Dương Tử
(VNTB) – Tạ Duy Anh, cũng như Nguyễn Ngọc Tư (Cánh đồng bất tận, Chuyện Sủ Nhi), đã mạnh dạn viết nên những cung bậc mới cho nền văn chương Việt trong nước
***
Tạ Duy Anh – cây bút đi kế tiếp những nhà văn tiên phong đổi mới, tự cởi trói. Có thể xếp vào thế hệ 2, với những tác phẩm độc đáo đóng góp mới vào tiến trình văn học dân tộc. Dưới ảnh hưởng của dòng văn học “sám hối” của Trung Quốc- vùng đất chung ý thức hệ với Việt Nam luôn đi trước một bước so với “đàn em dè dặt nhút nhát”, Tạ Duy Anh, cũng như Nguyễn Ngọc Tư (Cánh đồng bất tận, Chuyện Sủ Nhi), đã mạnh dạn viết nên những cung bậc mới cho nền văn chương Việt trong nước. Truyện ngắn “Bước qua lời nguyền” của Tạ Duy Anh đã góp vào văn học sử một khái niệm tiêu biểu cho dòng văn Việt- dòng “bước qua lời nguyền”. Hiểu rộng ra, “bước qua” ngộ nhận, “bước qua” mù quáng, ngây thơ để trưởng thành hơn, tiến gần đến chân lý nghệ thuật và tư tưởng. “Bước qua” có nghĩa từ biệt một thời ấu trĩ, nay mang tính phản tỉnh, phản tư của trí thức văn nghệ sĩ.
Vốn là một biên tập viên giàu kinh nghiệm của Nhà xuất bản Hội nhà văn, Tạ Duy Anh viết trầm tĩnh, chắc chắn, né tránh những cái cớ cho kiểm duyệt ngầm khắt khe của nhà cầm quyền. Tác phẩm của họ Tạ đàng hoàng chiếm chỗ trong văn học chính thống, công khai.
Văn học vốn rất phong phú nội dung và nghệ thuật. Nó đeo bám đời sống hiện thực, nó đào bới lịch sử đã qua như phương châm “ôn cố tri tân” (ôn cũ để biết mới). Tuy thế đôi chân của nó vẫn đứng vững trên cảm quan đương đại. Tạ Duy Anh chọn cách “ôn có tri tân”. Anh quay lại từ thời chiến tranh Pháp- Việt (Bước qua lời nguyền), Cải Cách Ruộng Đất (Đất mồ côi) buổi đầu xây dựng chế độ vô sản… Với hơn chục tác phẩm, Tạ Duy Anh xác định một phong cách rõ nét.
Xin giới thiệu tiểu thuyết LÃO KHỔ, vẻ ngoài như ôn nghèo kể khổ, dường như tự phê phán xã hội ấu trĩ đã qua. Nhưng thực ra hiện thực vẫn chưa “bước qua”, nó vẫn tồn tại dai dẳng. Đó là bút pháp khéo léo, lành nghề của họ Tạ.
Lão Khổ là một cuốn tiểu thuyết quan trọng. Chúng ta có thêm một giả thuyết văn học về bản chất và thân phận người nông dân Việt Nam” (đài RFI).
Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến tóm tắt “Lão đã đi hết ‘kiếp’ của mình, một hành trình tội ác và trừng phạt mà tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Lão Khổ là nhân vật không ý thức được trách nhiệm của mình, bởi lão không đủ khả năng để ‘ý thức’. Lão Khổ là cái bi đát hiện thực được nhà văn nhìn từ góc độ một người con thương cha”.
Nhà văn mới đây tâm sự trên FB laota của ông với tiểu luận “NGHIỆN ĐẢNG”. Nhà văn lấy nguyên mẫu của bố mình, một đảng viên trung thành với Đảng nhưng bị tổ chức bỏ rơi, cuối đời vẫn không sao hiểu được căn nguyên, chỉ buông một câu chửi rồi ngừng hẳn. Nhà văn kể lại nhưng không lý giải được. Chỉ nêu ra một câu hỏi lớn về số phận người đảng viên “trung kiên” ấy.
“NGHIỆN ĐẢNG”
(Nhân ngày giỗ bố, cũng là nguyên mẫu nhiều nhân vật của tôi. Nhân tiểu thuyết “Sur le dos du buffle” tái bản và lấy lại tên gốc Lão Khổ).
Kỳ 1:
“Ông tổ của chủ nghĩa cộng sản bảo: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân!” Có lẽ lúc ấy ông chưa hình dung ra rằng thứ học thuyết của ông mới thực sự gây nghiện cho một bộ phận nhân dân, khiến họ u mê, rồ dại còn hơn cả bị nghiện thuốc phiện.
Chẳng hạn như trường hợp bố tôi.
Ông chỉ nghiện thứ duy nhất, ấy là chủ nghĩa cộng sản, được ông đồng nghĩa với “đảng”. Vì thế, việc ông bị “khai trừ” khỏi đảng vào năm mới ngoài 40 tuổi, khiến ông luôn lên cơn “vật”, như người bị “vật thuốc!”
Đến mức đã vài lần bố nuôi ý định tự tử.
Cuối cùng ông chọn giải pháp cặm cụi viết những lá đơn “đòi đảng tịch”. Ông thức thâu đêm để viết, vẻ mặt đăm chiêu, sâu sắc, đầy tính chiến đấu của một đảng viên dù sa cơ lỡ vận, dù bị hàm oan, dù phải một mình đơn độc trong lòng địch (với bố tôi thì những cán bộ huyện, xã, thôn tham gia hất cẳng ông đích thị là địch) vẫn một lòng trung kiên, tin tuyệt đối vào sự sáng suốt của đảng! Mỗi lần ông ngồi xuống viết, tôi lại thấy vẻ mặt ông ánh lên niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng nay mai. Vì thế cứ được một tệp là ông lại bó cẩn thận, nhét sâu vào trong người, thắt dải rút thật chặt rồi lặn lội cùng chiếc xe đạp đi đâu đó”.(… )
Kỳ 2:
“Sau những chuyến lên tỉnh, lên trung ương, bố tôi lại thấp thỏm chờ đợi. Bất cứ ai dừng xe trước ngõ nhà tôi đều cho ông niềm hy vọng. Ông hy vọng lời kêu oan của ông cuối cùng cũng đã có người nghe thấy.
Thực ra thì hầu hết những người bố gặp đều chán bố ra mặt, nhưng bố không quan tâm.
Gõ cửa các nơi mãi đều không hiệu quả, trong khi đó thì “giậu đổ, bìm leo” sự trả thù khốc liệt bắt đầu trút xuống gia đình chúng tôi, bố quyết định tung ra đòn “tổng tấn công và nổi dậy” bằng cách kéo chúng tôi vào cuộc ăn vạ bi hài nhất lịch sử!
Chuẩn bị một bó đơn và một cuộn tiền, bố tôi một mình quyết định ngày giờ và thành phần sẽ lên đường chiến đấu! Không ai được bàn lùi. Không ai được tỏ ra nản chí. “Nản chí, mệt mỏi thì sang Mỹ mà ở”- Bố tôi thường bảo chúng tôi thế và tin đó là lời của Phi-den nói với vợ con ông ta!” (…).
“Một lần, trong bữa rượu chỉ có hai bố con, ông nằn nì gạ tôi cho ông đọc tiểu thuyết Lão Khổ. Khi thấy tôi ậm ừ, bố tôi bỗng ngồi thẫn thờ như người mất hồn rồi bảo tôi:
– nó chứ, tao mà không bị oan thì giờ này cũng sắp có huy hiệu 50 năm tuổi đảng.
Tôi cười váng, bảo lại ông:
– Ước gì chả nói, lại đi ước cái thứ thua xa nắp chai ấy. Tặng bố huy hiệu “Ba mươi năm ra khỏi đảng” danh giá gấp vạn!
Bố tôi ngồi lặng đi như vừa bị một cú xuyên thẳng vào tim. Tôi hiểu là cơn “vật đảng” của ông chưa tiệt hẳn. Nhưng, trong một khoảnh khắc mặt bố rất kì lạ và ông bỗng cười phá lên. Rồi bất ngờ ông dốc ngược chén rượu:
-Thôi, đấm buồi vào nữa…!
Chưa đầy nửa năm sau thì bố tôi qua đời”.
KẾT
Rõ ràng văn học Việt đương đại đã không còn chính kịch. Hiểu theo nghĩa đã không còn nhân vật mẫu mực tiêu biểu cho văn chính thống. Văn học đã “Không có vua” nữa rồi (tên một truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp)… Văn học vẫn giữ truyền thống hiện thực nhưng đó là một hiện thực trào phúng, đan xen nhiều thủ pháp ẩn dụ, ám dụ, thậm chí mang vẻ “hồi ức” chân thật… Khó kể hết sự đa dạng của nó cùng với sự trăn trở của nhà văn.