Việt Nam Thời Báo

VNTB – Các Nhận Định Sai Lệch của TS Nguyễn Đình Thắng về Chương Trình Welcome Corps

 

Phạm Văn Nam

 

(VNTB) – Chúng ta vẫn phải tiếp tục tranh đấu và vận động cho những người chưa có quy chế tị nạn từ Liên Hiệp Quốc để họ cũng có cơ hội làm lại cuộc đời trong một quốc gia tự do. 

 

Tôi tên là Phạm Văn Nam, vì tị nạn cộng sản từ năm 1975 nên trong những năm tháng qua cũng thường trăn trở đến hoàn cảnh của người tị nạn. Tôi cũng đã có cơ hội làm việc cho chính phủ của tiểu bang Massachusetts với trách vụ Tổng Giám Đốc Cơ Quan Định Cư Người Tị Nạn, và Chủ Tịch Hội Đồng Cố Vấn Cho Thống Đốc Về Vấn Đề Tị Nạn & Di Dân. Tôi có bằng thạc sĩ từ đại học Harvard năm 1983.

Hơn 40 năm qua, tôi đã có dịp tiếp xúc, gặp gỡ, vận động các giới chức thẩm quyền cũng như tìm hiểu rõ ràng các chương trình định cư người tị nạn của Hoa Kỳ cùng các quốc gia tự do. Tôi cũng chú ý và theo dõi rất sát các nỗ lực định cư người tị nạn Việt Nam qua nhiều tổ chức công, tư trong hơn bốn thập niên qua. Gần đây nhất từ năm 2021, cùng với một số thân hữu và phong trào Việt Hưng, chúng tôi đã liên tục vận động quý vị dân biểu, thượng nghị sĩ và các viên chức của bộ ngoại giao Hoa Kỳ, cũng như Cao Ủy Tị Nạn LHQ…, yêu cầu họ tiếp nhận người tị nạn Việt Nam đang còn kẹt lại tại Thái Lan.  Vào đầu tháng 5 2023, tôi cũng sang Thai Lan để thấy tận mắt nghe tận tai hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm của đồng bào mình.

Vì thế nên tôi có thể khẳng định rằng: Chương trình Welcome Corps, là một chìa khóa cụ thể nhất để mở cánh cửa cho đồng bào tị nạn Việt Nam hiện đang sống vất vưởng tại Thái Lan có cơ hội được đặt chân đến Hoa Kỳ một cách đông đảo và rất khả thi.

Chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng với những nhận định của TS Nguyễn Đình Thắng về chương trình Welcome Corps mà ông Thắng đã viết trên tờ Mạch Sống của BPSOS vào ngày July 1st, 2023 vừa qua rằng: “Chương trình Welcome Corps có ích gì? Rồi ông tự trả lời, “Không và Chưa”! 

Những nhận định sai lac, tiêu cực và chủ quan của TS Nguyễn Đình Thắng có thể tạo nên nhiều hậu quả tai hại, không những cho người tị nạn tại Thái Lan mà còn làm tổn thương đến uy tín của cộng đồng người Việt tị nạn đối với kế hoạch định cư mở rộng này của chính phủ Hoa Kỳ. 

Dưới đây là những điều mà chúng ta nên biết:

1. Sự đòi hỏi về tài chánh cũng như trách nhiệm của chương trình Bảo Lãnh Tư Nhân (Private Sponsorship) qua Welcome Corps của chính phủ Hoa Kỳ chỉ bằng 1/4 so với Canada hoặc còn ít hơn so với các quốc gia khác. Hoa Kỳ đòi hỏi là nhóm bảo lãnh chỉ cần có $2,375 để bảo lãnh cho một người tị nạn; số  tiền này có thể là hiện vật. Và trách nhiệm giúp đỡ họ trong vòng 90 ngày mà thôi.

2. Hiện nay cộng đồng người tị nạn VN tại rất nhiều tiểu bang ở HK, từ cá nhân đến các hội đoàn đã và đang rất hăng hái thành lập các nhóm bảo trợ “Nhóm 5 Người”  (Group of 5), đồng thời tự đóng góp tài chánh để sẵn sàng và chuẩn bị bảo lãnh đồng bào tị nạn của chúng ta tại Thái Lan.

3. Dù cho bộ ngoại giao Hoa Kỳ  có áp dụng chương trình này chậm hơn dự trù, nhưng chắc chắn không thể nào lâu hơn tiến trình Bảo Lãnh Tư Nhân của Canada.  Theo tin tức mới nhất từ bộ ngoại giao Hoa Kỳ thì chương trình này đã bị chậm lại khoảng 3 đến 6 tháng. Thay vì dự trù vào cuối tháng 6, thì có thể sẽ bắt đầu vào mùa Thu hoặc chậm hơn là cuối năm 2023.

4. Nhận định của TS Thắng cho rằng: “chương trình Welcome Corps cũng chỉ định cư được giỏi lắm vài chục người, tính đến cuối năm 2024”. Chính phủ Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ nhận ít nhất 5.000 người tị nạn qua chương trình Welcome Corp trong chu kỳ 2023. Và giả dụ nếu đúng như lời TS Thắng dự đoán thì vẫn còn được vài chục người được định cư tại Hoa Kỳ;  Con số này chắc chắn còn đông hơn nhiều con số mà TS Thắng hứa hẹn sẽ giúp cho đồng bào định cư tại Canada (?).

Tuy nhiên, được nhận nhiều hay ít, hoàn toàn tùy thuộc vào sự vận động của cộng đồng chúng ta. Nếu chúng ta không làm gì cả, không tranh đấu để đòi hỏi quyền lợi cho đồng bào mình, không vận động các bộ phận của chính phủ Hoa Kỳ, thì họ sẽ chỉ tiếp nhận người Afghanistan, người Ukraine, hay người nhập cư từ Trung và Nam Mỹ và lãng quên người tị nạn Việt Nam.

5. TS Thắng còn viết thêm: “Đừng thả mồi bắt bóng. Hãy tìm các cơ hội định cư có sẵn, định cư số lượng lớn. Đó là các chương trình của chính phủ Canada, Úc, Tân Tây Lan… và chương trình bảo lãnh tư nhân của Canada và Úc”. Có ai cấm cản đồng bào mình tìm mọi cách khác trong lúc chờ đợi Welcome Corps thực hiện giai đoạn 2 của chương trình. Và nếu đúng như TS Thắng loan báo là “chính phủ Canada, Úc, Tân Tây Lan…đang nhận định cư số lượng lớn”, thì tại sao BPSOS không bắt tay ngay vào công việc này trong nhiều năm tháng qua hay ngay bây giờ? Thực tế cho chúng ta thấy hiện nay không có quốc gia nào “đang nhận định cư với số lượng lớn” người Việt Nam.

6. Vài tháng trước, tôi vô cùng phấn khởi khi biết tin TS Thắng kêu gọi chúng ta thành lập các “Nhóm 5 Người” cho chương trình Welcome Corp và ông cũng cho biết BPSOS đang có thể lập 100 nhóm.  Như vậy đâu là sự thật?

7. Hiện nay qua các lời kêu gọi cũng như mời mọc mọi người ký “thỉnh nguyện thư” để cáo buộc một số trường hợp mà BPSOS cho là “tị nạn giả”, thì TS NĐT đang đề nghị: Thứ nhất, “yêu cầu chính quyền Canada mở lại chương trình định cư nhân đạo thành lập năm 2012. Thứ hai là, “kêu gọi đồng hương ở Canada lập ra các Group of 5 để bảo trợ đồng bào tị nạn qua diện bảo lãnh tư nhân”.

Tất cả những điều trên thì tổ chức VOICE đã thực hiện từ gần 20 năm qua. Tôi biết mà không quen với tổ chức VOICE, nhưng vì là người hoạt động trong lãnh vực định cư nên theo dõi rất sát các diễn tiến này.

8. Liên Hội Người Việt Canada và tổ chức VOICE, sau khi nhận được lời yêu cầu cùng danh sách thuyền nhân từ linh mục Peter Namwong vào năm 2006, họ đã phải bỏ ra 6 năm tranh đấu và vận động, đến 2012 mới có kết quả và bản MOU mới được ký kết. Và cũng phải mất nhiều năm mới tìm được đủ người bảo trợ cho con số 108 thuyền nhân. Tôi đã gặp linh mục vào tháng 5 vừa rồi.

Sau khi chấm dứt chương trình định cư đặc biệt nói trên vào năm 2016, thì ngay sau đó, năm 2017, VOICE nhận thấy còn một số thuyền nhân đã từng bị cưỡng bức hồi hương vừa từ VN sang, đồng thời một số lưu lạc khắp nơi trên đất Thái giờ mới xuất hiện, cộng thêm các cựu tù nhân lương tâm, cùng các nhà đối kháng và nạn nhân của sự đàn áp vì tôn giáo tại VN v..v.., vì thế VOICE và VOICE Canada đã thành lập chương trình bảo lãnh tư nhân “Group of 5” and SAH, với dự án đầu tiên là 50 người, và số tiền ký quỹ cũng như chi phí chuyển vận, khám sức khỏe, đóng tiền tù (IDC), cùng hồ sơ bảo lãnh đòi hỏi đã lên đến hơn nửa triệu dollars. Chương trình trên cũng đã phải kéo dài cho đến ngày hôm nay, tức là phải mất 6 năm kiên trì, họ mới đón được 36 người, và còn 14 hồ sơ đang chờ được phỏng vấn. Đấy là chưa kể con số 21 thuyền nhân ở Indonesia cũng đã được VOICE Canada bảo trợ đến bến bờ tự do qua ngã bảo lãnh tư nhân “Group of 5”!

Nói tóm lại, nếu BPSOS đi theo con đường mà VOICE đã bước qua thì tôi e rằng thời gian chắc chắn không thể nào nhanh hơn chương trình Welcome Corps của chính phủ HK. Đấy là chưa kể số tiền ký quỹ hơn $10 ngàn US dollars cho một đầu người, cộng với trách nhiệm lo ăn ở một năm. 

9. TS Thắng đang kêu gọi 5 người đứng ra bảo lãnh cho một trường hợp thuyền nhân qua chương trình “Group of 5” ở Canada, mà dường như vẫn chưa đủ người và đủ tiền, huống chi hơn 1000 người đang chờ đợi mỏi mòn tại Thái Lan hiện nay?

10. Hiện tại TS Nguyễn Đình Thắng đang tạo ra một cuộc tranh cãi kiện tụng vô cùng không cần thiết về tư cách tị nạn của một vài người Việt đang định cư tại Canada dựa trên những lời cáo buộc không bằng chứng hoặc giả tạo, khiến chúng ta nghi ngờ lẫn nhau và chính phủ Canada có thêm cái nhìn tiêu cực về cộng đồng của chúng ta. Ai là người được lợi lộc trong việc này? Và ai là người bị tổn hại trong việc này?

Xin quý vị đồng hương tại hải ngoại nói chung và ở Hoa Kỳ nói riêng. hãy cứ tiếp tục thiện ý của quý vị trong tiến trình thành lập “Group of 5” tức “Nhóm 5 Người” để bảo lãnh đồng bào chúng ta qua chương trình Welcome Corps. Thành thật mà nói, nếu bắt tay vào thủ tục nộp đơn ngay từ bây giờ, tìm được 5 người sống trong cùng một thành phố, kế đó hoàn tất cuộc huấn luyện trực tuyến, kiểm tra lý lịch, hội đủ phần tài chính đòi hỏi, và đặc biệt là hoàn tất kế hoạch định cư “Welcome Plan”, và rồi chuẩn bị và sẵn sàng nộp đơn xin bảo lãnh, cả tiến trình này cũng phải mất vài tháng. Hy vọng đến lúc đó Welcome Corps sẽ khai triển giai đoạn 2 của chương trình bảo lãnh tư nhân. Tuy nhiên cũng xin nhấn mạnh thêm ở đây, là hiện nay đã và đang có một số hội đoàn và các nhóm tư nhân mà tôi được biết, điển hình như Phòng Trào Việt Hưng và Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Houston, Texas đã nộp đơn để tham gia ngay trong giai đoạn 1 của Welcome Corps.

Thành thật cám ơn những tấm lòng nhân ái và cầu chúc mọi chuyện sẽ được diễn ra một cách suôn sẻ, tốt đẹp cho người tị nạn Việt Nam.  Chúng ta vẫn phải tiếp tục tranh đấu và vận động cho những người chưa có quy chế tị nạn từ Liên Hiệp Quốc để họ cũng có cơ hội làm lại cuộc đời trong một quốc gia tự do. 

Boston, July 5th, 2023

Phạm Văn Nam

nam.pham@post.harvard.edu

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế 2022: Các thành quả

Trương Thế Tử

VNTB – Phỏng vấn TS Nguyễn Đình Thắng về Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo

Trương Thế Tử

VNTB – Cách chặt cánh tay nối dài của chế độ VN cộng sản vươn ra hải ngoại

Trương Thế Tử

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 09.07.2023 7:52 at 07:52

RFA cần làm 1 thiên phóng sạo về người Việt tị nạn ở Thái, lên án những kẻ buôn người, sau đó rút kết luận “Biết vậy, đừng đi”, cho đúng xì tai làm báo trước giờ của mình xem nào

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo