VNTB – Câu chuyện bảo tàng 11.277 tỉ: Xây dựng thành công và lãng phí dân sẽ gánh

Thiên Thanh (VNTB) Ngày 27/07, trùng ngày Kỷ niệm thương binh liệt sĩ Việt Nam, báo Tuổi Trẻ đưa tin về dự án Bảo tàng Lịch sử quốc gia, với tổng mức đầu tư lên đến 11.277 tỉ đồng, nhưng chưa bao gồm chi phí dự án thành phần đầu tư xây dựng nội dung và hình thức trưng bày.


Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Vnexpress

Từ cuối năm 2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, nguồn vốn từ ngân sách và các nguồn huy động khác, nhưng sau đó lại dời ngày động thổ (dự kiến là năm 2007) vì lạm phát. Gần đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung hải cũng giao Bộ Kế hoạch – đầu tư và Bộ tài chính lập kế hoạch đầu tư cho dự án xây dựng bảo tảng.

Đánh giá về công trình này, báo Tuổi Trẻ đã trích dẫn ý kiến của người dân. Theo đó, anh Phan Thanh Nhàn (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết “ở nước ta hầu như địa phương nào cũng có bảo tàng và ở các TP số lượng bảo tàng lại càng nhiều hơn. Tuy nhiên, tất cả đều hoạt động chưa hiệu quả.”
Câu chuyện 11.277 tỉ đồng để làm một công trình sẽ rất quen thuộc với câu nói sáo mòn hàng chục năm qua là: “Công trình có ý nghĩa to lớn về chính trị, tư tưởng, văn hóa – xã hội nhằm lưu giữ và phát huy giá trị di sản lịch sử – văn hóa VN, phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, học tập, cung cấp kiến thức về lịch sử, di sản văn hóa…”. Không khác nhiều lắm tỉnh Đồng Nai muốn xây Bảo tàng Khoa học trị giá 70 triệu USD (khoảng 1500 tỉ đồng) để thúc đẩy tinh thần yêu khoa học của lớp trẻ và nước nhà. 
Trở lại vấn đề xây dựng bảo tàng tại Việt Nam, có quá nhiều nguyên nhân để khiến người dân lo ngại, thậm chí ám ảnh với các công trình kiểu này.
Thứ nhất là lạm phát bảo tàng, với 115 cái bảo tàng trên cả nước, nhưng hầu như đa phần các bảo tàng đều sống thoi thóp, nghĩa là lượng khách đi đến tham quan khá ít, nhiều bảo tàng tuyến huyện lẫn tỉnh buộc phải gắn “hợp đồng” với các trường học, công ty nhà nước để có được đoàn tham quan nhằm “sôi động” hoạt động bảo tàng và lấy số liệu báo cáo cuối năm. Ví như bảo tàng Hà Nội, vào năm 2012 báo Vietnamnet phản ánh một sự thật đến bất ngờ. Cụ thể, dù là một bảo tàng được đầu tư lớn, tới hơn 2000 tỉ đồng nhưng cho đến nay Bảo tàng Hà Nội vẫn chưa có website riêng, thậm chí đường dây điện thoại cố định cũng chưa có? Và mãi đến năm 2014, thì website mới chính thức được ra mắt, nghĩa là mất 4 năm để làm cái điều tưởng chừng như đơn giản đó.
Hai là, chi phí bảo tảng bỏ ra quá lớn, ví như con số 11.277 tỉ đồng hay 2.300 tỷ đồng cho Bảo tàng Hà Nội, nhưng trong cơ chế thị trường, để “hồi vốn” – nói đúng hơn là đảm bảo hiệu quả kinh tế của bảo tàng thì đây là một vấn đề bất khả, ngoại trừ một số bảo tàng đặc biệt như bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội) là có được một nguồn thu tương đối, do lượng khách tham quan tìm đến thường xuyên vì sự có hồn của nó trong khâu vận hành (tức là đã đặt bảo tàng trở thành điểm trả lời câu hỏi tại sao, như thế nào thay vì theo mô-típ mà hầu hết các bảo tàng mắc phải là – “giới thiệu hiện vật).
Ba là việc xây dựng bảo tàng và các hoạt động sau xây dựng phần lớn thả nổi, các công trình được gắn liền với các ngày kỹ niệm, thành ra khi tiến hành làm là nhằm “chào mừng” dẫn đến chất lượng công trình không cao, gây thất thoát trong đầu tư dự án, và hơn nữa, sau khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, thì nhìn chung lại rơi vào trạng thái không chú trọng xây dựng khâu trưng bày hiện vật đưa đến hiện vật trình bày nghèo nàn, độ hoành tráng của khu nhà bảo tàng tỉ lệ nghịch với độ phong phú, đa dạng về mặt hiện vật. Ví như việc đầu tư 2.300 tỷ đồng cho Bảo tàng Hà Nội chính vì nó là “công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long”, nhưng phải mất 5 năm sau (2015) thì mới bắt đầu khâu trưng bày hiện vật trị giá 875 tỷ đồng, điều đó có nghĩa trong 5 năm qua, Bảo tàng “chào mừng đại lễ” rơi vào cảnh vườn không nhà trống. Hay như bảo tảng Quảng Nam; Phú Yên được xây dựng tới 3-4 tầng, tuy nhiên không gian sử dụng cao nhất chỉ ở mức 2 tầng. Trong khi đó, việc xây dựng bảo tàng là cơ hội “chấm mút” từ khâu tư vấn, giám sát đến nghiệm thu, nên thường sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, thì chất lượng dự án cũng bắt đầu xuống cấp. Ví dụ, bảo tàng tỉnh Phú Yên được xây dựng với tổng kinh phí gần 97 tỉ đồng nhưng sau đó, tường bị nứt, trần ốp gỗ bị mối mọt ăn, gỗ và kính bị co rút do thời tiết… Hay ngay cả bảo tàng Hà Nội sau một năm đưa vào sử dụng cũng bị báo chí phản ánh là xuống cấp (thấm dột).
Bốn là, tính cần thiết của bảo tàng nhìn chung xoay quanh vấn đề “giáo dục lòng yêu nước”, và đây được coi là một yếu tố để mỗi tỉnh, mỗi ngành đua nhau xây bảo tàng. Tuy nhiên, tính cần thiết của “giáo dục yêu nước” lại bị co hẹp bởi việc thiếu thu hút người xem, dẫn đến mục đích không đạt được (bảo tàng rơi vào tình trạng đìu hiu sau ngày khách thành), đưa đến cái vòng luẩn quẩn gọi là “gánh nặng ngân sách”. Không đâu xa, tính hết quý I năm 2015, vì cái dự án Bảo tàng Hà Nội theo hình thức BT, mà Sở Xây dựng Hà Nội vẫn nợ đang nợ Vinaconex 1.589 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn.
Trong khi đó, xây dựng bảo tàng hoành tráng lại là thói tiêu xài ngân sách (vốn chủ yếu) vô tội vạ, thiếu cân đối, dẫn đến nhiều công trình cơ sở hạ tầng thiếu vốn, đầu tư về cơ sở hạ tầng giáo dục – y tế cơ bản như đường (cầu) – trường (học) – trạm (y tế) lại ít được chú ý, nhất là vùng thôn bản, hoặc đầu tư cầm chừng do nguồn vốn ngân sách phân bón không đủ, trong khi những thứ rơi vào nạn lạm phát như xây mới, mở rộng bảo tàng lại được đầu tư, chăm bón hết mức đến nỗi người dân phải than rằng, “mấy ổng biết cách vẽ ra dự án dựa trên giáo dục tư tưởng và lòng yêu nước.”
Năm 2008, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nói nên hoãn xây Bảo tàng Hà Nội vì lợi ích chung của đất nước, cụ thể là giảm đầu tư công nhằm kiềm chế lạm phát. Nhưng sau đó, Bảo tàng Hà Nội vẫn cứ được xây dựng lên. Câu chuyện bảo tàng Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam cũng không khác nhiều lắm, mặc cho dân kêu “không phù hợp, lãng phí, không có hiệu quả kinh tế – xã hội, gây bội chi ngân sách, nợ công, đời sống dân sinh khó khăn, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng còn thiếu ngân sách” thì 11.277 tỉ vẫn sẽ sẵn sàng chi để việc động thổ bảo tàng thành công tốt đẹp và tất nhiên, lãng phí hay những hệ quả tai hại khác từ bảo tàng người dân sẽ phải gánh.
Tất cả những dự án này, dù đặt trong cùng trong bối cảnh “nợ công” thì nó vẫn được tiến hành xây dựng theo đúng phương cách “giật lùi nghĩa là tiến lên”. 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)