VNTB – Cần có chế tài trong quyền lực chính trị

VNTB – Cần có chế tài trong quyền lực chính trị

Hà Nguyên (ghi)

(VNTB) – Tha hóa quyền lực không còn là nguy cơ, mà đó là một hiển hiện mà Đảng cần phải dũng cảm thừa nhận và đối mặt.

Ông Lê Tiến Châu, tân Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho rằng vấn đề kiểm soát quyền lực chính trị trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với một đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền là phải làm sao để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đó luôn trong sạch. Đây là điều mà hiện tại đang là nan đề.

Ông Lê Tiến Châu trước khi ngồi vào ghế Bí thư Thành ủy Hải Phòng, thì ông là Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Lý lịch tư pháp cho biết, sau khi tốt nghiệp Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, trong vòng 15 năm từ 1994 đến 2009, ông Lê Tiến Châu (đồng hương với ông Trần Lưu Quang, người vừa rời chức Bí thư Hải Phòng để làm phó thủ tướng) là giảng viên trường đại học này.

Từ các trải nghiệm thực tế trên nền tảng được đào tạo khoa bảng về học thuật, ông Lê Tiến Châu có nhận xét rất đáng quan tâm như sau về việc đang tha hóa quyền lực ngay trong chính nội bộ Đảng.

Xin trích giới thiệu như một tham khảo.

“Hiện nay, các khái niệm về quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước chưa được quy định cụ thể trong các văn kiện của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 2, Hiến pháp năm 2013 chỉ quy định mang tính nguyên tắc trong kiểm soát quyền lực nhà nước: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Kiểm soát quyền lực chính trị được hiểu là toàn bộ hoạt động xem xét, theo dõi, đánh giá của các chủ thể kiểm soát, để từ đó có biện pháp ngăn chặn, loại bỏ những nguy cơ, hành vi, việc làm trái quy định của các tổ chức, cá nhân trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước các cấp trong quá trình tổ chức và thực hiện quyền lực; bảo đảm cho quyền lực được sử dụng và thực hiện trong giới hạn, tuân thủ đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước.

Điều này càng trở nên quan trọng và cấp thiết đối với quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một nhà nước thừa nhận vị trí tối cao của Hiến pháp và sự thượng tôn pháp luật, thực hiện sự quản lý bằng pháp luật và theo pháp luật.

Vì vậy, kiểm soát quyền lực trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một yêu cầu tất yếu, khách quan. Nếu không có kiểm soát quyền lực hoặc kiểm soát quyền lực không đủ mạnh thì sẽ là cơ hội cho sự lạm quyền, từ đó dẫn đến sai lầm về chủ trương, chính sách, quy định; làm nảy sinh tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực; làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Do vậy, kiểm soát quyền lực chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm xây dựng Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm sự bền vững của chế độ và thắng lợi của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay…”.

Bàn luận cùng chủ đề trên, một luật sư thân hữu của Việt Nam Thời Báo, đồng thời cũng từng là đồng nghiệp của ông Lê Tiến Châu lúc còn giảng dạy ở Đại học Luật TP.HCM, cho rằng có một điều tế nhị mang tính lý thuyết mà ông tân Bí thư Hải Phòng tránh đề cập trực tiếp, đó là về bản chất, quyền lực công bị tha hóa khi nó được sử dụng để phục vụ cho lợi ích vị kỷ của cá nhân, nhóm, đảng phái chính trị mang tính độc quyền, qua đó xâm phạm lợi ích chung của các thành viên trong xã hội.

“Bối cảnh thể chế chính trị Việt Nam, có lẽ để giảm thiểu nguy cơ lạm quyền, ngăn chặn sự tha hóa quyền lực, hãy cố gắng hướng đến xóa bỏ trong chừng mực nào đó tình trạng đặc quyền, đặc lợi cho thiểu số các đảng viên quan chức cấp cao, qua đó bảo vệ lợi ích chung cho cộng đồng” – vị luật sư này ý kiến.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 1 year

    Nói thì dễ, chớ làm hổng dễ . Nhà văn Phạm Đình Trọng, với tất cả sự mẫn cảm của 1 nhà văn, đã làm 1 phép tính 5000 mạng dân Ngụy đền tội ở Huế hổng làm dân TA bức xúc bằng cái chết của 1 đảng viên . Vấn đề là trong mắt người dân bình thường, đảng viên đã trở thành tiên, thành phật, thành ai đồ hít rùi . Ngay cả giới hạn quyền lực cho đảng viên, ra ngoài đời, dân lại dâng nguyên con quyền lực cho họ như đã làm với chính quyền thân phát xít Trần Trọng Kim . Mèo vẫn hoàn mèo .

    Chừng nào giáo dục được dân nên bớt coi trọng đảng viên, lúc đó mới hy vọng