Lê Mạnh Hiến
(VNTB) – Chính quyền cần xem sự kiện Đồng Tâm ngày 9-1 như là hình mẫu nghiên cứu về phản ứng xã hội, hơn là áp đặt đó là sự kiện “chống đảng, chống nhà nước” thông thường để rồi có khả năng sẽ dẫn đến các phiên bản Đồng Tâm tiếp theo trong tương lai, với mức độ phản ứng và hậu quả lớn hơn.
Trong câu chuyện Đồng Tâm, chính quyền đã thực sự “áp đặt quyền lực”, coi nhẹ dân vận. Từ đó không làm tốt “đo lường cảm xúc xã hội”, điều mà Chính phủ có thể giao cho đội ngũ nhân viên thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện.
Vào ngày 2/1/2019, Tạp chí Mặt trận (cơ quan của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc) đăng tải bài viết của ThS Bùi Hồng Việt, Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương). Nội dung bài bàn về khái niệm và chỉ báo đo lường dư luận xã hội, đề cập ‘dư luận xã hội được đo lường bằng các luồng ý kiến khác nhau về một vấn đề’ và luồng ý kiến về các vấn đề công cộng trong xã hội sẽ gồm có đồng tình hoặc phản đối. Tiến hành đo lường dư luận xã hội sẽ được tiến hành bằng cách lấy mẫu dựa trên nhận thức, thái độ, hành vi và xu hướng hành động của người dân về một sự việc nào đó.
Trở về vấn đề Đồng Tâm, hai tuần trước sự kiện 9/1, chính quyền có thể dễ dàng đo lường được cảm xúc xã hội xoay quanh vấn đề Đồng Tâm. Không chỉ dừng ở lấy mẫu người dân Làng Hoành, mà cả đo thái độ và cảm xúc của những người có liên quan hoặc liên quan trực tiếp đến vấn đề đất đai ở Đồng Tâm trên mạng xã hội. Có thể dẫn ra đây fanpage Đồng Tâm Media – nơi ghi ý kiến của nhóm tinh thần ở Đồng Tâm (gồm cụ Lê Đình Kình, và những người cùng chí hướng), tiếp đó có thể ghi nhận cảm xúc xã hội thông qua các Facebooker có tiếng trong vấn đề đất đai như bà Cấn Thị Thiêu, bà Nguyễn Thị Tâm, hai anh em Trịnh Bá Tư – Trịnh Bá Phương,v.v
Nhìn vào phản ứng của những con người này, cùng với lấy mẫu người dân Làng Hoành có thể trợ giúp rất lớn cho một phương án giải quyết tối ưu vấn đề đất đai ở Đồng Tâm. Phương án đó có thể tăng cường niềm tin của người dân với chính quyền, dàn xếp ổn thỏa các quan điểm về đất đai, cũng nhưng không để ra thương vong như sự kiện ngày 9/1.
Rất tiếc, chính quyền lần này chủ quan và vẫn sử dụng chủ đạo tư tưởng “quyền lực áp đặt” nên dẫn đến phản ứng xã hội ngược chiều với ý chí của nhà cầm quyền. Chính xác hơn, công tác dân vận gần như bị bỏ rơi trong giải quyết vấn đề ruộng đất ở Đồng Tâm. Điều đáng nói là, trước, trong và sau khi sự kiện ngày 9/1 xảy ra, “quyền lực áp đặt” vẫn tiếp tục diễn ra trên bề mặt truyền thông nhà nước, gây chia rẽ dư luận xã hội sâu sắc.
Do đó, điều cấp thiết cần phải làm chính là điều hòa mối quan hệ giữa người dân và chính quyền trên cơ sở minh bạch toàn bộ vấn đề đất đai ở Đồng Tâm, truy cứu người có trách nhiệm trong điều động lực lượng vũ trang về Đồng Tâm gây ra thương vong cho cả hai phía. Đồng thời, tôn trọng người đã mất trong vụ việc này, không sử dụng các hình thức “đấu tố” trên báo chí – truyền thông. Dừng tất cả các hành vi hay phát ngôn xúc phạm người Đồng Tâm đã chết trong vụ việc nêu trên. Bắt đầu tái lập lại đối thoại với những người dân Đồng Tâm có liên quan trực tiếp đến vụ việc đất đai. Ngừng truy tố đối với những người Đồng Tâm đã bị bắt giam sau sự kiện ngày 9/1. Tiến hành tháo gỡ hoàn toàn kiềm soát tại Đồng Tâm để tình hình sinh hoạt của bà con trở lại bình quyền.
Một chính quyền thực sự vì dân là một chính quyền biết đo lường cảm xúc dư luận xã hội và quyết định dựa trên lắng nghe quan điểm, nguyện vọng của người dân. Tránh tình trạng hơn thua với người dân trong các vấn đề liên quan đến tranh chấp, đến mức bỏ qua đối thoại và coi người dân là “phần tử nguy hiểm.”