Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chính phủ hay doanh nghiệp đã “bay giải cứu”?

Nguyễn Nam

(VNTB) – Chính phủ đã không làm gì cả, còn các quan chức thì lợi dụng ‘bán quota’.

 

Dừng “bay thương mại” để “bay giải cứu”: nhân đạo hay trục lợi?

Cáo trạng vụ án “chuyến bay giải cứu” kết luận: Khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch. Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số bộ, ngành và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.

Thực hiện chủ trương này, trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9-2020 đến tháng 12-2022, 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ 164.868.277.300 đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại 10.450.000.000 đồng;

23 cá nhân là đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ 226.786.881.380 đồng; 4 cá nhân môi giới hối lộ 74.454.078.000 đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiến 24.549.312.000 đồng.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng nêu rõ, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra giữa lúc Covid-19 căng thẳng. Các bị can đã lợi dụng dịch bệnh, bất chấp các quy định để trục lợi, khiến uy tín của Việt Nam bị giảm sút.

Một thắc mắc ở tầm học trò phổ thông: các chuyến bay giải cứu được Thủ tướng giao cho Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số bộ, ngành và địa phương thực hiện, vậy thì nếu có xảy ra tham nhũng thì chỉ có quan chức các bộ, ngành và địa phương; đàng này lại “dính” rất nhiều chủ doanh nghiệp.

Hơn nữa, để doanh nghiệp tham dự vào “chuyến bay giải cứu” như một dạng công – tư hợp doanh, thì phải sòng phẳng và minh bạch tài chính, chứ sao lại phải có những khoản tiền “bôi trơn” hàng chục tỷ vậy được?

Rõ ràng ở đây chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từ bỏ nhiệm vụ mà Đảng và pháp luật giao phó, khoán cho doanh nghiệp và từ đó cả 1 hệ thống trong chính phủ trục lợi. Nói cách khác, thay vì  chính mình phải thực hiện, hoặc lên kế hoạch và trực tiếp thuê các hãng bay, doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ… làm và trực tiếp giám sát, thì chính phủ không làm gì cả, còn các quan chức thì lợi dụng như kiểu ‘bán quota’ dạo nào.

“Trên đưới đồng lòng”… tham nhũng

Liên tưởng vụ án “chuyến bay giải cứu” đến những mẫu câu phát biểu mà Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh ở các diễn văn suốt từ khi Đại hội Đảng lần thứ XIII đến nay, rằng, “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”,… cho thấy quả đúng là những cụm từ được khai thác triệt để khi các bộ, ngành cùng ngoéo tay nhau để “cùng tham nhũng” đầy bài bản từng đường đi, nước bước theo trình tự của thủ tục hành chính cho “chuyến bay giải cứu”.

Nghi vấn ở đây còn liên quan trực tiếp đến cá nhân của ông Nguyễn Xuân Phúc trong vai trò Thủ tướng chính phủ.

Lật lại tin tức cũ.

Chiều ngày 1-12-2020, tại trụ sở chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 báo cáo tình hình và các biện pháp phòng chống.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thời gian qua, chúng ta đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống, đề cao cảnh giác, chứ không phải “mất bò mới lo làm chuồng”.

Ngày 30-11-2020, sau khi có thông tin ghi nhận có ca bệnh lây từ người cách ly, Thủ tướng đã gọi điện thoại cho lãnh đạo TP.HCM và Bộ Y tế để có biện pháp mạnh hơn. Người đứng đầu Chính phủ cho hay đã yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm về việc lây nhiễm này “ở bộ phận nào, cá nhân nào trong thực hiện quy trình cách ly. Cơ quan nào chịu trách nhiệm”.

Đề nghị thảo luận thêm một số biện pháp mạnh mẽ hơn, Thủ tướng lưu ý, thời gian tới sẽ có nhiều cuộc họp, hội nghị, đại hội, sự kiện lớn của đất nước, tập trung nhiều người như tổng kết năm của các bộ, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII…

“Vậy chúng ta có biện pháp nào để không ảnh hưởng đến sự kiện chính trị lớn nhất của nước ta và các đại hội quy mô quốc gia khác? Bên cạnh đó, hiện nay, chúng ta đón nhiều công dân từ các “trung tâm dịch” của thế giới về nước. Vậy quyết sách về vấn đề này như thế nào?” – Thủ tướng cho biết có ý kiến đặt vấn đề tại sao Hà Nội và TP.HCM quy định chặt chẽ việc đeo khẩu trang nơi công cộng, trong khi một số tỉnh, thành phố khác lại không, “vậy chủ trương nhất quán của chúng ta là tất cả các phương tiện công cộng, nơi đông người… phải thực hiện một số khâu của Thông điệp 5K”.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ các chuyến bay thương mại tạm dừng, chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu đối với các trường hợp khó khăn, thực sự cần thiết. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “phải bình tĩnh và quyết liệt hơn”, cả hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ hơn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác ở mọi địa bàn, trước hết là các thành phố lớn, các khu tập trung đông người. Thực hiện nghiêm túc “Thông điệp 5K”, trước hết là 2K: Đeo khẩu trang và khử khuẩn.

“Tiếp tục thực hiện chiến lược từng mang lại hiệu quả trong 2 đợt dịch trước đây là kiểm soát chặt chẽ từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả và có trách nhiệm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tổng bí thư Đảng phải chịu trách nhiệm… toàn diện

Thời điểm đó, người chịu trách nhiệm quản lý cao nhất về chuyện điều hành phòng, chống dịch Covid-19 là ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng chính phủ.

Khi ấy đúng là không mấy ai dám tưởng tượng là tình cảnh ngặt nghèo đến vậy, với người cộng sản, hóa ra “trong nguy có cơ” còn từ việc trục lợi bất cứ việc gì liên quan đến cuộc “tháo chạy” của người dân ra khỏi những nơi dịch giã.

Bởi một khi đã dừng “bay thương mại”, thì vì nhu cầu sống còn của “đào thoát” khỏi nơi dịch giã, giá cả nào thì người ta cũng phải chấp nhận cho những “chuyến bay giải cứu” được tuyên truyền khoác chiếc áo của vấn đề nhân đạo.

Ở đây còn chưa nói đến những mức ra giá vô tội vạ của những nơi được “phê duyệt danh sách” cho hai tuần lễ “cách ly có thu phí” từ hành khách ở “chuyến bay giải cứu”.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao cung cấp, đầu tháng 12 năm 2021, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các cơ quan chức năng Việt Nam trong và ngoài nước đã tổ chức hơn 800 chuyến bay, đưa gần 200.000 công dân Việt Nam từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến phàn nàn giá vé các chuyến bay nhân đạo đưa công dân về nước cao so với bình thường.

Trả lời về việc này, các hãng bay khẳng định không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, giá vé cao là do phát sinh nhiều chi phí khác. Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao ngày 20 tháng 1 năm 2022, báo chí cũng đặt câu hỏi việc công dân về nước theo các chuyến bay giải cứu phải trả số tiền lớn, thủ tục khó khăn và nghi vấn có trục lợi từ các chuyến bay “giải cứu”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (bà Hằng giờ là thứ trưởng Ngoại giao) khẳng định: “Chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước là chủ trương đúng đắn và nhân đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam. Điều này cần đặt trong bối cảnh trong nước có những thời điểm hết sức khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh”.

Như vậy, cho dẫu bản án sắp tới đây của “chuyến bay giải cứu” ra sao đi nữa, thì về nguyên tắc, nói như phát ngôn của bà Lê Thị Thu Hằng, Đảng phải chịu trách nhiệm cao nhất khi để xảy ra những sai phạm thuộc “chức trách công vụ”, chứ không phải chuyện doanh nghiệp làm dịch vụ kiếm lời.


Tin bài liên quan:

VNTB – Quyền tự do công đoàn ở Việt Nam sẽ ra sao?

Phan Thanh Hung

VNTB – Biên chế chính trị

Trương Thế Tử

VNTB – Quyết định chính trị tồi: dân phải trả giá

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo