Ngọc Lan
(VNTB) – Chăm sóc sức khỏe cho người dân là nghĩa vụ, chứ không đơn thuần là dịch vụ thuận mua vừa bán.
Theo khuyến nghị từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bảo hiểm Y tế (BHYT) thanh toán 80%, người bệnh đồng chi trả 20%. Nhưng ở Việt Nam, trung bình, người dân phải tự trả 40% chi phí y tế. Mức này hiện cao hơn so với người dân Lào, Campuchia, Myanmar, thấp hơn Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia.
Mức đóng BHYT hiện tại là 4,5% lương cơ sở. Các hạng mục được BHYT đồng chi trả là phí khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, chăm sóc thai sản định kỳ và sinh con. Các dịch vụ sàng lọc sơ sinh, chẩn đoán sớm một số bệnh ung thư, khám sức khỏe định kỳ hoặc tại nhà… chưa được thanh toán. Đặc biệt, nhiều loại thuốc, trong đó có một số thuốc điều trị ung thư hiệu quả cao, vẫn chưa được bảo hiểm chi trả. Nhiều bệnh nhân nghèo bị vuột cơ hội điều trị, do chi phí cho các loại thuốc lên tới hàng trăm triệu đồng.
Để tăng ngân sách cho chăm sóc sức khỏe, giảm tỷ lệ chi tiền túi của người dân, việc chuyển đổi mô hình tài chính y tế là cần thiết. Một số quốc gia đã phát triển mô hình BHYT bổ sung, với mục tiêu giúp thu hẹp khoảng cách giữa BHYT cơ bản và bảo hiểm thương mại, giảm tỷ lệ tự chi trả của bệnh nhân, giúp cải thiện khả năng tiếp cận các loại thuốc và phương pháp điều trị tiên tiến với mức phí bảo hiểm hợp lý. Mô hình BHYT bổ sung này đã đạt được những thành công bước đầu.
Hiện tại, tỷ lệ chi trả từ tiền túi của người bệnh rất cao. Số liệu từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy mức chi trả trực tiếp từ tiền túi là xấp xỉ 43%, tỷ lệ này rất cao so với mục tiêu của Bộ Y tế là 35% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Và sắp tới đây có khoảng 10.000 dịch vụ y tế dự kiến tăng giá từ tháng 7-2024. Con số này sẽ gây lo lắng cho số đông người dân, bởi chi phí cho y tế luôn là nỗi bất an và là gánh nặng cho ngân sách gia đình.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, để người dân không bị “cháy túi” vì dịch vụ y tế, thì y tế cần trở thành phúc lợi từ Ngân sách Nhà nước. Nhà nước sẽ bao cấp nhưng thông qua việc thu thuế cao lên. Nhà nước phải lấy từ thuế ra, thuế cũng là do người dân đóng vào. Khi mà phúc lợi xã hội đã đạt đến mức đó, thì quỹ BHYT sẽ không cần thiết nữa. Đó cũng là một con đường, một phương án cho y tế.
Cụ thể, với hệ thống y tế phân tuyến như ở Việt Nam cần phải áp dụng theo giá dịch vụ. Nếu khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm không đáp ứng được, thì một là người dân phải đóng phí cao hơn, hai là Nhà nước phải bao cấp, đài thọ. Và nguyên tắc trong sản xuất dịch vụ là phải đảm bảo chi phí thì mới đảm bảo được chất lượng của dịch vụ. Người dân muốn một dịch vụ y tế tốt thì phải đảm bảo 3 yếu tố:
– Một là cơ sở hạ tầng, nhà cửa phòng ốc phải tốt, sạch, nước cũng phải sạch, tránh nhiễm khuẩn bệnh viện.
– Hai là trang thiết bị y tế.
– Ba là nhân lực phải tốt.
Nếu một trong các yếu tố không tốt thì không thể đảm bảo dịch vụ y tế tốt được.
Như vậy về lâu về dài phải quay về mức phí, tức là Nhà nước ấn định mức thu, quỹ bảo hiểm năng lực đến đâu thì trả đến đó, còn lại thì bệnh nhân trả và Nhà nước bao cấp. Nếu coi y tế là phúc lợi thì sẽ phải làm như vậy, còn nếu coi y tế là dịch vụ đơn thuần thì buộc người dân phải tự chi trả, xem ra không còn cách nào khác (?!).