Nguyễn Nam – Bảo Thư
(VNTB) – Những người ủng hộ phán quyết về quyền phá thai, chỉ trích rằng việc phá thai không tôn trọng “quyền lựa chọn” (được sống) của thai nhi và có thể đe dọa tính mạng của phụ nữ.
Ngày 24-6-2022, Tòa án tối cao Mỹ phán quyết quyền phá thai – vốn được bảo vệ từ năm 1973 trong vụ kiện Roe và Casey – không phải là quyền hiến định. Phán quyết này mở đường cho các tiểu bang quyết định về vấn đề cấm phá thai.
“Hiến pháp không trao quyền phá thai, phán quyết trong vụ kiện Roe và Casey sẽ được đảo ngược. Thẩm quyền liên quan vấn đề phá thai được trả lại cho nhân dân và các đại diện mà họ đã bỏ phiếu chọn” – phán quyết nêu.
6 thẩm phán bảo thủ của Tòa tối cao đã ủng hộ một luật của bang Mississippi trong đó cấm phụ nữ phá thai nếu thai nhi đã hơn 15 tuần tuổi.
Trong phiên bỏ phiếu đảo ngược phán quyết trong vụ Roe và Casey, có 5 thẩm phán bảo thủ ủng hộ và 3 thẩm phán tự do phản đối. Chánh án John Roberts tuyên bố ông ủng hộ luật của Mississippi nhưng sẽ không đứng cùng những người nỗ lực lật lại các án lệ.
Bằng cách xóa bỏ phá thai như một quyền hiến định, phán quyết ngày 24-6 sẽ mở đường cho các tiểu bang bảo thủ thông qua các luật cấm phá thai.
Ít nhất 26 bang được cho chắc chắn hoặc có khả năng thông qua luật cấm phá thai sau động thái của Tòa tối cao liên bang. Mississippi nằm trong số 13 tiểu bang đã có một luật yêu cầu kích hoạt luật cấm phá thai nếu phán quyết trong vụ Roe kiện Wade bị đảo ngược.
Quyền phá thai đã được bảo vệ trên toàn liên bang kể từ sau phán quyết năm 1973. Đây là vấn đề gây tranh cãi dữ dội vì liên quan đến nhiều yếu tố, bao gồm cả tôn giáo. Phán quyết của Tòa tối cao ngày 24-6 được xem là một chiến thắng cho Đảng Cộng hòa và những người bảo thủ vốn phản đối mạnh mẽ việc phá thai.
Xem ra, cho phép phá thai hay không là một đề tài tranh cãi của nhân loại trong nhiều thế kỷ, dưới góc nhìn bằng các chuẩn mực luân lý, đạo đức, chính trị, tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Cùng với các tiến bộ về quyền con người, về bình đẳng giới, các nhà hoạt động nữ quyền cho rằng phá thai là quyền lựa chọn của mỗi phụ nữ, quyết định của họ đáng được tôn trọng, không ai có quyền chỉ trích, lên án.
Ở Việt Nam, nạo phá thai cũng là vấn đề rất đáng quan tâm, pháp luật theo hướng tôn trọng lựa chọn của người mang thai.
Điều 44 Luật Chăm sóc sức khỏe nhân dân hiện hành quy định quyền của phụ nữ được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa và nạo thai, phá thai theo nguyện vọng… Quyền được phá thai được các chuyên gia đánh giá là nền tảng cho sự tiến bộ của người phụ nữ.
Tuy nhiên, pháp luật cũng nghiêm cấm phá thai vì giới tính của thai nhi. Điều 84 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng với hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính của người mang thai mà không bị ép buộc phải loại bỏ thai nhi; Phạt tiền từ 10.000.000 đến 12.000.000 đồng với hành vi dùng vũ lực để ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính…
Quyết định số 4620/QĐ-BYT, ngày 25-11-2009 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, ghi nhận các phương pháp phá thai an toàn đến hết tuần thứ 22… Như vậy, tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần đều là không an toàn, không được pháp luật cho phép.
Tội phá thai trái phép quy định tại Điều 316 Bộ luật hình sự 2015 xử phạt người thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác mức phạt tù cao nhất đến 15 năm.
Như vậy, nạo phá thai là quyền của người phụ nữ, nhưng là quyền có điều kiện.
Thực tế cho thấy, tình trạng nạo phá thai là một trong những vấn đề nhức nhối ở Việt Nam hiện nay. Số liệu từ Hội Kế hoạch hóa gia đình cho biết, mỗi năm cả nước có gần 300 ngàn ca nạo phá thai mà chủ yếu rơi vào độ tuổi 15-19. Trong đó, có 20-30% là phụ nữ chưa kết hôn, 60-70% mới chỉ là học sinh, sinh viên.
Theo một báo cáo của UNICEF về tỷ lệ phá thai ở Việt Nam, ước tính là 4,7 ca trên 1.000 phụ nữ và tỷ suất phá thai là 68 ca trên 1.000 ca sinh sống. Tỷ suất phá thai cao nhất ở Hà Nội 196,9 trên 1.000 ca sinh sống. Tỷ suất này ở vùng đồng bằng sông Hồng là 127,5 trên 1.000 ca sinh sống.
Những con số về nạo phá thai tại Việt Nam có thể khiến nhiều người kinh ngạc. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những con số thống kê tại các cơ sở y tế nhà nước. Thực tế, trên cả nước, vẫn còn hàng hàng nghìn phòng khám tư nhân thực hiện thủ thuật chui, trái phép mà vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể.