VNTB – Chi tiêu NSNN kiểu Vĩnh Phúc: lấy 1 Văn Miếu đổi 1.000 công trình văn hóa

Đinh Liên (VNTB) Tỉnh Vĩnh Phúc gần đưa công trình Văn Miếu vào hoạt động, để thờ… Khổng Tử. Vì sao là Khổng Tử? – Theo ý kiến giải trình từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở VH-TT-DL thì do, trước đó, ở tỉnh này đã có Văn Miếu phủ Tam Đới đời vua Lê Thánh Tông (1469), do đó: “Việc xây dựng Văn Miếu ở Vĩnh Phúc là cần thiết nhằm tái hiện, kế thừa một di tích lịch sử quan trọng; tưởng niệm các danh nhân văn hóa đạo cao đức trọng của Vĩnh Phúc và tiếp nối truyền thống hiếu học của dân tộc, của người Vĩnh Phúc”.

Quả thực, đó là ý nghĩa vô cùng tốt đẹp. Tuy nhiên, công trình “tái hiện, kế thừa lịch sử, tiếp nối truyền thống hiếu học” này thực chất ra là xây mới, và có giá trị đầu tư lên đến 314 tỉ đồng, lệch so với mức giá ban đầu là 270 tỉ. Nghịch cảnh hơn nữa là “Văn Miếu Vĩnh Phúc” ra đời trong bối cảnh “hơn 1.000 di tích văn hóa khác của tỉnh Vĩnh Phúc đang thiếu tiền duy tu, bảo tồn.”

Thế mới biết, các lãnh đạo địa phương cũng nhanh nhạy, không thua kém gì các lãnh đạo cấp trung ương trong việc chi sài tiền ngân sách nhà nước cho những mục đích vô cùng “văn hóa” nhằm che đậy thói lãng phí, vô trách nhiệm của mình trong sử dụng đồng thuế của dân, mặc kệ bội chi ngân sách hay là không. Trong khi đó, ngân sách chi cho phát triển, nhất là về y tế và giáo dục, dạy nghề, đầu tư KH-CN… thì lại nhận được cái thờ ơ, lãnh đạm (?).

Tỉnh Vĩnh Phúc có thể bao biện là các công trình này ra đời để phục vụ đời sống văn hóa người dân như cách mà nhiều tỉnh thành khác từng giải thích với báo giới, tuy nhiên TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách thuộc ĐH Quốc Gia Hà Nội cho rằng: “Tôi nghĩ rằng đây là một thực tế khá phổ biến, tức là họ muốn có một nguồn ngân sách được sử dụng thì họ áp đặt một dự án để xây cho dân. Thế thì về danh nghĩa có vẻ là phục vụ cho người dân, xong về về mục đích có vẻ nhiều hơn là cứ làm sao để có các công trình hay dự án, để giải ngân được. Và trong quá trình đó thì họ có các quyền lợi được gắn liền và cùng nhau chia sẻ những quyền lợi đó.”

Năm 2013, các ĐBQH đã yêu cầu phải lập lại kỷ luật chi tiêu ngân sách ở trung ương và địa phương vốn rơi vào tình trạng “mạnh ai nấy chi”, hai năm sau (2015), ông ĐBQH Trần Du Lịch một lần nữa cũng phải than: “Không thấy ở đâu xài tiền ngân sách lãng phí và tùy tiện như nước mình.”

Cách Vĩnh Phúc chi sài tiền tỉ cho văn miếu, nhà hát, quảng trường, cũng chỉ là biểu hiện của căn bệnh xin và sài ngân sách kiểu “Trâu buộc ghét trâu ăn” – như cách nói của TS. Bùi Ngọc Sơn (Trưởng phòng Kinh tế thế giới – Viện Kinh tế và Chính trị thế giới), theo đó, địa phương nào cũng “thi nhau” giành lấy miếng bánh ngân sách để đầu tư xây dựng cho địa phương mình những công trình hoành tráng, tốn kém mà không cần biết hiệu quả của công trình đó đến đâu.

Dự án văn hóa to mang tên “Văn Miếu” này nằm cùng với nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc (500 tỉ), Quảng trường Hồ Chí Minh (278,4 tỉ), là những công trình trọng điểm được cắt băng khánh thành trong đợt kỹ niệm “40 năm giải phóng miền Nam”.

Câu chuyện Vĩnh Phúc đổi 1 Văn Miếu “copy” cho 1.000 công trình văn hóa, cũng cho thấy, việc giám sát minh bạch ngân sách địa phương, đúng theo dự toán và theo hướng tiết kiệm, chủ động cắt giảm nếu thấy không cần thiết để giảm bội chi vẫn là giấc mơ xa vời.

Vĩnh Phúc cũng có Văn Miếu như ai.
Tin liên quan: Trong khi hơn 1.000 di tích văn hóa đang thiếu tiền duy tu, bảo tồn thì tỉnh Vĩnh Phúc vẫn quyết xây một công trình na ná Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội

Tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, công trình Văn Miếu đang đi vào giai đoạn hoàn thiện sau 4 năm xây dựng. Trên ngọn đồi thoải dốc, Văn Miếu trải rộng hơn 4 ha. Công trình được xây dựng khá công phu, kiên cố với vật liệu chủ yếu là đá và gỗ lim, chạm trổ và điêu khắc theo lối truyền thống như Văn Miếu – Quốc Tử Giám ở Hà Nội.

Thờ Khổng Tử

Công trình Văn Miếu ở Vĩnh Phúc cũng có tứ trụ, cầu đá bằng đá xanh; nghi môn bằng gỗ có hoa văn rồng phượng; nhà bia tổng 3 tầng mái bằng gỗ cùng bia đá đặt trên lưng rùa; hồ Thiên Quang lan can bằng đá khối chạm trổ văn hoa sen cách điệu; 2 nhà bia tả – hữu gồm 9 gian, mái gỗ đặt bia đá trên lưng rùa bằng đá; đại thành ôn gồm 3 gian bằng gỗ trang trí theo lối “cá chép vượt vũ môn”; gác chuông, gác trống; sân hành lễ rộng gần 3.000 m và đền thờ chính (bao gồm đại bái, hậu cung)… Đến nay, Văn Miếu – Vĩnh Phúc đã hoàn thành cơ bản, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.

Một hạng mục trong Văn Miếu – Vĩnh Phúc được làm bằng gỗ lim 

Theo quyết định phê duyệt đầu tư của chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc vào tháng 10-2011, Văn Miếu được xây dựng tại khu đô thị Hà Tiên (phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên) trên diện tích 4,241 ha do Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí 270,9 tỉ đồng. Sau 4 năm xây dựng và nhiều lần bổ sung kinh phí, tổng mức đầu tư vào công trình này đã lên đến 314 tỉ đồng.
Lý do chi hơn 300 tỉ để xây dựng Văn Miếu được thể hiện trong tờ trình của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở VH-TT-DL: “Là nơi thờ Khổng Tử, nhà tư tưởng và giáo dục lớn thời cổ đại. Các nước theo Nho giáo trước đây như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam đều xây dựng Văn Miếu… Còn với Vĩnh Phúc, khởi đầu có Văn Miếu phủ Tam Đới đời nhà Lê. Phủ này được thành lập vào niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469) đời Lê Thánh Tông. Đến năm 1822, khi tên phủ Tam Đới đổi thành phủ Vĩnh Tường, Văn Miếu phủ Tam Đới chuyển giao cho Vĩnh Tường quản lý rồi trở thành Văn Miếu của tỉnh Vĩnh Yên (nay là TP Vĩnh Yên). Do đó, việc xây dựng Văn Miếu ở Vĩnh Phúc là cần thiết nhằm tái hiện, kế thừa một di tích lịch sử quan trọng; tưởng niệm các danh nhân văn hóa đạo cao đức trọng của Vĩnh Phúc và tiếp nối truyền thống hiếu học của dân tộc, của người Vĩnh Phúc”.
Nhiều ý kiến chưa đồng thuận
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Mạnh Định, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết qua thời gian, Văn Miếu chỉ còn bia ghi tên một số thủ khoa. Sau đó, năm 2008, đơn vị này mới xin chủ trương xây Văn Miếu.
Về nhận định Văn Miếu – Vĩnh Phúc không khác mấy so với Văn Miếu – Quốc Tử Giám ở Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Chánh Văn phòng Sở VH-TT-DL tỉnh Vĩnh Phúc, giải thích kết cấu một công trình thờ tự thì tương đối giống nhau, khó làm khác được.
Về ý kiến của người dân khi xây dựng Văn Miếu, ông Trần Mạnh Định cho biết thêm theo thiết kế, bài trí thờ tự ở phần cuối là bài vị Khổng Tử. Tuy nhiên, khi xây dựng gần xong thì xảy ra tranh cãi. “Có ý kiến không đưa bài vị của Khổng Tử vào thờ. Ngoài ra, việc sắp xếp bài vị thờ tự các nhà nho ở Vĩnh Phúc cũng chưa được đồng thuận. Cái gì không ổn thì tổ chức hội thảo để làm rõ” – ông Định nói.
Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Vĩnh Phúc, địa phương hiện có hơn 1.000 di dích, trong đó có 65 di tích quốc gia. Do không đáp ứng đủ, ngân sách nhà nướcchủ yếu chi cho việc duy tu, bảo tồn các di tích quốc gia, còn lại trông chờ vào nguồn xã hội hóa.
Ông Trần Mạnh Định cho biết ngân sách dành cho duy tu, bảo tồn di tích của tỉnh đang rất thiếu. “Ngành văn hóa đang tham mưu cho tỉnh lập quỹ bảo tồn di sản. Hằng năm, tỉnh cần 20-30 tỉ đồng để duy tu, bảo tồn di tích. Tuy nhiên, nhu cầu là một chuyện, ngân sách đáp ứng đủ hay không lại là chuyện khác” – ông Định giãi bày.
Theo Nguyễn Quyết (NLĐ)

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)