viet-nam-hy-vong-co-co-hoi-dang-ky-va-hoat-dong-hop-phap-tai-viet-nam-/144-773-1678.nddl

(15) https://vietnamthoibao.org/vntb-giup-do-nguoi-lao-dong-khoi-nghiep-doan-viem-viet-hoi-am-tac-gia-nguyen-nam/

(16) https://nghiepdoandoclapvn.org/binh-luan—quan-diem/nghiep-doan-doc-lap-tai-sao-khong—/144-773-1921.nddl

(17) https://clb.org.hk/content/vietnam-prepares-begin-new-chapter-labour-organizing

Tin bài liên quan:

BPSOS – Đây là thời điểm của người Việt ở Âu Châu yêu tự do và dân chủ

Phan Thanh Hung

VNTB – Vì sao Việt Nam vẫn cho rằng ‘công đoàn độc lập’ là ‘chống phá’?

Do Van Tien

VNTB – Khai thác Hiệp định thương mại tự do-thế hệ mới để hỗ trợ các bị can trong vụ án Đồng Tâm

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo