Hoài Nguyễn
(VNTB) – Một đại biểu quốc hội “đề nghị tạm hoãn thi hành án tử theo thủ tục đặc biệt” đối với ông Nguyễn Văn Chưởng.
Hổm rày, nhiều tài khoản mạng xã hội của giới luật sư, nhà báo, giảng viên trường luật kêu gọi hoãn thi hành án tử hình và đề nghị cần xem xét lại vụ án Nguyễn Văn Chưởng, và có nhiều ý kiến nghi ngờ là oan sai.
Trưa 5-8-2023, nguồn tin từ biên tập viên N.Đ.T. cho biết một lãnh đạo Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa 14 cho biết là sáng 5-8-2023, ông có kiến nghị Chủ tịch nước xem xét hoãn thi hành án Nguyễn Văn Chưởng.
“Đề nghị tạm hoãn thi hành án tử theo thủ tục đặc biệt” là cụm từ được vị đại biểu này sử dụng.
Vụ án này từng được trang Việt Nam Thời Báo cùng góp sức lên tiếng kêu oan với những phân tích, đánh giá về mặt chứng cứ pháp lý (*)
Theo quy định tại Điều 81 Luật thi hành án hình sự 2019 quy định về các trường hợp hoãn thi hành án tử hình: Hội đồng thi hành án tử hình quyết định hoãn thi hành án tử hình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật Hình sự; Có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan; Ngay trước khi thi hành án người bị kết án tử hình khai báo những tình tiết mới về tội phạm.
Người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật Hình sự bao gồm: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người đủ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn;
Có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan có thể là các trường hợp như người bị thi hành án tử hình phải thực hiện việc chữa bệnh…
Trường hợp ngay trước khi thi hành án người bị kết án tử hình khai báo những tình tiết mới về tội phạm thì Hội đồng thi hành án tử hình sẽ phải hoãn thi hành án nhằm xem xét và điều tra về tình tiết mới của vụ án.
Bàn luận về vấn đề tử hình, luật sư Ngô Anh Tuấn thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, nhìn nhận mục tiêu răn đe của việc áp dụng án tử hình dường như không hiệu quả.
“Án tử hình không phải là cái cuối cùng có thể đe dọa được những người mà họ cố tình phạm tội. Vậy thì chúng ta nhìn các yếu tố khác, nhìn nguyên nhân từ đâu sinh ra tình hình phạm tội chứ không phải mức án là cái làm cho họ sợ nhất.
Ở một khía cạnh nào đó thì án tử hình có tính răn đe hoặc có tính trả lại công bằng cho người bị hại, nhưng trong quá trình làm việc tôi không thấy việc quan trọng nhất là răn đe và hạn chế tội phạm” – ông Tuấn nói và cho biết theo một báo cáo của Chính phủ về thi hành án tử hình mà ông được đọc qua, trong thời gian từ 01-10-2020 đến 31-7-2021, số người bị kết án tử hình tăng 30%, tuy nhiên tình hình tội phạm không hề thuyên giảm, và có chiều hướng ngày càng tăng.
“Cá nhân tôi cho rằng nên bãi bỏ án tử hình đi vì quyền sống là quyền cao nhất của mỗi con người. Có thể thay tử hình bằng hình thức khác, như chung thân không ân xá”, luật sư Ngô Anh Tuấn ý kiến.
Với tử tù Nguyễn Văn Chưởng thì từ những gì mà người cha của ông đã ròng rã kêu oan cho người con của mình tương tự như oan án Nguyễn Thanh Chấn (**), cho thấy hoàn toàn có thể là phiên bản thứ n. nối dài của những người từng bị tuyên án tử đầy oan khuất sau đó được minh oan như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Đặng Thị Nga, Nguyễn Minh Hùng, Trần Trung Thám, Võ Tê, Trần Văn Thêm, Bùi Minh Hải…
Bạn đọc quan tâm đến số phận của những oan án, xin nhắn tin đến Chủ tịch nước, Trưởng Ban cải cách tư pháp trung ương Võ Văn Thưởng, số điện thoại di động: 0902018888.
__________
Chú thích: