VNTB – Nhà nước thế nào mà người ta lại cứ tìm cách chống?

VNTB – Nhà nước thế nào mà người ta lại cứ tìm cách chống?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Nhà nước kêu gọi sự phản biện về chính sách, tuy nhiên sự phản biện cũng dễ rơi vào điều luật gọi là ‘chống Nhà nước’ có số thứ tự 117 trong Bộ luật Hình sự hiện hành.

 

Theo ghi chép của luật sư Trịnh Vĩnh Phúc và luật sư Nguyễn Văn Miếng, thì trong phần thủ tục ‘lời nói sau cùng’ trước khi hội đồng xét xử nghị án tại phiên toà hình sự sơ thẩm tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang ngày 20/1/2021, bà Đinh Thị Thu Thủy có nói:

“…Tất cả việc tôi làm đều xuất phát từ con tim của một người yêu nước, từ một tấm lòng của người mẹ.

Tôi yêu quê hương, đất nước, từ lúc có con tôi yêu con tôi, càng thêm yêu đồng bào và quê hương, đất nước mình.

Tôi chỉ muốn cho đất nước được tốt lên, môi trường xã hội và môi trường giáo dục được minh bạch, lành mạnh, các dòng sông quê tôi không bị đầu độc, bức tử, người dân không phải dùng thực phẩm bẩn…

Do bức xúc tôi có những ngôn từ nặng nề, chỉ trích một số cá nhân lãnh đạo, nhưng không phải là hành vi chống Nhà nước theo như điều luật mà tôi bị quy kết và truy tố...”.

Theo lời thuật của hai vị luật sư bào chữa, thì diễn biến phiên tòa như sau:

Bà Đinh Thị Thu Thủy tham gia nhóm Facebook Cửu Long Xanh và Sức Sống Xanh. Mục tiêu của Cửu Long Xanh và Sức Sống Xanh là thực hiện các hoạt động nhằm bảo vệ môi trường. Các hoạt động dự định thực hiện: nhặt rác hàng tuần, kêu gọi bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng bọc nilon, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp, các biện pháp phân biệt thực phẩm Việt Nam và Trung Quốc, …

Trong thời gian tới, khi chính quyền các nơi đã rõ ràng mục đích của Cửu Long Xanh, bà Thủy mong muốn vẫn tiếp tục các hoạt động trên dưới sự cho phép chính quyền ở mỗi địa phương có Cửu Long Xanh và Sức Sống Xanh hoạt động.

Trong danh mục tang vật, có một áo thun màu đen có biểu tượng đường lưỡi bò bị gạch chéo và 12 khẩu trang màu trắng xanh có biểu tượng đường lưỡi bò bị gạch chéo.

Có ba Bản kết luận giám định tư tưởng trên tài liệu in từ hai trang Facebook của cô Thủy: 2 bản được Sở Văn hóa Thể thao Du lịch  tỉnh Hậu Giang giám định cá nhân, và 1 bản được Bộ Thông tin và Truyền thông giám định tập thể.

Nhưng Sở Văn hóa Thể thao Du lịch không có chức năng giám định tư pháp về tài liệu án an ninh, Sở Thông tin và Truyền thông có chức năng này nhưng lại từ chối giám định vì không đủ năng lực, nên Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm thay.

Bà Đinh Thị Thu Thủy, 39 tuổi, thạc sĩ, kỹ sư ngành nuôi trồng thủy sản bị Viện kiểm sát truy tố về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại khoản 1 Điều 117 Bộ luật hình sự. Viện kiểm sát đề nghị 7-8 năm tù, Toà tuyên mức án 7 năm tù.

Khoan vội luận bàn về cái gọi là “giám định tư tưởng”, vấn đề cần được làm rõ tận căn cơ là một Nhà nước phải thế nào thì người ta mới liều mạng để ‘chống’, bất chấp chuyện đối mặt với tù tội?

Sở dĩ dùng từ ‘liều mạng’ ở đây, là với một Nhà nước đầy đủ sức mạnh của vũ trang quân đội, của lực lượng tạm gọi là ‘công an’ ở trong ‘nhân dân’ dày đặc với sắc phục lẫn thường phục nên được gọi là ‘công an nhân dân’, thì họa chăng có tài biến hóa với đủ cả 72 phép thần thông như Tôn Ngộ Không trong tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân, người ta mới có thể đủ ‘bùa chú’ để ‘chống’ Nhà nước với 3 bài viết như trong trường hợp vụ án kể trên; hay trước đó là tổng cộng 36 bài viết đăng báo của 3 nhà báo ở Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, tuyên 37 năm tù.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)