Diệp Chi
(VNTB) – Trong tình hình của Sài Gòn hôm nay, cần những đóng góp thiết thực chứ không cần những tung hô hay những phong trào chính trị để lên báo…
Bên cạnh tình hình diễn biến về dịch như số ca nhiễm mỗi ngày (bao nhiêu ca trong khu cách ly, phong tỏa cũng như bao nhiêu ca dịch tễ), tiêm ngừa vaccine, lấy mẫu diện rộng, thi cử tốt nghiệp trung học phổ thông giữa mùa dịch… thì báo chí cũng đưa một tin mà giờ đang là chủ đề bàn luận rất nóng trên diễn đàn mạng xã hội:
“Đoàn hơn 300 cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương chi viện cho TP.HCM chống dịch đã được “siêu máy bay” Boeing 787-9 Dreamliner của Vietnam Airlines đưa tới TP.HCM sáng 1-7” với mục đích hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch.
Tin tức lan truyền nhiều nơi, các trang fanpage trên mạng xã hội, các trang cá nhân đưa hình ảnh với những lời tri ân, cảm ơn cũng như những cảm xúc với việc làm của đoàn y tế Hải Dương đã vào giúp Thành phố chống dịch.
Cảm ơn trước nghĩa cử này cũng như hành động của Bộ Y tế là điều không sai. Tuy nhiên, một vấn đề nào đó cũng có hai mặt của nó.
Không cần phải mất quá nhiều thời gian để tra cứu thông tin, có lẽ, nhiều người cũng biết đến ở đợt dịch trong mùa đại hội Đảng, Hải Dương là một tỉnh có dịch.
Theo quy định của Bộ y tế, các y – bác sỹ tham gia chống dịch là một trong những đối tượng ưu tiên tiêm phòng vaccine. Sau đó, khi Bắc Giang bùng dịch, đoàn y tế của Hải Dương cũng vì “đồng bào” sẵn sàng “chung tay chống dịch”.
“Những điểm ấy là hoàn toàn không lạ, nhất là đối với các y bác sỹ tham gia chống dịch. Trong thành phố mình cũng vậy thôi, cũng được ưu tiên tiêm ngừa vaccine. Tuy nhiên, mình thấy lạ một điểm như thế này.
Đưa tin về đoàn Hải Dương vào Thành phố hỗ trợ chống dịch, họ viết “Để đảm bảo an toàn cho các thành viên, ngày 27-6, Trung tâm Y tế TP Hải Dương cùng nhà trường đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho tất cả mọi người trong Đoàn”.
Tại sao trải qua mấy đợt dịch như vậy, đi chống dịch, hỗ trợ thành phố chống dịch mà đến tận ngày 27-6 họ mới được tiêm ngừa vắc-xin? Trong khi đó, theo mình biết, vắc-xin cũng cần khoảng thời gian để tác dụng, đó là chưa kể đến cái việc không phải tiêm vắc-xin là được miễn hoàn toàn với dịch, như trường hợp của bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là một ví dụ.
Tham gia chống dịch, rất vui trước nghĩa cử của các sinh viên y khoa, đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, với thông tin đó, cũng nên xem xét kỹ càng lại, bởi nếu có xui rủi, không chỉ không giúp được mà còn liên lụy đến các bạn sinh viên” – một cựu sinh viên thuộc nhóm trường đại học Quốc gia TP.HCM bày tỏ băn khoăn.
“Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố lớn với nhiều bệnh viện tuyến cuối, nhất là với những tuyến cuối chuyên môn. Không thể phủ nhận một điều rằng, có không ít bà con ở khu vực miền Nam, có một số Tây Nguyên cũng vào thành phố khám, chữa bệnh.
Bệnh viện Chợ Rẫy liên tục tung quân đi tầm soát vẫn có thể giữ vững phòng tuyến, chữa bệnh cho bệnh nhân. Rồi các trường đại học về y dược nổi tiếng ở thành phố.
Dài dòng như vậy để cho thấy điều gì, như đã thấy, nhân lực của thành phố là khá đông và đầy kinh nghiệm. Trong thời gian giãn cách, từ lúc Gò Vấp bắt đầu phong tỏa, cho đến bây giờ, thời gian đầu có hơi lúng túng thiệt, nhưng sau đó, vẫn ổn.
Dĩ nhiên, thêm người sẽ bớt một phần công việc. Tuy nhiên, thêm người trong thời điểm này, cũng đồng nghĩa với việc các F sẽ có thể mất đi những nơi cách ly. Tôi đọc báo, thấy bố trí sắp xếp một số khách sạn cho đoàn Hải Dương. Nếu tôi nhớ không lầm, trong đó có một số khách sạn nằm trong danh sách cho người bệnh cách ly” – bà Út, một cư dân ở Bình Dương chia sẻ.
Chắc là sẽ có những ý kiến “ném đá” cho rằng bài viết này do thế lực thù địch, thế lực phản động nói xấu, gièm pha.
Xin được nhắc lại một điều, việc chấp nhận rủi ro vào thành phố cùng chung tay chống dịch là điều ủng hộ cũng như xin được cảm ơn nhưng cũng cần nhìn cho rõ những rủi ro, những bất cập, nhất là trong giai đoạn này, thành phố đang có quá nhiều căng thẳng, quá nhiều thứ phải lo…