VNTB – Chiến lược chống dịch của Việt Nam sẽ điều chỉnh?

VNTB – Chiến lược chống dịch của Việt Nam sẽ điều chỉnh?

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – “Cho đến nay, hệ thống phòng dịch của Việt Nam vẫn đang hoạt động rất hiệu quả, nhưng có vẻ đã có sai sót ở một khâu nào đó, khiến mầm bệnh lây lan từ những người hoàn thành cách ly”.

 

Giáo sư Rogier van Doorn, Giám đốc của Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU) tại Hà Nội, có nhận xét như trên.

Giáo sư Rogier van Doorn, nói rằng, “Điều khiến chúng ta lo lắng là nhiều biến thể của chủng SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm từ người sang người dễ dàng hơn. Việt Nam xây dựng được một hệ thống nhằm kiểm soát những biến chủng thuộc thế hệ đầu. Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét tính hiệu quả của hệ thống này trong trường hợp virus SARS-CoV-2 tiếp tục biến đổi”.

Giáo sư Trần Tịnh Hiền, một đồng nghiệp của giáo sư Rogier van Doorn, cùng làm việc tại Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU), nhắc lại một điều mà người Việt hay mắc phải, đó là “Không ai muốn bị nhiễm bệnh nên dù có gì xảy ra cũng phải được đối xử như ‘người thân’. Nếu dịch có bùng phát thì cũng là do nhiều yếu tố, vì vậy cũng đừng nên lấy một người hay một cộng đồng làm ‘bung xung’ mà chê trách, trút mọi tội lỗi lên…”.

Giáo sư Trần Tịnh Hiền giải thích ‘bình dân học vụ’ nhất quanh chuyện “biến thể Ấn Độ” đang được cho là hoành hành mạnh mẽ nhất tại Việt Nam lúc này:

“Biến thể Ấn Độ B1.617.2 là một biến thể xuất hiện đầu tiên ở Maharashtra Ấn Độ từ tháng 12/ 2020, với các đột biến điểm: T19R, G142D, R158G, L452R, T478K, D614G, P681R, D950N 156del, 157del.

Có nghiên cứu cho là chủng này có thể làm giảm khả năng trung hoà của vài kháng thể đơn dòng đang được sử dụng để điều trị bệnh nhân cũng như của huyết thanh người đã được tiêm phòng.

SARS-CoV-2 là một virus RNA với bộ gene có 29,881 cặp base, chứa mã hoá của 9860 amino-acid. Các protein cấu trúc được mã hoá ở các gen là S(spike), E (envelope), M (membrane), và N (nucleocapsid), trong khi các protein không cấu trúc là những men như 3-chymotrypsin-like protease, papain-like protease, và RNA-dependent RNA polymerase, được mã hoá ở vùng “Khung Đọc Mở” (Open Reading Frame).

Protein gai S thường có 1,273 amino-acid có thể viết dưới dạng mã hoá (H.3). Ngoài đột biến trên còn có 16 đột biến khác; có đột biến làm thay đổi virus (làm mạnh hơn hay yếu hơn) nhưng cũng có thể không có tác dụng gì cả, chỉ như một hành trang mang theo bên mình mà thôi.

Khi virus phát triển bằng cách chiếm dụng tế bào cơ thể để sao chép các mã hoá trong bộ gen của chúng nhằm tạo các protein để tạo các virus mới thì đôi khi lại “chép nhầm” (nhầm chữ hay bỏ chữ) để gây đột biến. Như thế nguồn cơn đầu tiên của những đợt dịch bùng phát chính là sai sót của virus, của tự nhiên! Có ai bắt lỗi chúng được?

Và như vậy theo thông tin của Viện Vệ sinh dịch tễ Hà Nội, “virus lai” mà Bộ Y tế đã công bố là một virus có thêm “đột biến xoá” 144del xuất hiện trên biến chủng B1.17 nhưng chưa thấy trên biến chủng Ấn Độ B1.617.2. Cả hai biến chủng này đã có chung đột biến D614G mà một lúc khá nổi tiếng vì là đột biến đầu tiên sau chủng virus nguyên thuỷ ở Vũ Hán.

Đến giờ biến chủng từ Ấn Độ này đã được xếp vào biến chủng đáng quan ngại (VOC – variant of concern). Sự xuất hiện thêm một đột biến trên biến chủng này có thể mới được phát hiện, nhưng cần xác định và theo dõi  tỷ lệ xuất hiện theo thời gian (tăng dần hay giảm), tác động lên các đặc tính của virus như tính lây nhiễm, độc lực (làm tình trạng bệnh nhân nặng hay tỷ lệ tử vong gia tăng).

Để có được các thông tin này thì giải trình tự toàn bộ gen cho nhiều bệnh nhân hơn và ở nhiều vùng khác nhau, rất cần thiết không những cho Việt Nam mà còn cho cả thế giới!”.

Cùng cách nhìn đó, giáo sư Rogier van Doorn cho rằng điều khiến chúng ta lo lắng là nhiều biến thể của chủng SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm từ người sang người dễ dàng hơn.

“Việt Nam xây dựng được một hệ thống nhằm kiểm soát những biến chủng thuộc thế hệ đầu. Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét tính hiệu quả của hệ thống này trong trường hợp virus SARS-CoV-2 tiếp tục biến đổi” – giáo sư Rogier van Doorn, nói với lưu ý: Nhiều người nói rằng một số biến chủng dễ lây lan hơn, song chưa có biểu hiện rõ ràng nào cho thấy chúng gây bệnh nặng hơn.

Vấn đề này cần phải được theo dõi thêm, không chỉ trong Việt Nam mà còn cả ở quy mô quốc tế. Đó là lý do các nhà nghiên cứu virus và các nhà dịch tễ học vẫn đang trao đổi hàng tuần về số lượng và mức độ nghiêm trọng của các ca nhiễm.

“Khi chứng kiến 4 cụm lây nhiễm trước, tôi đã rất lo lắng, nhưng tôi sau đó luôn được chứng minh mình đã sai. Ví dụ như đợt bùng phát ở Đà Nẵng và ở Hải Dương, dù nghiêm trọng, thì số ca mắc đều được kiểm soát sau đó. Lần này, vì virus có khả năng lây lan cao hơn, nên tôi nghĩ sẽ khó ngăn chặn hơn” – giáo sư Rogier van Doorn, nhận định.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)