Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cần tôn trọng tính độc lập của hội đoàn dân sự

Hà Nguyên

(VNTB) –  Chỉ riêng yêu cầu về ‘chủ quản’ thôi cũng đã khiến việc hội đoàn dân sự đã mất đi tính độc lập cần có.

“Hội đoàn dân sự” và “Xã hội dân sự” là những khái niệm mới được du nhập vào Việt Nam gần đây theo góc nhìn thể chế chính trị đơn nguyên.

Kể từ “Đổi Mới”, tại Việt Nam, sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ (NGO) vào hoạt động xóa đói giảm nghèo, nở rộ hoạt động của các đoàn hội dân sự tư nhân là một đối tượng cần nghiên cứu về khía cạnh pháp lý.

Tiếp đến, khi Việt Nam gia nhập các hiệp định kinh tế đa phương và song phương thì việc đảm bảo các cam kết về xã hội dân sự được thực thi và truyền tải vào hoạt động lập pháp cần được nghiêm túc nghiên cứu và làm rõ, đặc biệt là vị trí của hội đoàn dân sự trong dự án luật về quyền lập hội.

Về lý thuyết, hội đoàn dân sự bao hàm các nhóm lợi ích (interest groups) – “…là một cơ cấu có tổ chức của công dân, những người có chung mục tiêu và muốn gây ảnh hưởng tới chính sách công” (1), mà theo họ “Dấu hiệu của một xã hội dân chủ là xã hội đó cho phép công dân hình thành các nguồn lực chính trị thay thế mà có thể huy động khi cho rằng các chủ thể kinh tế tư nhân hoặc các quan chức chính phủ đã vi phạm lợi ích của họ.

Theo hướng đó, các nhóm lợi ích có tổ chức đóng vai trò cơ bản; họ giúp công dân sử dụng hiệu quả hơn những nguồn lực họ có: bỏ phiếu, tự do ngôn luận, tự do hội họp và kiện tụng” (2).

Theo đó, các nhóm lợi ích phục vụ như một lực lượng trung gian giữa cá nhân cô thế và chính phủ thường rộng lớn và xa mù mịt đối với người dân (3). Các nhóm lợi ích tại Mỹ được ghi nhận về việc ‘lobby’ về chính sách lập pháp của Quốc hội (4). Vì vậy, Ngân hàng thế giới cũng cảnh báo “Không phải mọi tổ chức của xã hội công dân đều có tinh thần trách nhiệm đầy đủ, hoặc là với những thành viên riêng của họ hoặc là với công chúng nói riêng” (5).

Với cách hiểu tóm lược như trên theo cách đa diện, có thể thấy rằng giả dụ mai này tái khởi động dự án luật về quyền lập hội, thiết nghĩ dẫu là một thể chế chính trị đơn nguyên thì vẫn cần thiết đứng trên quan điểm xã hội dân sự không phải là một khái niệm xa vời, hàn lâm và vô hình.

Xã hội dân sự chính là khoảng không gian dành cho nhân dân biểu đạt, trình bày ý kiến. Người dân sẽ, bằng cách này hay cách khác thông qua xã hội dân sự cũng như các phương tiện khác để biểu đạt, trình bày ý kiến của mình với cách nhà nước điều hành hoạt động xã hội.

Trong xã hội dân sự/ hoạt động xã hội dân sự là các hội đoàn có tính cách tư nhân mạnh mẽ, nhằm biểu đạt ý kiến của các nhóm, giới khác nhau trong xã hội. Trong một bình diện nào đó, xã hội dân sự/ hoạt động xã hội dân sự là tiếng nói đích thực của nhân dân trong phạm vi ngoài nhà nước. Và điều này cần được tôn trọng về quyền tự do biểu đạt cả trong lĩnh vực chánh kiến chính trị.

Nếu không trân trọng tiếng nói đích thực ấy, hậu quả xã hội sẽ khôn lường, không loại trừ hậu quả như cách nói của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Bài học lòng dân” khi Tổng bí thư dẫn lại lịch sử của các triều đại phong kiến để nhấn mạnh vai trò to lớn của nhân dân “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân” – đó chính là sức mạnh to lớn của nhân dân trong đấu tranh giành độc lập và trong xây dựng, phát triển đất nước.

Thêm vào đó, việc tuyên truyền, phổ biến về xã hội dân sự cần đúng đắn, không nên có yếu tố “chụp mũ” khi chưa nghiên cứu thấu đáo tình – lý.

_____________

Chú thích:

(1) R. Allen Hays, The Role of Interest Group, Democracy No.8, Office of International Information Programs, U.S Department of State, pp 5.

(2) R. Allen Hays, The Role of Interest Group, Ibid, pp 5.

(3) Dân chủ là gì, Cơ quan thông tin Hoa Kỳ, Tháng 10 năm 1991, tr 27

(4) Aaron Dusso, Legislation, Political context and Interest Group Behavior, Political Research Quaterly, April 2010, pp 55.

(5) Ngân hàng Thế giới (1998), Nhà nước trong một thế giới đang chuyển đổi: Báo cáo về tình hình phát triển thế giới 1997, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 139.


Tin bài liên quan:

VNTB – Đại án Việt Á chuẩn bị khép lại mà không rõ ai là kẻ chủ mưu

Do Van Tien

VNTB – ‘Tám’ chuyện cô giáo trường đại học Duy Tân ở Đà Nẵng

Phan Thanh Hung

VNTB – Hồ sơ: Vụ án bà Mười Tường

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo