Hiền Vương
(VNTB) – Theo giải thích của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thì “bảo đảm bí mật của việc hòa giải là nguyên tắc bao trùm của chế định này”.
Báo chí tường thuật lời của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình như sau: “Đôi khi người ta thổ lộ tâm tình với hòa giải viên những điều thầm kín trong lòng, tại sao người ta ly hôn, tại vì ông này có cái này, bà này thế này, những việc như thế không thể mang ra để thành câu chuyện đàm tiếu.
Hay khi chia tài sản người ta cũng không muốn là gia đình người ta có bao nhiêu tiền, ra tòa thì tất cả phải được công khai, đất bao nhiêu, nhà bao nhiêu, tiền bao nhiêu, cổ phần cổ phiếu bao nhiêu, nhưng chế định này người ta không muốn cho nên khi người ta đã chia sẻ thông tin với hòa giải viên tất cả những thông tin về mặt đời tư thì bổn phận của hòa giải viên phải giữ bí mật cho người ta.
Bản thân ông thẩm phán cũng không được phép biết về nội dung của việc chia sẻ này” (1)
Đọc đoạn giải thích ở trên của ông Nguyễn Hòa Bình dễ đưa đến suy nghĩ có lẽ đây là một dự luật áp dụng cho các phiên tòa thụ lý án về hôn nhân và gia đình.
Thực tế thì dự luật này nhằm “giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện trên cơ sở tôn trọng quyền tự định đoạt của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm giá trị pháp lý, hiệu lực thi hành kết quả hòa giải, đối thoại; góp phần hàn gắn những bất đồng, rạn nứt, ngăn ngừa các tranh chấp, khiếu kiện trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân; tiết kiệm chi phí của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” (2).
Cơ quan chủ trì soạn thảo “Dự Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án” là Tòa án nhân dân tối cao.
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đã có Luật Hòa giải ở cơ sở (3), quy định biện pháp hòa giải để giải quyết toàn bộ các mâu thuẫn trong đời sống xã hội (trừ các trường hợp pháp luật quy định không được hòa giải – Điều 3 Luật Hòa giải ở cơ sở). Và theo quy định tại Điều 3 Luật Hòa giải ở cơ sở, thì Luật Hòa giải ở cơ sở đã quy định biện pháp hòa giải ngoài tố tụng để giải quyết hầu hết các tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình mà dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án điều chỉnh thì Luật Hòa giải ở cơ sở đều điều chỉnh.
Ngoài ra, hòa giải còn được coi là biện pháp giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bắt buộc được thực hiện trước tố tụng trong một số lĩnh vực hay phát sinh tranh chấp cũng đã được một số văn bản luật quy định, đó là Luật Đất đai đã bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã, nếu hòa giải không thành mới chuyển lên Tòa án giải quyết.
Bộ luật Lao động cũng đã quy định tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền và lơi ích đều phải thông qua thủ tục hòa giải để giải quyết; Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định hòa giải là 01 biện pháp giải quyết tranh chấp giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, Luật sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại đều có quy định hòa giải là biện pháp giải quyết tranh chấp những quan hệ pháp luật mà các luật này điều chỉnh.
Đối với hòa giải trong tố tụng thì Bộ luật tố tụng dân sự đều đã quy định “Hòa giải” là thủ tục bắt buộc mà Thẩm phán phải thực hiện sau khi thụ lý yêu cầu khởi kiện các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, lao động…
Ngoài ra, để tạo thuận lợi và khuyến khích việc hòa giải là phương pháp giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp về quyền lợi vật chất trong đời sống xã hội, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 còn có chế định công nhận hòa giải thành ngoài tòa án (Chương XXXIII). Như vậy, có thể nói hệ thống pháp luật đã quy định đầy đủ về hòa giải là biện pháp giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn ở các lĩnh vực, giai đoạn khác nhau.
Một khi hệ thống pháp luật đã có đủ các quy định về hòa giải là biện pháp giải quyết tranh chấp trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, thì việc ban hành thêm Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, là không cần thiết, nhất là khi dự thảo luật này nói như lời Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là “bảo đảm bí mật của việc hòa giải là nguyên tắc bao trùm của chế định này”, nên “trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại”, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, mà dễ bắt gặp nhất – nói như lời than trời của giới thầy cãi ở Sài Gòn: Lâu nay ai cũng rõ hòa giải, đối thoại là một ‘cửa’ câu giờ và hành đương sự ngoài ‘cửa’ tòa, giờ không có biên bản thì có họa điên khùng người ta mới chọn hòa giải!
Vụ việc hai mươi năm qua hết cuộc đối thoại này đến đối thoại khác ‘ngoài tòa’ trong chuyện cư dân ‘đội đơn’ thưa kiện chính quyền vụ Thủ Thiêm là một ví dụ ai cũng có thể thấy rõ. Nay ‘đối thoại’ lại ‘không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản’ thì đúng là khác gì ‘gửi trứng cho ác’…
___________________
Chú thích:
(2) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/thu-tuc-to-tung/Luat-Hoa-giai-doi-thoai-tai-Toa-an-395767.aspx
(3) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/thu-tuc-to-tung/Luat-hoa-giai-o-co-so-nam-2013-197282.aspx
[ads_color_box color_background=”#d0e0f7″ color_text=”#444″]
Điều 3. Phạm vi hòa giải ở cơ sở
1. Việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp sau đây:
a) Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;
b) Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải;
c) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính;
d) Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật.
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
[/ads_color_box]
2 comments
Sao họ sợ công khai đến thế
Chẳng có gì là bí mật quốc gia ,cần cho ghi âm ghi hình ,công khai đầy đủ .