Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chiến mã nào rồi cũng có lúc chùn chân

MT

 

(VNTB) – Giọt lệ của ‘những thằng già’ như tôi, như anh Phạm Chí Dũng mà nhớ mẹ, nhớ cha thì cứ thể như nuốt ngược vào tim, mặn biết chừng nào!…

 

 

Bài viết này xin được là nén hương lòng nguyện cầu bác Ba Hùng an nhiên nơi cõi Phật.

Tôi và anh Phạm Chí Dũng là bạn cùng nghề viết lách chung một tòa soạn. Lúc mới biết nhau, tôi nghe nói anh là hạt giống đỏ, con trai đầu của một quan chức làm việc ở Thành ủy TP.HCM. Tôi không đọc báo đảng, không là đảng viên, dù thi thoảng vẫn đến trụ sở Thành ủy để lấy tin tức nên sau này tôi hiểu với bệ phóng của thân phụ, anh Phạm Chí Dũng đường hoạn lộ rộng mở, nhất là anh được đào tạo bài bản về học thuật chuyên ngành kinh tế – tài chính.

Chặng đường gần một phần ba thế kỷ làm việc trong bộ máy công quyền, anh Phạm Chí Dũng từng được huấn luyện nghiệp vụ cho vai trò quản lý thị trường chứng khoán ngay khi việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được bắt đầu. Cũng không gì lạ, vì anh vững lý luận kinh tế tài chính, nhất là luận án tiến sĩ kinh tế của anh được hướng dẫn bởi giáo sư Trần Trung Hậu – một nhà giáo cấp tiến của trường Đại học Tổng hợp TP.HCM.

Một chút về giáo sư Trần Trung Hậu. Năm 2 đại học, ở tiết Kinh tế chính trị, lần ấy thầy Hậu có chuyện phiếm về chức vụ ‘cố vấn’, và ông dẫn cố vấn Phạm Văn Đồng ra kể về việc khi hỏi ý kiến dạng ‘yes – no’, thì cụ cố vấn buông gọn: ‘sao cũng được’. Đó là ‘ba phải’, thầy Hậu nói với sinh viên vậy mà không ngại… phạm húy.

Với một người thầy rạch ròi như vậy nên nghiên cứu sinh Phạm Chí Dũng, tôi tin rằng cũng sẽ tựa như thi sĩ Phùng Quán: “Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã – Bút giấy tôi ai cướp giật đi – Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá”/ Lời mẹ dặn.

Anh Phạm Chí Dũng không là nhà báo quốc doanh theo nghĩa có “Thẻ nhà báo”, nhưng anh là nhà văn với nhiều đầu sách gồm tiểu thuyết và cả truyện ngắn. Anh là hội viên của Hội Nhà văn TP.HCM.

Về sau khi cả tôi và anh Phạm Chí Dũng đã rời cơ quan nhà nước, thân tình hơn, tôi có thắc mắc vì sao anh lại trả thẻ Đảng và trả luôn cả thẻ hội viên Hội Nhà văn, trong khi anh là con nhà nòi gộc cộng sản đỏ?

Anh kể mình sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, sau năm 1975 mới biết quê cha đất tổ ở xứ Cái Tàu Hạ, Đồng Tháp. Giọng của anh tuy vẫn lai chút Bắc, nhưng có lẽ do thân phụ của anh rặt Nam bộ nên anh Phạm Chí Dũng lúc trà dư tửu hậu không màu mè, khách sáo, đãi bôi.

Rồi lần cà phê ấy, anh bảo, ‘tôi bỏ… rồi’. Ừ, thì anh cứ coi như mình chưa vào là được. Nhưng làm sao có thể “coi như” được khi một người đã mấy mươi năm sống trong môi trường ‘đỏ’, có thân phụ một đời đi theo con đường lót đầy tranh vẽ… Có nghĩa gì đâu khi anh kể tôi nghe nhiều chuyện cung đình thâm cung bí sử, chỉ là những mẫu chuyện ngoại sử, sẽ không bao giờ đi vào chính sử. Nhiều chuyện thời sự, anh phân tích cho tôi nghe bằng cái nhìn lắc léo của một cán bộ Thành ủy.

Cũng có nghĩa gì đâu, khi anh nói với tôi, chúng ăn từ trên xuống dưới, phe nhóm lợi ích, đạo đức giả hại người…. Nếu cái sai đã có hệ thống, thì chỉ có xóa bàn làm lại, vì càng sửa càng sai. Một khi công lý bị chỉ đạo thì đâu còn gì để nói… Cảm giác bị lường gạt mấy mươi năm thì nỗi hận cứa vào tim, dễ gì nguôi.

Tôi tính nói, bây giờ là lúc anh nên quên đồng chí của anh đi, chỉ nên nói về đồng đội. Đồng đội không biết phê và tự phê, đồng đội chỉ biết kể chuyện năm xưa, biết lắng nghe và chia sẻ. Nhưng thôi, dẫu gì anh cũng là con nhà nòi, và hơn thế nữa, tôi không muốn chạm vào nỗi niềm của thân phụ anh – một lão thành cách mạng, nói như phân ưu của nhà thơ Bùi Minh Quốc – ‘cúi đầu bái biệt anh Ba Hùng, một chiến sĩ cách mạng trọn đời tiền phong gương mẫu gắn bó máu thịt với nhân dân’.

Ngày ba tôi mất, anh Phạm Chí Dũng đã đến chia sẻ suốt mấy hôm liền. Tôi hiểu, anh ít nhiều lo lắng khi ba của tôi cùng lứa ‘tiền phong’ với thân phụ của anh, có khác chăng đó là về ‘chiến tuyến’, khi ba của tôi thuộc thành phần phải ‘học tập cải tạo’ sau tháng 4-1975.

Một chút về bác Ba Hùng. Những lần đến thăm nhà, khi ấy thân phụ của anh Phạm Chí Dũng đã đi lại khó khăn vì di chứng tai biến. Cứ mỗi lần chuẩn bị cơm trưa là ông chờ ‘rủ’ bằng được ăn với đứa cháu nội nếu hôm đó cháu không phải đi học. Cháu nội hôm nay chính là hình ảnh đứa con của ông thuở tấm bé…

Tôi tin, và tôi nghĩ anh Phạm Chí Dũng cũng tin nụ cười của bậc phụ mẫu những khi này không phải là nụ cười vì tiền vì bạc, vì chén cơm manh áo, vì quyền bính thế gian. Đó là là nụ cười mãn nguyện khi con cháu ở bên mình, vẫn chưa quên mình… Chất lượng cuộc sống lắm khi có lý hơn kéo dài cuộc sống. Tôi ngộ ra điều này sau khi tôi mồ côi cả mẹ lẫn cha.

 

Anh Phạm Chí Dũng tuổi ngọ. Chiến mã nào cũng có lúc mỏi mệt. Thời gian chẳng quay lại, và cũng chẳng làm nguôi ngoai nỗi nhớ! Giọt lệ của ‘những thằng già’ như tôi, như anh Phạm Chí Dũng mà nhớ mẹ, nhớ cha thì cứ thể như nuốt ngược vào tim, mặn biết chừng nào!…


Tin bài liên quan:

VNTB – Nhớ TS Phạm Chí Dũng

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB- ‘Thí điểm phá sản ngân hàng’ và di căn ung thư không tránh thoát

Phan Thanh Hung

VNTB- Mọi nẻo đường đều dẫn đến Nguyễn Tấn Dũng?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo